Cho
đến cuối tháng 8, các bạn từ Australia đã gửi về cho Cơm Có thịt
196.400.000 đ. Trong chuyến đi vừa rồi lên Lai Châu, lúc nào chúng tôi
cũng canh cánh nhiệm vụ xác định điểm đến của Cơm Có Thịt từ Australia.
Và đây là báo cáo của chúng tôi.
Nào, các bạn, hãy cùng mở bản đồ,và tìm Lai Châu. Chỗ quốc lộ 12 đi vào thị xã Lai châu cũ (nay là Thị xã Mường Lay) ,có một con đường dẫn sang phía trái. Điểm cuối của nó là Huyện Lỵ Mường Tè, nằm dưới Bum Tờ. Giữa đoạn đường đó là Nậm Hàng, gần đó là Nậm Manh – Chúng tôi đã đến hai trường Mầm Non của hai xã đó.
Trước hết là Nậm Hàng. Ở đây đang thi công đập của nhà máy thủy điện lớn thứ 5 của Việt Nam. Do vậy xuất hiện một số khu chợ bán các loại hàng hóa, kể cả thực phẩm. Có cảm giác là một nơi buôn bán nhộn nhịp, khá giả. Thực ra đó là những cái chợ “di động”chạy theo các công trường xây dựng lớn. Đâu có công nhân, công trình thì chợ đi theo.Người bán là người dưới xuôi, còn người bản địa chẳng biết làm dịch vụ, nên xét cho cùng cuộc sống của họ chưa vì thế mà được cải thiện. Đi sâu chỉ chục km, thấy cuộc sống không khác gì những nơi khó khăn nhất của Tây Bắc.
Điểm trường chính của Mẫu Giáo Nậm Hàng có hai phòng xây gạch, ưu tiên cho lớp 5 tuổi. Nhưng có đến 126 học sinh ở các độ tuổi, nên dân vừa làm cho ba dãy nhà tranh nứa ở phía dưới.Các dãy nhà gợi lại lớp học thời sơ tán, chỉ khác dưới không có giao thông hào và hầm chữ A. Hai dãy nhà là để các bé ngồi học, còn một dãy để làm văn phòng Giám hiệu. Ai biết cái rét của Tây Bắc, có thể hình dung hai ba tháng nữa thôi làm sao ngồi nổi ở những dãy nhà này. Ít ra phải kiếm được ít bạt Hi-Flex, loại vẫn làm phông quảng cáo, sau các sự kiện thường thành đồ bỏ đi.Loại này quây xung quanh may ra mới đỡ rét.
Gần 100 đứa bé 3,4 tuổi sẽ qua mùa đông ở lớp học này, nếu như từ nay đến lúc rét không có sự trợ giúp thêm vào. Ở đây chủ yếu người dân tộc Thái ở. Ngoài điểm trường chính, còn có 5 điểm trường nữa, mỗi điểm trường là bản người dân tộc khác. Điểm trường xa nhất là Nậm Lay, cách điểm trường chính….bạn đoán đi…Kể cả ở Australia, người ta không thể ngờ rằng “phân hiệu”của một trường Mầm Non ở một xã lại cách trường chính..100 km. Tôi đã kinh ngạc vì điều này. Hỏi kỹ thì mới biết thực ra đường chim bay thì không xa đến thế. Nhưng đơn giản là không có đường để đi, vậy nên muốn xuống điểm bản Nậm Lay, phải đi vòng ra đường cái rồi đến gần bản đó mới đi xuyên vào. Cho nên thành 100 km. Họp giáo viên muốn có mặt phải vượt qua khoảng cách đó.
Rời điểm trường chính, chúng tôi lên Huổi Van. Gặp một con suối to, nước chảy xiết, không rõ ô tô có qua nổi không.Cô Hiệu trưởng xắn quần lội xuống dò, nước chảy như muốn cuốn chân cô đi. Anh lái xe trong đoàn vốn nhiều kinh nghiệm đường rừng, cầm hòn đá ném ra giữa suối, quan sát cái cách hòn đá rơi và tiếng vọng lên. Xong thì phủi tay, quay lại, lắc đầu : “ Sâu lắm, không qua được”.
Mọi người đi vòng lên, qua cái cầu treo bé để sang bên kia. Đường vắng, suối rì rào, quả thật nếu ở gần Hà Nội mà có nơi thế này thì thôi lại được khoác đủ bao cái tên, dạng Suối Tiên hay Thiên đường xanh…
Lội qua một suối mát lạnh, vã nước vào mặt thấy tỉnh hẳn cả người, đi lên dốc thấy hiện ra dãy nhà gỗ. Mấy nhóm trẻ chạy chơi ngoài sân.Trông chúng thế nào thì các bạn xem ảnh là thấy, không cần miêu tả bằng lời.
Ở Mầm Non Sín Thầu,gần cửa khẩu ngã ba biên giới A Pa Chải ở Điện Biên, khi chúng tôi bước vào sân thì trẻ chạy ùa đến vây kín xung quanh. Cứ giơ mấy ảnh lên là chúng chạy ào đến đứng ngay trước ống kính, cười khanh khách.Ở Bát Xát, trẻ không mạnh dạn như thế, nhưng tươi tỉnh khoanh tay chào.ở Huổi Van, những đứa trẻ im lặng nhìn người lạ.Có đứa bé thì khóc thét lên khi chĩa ống kính vào.Có đứa đứng yên cho chụp ảnh, nhưng không nói, không cười.Phải lâu lắm chúng mới quen, không chạy đi khi chúng tôi lại gần.
Đó là con em của dân tộc Mảng Ư-Một dân tộc rất ít người, và là một trong ba dân tộc ít người cần có sự hỗ trợ đặc biệt để bảo tồn.
Quả thật, trẻ con nơi này cũng đáng yêu như tất cả trẻ con Tây Bắc. Có điều do ở sâu, ít tiếp xúc, ánh mắt chúng vẫn có cái gì còn hoang dại.Vừa dễ tin, vừa hay e ngại, hoảng hốt. Các cô giáo kể: Cứ mỗi năm học, phải mất vài tháng bọn trẻ mới quen cô giáo. Rồi phải vất vả lắm mới dẫn dắt chúng vào những nếp sinh hoạt của lớp học. Nhưng sau mấy tháng hè là “của rừng lại trả rừng”, các bé lại nhìn cô giáo cũ với vẻ lo sợ, lảng tránh, sợ sệt. Lại mấy tháng. ..làm quen lại. Hai cô giáo ở đây với bọn trẻ. Ăn ngủ ngay trong lớp học. Sáng ra quấn chăn chiếu dồn vào góc lớp. Một cái bếp tre nứa vừa dựng tạm. Để cô tự nấu ăn, nhưng nếu Cơm có thịt đến đây, thì cũng nấu luôn cho cháu. Trong bếp mới chỉ có nền đất, duy nhất một cái cuốc, chưa có gì hơn.
Qua lời các cô thì ở đây không dễ vận động phụ huynh góp gạo nấu ăn trưa tại lớp cho các bé. Người Mảng Ư rất nghèo, có gì ăn đó, không có thì nhịn. Trẻ em cũng vậy. Nên chuyện họ góp gạo là không thể. Ngồi bàn với cô giáo, rằng nếu phủ Cơm Có thịt ở đây thì sẽ thêm cả tiền mua gạo cho các bé.
Khi chia tay, tôi nói rằng có thể đây là nơi các bạn đang du học và sinh sống ở Úc (Nói vậy để dễ nhớ, dễ hiểu nơi này) sẽ giúp để các bé có gạo, có thịt, cá, trứng để ăn trưa, có cả đồ nấu ăn, bát, thìa mới, hợp vệ sinh cho các cháu, mắt cô giáo ánh lên vẻ ngỡ ngàng. Hình dung những đứa trẻ Mảng Ư ngồi quanh bàn ăn mang tên “Cơm Có Thịt Từ Australia”.
THÔNG TIN VỀ MẦM NON XÃ NẬM HÀNG-HUYỆN MƯỜNG TÈ- TỈNH LAI CHÂU.
Thông tin chung: 232 học sinh, trong đó : 74 học sinh 5 tuổi – 158 học sinh dưới 5 tuổi (cả nhà trẻ)
5 điểm trường:
– Điểm trường chính ( Nậm Cầy) : 126 bé, trong đó có 92 bé dưới 5 tuổi. Dân tộc Thái .
– Điểm Huổi Van gần suối có 62 cháu (42 cháu dưới 5 tuổi) có hai cô ở tạm ngay lớp. Không góp được gạo, nếu nấu 3kg/cháu Gạo : 16 ng/kg. Nhà trẻ 2,5 kg. Ba lớp , nhà gỗ . Dân Mảng Ư. Vận động nấu ăn 5 tuổi nhưng không được vì dân không có gạo để góp.
– Điểm bản Huổi Đeng, 16 cháu ( 11 cháu dưới 5 t) Một thày. Chưa nấu. Dân tộc H Mông
– Điểm bản Lồng Ngài : 24 cháu ( 11 cháu dưới 5 t) dân tộc H Mông. Hai cô giáo.
– Điểm Nậm Lay : 14 cháu,trong đó 11 cháu dưới 5 tuổi. Dân tộc Dao . Có 1 cô giáo.
Dự trù kinh phí phủ Cơm Có thịt:
- Mua thức ăn : 120.000 đ x 158 học sinh = 18.960.000 đ/tháng.
– Mua gạo: 158 học sinh x 3kg x 15.000 đ (tạm tính) = 7.110.000 đ/tháng
– Đầu tư ban đầu mua đồ nấu bếp, bát thìa cho các điểm trường: 30.000.000 đ (tạm tính)
– Đầu tư ban đầu mua phản nằm cho học sinh ngủ trưa: 100 cái x 250.000 đ (tạm tính)=25.000.000 đ
– Chăn, gối cho trẻ ngủ trưa: 120 chăn, gối x 130.000 đ (tạm tính) = 15.600.000 đ
Tổng cộng :
Đầu tư ban đầu : 70.600.000 đ
Đầu tư hàng tháng (thức ăn, gạo): 26.070.000 đ .Nếu tính 4 tháng:104.280.000 đ.
Tổng cộng dự toán trang bị ban đầu và mua đồ ăn hàng tháng trong học kỳ 1: 174.880.000 đ
Dự trù này có thể còn thay đổi vì đang đợi bản dự toán tỷ mỷ về trang bị ban đầu từ các cô giáo Nậm Hàng gửi về.
Trong khi một nhóm ở Huổi Van, nhóm khác đã tranh thủ đi trong cái nắng chang chang sang Nậm Manh, lên Huổi Chắt 1. Khi đi hết đường ô tô, phải leo dốc để lên điểm trường của bản người Mông.
Các cô giáo nói leo 25 phút thì tới. Có lẽ đó là chuẩn cho người ở đây nhiều năm. Còn anh chị em Cơm Có thịt đã leo 45 phút. Đã quá trưa, bát phở sáng tại nhà ăn Công ty Sông Đà 5 đang làm Thủy điện trên đó đã hết từ lâu. Ai cũng thở ra cả tai.
Vậy mà đến quá hai giờ chiều mới về đến chỗ trú ở Công ty, mặt đỏ bừng, đói mà vẫn chưa vội ăn, do cảm xúc quá mạnh về những gì nhìn thấy.
Những cảnh lớp học nứa lá xiêu vẹo này tôi đã gặp ở mọi nơi đi qua.Công bằng mà nói được ngôi nhà tường gỗ như Huổi Van cũng hiếm ( Lại nhớ khi vào một điểm trường có đến cả trăm đứa Mầm Non ở Huyện Mường Nhé, đứa con trai học lớp 7 của tôi hỏi : ” Bố ơi, đây là lớp học à?”)
Phải đầu tư nhiều năm, nhiều tiền của lắm mới có số lượng trường lớp khang trang như hiện nay tại các trung tâm huyện, xã vùng cao. Nhưng đi vào trong bản thì thấy bức tranh còn khác quá. Mùa đông trong những “lớp học” thế này, da dẻ trẻ con tím tái, mũi thò lò.
Chúng ta nói nhiều cụm từ “Cơm no, áo ấm’, nghe thành quen, và hay dùng vào những nghĩa bóng bóng. Lên đây để thấm lại cái nghĩa thật của từ này. Không thể thật hơn.
Những cảm xúc của người đi lên Huổi Chắt được Đào Tuấn ghi lại trên Báo Lao động ( xem http://laodong.com.vn/Phong-su/Chuong-hoc-o-Huoi-Chat/82146.bld), nhiều anh chị cũng đã chia sẻ trên các trang FB của mình ( FB của Hoang Minh Hung, Lana Nguyen).
(xem thêm: Quyền làm người, “Chuồng học” ở Huổi Chát
http://toithichdoc.blogspot.ch/2012/09/chuong-hoc-o-huoi-chat.html )
Và những bức ảnh nói thay tất cả.
Vậy thì, chúng ta hãy bàn những việc cụ thể ngay thôi.
THÔNG TIN CHUNG VỀ MẦM NON NẬM MANH:
- Tổng số có 257 học sinh. Trong đó có 78 học sinh 5 tuổi (đã có chế độ trợ cấp ăn trưa 120.000 đ/tháng của nhà nước), còn 179 trẻ dưới 5 tuổi chưa nhận được tiêu chuẩn này.
-Có 8 điểm trường, trong đó 6/8 là nhà nứa lá.
DỰ TRÙ KINH PHÍ PHỦ CƠM CÓ THỊT:
Đầu tư ban đầu : Đồ nhà bếp,bát thìa : 35.000.000 đ (tạm tính); 120 phản gỗ x 250.000 đ=30.000.000 đ. Chăn : 110 x 120.000 đ=13.200.000 đ. Cộng: 78.200.000 đ
Cho bữa ăn hàng ngày trong 4 tháng đầu năm học: 179 HS x 120.000 đ/tháng x 4 tháng= 85.920.000 đ
Cho việc mua gạo : 179 hs x 3kg/tháng x 15.000 đ /kg x 4 tháng =32.220.000 đ
Cộng : 118.140.000 đ
Tổng cộng cho Mầm Non Nậm Mành: 196.340.000 đ
(tạm tính, chờ dự toán các cô gửi về).
Nếu nhìn vào các con số, chắc các bạn sẽ nói COMCOTHITAUSTRALIA chỉ có thể chọn một trong hai điểm: Hoặc Nậm Hàng, hoặc Nậm Manh ( Hiện có trên 196 triệu đồng từ Australia chuyển về).
Đó là một phương án, nhưng cũng có thể có phương án khác: Chúng ta biết rằng nhà nước sẽ cấp tiền hỗ trợ cho trẻ Mầm Non dưới 5 tuổi sau khi các thủ tục thống kê hoàn thành ( khoảng vài tháng). Vậy hãy coi khoản giúp mua thức ăn cho các bé như khoản tạm ứng, sau đó có thể thu về (các khoản trang bị ban đầu và mua gạo sẽ không có trong tiêu chuẩn trợ cấp của nhà nước và đó là tiền ủng hộ ngay của Cơm Có Thịt).
Trong tháng 9 và tháng 10, số tiền 196 triệu có thể dùng để mua đồ nấu ăn (65 triệu), tiền gạo và thức ăn (110 triệu) cho cả hai trường Mầm Non Nậm Hàng và Nậm Manh. Sau hai tháng, nếu hai trường được nhận chế độ nhà nước 120 ngàn đồng/tháng cho trẻ 3,4 tuổi, chúng ta sẽ thu lại tiền mua thức ăn đã ứng cho các cháu (khoảng gần 80 triệu đồng). Số tiền đó để đầu tư cho hai trường mua phản nằm và chăn gối bông cho các cháu chống rét.
Trường hợp sau tháng 10 vẫn chưa có chế độ hỗ trợ của nhà nước đối với trẻ ba, bốn tuổi, Chương trình “Cơm có thịt” sẽ tìm nguồn ủng hộ ứng tiếp để duy trì Cơm có thịt đến khi có chế độ nhà nước (được truy lĩnh từ tháng 9). Như vậy COMCOTHITAUSTRALIA sẽ vẫn phủ được hai trường Mầm Non vùng rất nghèo này của Tây Bắc.
Nào, các bạn có đồng ý mang Cơm Có Thịt đến Nậm Hàng, Nậm Manh không ?
T.Đ.T
One Response to Với Cơm Có Thịt từ Australia
Rất đồng ý. Hôm 31.7 tôi đã gửi 10 triệu đồng cho quỹ Cơm Thịt qua 1 anh bạn cũng tham gia chương trình, hiện anh ấy đang bận nên chưa chuyển Cơm Thịt được. Cám ơn các thông tin của anh Tuấn và anh Tiến.
Trả lời
AKCC says:
06/09/2012 lúc 10:29
Cực kỳ đồng ý ạ.
Trả lời
THE PRESENT says:
06/09/2012 lúc 10:33
Đọc bài của chú chúng con cảm nhận sự chu đáo tận tâm của các chú cô đến từng em nhỏ. Chúng cháu xin phép chú đưa bài về trang fb của THE PRESENT để chia sẻ với bạn bè của chúng cháu.
Trả lời
Đốm lửa says:
06/09/2012 lúc 10:41
Càng đọc càng buồn, buồn vì sức mình yếu, buồn vì nhớ lời bác Hồ nói cách đấy gần 60 năm: “Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” vậy mà học và ăn thế này.
Em chỉ có 1tr xin ủng hộ cho một vài đứa trẻ có cơm ăn trong vòng 1 tháng , cảm ơn anh và các đồng sự.
Trả lời
Trả lời
AKCC says:
06/09/2012 lúc 10:29
Cực kỳ đồng ý ạ.
Trả lời
THE PRESENT says:
06/09/2012 lúc 10:33
Đọc bài của chú chúng con cảm nhận sự chu đáo tận tâm của các chú cô đến từng em nhỏ. Chúng cháu xin phép chú đưa bài về trang fb của THE PRESENT để chia sẻ với bạn bè của chúng cháu.
Trả lời
Đốm lửa says:
06/09/2012 lúc 10:41
Càng đọc càng buồn, buồn vì sức mình yếu, buồn vì nhớ lời bác Hồ nói cách đấy gần 60 năm: “Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” vậy mà học và ăn thế này.
Em chỉ có 1tr xin ủng hộ cho một vài đứa trẻ có cơm ăn trong vòng 1 tháng , cảm ơn anh và các đồng sự.
Trả lời