Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

(1) BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2012 VÀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2013


CHÍNH PHỦ
-          -
Số: 284/BC-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-                                                                 -
Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2012

BÁO CÁO
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2012
VÀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2013
 

Kính gửi: Đại biểu Quốc hội Khóa XIII

Căn cứ Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ , Quốc hội Khóa XIII, Chính phủ báo cáo Quốc hội Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2012
 Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khoá XIII đã thông qua Nghị quyết số 11/2011/QH13 ngày 09 tháng 11 năm 2011 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 với mục tiêu tổng quát là: Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ra các Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước, kế hoạch vốn các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012 và kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 và năm 2012. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2012 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đồng thời vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thực hiện tái cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phấn đấu thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân đã nỗ lực phấn đấu và đã đạt được những kết quả nhất định trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý.
Dưới đây là tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và dự báo khả năng hoàn thành kế hoạch cả năm 2012:
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2012
1.1. Về giá cả và lạm phát:
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách, như: thắt chặt tiền tệ, quản lý chặt chẽ chi tiêu và giảm bội chi ngân sách nhà nước, cắt giảm vốn đầu tư và đổi mới nâng cao hiệu quả đầu tư công,… lạm phát đã cơ bản được kiềm chế. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm trong 7 tháng đầu năm 2012. So với tháng trước, CPI tháng 1 tăng 1%, tháng 2 tăng 1,37%, tháng 3 tăng 0,16%, tháng 4 tăng 0,05%, tháng 5 tăng 0,18%. Đáng chú ý là trong tháng 6 và tháng 7, CPI đã giảm lần lượt là âm (-) 0,26% và âm (-) 0,29%. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay, do tác động của tăng giá trên thế giới, tăng giá xăng dầu và các giải pháp để hỗ trợ sản xuất và ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt nên chỉ số giá tiêu dùng đang có xu hướng tăng trở lại; so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,63%. Trong tháng 9, ngoài các yếu tố nêu trên, việc điều chỉnh viện phí, học phí và giá các mặt hàng phục vụ năm học mới,... đã tác động làm chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 so với tháng 8 tăng 2,2%, là mức tăng cao nhất trong 9 tháng qua. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 so với tháng 12 năm 2011 tăng 5,13%.
1.2. Về tiền tệ, tín dụng:
Cơ chế quản lý, điều hành về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng tiếp tục được hoàn thiện. Lãi suất cho vay đã giảm nhanh với mức giảm từ 5-8%/năm so với cuối năm 2011, phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Tính đến ngày 21/9/2012, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 12,21%, tổng số dư tiền gửi ở các tổ chức tín dụng tăng 12,7% so với 31/12/2011.
Tín dụng tăng trưởng ở mức thấp nhưng cơ cấu tín dụng có chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, giảm dần tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với các lĩnh vực không khuyến khích. Tính đến ngày 21/9/2012, tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,52% so với 31/12/2011. Tính đến 31/7/2012, dư nợ tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 13,2% so với 31/12/2011, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực không khuyến khích chiếm 4,99% so với tổng dư nợ cho vay, giảm  (-) 55,4% so với tỷ trọng cuối năm 2011 (11,2%). Tính đến 30/6/2012, dư nợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 6,6% so với 31/12/2011. Tuy nhiên,         khả năng tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới vẫn rất khó khăn, do nhu cầu   thị trường hàng hoá, dịch vụ trong và ngoài nước tăng thấp, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn,… đã hạn chế khả năng hấp thụ vốn của ngân hàng; nợ quá hạn cao, các tổ chức tín dụng quy định các điều kiện cho vay chặt chẽ hơn,…
Tỷ giá giao dịch VND/USD trên thị trường cơ bản ổn định. Cán cân thanh toán quốc tế 9 tháng đầu năm 2012 ước thặng dư ở mức khoảng 8 tỷ USD là điều kiện quan trọng để gia tăng dự trữ ngoại tệ của Nhà nước.
1.3. Về thu chi ngân sách nhà nước:
Những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước đã tác động đến tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc thực hiện các giải pháp giãn, miễn giảm thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo quy định tại Nghị quyết 13/NQ-CP cũng ảnh hưởng giảm nguồn thu.
Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt trên 498 nghìn tỷ đồng, bằng 67,3% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó: thu nội địa ước đạt 63,8% dự toán; thu từ dầu thô đạt 99,6% dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 58,9% dự toán.
Tổng chi ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt trên 643 nghìn tỷ đồng, bằng 71,2% dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2011; trong đó chi đầu tư phát triển đạt 127,9 nghìn tỷ đồng, bằng 71,1% dự toán.
1.4. Về xuất, nhập khẩu:
Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 83,79 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 52,5 tỷ USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ; trong khi đó xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước giảm (-) 0,55% so cùng kỳ.
Tăng trưởng xuất khẩu đạt mức vượt kế hoạch đề ra, nhưng chủ yếu dựa vào tăng trưởng của nhóm hàng công nghiệp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tỷ trọng đóng góp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (không kể dầu thô) 9 tháng đầu năm ước đạt khoảng 55%, tăng so với mức 47,5% cùng kỳ năm 2011.
Tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng ước đạt 83,76 tỷ USD, tăng khoảng 6,6% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 43,9 tỷ USD, tăng 24,8%.
Về mặt hàng nhập khẩu: Việc nhập khẩu nguyên liệu, máy móc phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước giảm sút; trong khi đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao, chủ yếu là nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.
Về thị trường nhập khẩu 9 tháng, nhập khẩu từ Châu Á chiếm tới 79,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu tăng 17,1%, tỷ trọng 24,7%), ASEAN (giảm 2,5%,         tỷ trọng 18,3%), Hàn Quốc (tăng 19,5%, tỷ trọng 13,5%), Nhật Bản (tăng 15,7%, tỷ trọng 10,4%) và EU (tăng 21,9%, tỷ trọng 8,2%).
Xuất khẩu dịch vụ 9 tháng ước đạt trên 7,2 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2011. Nhập khẩu dịch vụ ước khoảng 9,1 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2011.
Việc giảm tốc độ tăng nhập khẩu và giảm nhập siêu đã góp phần cân đối ngoại tệ, ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại tệ của Nhà nước, nhưng mặt khác cho thấy nhu cầu nhập khẩu phục vụ cho đầu tư và sản xuất đang có xu hướng giảm, đặc biệt là của khu vực doanh nghiệp trong nước, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu trong thời gian tới.
1.5. Về đầu tư phát triển:
Trong 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước          9 tháng thực hiện ước đạt khoảng 127,9 nghìn tỷ đồng, bằng 71,1% dự toán năm. Vốn trái phiếu Chính phủ ước đạt 28,5 nghìn tỷ đồng, bằng 63,3% kế hoạch.     Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước ước đạt 17,86 nghìn tỷ đồng, bằng 84% kế hoạch, cao hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ (79,1%).
Vốn ODA, tổng giá trị các Hiệp định đã ký kết với nhà tài trợ trong 9 tháng ước đạt 4,8 tỷ USD, đạt 68% dự kiến ký kết cả năm; trong đó: vốn vay là 4,77 tỷ USD, vốn viện trợ không hoàn lại là 30 triệu USD. Vốn ODA 9 tháng giải ngân ước đạt 2,88 t USD, bằng 94,7% kế hoạch; trong đó, vốn vay ước đạt 2,7 t USD, vốn viện trợ không hoàn lại ước đạt 180 triệu USD.
Vốn đầu t­­ư trực tiếp nư­­ớc ngoài (FDI) đăng ký ước 9 tháng đạt khoảng 10 tỷ USD, bằng 84,7% cùng kỳ năm 2011. Tuy vốn đăng ký giảm nhưng vốn thực hiện ước 9 tháng đạt 8,1 tỷ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm 2011. Nguyên nhân suy giảm vốn FDI đăng ký một mặt do kinh tế thế giới phục hồi chậm, các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính và sự cạnh tranh thu hút vốn của các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan,... Mặt khác, yêu cầu về nâng cao chất lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian qua đã góp phần làm giảm mạnh số lượng các dự án lớn có vốn ảo, các dự án bất động sản quy mô lớn nhưng không có khả năng triển khai,...
1.6. Về hoạt động của thị trường chứng khoán:
Tính đến tháng 9/2012, chỉ số VN-index tăng 13% và HN-index tăng 5% so với cuối năm 2011. Giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tăng 55% so bình quân năm 2011; mức vốn hoá thị trường đạt khoảng 31% GDP. Vốn trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh qua thị trường chứng khoán 9 tháng đầu năm đạt 88,1 nghìn tỷ đồng, tăng 47% so cùng kỳ năm 2011.
2. Về thực hiện mục tiêu duy trì mức tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế:
2.1. Về tái cơ cấu nền kinh tế:
Trong năm 2012 đã xây dựng đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế báo cáo Quốc hội theo nghị quyết của Đảng. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo triển khai thực hiện các đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu thị trường tài chính, ngân hàng và tái cơ cấu đầu tư với tinh thần giải quyết khó khăn bức xúc trước mắt gắn với mục tiêu cơ bản, lâu dài và coi khó khăn, thách thức là một động lực thúc đẩy tái cơ cấu.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế về đầu tư nhằm huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Thực hiện phân bổ vốn đầu tư tập trung, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn chương trình mục tiêu quốc gia theo kế hoạch trung hạn; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách. Quy định rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư về chất lượng và hiệu quả của các công trình xây dựng. Đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương để làm cơ sở quản lý đầu tư trung và dài hạn.
Triển khai thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Việc xử lý nợ xấu được khẩn trương thực hiện nhưng kết quả còn hạn chế. Tăng cường thanh tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, chứng khoán, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm bước đầu triển khai với việc rà soát các báo cáo về chỉ tiêu an toàn tài chính, phân loại các công ty chứng khoán để có các giải pháp xử lý, 5 công ty chứng khoán cơ bản hoàn tất rút nghiệp vụ môi giới, 7 công ty chứng khoán được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, 20 công ty chứng khoán được kiểm tra định kỳ. Công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động chứng khoán, các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán được xử lý kịp thời, đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động công khai, minh bạch và an toàn.
Trong việc cải cách doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thực hiện tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo hướng tập trung đầu tư vào ngành nghề kinh doanh chính, quy mô phù hợp với thị trường, năng lực quản trị và khả năng tài chính. Đến 31/7/2012, có 19/21 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã xây dựng Đề án tái cơ cấu. Tập trung hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng chủ thể, nhất là của bộ quản lý ngành và hội đồng quản trị.
2.2. Về tăng trưởng kinh tế:
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng đầu năm ước đạt 4,73%, thấp hơn mức tăng 5,77% của 9 tháng năm 2011. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,48%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,36%, đóng góp 1,82 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,97%, đóng góp 2,51 điểm phần trăm. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước và thấp hơn so với kế hoạch đề ra nhưng có xu hướng cải thiện: GDP quý I tăng 4%, quý II tăng 4,66%, quý III ước tăng 5,35%. Bên cạnh đó, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định hơn là những dấu hiệu tích cực để phát triển bền vững trong thời gian tới. Kết quả thực hiện của một số ngành kinh tế 9 tháng đầu năm như sau:
2.2.1. Sản xuất công nghiệp và xây dựng:
Mặc dù vẫn còn khó khăn, nhưng sản xuất công nghiệp đã duy trì được mức tăng trưởng hợp lý, đảm bảo cung ứng đủ điện và một số nguyên liệu, sản phẩm thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng đầu năm tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2011[1], chỉ bằng 62% mức tăng 9 tháng đầu năm 2011 (7,8%). Đây là mức tăng trưởng tuy thấp nhưng đã có chuyển biến nhất định[2] sau khi triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ. Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/9/2012 của ngành công nghiệp chế biến (ngành đóng góp 62,5% mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp), tăng 20,4% so với cùng thời điểm năm trước. Mặc dù mức tồn kho còn cao nhưng đã có xu hướng giảm dần trong những tháng gần đây[3]. Những kết quả trên cho thấy các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã bước đầu phát huy tác dụng.
Giá trị sản xuất xây dựng 9 tháng đầu năm tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Chương trình Phát triển nhà ở sinh viên và Phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại khu công nghiệp và người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đạt được những kết quả nhất định. Đã hoàn thành đưa vào sử dụng 157 khối nhà ở cho sinh viên, đáp ứng 134 nghìn chỗ ở; hoàn thành 62 dự án nhà ở cho công nhân, đáp ứng chỗ ở cho 67,6 nghìn công nhân. Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg đã hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra với 511.644 hộ nghèo đã được hỗ trợ nhà ở, đạt 103% so với số hộ phê duyệt ban đầu.
Thị trường bất động sản nhà ở hoạt động trầm lắng, giá cả sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường. Số lượng giao dịch bất động sản giảm mạnh, thậm chí nhiều dự án không có giao dịch. Cơ cấu hàng hoá bất động sản nhà ở vẫn còn mất cân đối, thiếu hàng hoá có quy mô vừa và nhỏ, có giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê. Do tác động tiêu cực từ sự đóng băng của thị trường bất động sản, sản lượng sản xuất và nhu cầu sử dụng các loại vật liệu xây dựng đều giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2011, hầu hết các nhà máy đều không phát huy hết công suất.
2.2.2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản:
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển tương đối ổn định.     Giá trị sản xuất toàn ngành 9 tháng đầu năm ước tăng 3,7%, trong đó nông nghiệp tăng 2,9%, lâm nghiệp tăng 6,2%, thủy sản tăng 5,3%.
Diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân đạt khoảng 3,1 triệu ha, sản lượng ước đạt 20,3 triệu tấn, cao hơn vụ Đông Xuân năm trước khoảng 512,5 nghìn tấn. Diện tích gieo trồng vụ Hè Thu đạt khoảng 2,6 triệu ha, sản lượng ước đạt 13,5 triệu tấn. Diện tích gieo trồng vụ Mùa ước đạt khoảng 1,97 triệu ha, sản lượng ước đạt khoảng 9,3 triệu tấn. Tổng diện tích gieo cấy lúa năm 2012 ước đạt 7,65 triệu ha, năng suất ước đạt 56 tạ/ha. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, sản lượng lúa cả năm ước đạt 43,1 triệu tấn, vượt kế hoạch đề ra là 42 triệu tấn, tăng 692 nghìn tấn so với năm 2011, đảm bảo được an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo.
Thời tiết, dịch bệnh trên vật nuôi diễn ra khá phức tạp trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành và địa phương, chủ động triển khai các biện pháp đồng bộ phòng, chống dịch bệnh, không để bùng phát dịch lớn, giảm thiệt hại cho ngành chăn nuôi, nên đàn gia súc, gia cầm vẫn phát triển ổn định. Ước 9 tháng, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 4,5% so cùng kỳ 2011.
Trong 9 tháng đầu năm, diện tích trồng rừng tập trung ước đạt 123,5 nghìn ha, bằng 95,2% so với cùng kỳ năm 2011; diện tích rừng trồng được chăm sóc là 411 nghìn ha, tăng 1,3%; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh đạt 932 nghìn ha. Thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài nên hiện tượng cháy rừng đã xảy ra ở một số địa phương. Tính chung 9 tháng, diện tích rừng bị thiệt hại là 3.011,7 ha, tăng 50,8% so cùng kỳ năm 2011, trong đó diện tích rừng bị cháy là 2.065,4 ha, tăng gấp hơn 2 lần.
Ước 9 tháng đầu năm, sản lượng thuỷ sản khai thác đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 4,6%; sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 2,33 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2011.
Các chương trình lớn về phát triển nông thôn đã được triển khai mạnh mẽ, như: đầu tư phát triển các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường, Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất tiếp tục được triển khai có hiệu quả.
Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư phát triển. Các công trình thuỷ lợi dở dang có khả năng hoàn thành trong năm được tập trung đầu tư; đồng thời chú trọng nâng cấp, sửa chữa các công trình hiện có nhằm phát huy hiệu quả phục vụ của công trình. Công tác thuỷ lợi được triển khai đồng bộ, đảm bảo nước làm đất gieo cấy lúa Xuân năm 2012 cho 100% diện tích ở các tỉnh vùng Trung du, Đồng bằng Bắc Bộ; điều hành phân ranh mặn ngọt, đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ sản xuất vụ Xuân hè, Hè thu ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Công tác đê điều và phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai được quan tâm triển khai thực hiện. Cơ sở hạ tầng nghề cá tiếp tục được chú trọng đầu tư xây dựng, như: cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tầu cá, các vùng sản xuất giống thuỷ sản, hạ tầng các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, các công trình quan trắc và cảnh báo môi trường, cơ sở khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng thuỷ sản,… tạo điều kiện cho tăng trưởng bền vững ngành.
2.2.3. Phát triển dịch vụ:
Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ trong 9 tháng đầu năm ước tăng 5,97% so với cùng kỳ năm 2011, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm  ước đạt 1.713 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2011, nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ tăng khoảng 6,68%.
Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển khá. Doanh thu của ngành du lịch ước 9 tháng đầu năm đạt khoảng 113.000 tỷ đồng, tăng khoảng 26% so với cùng kỳ năm 2011. Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt khoảng 4,85 triệu lượt, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó khách đến từ Hàn Quốc tăng 38,2%, Ma-lay-xi-a tăng 25,4%, Nhật Bản tăng 24,5%, Thái Lan tăng 23,4%, Đài Loan tăng 19,4%,... Thị trường du lịch nội địa có chuyển biến mạnh mẽ, số lượt khách du lịch nội địa 9 tháng ước đạt 25 triệu lượt, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng hàng hoá vận chuyển 9 tháng đầu năm ước đạt 715,4 triệu tấn, tăng 9,2%; khối lượng hàng hoá luân chuyển ước đạt khoảng 137,1 tỷ tấn.Km, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2011. Khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 2.128,2 triệu lượt người, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2011; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 91,95 tỷ lượt người.Km, tăng 9,8%.
Số thuê bao điện thoại phát triển mới 9 tháng đầu năm ước đạt 8,8 triệu thuê bao, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2011, bao gồm: 16,2 nghìn thuê bao cố định, bằng 37,4% cùng kỳ và 8.802,2 nghìn thuê bao di động, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Tổng số thuê bao điện thoại cả nước ước đạt 135,9 triệu thuê bao, tăng 4,3% so với cùng kỳ, bao gồm 15 triệu thuê bao cố định, giảm 3,1% và 120,9 triệu thuê bao di động, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2011.
Số thuê bao internet trên cả nước tính đến cuối tháng 9/2012 ước đạt 4,4 triệu thuê bao, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước; số người sử dụng internet ước đạt 32,8 triệu người, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2011. Số lượng tên miền phát triển mới tăng ổn định, tính đến cuối tháng 9/2012 ước đạt trên 32.500 tên, nâng tổng số tên miền truyền thống “.vn” hiện có lên trên 200.000 tên.
2.2.4. Về phát triển doanh nghiệp:
Về doanh nghiệp đăng ký thành lập mới: Tính đến 20/9/2012, cả nước có gần 51 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 350,5 nghìn tỷ đồng, giảm 11,7% về số doanh nghiệp và tăng 0,7% về vốn so với cùng kỳ năm 2011. Một số lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm là: kinh doanh bất động sản giảm 47,8%, khai khoáng giảm 46,1%, nông, lâm nghiệp, thuỷ sản giảm 25,3%, xây dựng giảm 24,9% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, một số lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng là: giáo dục đào tạo tăng 24%, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 11,5%, nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2011. Việc chuyển dịch lĩnh vực đăng ký kinh doanh của khu vực doanh nghiệp như trên cho thấy các doanh nghiệp đã chủ động tái cơ cấu theo hướng hoạt động hiệu quả hơn, thích ứng với sự thay đổi của thị trường.
Về các doanh nghiệp gặp khó khăn phải dừng hoạt động: Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, dừng hoạt động có dấu hiệu giảm dần. Tuy nhiên, số doanh nghiệp phải giải thể, dừng hoạt động còn cao, cho thấy khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Tính đến 20/9/2012, tổng số doanh nghiệp đã giải thể hoặc dừng hoạt động là 40.190 doanh nghiệp, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó có 6.593 doanh nghiệp giải thể và 33.597 doanh nghiệp dừng hoạt động[4].
Tính đến 20/9/2012, trong tổng số 675.069 doanh nghiệp đã được thành lập, cả nước còn 471.509 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 69,8%; 85.660 doanh nghiệp đã giải thể; 19.081 doanh nghiệp đã đăng ký dừng hoạt động và 98.819 doanh nghiệp dừng hoạt động nhưng không đăng ký.
3.1. Về giáo dục và đào tạo:
Công tác đổi mới quản lý giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh. Hầu hết các chỉ tiêu về phát triển giáo dục đào tạo đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra, cụ thể:  Ước thực hiện 9 tháng đầu năm và cả năm 2012: số trẻ mẫu giáo là 3.586 nghìn trẻ, đạt 107,6% kế hoạch; số học sinh tiểu học là 7.200 nghìn học sinh, đạt 98% kế hoạch; số học sinh THCS là 4.950 nghìn học sinh, đạt 99,6% kế hoạch; số học sinh THPT là 2.755 nghìn học sinh, đạt 97% kế hoạch; tuyển mới đại học và cao đẳng chính quy ước đạt 562 nghìn chỉ tiêu, đạt 101,3 kế hoạch; tuyển mới trung cấp chuyên nghiệp ước đạt 323 nghìn người, đạt 101,6% kế hoạch; tuyển mới đào tạo sau đại học đạt 53 nghìn người, đạt 108,2% kế hoạch; tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo năm 2012 đạt 46%.
Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển mới cao đẳng và trung cấp nghề chỉ đạt 88,9% kế hoạch do tâm lý xã hội còn chưa coi trọng việc học nghề; công tác hướng nghiệp còn chưa tạo được chuyển biến trong nhận thức xã hội về học nghề, lập nghiệp cho người lao động.
Trong năm học 2011-2012, có thêm 02 tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, nâng tổng số tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi lên 59/63 tỉnh, thành phố. Đến nay, có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì được kết quả phổ cập giáo dục THCS đã đạt được.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở các cơ sở giáo dục đã đáp ứng tốt hơn các yêu cầu dạy và học theo các chuẩn quốc gia đã ban hành. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học được triển khai tích cực.
3.2. Về khoa học và công nghệ:
Công tác xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ được triển khai tích cực, đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để thực hiện có hiệu quả việc quản lý nhà nước đối với hoạt động khoa học và công nghệ. Hoạt động nghiên cứu khoa học đạt được những kết quả nhất định với những công trình nghiên cứu có giá trị khoa học và thực tiễn trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, sinh học, hoá học, địa chất, địa lý, vật liệu,…
Thị trường khoa học và công nghệ ngày càng phát triển thông qua việc tổ chức các hội trợ công nghệ và thiết bị ở cả Trung ương và địa phương. Công tác hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ được chú trọng và thực hiện dưới nhiều hình thức. Công tác đảm bảo an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình được đẩy mạnh. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các cơ quan về năng lượng nguyên tử đã được quan tâm và có nhiều kết quả.
3.3. Về chăm sóc sức khỏe nhân dân:
Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong năm 2012 đã có những cải thiện. Các chỉ tiêu đánh giá năng lực của hệ thống các cơ sở y tế[5] và các chỉ tiêu về sức khoẻ[6] đều hoàn thành vượt mức kế hoạch.
Mạng lưới khám chữa bệnh từ trung ương đến địa phương được tập trung đầu tư; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được nâng cấp; chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh được cải thiện đáng kể. Các chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội, người có công được quan tâm và triển khai thực hiện.
Công tác quản lý các dịch vụ y tế được tăng cường. Nguồn thu viện phí đã góp phần quan trọng bảo đảm kinh phí hoạt động của các bệnh viện trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, tạo điều kiện để có nguồn kinh phí mua thẻ và hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT) cho một số đối tượng chính sách xã hội.
Ước tính đến hết năm 2012, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 68%. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ BHYT ở một số địa phương còn thấp, 7 tỉnh có tỷ lệ dưới 50%. Nhóm đối tượng tự nguyện tham gia BHYT vẫn còn thấp, mới có 55% người lao động ở khu vực ngoài quốc doanh và 25% số người cận nghèo tham gia BHYT.
Các biện pháp phòng chống dịch bệnh được triển khai đồng bộ nên đã xử lý kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan. Công tác giám sát tại các cửa khẩu được tăng cường, kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu việc xâm nhập, lây truyền dịch bệnh,... Trong 9 tháng đầu năm, cả nước có 93.124 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 41 trường hợp tử vong; 51.256 người mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 42 trường hợp tử vong;… Đến ngày 17/9/2012, số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống là 205.689 người, số bệnh nhân AIDS hiện tại52.466 người, số người nhiễm HIV đã tử vong 53.688 trường hợp.
Công tác y tế dự phòng và vệ sinh an toàn thực phẩm được đẩy mạnh; công tác thanh tra, kiểm tra được tích cực triển khai, thông báo công khai và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các chỉ số về số vụ ngộ độc thực phẩm, số mắc, số đi viện và tử vong,... trong 9 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Tích lũy 9 tháng đầu năm, toàn quốc đã xảy ra 99 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.410 người mắc, 2.673 người đi viện và 20 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, tỷ lệ ngộ độc thực phẩm ở Việt Nam vẫn còn cao so với các nước trong khu vực. Các vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm còn xảy ra ở tất cả các công đoạn của chuỗi cung cấp thực phẩm.
4. Về thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hộicải thiện đời sống nhân dân:
4.1. Về lao động, việc làm:
Trong 9 tháng đầu năm, ước giải quyết việc làm cho khoảng 1,13 triệu lao động, ng 0,27% so với cùng kỳ năm 2011, đạt 70,6% kế hoạch năm 2012; trong đó: giải quyết việc làm trong nước cho khoảng 1,07 triệu người, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2011, đạt 70,9% kế hoạch; đưa khoảng 60 nghìn lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài, bằng 88,8% cùng kỳ năm 2011, đạt 66,7% kế hoạch.
Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được tổ chức thực hiện tốt, góp phần giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống và giúp người lao động tìm được việc làm mới. Tính đến hết tháng 8/2012, tổng số lao động tham gia BHXH là 10,34 triệu người, trong đó: BHXH tự nguyện là 127,95 nghìn người; BHXH bắt buộc là 10,22 triệu người, chiếm khoảng 80% số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc trên cả nước. Trong 8 tháng đầu năm, đã có hơn 345,5 nghìn người đăng ký thất nghiệp, tăng 41,4% so với cùng kỳ năm 2011; 298,5 nghìn lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp; 282,2 nghìn người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm 2011; 11,5 nghìn người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp 1 lần; 184,2 nghìn người được tư vấn giới thiệu việc làm, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2011; 2,1 nghìn người được trợ cấp học nghề, tăng 4,83 lần so với cùng kỳ năm 2011. Những địa phương có người hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Hà Nội.
4.2. Về bảo đảm an sinh xã hội và xoá đói giảm nghèo:
Các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Các chính sách chăm sóc người có công đã được triển khai bảo đảm đúng đối tượng chính sách, góp phần nâng cao mức sống người có công, được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Thực hiện chi trả kịp thời, đầy đủ trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho trên 1,5 triệu lượt người có công với cách mạng. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tiếp tục được phát triển sâu rộng, xây mới trao tặng trên 10 vạn nhà, sửa chữa nâng cấp trên 6 nghìn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách.
Thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên cho gần 2,3 triệu người thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có 42 ngàn người được tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Đối với các tỉnh, thành phố có điều kiện, thực hiện nâng mức trợ cấp cao hơn mức quy định của Chính phủ; các tỉnh nghèo được bổ sung ngân sách đảm bảo xã hội để đảm bảo chi trả đầy đủ cho các đối tượng theo quy định.
Theo dõi sát tình hình thiếu đói giáp hạt, thiệt hại do thiên tai, kịp thời tổ chức cứu trợ và đề xuất giải pháp khắc phục hậu quả, nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Từ đầu năm đến nay, đã hỗ trợ hơn 33 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 18 địa phương để cứu trợ kịp thời cho người dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt.
Hệ thống các văn bản pháp lý về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Trong 9 tháng đầu năm 2012, đã tập trung xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày của Thủ tướng Chính phủ; xử lý chất thải rắn ở các đô thị, khu công nghiệp; đánh giá ô nhiễm môi trường các làng nghề; kiểm soát việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học dùng trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.
Các chỉ tiêu môi trường và phát triển bền vững năm 2012 được quan tâm, đôn đốc thực hiện tích cực, với một số chỉ tiêu ước đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra, như: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường ước đạt 70%, Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch năm 2012 ước đạt 79%, Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom ước đạt 83,5%, đều đạt kế hoạch đề ra; Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg được xử lý ước đạt 83,6%, vượt kế hoạch đề ra là 79%. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch, cần phấn đấu thực hiện là: Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh ước đạt 80% (kế hoạch là 86%); Tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 40% (kế hoạch là 41%).
6. Về công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội:
Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội và công tác đấu tranh, truy quét các tụ điểm, điểm nóng được đẩy mạnh góp phần giảm phát sinh mới, chuyển hoá các địa bàn phức tạp về tệ nạn xã hội. Trong 9 tháng đầu năm đã tổ chức cai nghiện ma tuý cho trên 22.500 người; dạy nghề, tạo việc làm sau cai nghiện cho trên 6.500 người; xây dựng mới trên 750 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội.
Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực. Các bộ, ngành và các địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông. Tính chung 9 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 7.827 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.896 người và làm bị thương 5.596 người. So với cùng kỳ năm 2011, số vụ tai nạn giao thông giảm 21,7%; số người chết giảm 18,1%; số người bị thương giảm 26,7%.
7. Về lĩnh vực văn hoá, thể dục thể thao:
Hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản văn hóa được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các di tích lịch sử quan trọng của quốc gia tiếp tục được quy hoạch, tôn tạo, tu bổ để gìn giữ bảo tồn di sản văn hoá. Nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật quần chúng trong năm 2012 được tổ chức nhằm chào mừng sự thành công của các sự kiện chính trị quan trọng. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, hoạt động văn hoá phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được đẩy mạnh; các lĩnh vực điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật, mỹ thuật, nhiếp ảnh, thư viện,... tiếp tục được duy trì và phát triển.
Các hoạt động thể thao được chú trọng. Số vận động viên cao cấp, vận động viên được đào tạo theo chương trình tài năng quốc gia đều vượt kế hoạch đề ra. Các hoạt động thể thao quần chúng tiếp tục được triển khai rộng rãi trên toàn quốc nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Các hoạt động thể dục thể thao trong nhà trường tiếp tục được ngành giáo dục đào tạo và các cấp các ngành đẩy mạnh nhằm hướng tới xã hội thể thao toàn diện.
8. Về thông tin và truyền thông:
Công tác thông tin tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, thông tin kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế tiếp tục được tăng cường. Việc phổ biến chính sách pháp luật của cơ quan nhà nước các cấp được quan tâm hơn, như các chương trình: “Đối thoại trực tuyến”, “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”,... góp phần quan trọng, tạo sự đồng thuận đối với chính sách của Đảng và Nhà nước.
Công tác thông tin báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình tiếp tục được đẩy mạnh, định hướng các cơ quan báo chí tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích, có nhiều tin bài phản ánh các nhiệm vụ chính trị của đất nước, kịp thời động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng.
Các chương trình phát thanh truyền hình được thực hiện ổn định, đảm bảo thông tin nhanh, kịp thời và nâng cao chất lượng tuyên truyền trên các hệ chương trình phát thanh và các kênh truyền hình. Ước đến hết năm 2012 đạt 100% số hộ có thể nghe ổn định ít nhất một hệ phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam; 99,5% số hộ có thể xem được Đài Truyền hình Việt Nam. Tuy nhiên, cần hạn chế xu hướng phát triển quá nhiều truyền hình của các Bộ, ngành.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cũng như trong công tác chuyên môn ở các cơ quan nhà nước đã từng bước đổi mới, rút ngắn khoảng cách, thời gian và nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước đối với người dân và doanh nghiệp; tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển Chính phủ điện tử trong giai đoạn tiếp theo. Một số ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản trong nội bộ cơ quan nhà nước đã được triển khai, phát huy hiệu quả rõ rệt. Tính đến nay tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có trang/cổng thông tin điện tử, 21/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ đã có trang/cổng thông tin điện tử[7].
Với những diễn biến về kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua và triển vọng sắp tới, có thể thấy áp lực là rất lớn để có thể đạt được những mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra trong năm 2012.
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2012 có thể sẽ cao hơn so với đầu năm do giá thế giới và giá một số đầu vào, giá dịch vụ,... tăng lên và những hậu quả do thiên tai, bão lũ gây ra. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2012 dự báo sẽ được kiềm chế ở mức khoảng 8%.
Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2012 ước đạt 741,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,14% so với dự toán, tăng 5,3% so với năm 2011. Tổng chi cân đối NSNN năm 2012 ước đạt 904,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,11% so với dự toán, tăng 14,6% so với năm 2011. Bội chi ngân sách nhà nước bằng 4,8% GDP.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2012 ước thực hiện chỉ đạt 870 nghìn tỷ đồng, bằng 29,5% GDP, (năm 2011 là 34,6%); trong đó: vốn đầu tư từ NSNN là 187,5 nghìn tỷ đồng, vốn trái phiếu chính phủ là 45 nghìn tỷ đồng, vốn tín dụng đầu tư của nhà nước là 50 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước là 75 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư của dân cư và tư nhân là 310 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 183 nghìn tỷ đồng.
Về xuất nhập khẩu:
- Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 có thể đạt khoảng 113 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của năm 2011 (tăng 34,2% so với năm 2010), chủ yếu do ảnh hưởng suy thoái và phục hồi chậm của kinh tế thế giới, nhất là ở các nước phát triển dẫn tới nhu cầu của thị trường giảm sút và sự giảm sút của giá xuất khẩu,... Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 114 tỷ USD, chỉ tăng 6,8% so với năm 2011. Tuy nhiên, việc giảm mạnh nhập khẩu vật tư, thiết bị,… sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Ước nhập siêu cả năm 2012 khoảng 1 tỷ USD, chiếm 0,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
- Xuất khẩu dịch vụ năm 2012 ước đạt 9,3 tỷ USD, tăng 4,74% so với năm 2011, đạt kế hoạch đề ra. Nhập khẩu dịch vụ ước khoảng 12,5 tỷ USD, tăng      5,41% so với năm 2011; thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ là 3,2 tỷ USD.
Về tăng trưởng kinh tế và phát triển các ngành sản xuất, kinh doanh:
- Nhờ thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, như giãn thuế, giảm lãi suất,... sản xuất công nghiệp tiếp tục có những cải thiện và tăng trưởng khá hơn trong các tháng cuối năm. Dự báo chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2012 tăng 5,3% so với năm 2011. Tuy nhiên, so với mục tiêu kế hoạch đề ra mới đạt 60% kế hoạch năm 2012 là tăng 8,5-9%.
- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong những tháng cuối năm được dự báo tiếp tục phát triển ổn định. Sản xuất lương thực có thể tiếp tục được mùa lớn; đời sống nông dân cơ bản ổn định tạo điều kiện để ổn định trật tự xã hội ở nông thôn. Ước giá trị sản xuất cả năm 2012 tăng khoảng 3,9% so năm trước; trong đó nông nghiệp tăng khoảng 3,2%, lâm nghiệp tăng khoảng 6,2%, thuỷ sản tăng khoảng 5,9%.
- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2012 ước tăng 18% so với năm 2011.
Với xu hướng phát triển các ngành, lĩnh vực như trên, dự báo tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV đạt cao hơn 3 quý đầu năm và cả năm ước tăng khoảng 5,2% (kế hoạch là 6-6,5%), trong đó: giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5%; khu vực dịch vụ tăng 6,3%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù không đạt kế hoạch đề ra, nhưng xét về động thái đang có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển ổn định trong các năm sau.
Về các lĩnh vực xã hội và môi trường:
- Dự kiến cả năm 2012 giải quyết việc làm cho 1,515 triệu lao động, không đạt kế hoạch đề ra là 1,6 triệu lao động. Trong đó tạo việc làm trong nước cho 1,435 triệu lao động, đưa 8 vạn lao động đi làm việc tại nước ngoài, đạt 94,4% kế hoạch năm. Dự kiến tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị năm 2012 là 3,63%, tuy đạt kế hoạch đề ra nhưng tăng nhẹ so với năm 2011 (3,6%).
- Tỷ lệ hộ nghèo cả nước tính đến cuối năm 2012 ước còn 10%, giảm 1,76% so với cuối năm 2011. Tuy không đạt kế hoạch đề ra là giảm 2% so với cuối năm 2011[8] nhưng đây là một cố gắng lớn của các cấp, các ngành, nhất là vùng đồng bào dân tộc.
- Tổng số khu công nghiệp, khu chế xuất đã vận hành có hệ thống xử lý nước thải tập trung là 124 khu, chiếm 70% tổng số khu công nghiệp đã vận hành, đạt kế hoạch đề ra.
- Tỷ lệ che phủ rừng năm 2012 ước đạt 40%, không đạt kế hoạch đề ra (41%) do tỷ lệ che phủ rừng năm 2011 được đánh giá lại chỉ đạt 39,7% (giảm so với số ước tháng 10/2011 là 40,5%), ngoài ra việc chuyển đổi đất rừng sang trồng cây công nghiệp ở Tây Nguyên, tích nước các hồ thuỷ điện, nạn phá rừng và tình trạng cháy rừng tại một số địa phương cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc chỉ tiêu này không đạt kế hoạch đề ra.
Dưới đây là ước thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra:
STT
Chỉ tiêu
Đơn vị
Chỉ tiêu
Quốc hội
Ước thực hiện năm 2012
1.               
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP)
%
6-6,5
5,2
2.               
Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu
%
13
16,6
3.               
Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu
%
11-12
0,9
4.               
Bội chi ngân sách nhà nước so với GDP
%
4,8
4,8
5.               
Tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP
%
~33,5
     29,5
6.               
Chỉ số giá tiêu dùng
%
<10
~8
7.               
Tạo việc làm
Triệu người
1,6
1,515
8.               
Tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo
%
46
46
9.               
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị
%
~4
3,63
10.           
Tỷ lệ hộ nghèo giảm
Riêng các huyện nghèo giảm
%
%
2
4
1,76
4
11.           
Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng
%
16,6
16,3
12.           
Số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã)
Giường bệnh
21,5
21,5
13.           
Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg được xử lý
%
79
83,6
14.           
Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường
%
70
70
15.           
Tỷ lệ che phủ rừng
%
41
40
Như vậy, trong tổng số 15 chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012, dự kiến có 5 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ che phủ rừng; 10 chỉ tiêu còn lại đều có triển vọng đạt và vượt kế hoạch.
Trên cơ sở tình hình 9 tháng đầu năm và dự báo quý 4, đánh giá tổng quát tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 như sau:
Trong năm qua, quán triệt các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và của Chính phủ, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực phấn đấu và đã đạt được những kết quả nhất định. Tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng. Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đã tiếp tục phát huy hiệu quả. Lãi suất tín dụng giảm, cơ cấu tín dụng có chuyển biến theo hướng tăng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ. Tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng; kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn so với chỉ tiêu kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, đạt được kết quả tốt; sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh từng bước được tháo gỡ, chỉ số tồn kho giảm dần; khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ được đẩy nhanh; vốn ODA giải ngân tăng cao hơn so với cùng kỳ. Các đề án tái cấu trúc nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược được chú trọng xây dựng và bước đầu triển khai thực hiện. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm. Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hoá, thể thao, thông tin truyền thông đạt được một số kết quả. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tai nạn giao thông giảm. Công tác đối ngoại tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: Kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định; kết quả kiềm chế lạm phát chưa vững chắc. 5 chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản có nhiều khả năng không đạt kế hoạch. Tổng dư nợ tín dụng tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn; tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm được giải quyết. Thị trường bất động sản đình trệ chưa có khả năng phục hồi, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khu vực doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khó vay vốn tín dụng, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng; sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm; sức mua của thị trường trong nước thấp, tồn kho của một số ngành còn ở mức cao. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế chưa có sự chuyển biến căn bản. Tai nạn giao thông đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Tình trạng khiếu kiện, tội phạm và các tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân khác nhau.            Về những nguyên nhân khách quan, sự suy thoái và chậm phục hồi của kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ công của các nước phát triển ở Châu Âu, những bất ổn chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi, giá dầu thô tăng cao, thị trường thu hẹp vừa ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước ta đồng thời tác động tăng giá đầu vào của sản xuất trong nước, tác động tiêu cực đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, gây áp lực lớn đến mặt bằng giá. Ở trong nước, trước sức ép của giá nhập khẩu, phải điều chỉnh giá các đầu vào quan trọng như xăng dầu, điện và các vật tư chủ yếu khác. Bên cạnh đó, để thực hiện chủ trương ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đòi hỏi phải thắt chặt tiền tệ, lãi suất các tháng gần đây đã giảm xuống nhưng vẫn còn cao, doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, ảnh hưởng đến sản xuất, việc làm và thu nhập của người lao động.
Về nguyên nhân chủ quan, việc tái cơ cấu nền kinh tế kết hợp chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế triển khai chậm, mới ở bước khởi đầu; một số chủ trương, chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh chậm triển khai; nhiều chương trình, đề án lớn đề ra nhưng chưa cân đối được nguồn lực; những yếu kém của bộ máy quản lý nhà nước các cấp trong tổ chức, triển khai thực hiện chính sách thiếu đồng bộ; việc chấp hành chính sách, pháp luật, kỷ luật, kỷ cương không được thực hiện nghiêm nhưng chưa được xử lý triệt để, làm giảm hiệu lực của pháp luật và hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước; tình trạng sách nhiễu, lợi dụng chức quyền, tham nhũng,... trong bộ máy nhà nước còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẦN TẬP TRUNG THỰC HIỆN TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2012
Qua đánh giá tình hình và kết quả thực hiện những tháng đầu năm, trong những tháng cuối năm phải tập trung chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra cho năm 2012: chủ động điều hành kiềm chế lạm phát khoảng 8%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và bảo đảm thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội.
Để đạt được các mục tiêu đó cần tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệthiệu quả các giải pháp, chính sách đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP,    Nghị quyết số 13/NQ-CP và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ,  tập trung vào thực hiện tốt các nhóm giải pháp chủ yếu sau đây:
1. Tập trung tháo gỡ khó khăn hỗ trợ sản xuất kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 13/NQ-CP, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát cao trở lại.
Rà soát các chính sách liên quan đến môi trường đầu tư để tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích sản xuất đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, các hoạt động dịch vụ, du lịch chất lượng cao. Kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí ảnh hưởng hoặc trực tiếp làm tăng chi phí đầu vào của sản phẩm. Thực hành tiết kiệm triệt để, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Triển khai hiệu quả chính sách cấp bách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, chống buôn lậu gia súc, gia cầm qua biên giới; bảo đảm cung ứng thực phẩm phục vụ nhu cầu dịp Tết nguyên đán; xây dựng phương thức hỗ trợ thu mua nông sản, thuỷ sản đảm bảo lợi ích của người sản xuất; đẩy mạnh việc phát triển kho dự trữ lúa gạo tại Đồng bằng Sông Cửu Long để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo, điều tiết thị trường.
Triển khai các chương trình khuyến mại, kích thích tiêu thụ và tiêu dùng; phát triển thị trường trong nước, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực đưa hàng về nông thôn; hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho. Tiếp tục nhấn mạnh nhóm biện pháp thông tin tuyên truyền, nhất là chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, nhất là các mặt hàng sản xuất từ nguyên liệu trong nước. Thực hiện các biện pháp để duy trì đà tăng trưởng cao của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có đóng góp quan trọng thực hiện kế hoạch xuất khẩu, tạo nhiều việc làm như: gạo, cà phê, hải sản, cao su, dệt may, giầy dép, hàng điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện,… Nâng cao chất lượng để tăng giá trị với nhóm hàng sản xuất truyền thống (đặc biệt là nông, lâm, thuỷ sản) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng. Bằng nhiều biện pháp linh hoạt tranh thủ sự phục hồi từng bước của các thị trường chính, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu để tăng kim ngạch xuất khẩu. Khai thác chiều sâu, chiều rộng thị trường truyền thống cùng với thị trường có chung biên giới. Đẩy mạnh công tác thông tin, dự báo với thị trường ngoài nước, sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật. Xác định mức độ ưu tiên tiếp cận ngoại tệ đối với các nhóm hàng không thiết yếu, không khuyến khích nhập khẩu, hàng trong nước sản xuất được, đưa ra quy định, nguyên tắc khi cho vay nhập khẩu. Xây dựng cơ chế chính sách cụ thể để một mặt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, mặt khác kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, trong đó chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng.
Các bộ, cơ quan, địa phương chủ động tiếp xúc, động viên, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nhất là doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp nước ngoài; lắng nghe các phản ứng về chính sách để kịp thời có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phù hợp.
2.1. Chính sách tiền tệ, tín dụng:
Theo dõi chặt chẽ những diễn biến mới xuất hiện trong những tháng cuối năm 2012 để kịp thời điều chỉnh, xử lý những tình huống phát sinh, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ để vừa thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, vừa phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Làm rõ bản chất nợ xấu; thực hiện phương án tạm khoanh nợ và xử lý nợ xấu. Áp dụng cơ chế linh hoạt để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, nhất là về điều kiện, thủ tục vay. Tăng hạn mức cấp tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn với mức lãi suất thấp. Xây dựng phương án cung ứng tín dụng để bình ổn giá lương thực, thực phẩm trong dịp cuối năm. Thanh tra, giám sát việc áp dụng lãi suất cho vay và việc thực hiện chính sách cho vay lãi suất thấp đối với các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để có các biện pháp điều hành tỷ giá linh hoạt phù hợp với các cân đối vĩ mô.
2.2. Chính sách tài khóa và đầu tư phát triển:
Thực hiện chính sách tài khóa một cách hợp lý, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tiền tệ, tín dụng. Tăng cường công tác nghiệp vụ quản lý thu ngân sách, bảo đảm hoàn thành dự toán thu; giữ mức bội chi ngân sách theo kế hoạch đề ra.
Thực hiện miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ.
Đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA, đặc biệt là các dự án lớn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Thúc đẩy thu hút, giải ngân vốn ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó chú trọng thu hút làn sóng đầu tư mới, quy mô lớn, công nghệ cao. Cải thiện chính sách thuế; rà soát, sửa đổi hoặc xoá bỏ các rào cản đầu tư bất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính,… để khuyến khích mở rộng đầu tư các doanh nghiệp FDI hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam. Tích cực xúc tiến đầu tư, có biện pháp thúc đẩy thu hút các dòng đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc vào nước ta.
2.3. Kiểm soát giá cả:
Tăng cường kiểm soát các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống; triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ thực hiện nghiêm quy định về đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giá.
Kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí của các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động, thực vật, phân bón,... và giá cả các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất. Giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá, kiểm soát như: giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ giáo dục (học phí); giá nước sạch sinh hoạt; giá cước xe buýt được Nhà nước trợ giá. Đồng thời phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá đến sản xuất và đời sống nhân dân để hạn chế thấp nhất tác động xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng buôn lậu, nhất là hàng hóa giá rẻ kém chất lượng, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, găm hàng gây sốt giá ảo; bảo đảm chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động, thực vật, phân bón,... và giá cả nguyên vật liệu là đầu vào cho hoạt động sản xuất.
Thực hiện các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đặc biệt chú trọng đối với lao động mất việc làm từ các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, nhất là ở khu vực công nghiệp tập trung, hộ gia đình thuộc diện giải tỏa, thu hồi đất sản xuất. Thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, kiểm soát chặt chẽ việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo tính công bằng và an toàn của quỹ.
Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai; hỗ trợ kịp thời, không để xảy ra tình trạng người dân thiếu đói; tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát để nâng cao hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người nghèo, vùng chịu thiên tai,...
Triển khai thực hiện chính sách đối với người có công; hỗ trợ xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhà cho người có công với cách mạng.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tham ô, trục lợi, lãng phí, thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản, lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp và nhân dân.



[1] Trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 4%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,2%; sản xuất phân phối điện, khí đốt tăng 12,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,4%.
[2] So với tháng trước, chỉ số IIP tháng 6 tăng 2%, tháng 7 tăng 3,2%, tháng 8 tăng 4,1%, tháng 9 tăng 4,6%.
[3] Chỉ số tồn kho tại thời điểm đầu các tháng năm 2012 so với cùng thời điểm năm trước như sau: 01/3 tăng 34,9%; 01/4 tăng 32,1%; 01/5 tăng 29,4%; 01/6 tăng 26%; 01/7 tăng 21%; 01/8 tăng 20,8%.
[4] Các doanh nghiệp đã giải thể hoặc dừng hoạt động tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, trong đó: thành phố Hồ Chí Minh có 13.014 doanh nghiệp (1.921 đã giải thể, 11.093 dừng hoạt động), Hà Nội có 9.252 doanh nghiệp (1.192 đã giải thể, 8.060 dừng hoạt động), Hải Phòng có 1.010 doanh nghiệp (151 đã giải thể, 859 dừng hoạt động), Đà Nẵng có 960 doanh nghiệp (154 đã giải thể, 806 dừng hoạt động).
Số doanh nghiệp phải giải thể hoặc dừng hoạt động trong các lĩnh vực là: tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 247 doanh nghiệp, tăng 61,4%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 1.027 doanh nghiệp, tăng 24%; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 2.063 doanh nghiệp, tăng 26,7%; lĩnh vực khoa học, công nghệ, tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 1.535 doanh nghiệp, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2011.

[5] Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 21,5, đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; 45% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo chuẩn mới; 74% số xã có bác sỹ; số bác sỹ trên một vạn dân là 7,4 bác sỹ
[6] Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng là 16,3 vượt chỉ tiêu Quốc hội giao (16,6%), tỷ lệ tử vong của bà mẹ giảm xuống còn 64/100.000 ca đẻ sống, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi là 15,2%, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm đầy đủ 7 loại văcxin đạt trên 90%.
[7] Riêng Bộ Quốc phòng chưa có website
[8] Theo kết quả tổng hợp từ dự thảo kế hoạch năm 2013 của 63 tỉnh thành phố, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 ước đạt 1,97%; theo ước tính của Tổng cục Thống kê có cập nhật CPI vào chuẩn nghèo thì tỷ lệ hộ nghèo từ 12,6% xống còn 11,1-11,3%, tức giảm 1,3-1,5% so với chuẩn năm 2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét