Bài viết rất hay:
Tìm tiền tăng lương, các bộ trổ tài nói thật
(Trái hay Phải) – Khả năng xây dựng chính sách của các bộ ngành quả nhiên đã có tiến bộ vượt bậc, khi Nhà nước không thể tìm nguồn tăng lương nhưng vẫn yêu cầu các doanh nghiệp phải tăng mọi thứ theo đúng lộ trình...
Nam mô A Di Đà Phật! |
Mấy ngày liền, một đề tài hấp dẫn hàng đầu trên tất cả các tờ báo giấy, báo mạng, thành vơ-đét, tin hot là chuyện có thể sẽ giãn lộ trình tăng lương cơ bản trong năm 2013. Nguyên nhân, theo giãi bày của Bộ Tài chính trước các đại biểu Quốc hội, thì trong lúc kinh tế khó khăn như thế này, Bộ không làm sao tìm được đủ 60 nghìn tỷ để cân đối ngân sách.
Dù sao đi nữa, Bộ Tài chính xứng đáng được thiên hạ dành cho một tràng pháo tay, ít nhất là vì sự thật thà. Hẳn quý vị vẫn còn nhớ, hôm 10/10, báo cáo trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá tổng quan về nền kinh tế là “có những chuyển biến tích cực, đúng hướng”, với những điểm sáng như lãi suất tín dụng giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, chỉ số tồn kho giảm dần…; 10 trong số 15 chỉ tiêu Quốc hội giao đều có triển vọng đạt và vượt kế hoạch.
Như vậy là, nếu khi tổng kết những kết quả đã làm được, Bộ Kế hoạch dường như chỉ muốn các đại biểu Quốc hội nhìn thấy những điểm sáng, thì để lý giải cho việc chưa thể tăng lương, Bộ Tài chính lại khăng khăng khẳng định tình hình còn rất khó khăn. Nghe qua, người ta cứ tưởng đâu hai Bộ này không hề biết đến sự tồn tại của nhau trên cõi đời, hoặc giả hai bên đang nói về những nền kinh tế - xã hội khác nhau thì phải. Kinh nghiệm cổ xưa rằng thực tế là cái mà ta muốn nó xảy ra phải chăng đã được áp dụng ở đây?
Mà cũng chẳng phải soi bộ này bộ nọ, mà chỉ cần nhìn chính Bộ Tài chính từ tuần này sang tuần khác cũng đã thấy ối điều thú vị rồi. Ngày 16/10, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính tự tin với nỗ lực cao nhất, thu ngân sách 2012 sẽ đạt dự toán. Đến ngày 22/10, trước Quốc hội, cũng cơ quan giữ tay hòm chìa khóa này đánh giá khả năng hoàn thành dự toán thu năm nay là rất khó khăn.
Chẳng biết ai phải hơn ai, cũng chẳng biết Bộ Tài chính hôm 16 phải hơn hay Bộ Tài chính hôm 22 phải hơn? Vị Bộ trưởng này đã tuyên bố như đinh đóng cột, trừ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho in thêm tiền, còn tuyệt nhiên không thể bố trí ngân sách để tăng lương. Chẳng rõ có quy định nào của pháp luật trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyền quyết định in tiền, nhưng nghe đề xuất của ông Bộ trưởng là người ta đủ biết ông không chỉ mạnh dạn mà còn lạc quan vui tính nữa, cho dù là trước Quốc hội!
Dông dài một chút về việc thu ngân sách, người viết bài này thiển nghĩ rằng Bộ Tài chính còn rất tài tình trong việc đặt mục tiêu thu nữa kia. Nếu tình hình không quá khốn khó, hẳn kiểu gì Bộ cũng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu như đã từng: Năm 2010 vượt thu 98.000 tỷ, năm ngoái có giảm đi chút ít nhưng cũng tới 74.000 tỷ. Không biết quý vị đánh giá số này to hay bé, nhưng đặt cạnh 60.000 tỷ mà chúng ta đang cần để tăng lương trong năm tới, nhiều người hẳn sẽ thở dài.
Chỉ tiếc, mấy năm vừa rồi, ngành Tài chính hình như đã trót say mê cái triết lý sống gấp, sống có chất lượng cao cho nên đã tiêu xong mấy chục nghìn tỷ này ngay trong năm tài khóa. Nói như các cụ gọi là bóc ngắn cắn dài, còn những người ngây thơ nhất cũng có thể tự hỏi, liệu người ta có đặt mục tiêu thấp để bao giờ cũng xuất sắc vượt qua? Nếu quả có thể, thì kinh nghiệm cho thi tốt nghiệp cốt để đỗ bên ngành Giáo dục quả nhiên đã được áp dụng xuất sắc.
Đến ngày cuối cùng của tháng 10, trên diễn đàn Quốc hội, các bộ ngành tiếp tục thi nhau phác thảo những giải pháp khả thi đến nỗi người nghe có thể váng hết cả đầu. Trước hết, phải kể đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi phụ họa theo Bộ Tài chính, cho biết muốn tăng lương thì nhất định phải giảm đầu tư, mà mức đầu tư từ ngân sách theo kế hoạch đã là thấp lắm rồi.
Tìm giải pháp để doanh nghiệp làm ăn khấm khá hơn, từ đó tăng nguồn thu ngân sách, Bộ Tài chính cho rằng việc giải quyết nợ xấu là trách nhiệm của các tổ chức tín dụng. Nghe nhận định này, Ngân hàng Nhà nước mau mắn phân trần đây là trách nhiệm của rất nhiều cơ quan, trong đó có cả Quốc hội và Chính phủ, cá nhân Thống đốc thì “không thể hứa gì” về quá trình này. Mà như chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhận định, nợ xấu nay không chỉ là “cục máu đông” làm tắc nghẽn nền kinh tế, mà đã trở thành cái “vòng kim cô làm chết doanh nghiệp".
Có rất nhiều cách để diễn giải những thông điệp của các bộ ngành, như các bộ ngành đánh giá về tình hình kinh tế hiện nay, nhưng với doanh nghiệp, ta có thể tóm lại ở điểm mấu chốt nhất: Việc giải tỏa cục máu đông hay cái vòng kim cô nói trên là chưa có gì khả quan. Các bộ ngành còn đang tế nhị nói về cái gọi là trách nhiệm “của anh, của tôi, của chúng ta” tại diễn đàn Quốc hội kia mà! Nói rõ hơn nữa: Những khó khăn sẽ còn tiếp tục.
Trong khi ấy thì, theo như tiết lộ mới đây, khu vực doanh nghiệp sẽ có vinh dự được tăng lương cho người lao động theo đúng lộ trình, còn khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước sẽ tạm giãn cho đến khi nào có đủ điều kiện.
Ấy đấy, các bộ ngành của chúng ta tài tình thế đấy: Ngân sách khó khăn do các doanh nghiệp gặp khó khăn, Nhà nước không tìm được nguồn thu thì rẹt một phát, dừng tăng lương là khỏe re. Nhưng các doanh nghiệp thì tuyệt đối không được bắt chước, còn họ tìm kinh phí ở đâu để tăng lương lại không thuộc phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền của chúng tớ! Doanh nghiệp phải có trách nhiệm với người lao động chứ, nhỉ.
Một lần nữa, câu thần chú “không tiền cạp đất mà ăn” của người đẹp Ngọc Trinh lại khiến người ta phải thấy thán phục một cách sâu xa và thành kính, thán phục chẳng kém gì lời của các cụ ngày xưa: Miệng nhà quan có gang có thép!
- Tam Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét