Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Thị trường: Lý thuyết và Thực tế


Tác giả : Đỗ Kim Thêm
Thị trường không phải chỉ là vấn đề kinh tế.
Thị trường là nơi gặp gỡ giữa người mua và người bán, một khái niệm kinh tế dể hiểu. Nếu thuận mua và vừa bán là thị trường hoạt động, giá cả lạm phát thì bàn tay vô hình điều chỉnh, thị trường khủng hoảng chính quyền sẽ can thiệp để đưa hoạt động trở lại bình thường. Thực tế cho thấy không phải chỉ có giá cả là quyết định cho toàn bộ sinh hoạt thị trường và lúc nào chính quyền cũng can thiệp đúng lúc và hữu hiệu, vì thị trường không chỉ là vấn đề kinh tế mà là một thực tại xã hội sinh động, đa dạng và diễn biến phức tạp.

Dù khoa học kinh tế tìm đủ mọi cách để luận giải về các vận hành của thị trường, nhưng không ai đã tiên đoán được sự phát sinh cuả các khủng hoảng vào năm 1929 và 2008. Khả năng phân tích tình hình và tiên đoán tương lai của các nhà kinh tế bị ngờ vực, vì tin tức sai lệch và khả năng bị giới hạn trong phạm vi chuyên môn hoá. Có khi nhận ra những nguy cơ cho thị trường, nhưng vì áp lực hoặc quyền lợi cá nhân, nên họ cũng không lên tiếng cảnh báo. Đó là lý do tại sao lại có sự sụp đổ của tập đoàn đầu tư Bern Sterns, Lehman Brothers, AIG và các tập đoàn tư bản tài chính khác vào năm 2008. Kinh nghiệm cuả năm 1929 không giúp được cho chính quyền Hoa Kỳ tiến bộ hơn mà chỉ lập lại tình hình: nếu sụt giảm cổ phiếu gây tác haị trong ngắn hạn, thì những biện pháp giải quyết gây hậu quả kéo dài hơn cho thị trường.

Chính quyền châu Âu cũng không khá hơn. Điển hình là trước ngày vở nợ họ ca ngợi thị trường tài chính Hoa kỳ là mô hình phù hợp để theo đuổi trong tiến trình toàn cầu hoá và khuyến khích các ngân hàng mua các cổ phiếu tại thị trường này với hy vọng là sinh lợi trong ngắn hạn. Khi trực tiếp can thiệp để giải cứu thị trưòng thì các biện pháp cũng không đem lại kết quả lâu dài, vì họ bị ràng buộc vào những thoả hiệp chính trị nhất thời trong cơ chế dân chủ phức tạp và nhất là triển vọng tái đắc cử luôn là những ám ảnh đè nặng là lý do. Lập luận theo Ronald Reagan thì chính quyền không đem lại giải pháp mà chính là vấn đề. Tại các nước toàn trị dù những giải pháp táo bạo và nhanh chóng cuả chính quyền được dể dàng áp dụng hơn, nhưng cũng không có nghiả là sẽ đạt kết quả, mà mức độ tác hại lại trầm trọng hơn vì nhiều lý do khác.

Trong bối cảnh khủng hoảng của nền kinh tế chủ nghiã tư bản trên thế giới hiện nay, khái niệm về thị trường đã được thảo luận sâu rộng tại phương Tây. Thị trường là gì? Lập luận chính trong trong tiểu luận sau đây cho rằng thị trường không hẳn chỉ là một khái niệm thuần kinh tế mà còn là xã hội. Tìm hiểu sự thành hình và phát triển cũng như luận giải về lý thuyết và thực tế thị trường tại châu Âu và Việt Nam là những chủ đề sẽ được thảo luận.

Lược sử về sự hình thành và phát triển thị trường

Các nhà sử học đã không dẩn chứng chính xác được thị trường hình thành vào lúc nào, mà suy đoán là những trao đổi hàng hoá thô sơ và xa xưa nhất đã có từ 3500 năm trước Thiên Chuá giáng sinh tại Mesopotamien. Ngay trong thời kỳ này người ta đã phân biệt đối xử về trao đối giữa người trong và ngoại bộ lạc. Tại Hy Lạp cổ thời mối quan hệ trao đổi chỉ qua các thị dân mà sự phân biệt về trao đổi hàng hoá với các sắc dân khác ngoài thành phố Agora đã cho nhiều thí dụ. Sự kiện này kéo dài suốt thời kỳ trung cổ và dần dần bớt đi qua thời gian, khi thị trường không còn là nơi giửa người mua và người bán quyết định trực tiếp, mà hình thành qua các nhà buôn lẻ và thủ công. Các quyết định cuả chính quyền bắt đầu có ảnh hưởng trên giá cả, số lượng cũng như phương thức trao đổi. Cạnh tranh bắt đầu xuất hiện khi hội chợ trở thành một tụ điểm thương mại tại châu Âu trong thời kỳ từ thế kỷ XI đến XIV. Hội chợ mở ra không vì nhằm trao đổi cho nhu cầu địa phương mà còn cho các thương nhân từ các nơi xa đến. Hội chợ nổi tiếng nhất là Champagne taị Pháp và lan rộng từ khắp nưóc Ý cho đến vùng Flandre.

Ý niệm về cơ chế thị trường hình thành rõ nét tại châu Âu từ thế kỷ XVI khi chủ thuyết Trọng Thương đã gây được tiếng vang tại Pháp. Học thuyết này đề cao sự độc lập trong nền kinh tế bằng cách không lệ thuộc vào nhập khẩu, đấy mạnh xuất khẩu, giảm bớt các rào cản mậu dịch, sửa đổi biểu thuế quan biểu điạ phương và xây dựng cơ cấu hạ tầng để phát triển thị trường nội địa. Về sau đóng góp đáng kể cho sự phát triển thị trường là học thuyết về tự do mậu dịch, bành trướng thị trường tiêu thụ đaị chúng, thị trường lao động và tinh thần duy lý trong các quyết định trao đổi mậu dịch. Hàng hoá được sản xuất trên một mức độ quy mô hơn trước vì có vai trò cuả canh tân kỷ thuật đóng góp. Sản xuất không phải chỉ cung ứng nhu yếu phẩm trong cuộc sống hàng ngày tại điạ phương mà là một chiến lược quy mô cho một thị trường đang lan rộng. Sử gia chứng minh mậu dịch giưả các nước trong vùng Điạ Trung Hải và Trung Quốc đã có từ 200 trước Thiên Chuá giáng sinh và mậu dịch giưả Anh và Ấn độ đã phát triển từ thế kỷ XIII. Nhưng mở rộng giao thông và vận chuyển bắng đường biển làm biến dạng hình thái thị trường nguyên thuỷ. Khái niệm địa lý về thị trường thay đổi qua các tiếp xúc với các sắc tộc, quốc gia và khu vực khác.

Nhưng tác động nhất làm thay đổi sinh hoạt thị trường là trào lưu công nghiệp hoá tại Anh vào thế kỷ XVIII. Kinh tế du mục đã giảm, chế độ định canh hình thành và nông phẩm ít được quan tâm hơn sản phẩm công nghiệp. Mối quan hệ của các chủ thể kinh tế (gia đình, doanh nghiệp và nhà nước) và cách tác động cuả các tác nhân này trên thị trường bắt đầu hình thành trên quy mô mới. Để phát triển thị trường công nghiệp cả nước vấn đề chính là sản xuất các mặt hàng tiêu thụ và nâng cao sức mua với nhiều thị hiếu khác nhau cho mọi tầng lớp trong xã hội. Cấu trúc xã hội để tạo ra một thị trường công nghiệp năng động trở thành đề tài bắt đầu được tìm hiểu.

Quan trọng nhất là thị trường lao động được thành hình trong một nền kinh tế tư bản còn sơ khai. Những hình thức lao động, dù đã có qua hình thức nô lệ trong tiền sử hay gia công về sau, nay đã biến dạng trong mối quan hệ tiền lương cho công nhân trong xã hội phong kiến. Công nhân không còn lệ thuộc chính trị vào quyền lực các lảnh chuá địa phương. Ý niệm quyền tư hửu cá nhân hình thành và quyền công hửu giảm đi. Dù các mối quan hệ còn thô sơ, nhưng diễn trình chuyển hoá xã hội, nhất là khía cạnh văn hoá xã hội, đã góp phần quan trọng trong sự phát triển hoạt động cuả thị trường.

Dù được công nghiệp hoá cao độ và cấu trúc thị trường hàng hoá và dịch vụ đã thay đổi, nhưng không có nghiã là thị trường tự định đoạt toàn bộ sự vận hành mà các biện pháp thuế khoá, phân phối cũng như an sinh xã hội của nhà nước đã đóng góp quan trọng cho tiến trình phát triển này.

Lý thuyết kinh tế về thị trường

Phát triển cơ chế thị trường là một thành tựu văn minh cho xã hội, nhưng cũng là một đề tài gây tranh luận về mặt lý thuyết kinh tế, nỗi bật nhất là của Adam Schmit và Karl Marx.

Adam Smith là người sáng lập khoa kinh tế học vì ông lý giải đầu tiên các khiá cạnh chủ yếu cuả sinh hoạt thị trường. Trong tác phẩm An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations ông không chú trọng nhiều đến việc giải thích về cơ chế giá cả mà bàn về sự phân công lao động trong toàn xã hội. Ông lập luận khi phân công lao động phát triển cao độ thì con người sẽ có nhiều nhu cầu trao đổi hàng hoá với người khác. Khuynh hướng sản xuất và trao đổi là tự nhiên nơi con người. Con người trao đổi hàng hoá cho nhau để thoả mãn nhu cầu và hiện tượng này không có trong xã hội loài vật. Không phải giá cả là tác động chính, mà tư lợi của con người trong mối quan hệ trao đổi hàng hoá là khởi điểm làm cho thị trường hoạt động và phúc lợi cho đất nước qua đó mà thành hình.

Smith cũng ý thức vấn đề giá khi ông phân biệt hai loại giá, một là giá tự nhiên và hai là giá trao đổi trong thị trường. Giá tự nhiên là giá sản xuất và bất biến trong khi giá trao đổi trên thị trường tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, kể cả tình cờ. Dĩ nhiên có nhiều biện pháp để kiểm soát giá thị trường, qua độc quyền hay luật lệ. Giử gìn giá được bình ổn trên thị trường chỉ là một biện pháp có giới hạn vì phát triển thị trường cũng cần có sự đóng góp thể chế.

Ai cũng tìm đến thị trường để trao đối vì tư lợi, đó là điều hiển nhiên. Nhưng hành động vì tư lợi mà không bị một kềm chế đạo đức nào thì có đem đến phúc lợi chung và bình an cho xã hội không, đó là vấn đề được đặt ra từ đầu thế kỷ XVIII. Có hai ý kiến trái ngược nhau. Ý kiến thứ nhất của công luận cho là hành động vì tư lợi chỉ gây bất ổn cho sinh hoạt xã hội, nên kiểm soát thị trường là vấn đề đạo đức phải được đặt ra.

Quan điểm thứ hai ngược lại mà Bernard Mandeville và Adam Smith là tiêu biểu. Cả hai cho là có mối quan hệ giưả quyền lợi cá nhân và lợi ích công cộng. Cá nhân theo đuổi tư lợi khi tham gia vào sinh hoạt thị trường nên họ sẽ sử dụng phương tiện eo hẹp của mình một cách tối ưu. Dù họ không hề có gì để ràng buộc nhau và chỉ theo đuổi tư lợi trong quan hệ trao đổi, nhưng cuối cùng đất nước cũng đạt được phúc lợi kinh tế và bình ổn xã hội. Các tác hại trên bình diện cá nhân, nếu có khi trao đổi, cũng là không đáng kể khi so với mối lợi chung cho toàn xã hội. Nhìn về tổng thể, theo đuổi tư lợi là sẽ tạo phúc lợi và an lạc xã hội về lâu dài. Đáng ngạc nhiên nhất khi lý giải về cơ chế thị trường khách quan Adam Smith cho là chính cảm xúc chủ quan về đạo đức cuả doanh nhân quan trọng trong các quyết định trao đổi. Khiá cạnh đạo đức kinh tế cũng là một đề tài chính trong tác phẩm Theory of Moral Sentiments cuả ông.

Karl Marx nhìn vấn đề phát triển thị trường dưới một khiá cạnh khác hơn. Ông chỉ quan tâm đến phương thức sản xuất nhiều hơn là giải thích những đặc điểm chung của hoạt động thị trường và xác quyết là kinh tế mới quyết định cho tất cả mọi sinh hoạt xã hội. Vì hàng hoá không thể tự động đến được thị trường và có khả năng tự trao đổi với nhau, mà thông qua mối quan hệ của con người trong xã hội. Từ đó mà thị trường thành hình.

Ông không đi sâu vào việc phân loại thị trường mà cho rằng tất cả mọi loại thị trưòng đều có lịch sử riêng của nó, nhưng thị trường lao động là quan trọng nhất vì thể hiện rỏ mối quan hệ bóc lột giữa chủ và thợ trong quá trình sản xuất. Chịu đựng bất công và vong thân trong xã hội công nghiệp hoá chính là vấn đề của công nhân, vì giai cấp chủ đã có ưu thế khi nắm tư liệu sản xuất trên thị trường theo phuơng thức sản xuất tư bản. Ông chủ trương là đấu tranh giai cấp là phương tiện để giải phóng bất công này. Hai khiá cạnh văn hoá và luật pháp tác động đến sự phát triển thị trường và đời sống công nhân là vấn đề mà Karl Marx không quan tâm. Về sau Georg Lukas, Hochheimer và Adormo đã xét lại nghiêm túc hơn khái niệm vong thân của Marx qua lăng kính văn hoá và luật pháp. Văn hoá đã đóng góp thật đa đạng cho sự phát triển nền kinh tế thị trường tự do mà Max Weber và Georg Simmel đã đào sâu, nhất là hai khiá cạnh tôn giáo và tiền tệ.

Thực ra cơ chế thị trường phát sinh những hậu quả vừa tích cực lẩn tiêu cực vì tùy theo điều kiện thực tế của từng loại thị trường riêng biệt. Do đó sự phận loại thị trường là quan tâm hàng đầu của nhà kinh tế. Kinh tế học đã phân chia hai loại thị trường chính là trao đổi các yếu tố sản xuất và  hàng hoá. Thị trường yếu tố gồm có lao động, điạ ốc và tư bản tài chánh. Thị trường hàng hoá gồm có hai loại là sản xuất hàng tiêu thụ và đầu tư. Ngược lại, khoa học quản lý doanh nghiệp phân chia hai loại thị trường chủ yếu cho doanh nghiệp hoạt đông là cung ứng sản phẩm và mua nguyên vật liệu. Chức năng chủ yếu cuả  thị trường khác với khái niệm về marketing, một phương thức tiếp thị, chỉ chú ý đến một loại nhóm sản phẩm riêng biệt cho một số nhu cầu đặc biệt của một nhóm người tiêu thụ.

Ngoài phân loại thị trường ra thì còn có nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến phát triển thị trường. Đó là luật lệ, phương cách sử dụng tài nguyên và kiến thức áp dụng tác động. Quan trọng nhất trong việc phát triển thị trường là niềm hy vọng là thị trường sẽ giúp giải quyết các vấn đề xã hội như thất nghiệp, bảo hiểm, hưu bổng và bất quân bình về lợi tức. Qua lý thuyết, bàn tay vô hình cuả thị trường là một cơ chế tự điều tiết, nhưng trong thực tế càng ngày người ta tin rằng các biện pháp can thiệp cuả chính quyền sẽ tác động đến công bình xã hội và phúc lợi nhiều hơn. Một chính sách khôn ngoan và đúng lúc của chính quyền sẽ là phương thức tối cần thiết để thay đổi đời sống người dân. Dĩ nhiên, điều này chỉ đạt đưọc trong một môi trường chính trị dân chủ và thị trường năng động có cạnh tranh ráo riết, vì đấu tranh trên thương trường là nguyên tắc chọn lọc và sẽ đem lại một cấu trúc mới phù hợp và năng động hơn cho các tác nhân còn có khả năng tham dự, cuối cùng người tiêu thụ sẽ được hưởng lợi tối đa.

Nhưng ai sẽ quyết định sự đãi lọc này và ai sẽ thắng khi đấu tranh trên thương trường? Lý thuyết tân cổ điển cho là quyền lực xã hội cuả doanh nghiệp không quan trọng, mà khả năng cạnh tranh độc quyền sẽ quyết định quyền lực trên thương trường. Độc quyền trong kỷ thuật sản xuất, mua và bán sẽ quyết định tương lai doanh nghiệp. Chiến lược áp đặt cuả doanh nghiệp độc quyền sẽ quyết định tương lai thị trường và ảnh hưởng đến người tiêu thụ. Khi hệ thống giá hàng hoá không còn cạnh tranh nhau mà chỉ là những thoả hiệp ngầm nhằm phân chia thị trường cuả doanh nghiệp độc quyền, thì sẽ gây bất lợi cho người tiêu thụ. Chính quyền phải có các biện pháp theo dỏi, phát hiện và đối phó, đặc biệt nhất là đem lại sự bình giá trên thị trường, đem cung cầu trở lại một trạng thái quân bình, vì đó là mối quan tâm chính của người tiêu thụ. Cổ vũ cho lý thuyết này là Leon Walras. Ông cho rằng biện pháp bình giá này chỉ thực hiện được trong điều kiện là cơ chế thị trường phải uyển chuyển, số lượng cung và cầu có thể được thay đổi nhằm thoả mản trong một điều kiện thích ứng dù có biến động giá cả.

Lý thuyết quân bình giá cả tổng quát trên thị trường là đề tài chính cho khoa kinh tế học mãi đến hậu bán thế kỷ XX mà Kenneth Arrow đã tìm nhiều luận chứng mới cho lý thuyết này. Ông giải thích là thị trường là nơi trao đổi không liên hệ đến tương quan cá nhân. Trước một chế độ giá định sẳn, có khả năng cung ứng hay tiêu thụ hay không và nếu có thì trong một khối lượng hay không gian và thời gian nào, đó là vấn đề. Mối quan hệ giửa nhà cung ứng và tiêu thụ không quan trọng.

Quan điểm này hoàn toàn ngược lại với lập luận của các nhà kinh tế học của trường phái nước Áo, mà điển hình nhất là von Mises và von Hayek. Cả hai đề cao vai trò quan hệ cuả các chủ thể kinh tế và bối cảnh xã hội trong việc phát triển thị trường và kết luận là thị trường là một diễn trình phát triển không thể lường trước. Thị trường không phải là một điạ điểm, một tình huống hay một thực thể tổng hợp mà chính là do tác động của nhiều chủ thể kinh tế trong sự phân công lao động. Sự thành hình cuả thị trường là kết quả tình cờ của những diển biến, một tổng hợp những thành quả có nhiều yếu tố không lường trước, nhưng luôn bị phân tán và dựa vào những kiến thức trong phạm vi nhỏ hẹp địa phương. Thị trưòng chỉ có hai yếu tố là giá cả là bao nhiêu và khi nào thì có thể trao đổi được. Do đó, thông tin thị trường vô cùng quan trọng và giá cả chỉ là những tín hiệu khởi đầu. Thị trường luôn thay đổi và cục bộ nên không thể nào là một trung tâm cho mọi sinh hoạt kinh tế.

Thực ra, đây là một trong nhiều tiền đề để đánh giá tầm mức quan trọng của thị trường. Về cơ bản, lý thuyết về quân bình giá cả cuả trường phái tân cổ điển chiếm ưu thế trong một quá trình dài. Nhưng lý thuyết này chấp nhận những tiền đề chung là thị trường có đặc điểm là luôn hoàn hảo, tin tức luôn chính xác, hàng hoá đề ra đồng chuẩn mực, trong khi đó thì thực tế cho thấy thị trường là luôn giao động và không hoàn hào vì có cạnh tranh liên tục và tin tức luôn sai lệch.

Keynes phê bình là lý thuyết quân bình giá cả không thể thuyết phục. Ông cho rằng cung không bao giờ tự động tạo nên cầu, đặc biệt nhất là tại thị trường lao động, nơi mà tiền lương không uyển chuyển đủ để làm thay đổi tình hình. Trong thị trường đầu tư thì biện pháp thúc đẩy đầu tư quy mô trong thời kỳ suy trầm là vai trò cuả nhà nước. Adam Smith thỉ cho là tinh thần tự nguyện tham gia thị trường của doanh nhân là chủ yế và tôn trọng quyền tư hửu làm cho thị trường ổn cố hơn.

Tóm lại, thị trường không phải chỉ do giá cả tạo nên, chính cấu trúc xã hội và mối quan hệ của các chủ thể kinh tế bị ràng buộc nhau qua luật pháp và phong tục tâp quán mới đem lại bảo đảm cho sự vận hành thị trường. Đó là lập luận bổ túc mà các nhà khoa học xã hội đề ra.

Lý thuyết xã hội về thị trường

Từ đầu thế kỷ XIX các lý thuyết kinh tế về thị trường đã được các nhà khoa học xã hội bàn cải nhiều, nổi bật nhất là Durkheim và Weber, khi hai ông đem các luận điểm của Karl Marx ra phê phán.

Marx mô tả là tiền lương công nhân không tương xứng với giá trị lao động bỏ ra mà thặng dư giá trị chỉ đem lại lợi nhuận cho nhả sản xuất. Tự do và bình đẳng trong mối trao đổi trên thị trường lao động không có mà chỉ là hiện tượng bóc lột. Nhưng Durkheim đi xa hơn khi giải thích về những điều kiện đem lại sự bình ổn trên thị trường qua giá trị của hợp đồng lao động. Một lập luận trứ danh của ông là không phải cái gì đồng thuận cũng đều được ghi trong hợp đồng. Ý ông muốn nói điều kiện xã hội khác như phong tục tập quán và tinh thần kết ước như niềm tin cá nhân và xã hội quan trọng cũng như văn bản hợp đồng, dù không minh thị quy định, nhưng nó cũng gây ràng buộc và có giá trị như hợp đồng.

Đó cũng là ý tưởng mà Weber lập luận khi đề cao vai trò chính trị và xã hội trong mối quan hệ trên thị trường. Theo Weber thì cơ chế thị trường phức tạp hơn những gì Marx mô tả qua hiện tượng bóc lột. Weber phân tích sâu xa hơn về các yếu tố quyền lực, xung đột và các quyền lợi dị biệt mà trao đổi và cạnh tranh nhau là chủ đề chính. Mối quan hệ này đã đóng góp vào sự hình thành cuả chủ nghiã tư bản. Ông còn phân tích vai trò Tin lành trong sự phát triển này. Georg Simmel thì lại đào sâu giá trị cuả tiền tệ khi nó tác động đến cơ chế cạnh tranh và gây hậu quả trong trao đổi của thị trường.

Giửa thập niên 40 thế kỷ XX lý thuyết về thị trường được Polanyi hoàn chỉnh qua tác phẩm The Great Transformation. Ông phê bình là phố quát hoá những đặc điểm của thị trường là một sai lầm. Thị trường không là một cơ chế thuần túy nhằm điều tiết tất cả các hoạt động vì thị trường không thể là một hệ thống vô giới hạn và định đoạt số phận cho toàn bộ nền kinh tế, một loại trật tự mà việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ trong một cơ chế tự điều tiết sẽ không quyết định tất cả. Ông chứng minh là trong suốt tiền bán thế kỷ XX không có một xã hội nào đạt được kết quả này. Lao động, tiền tệ và đất đai không thể là một loại thị trường chỉ thuần tuý là yếu tố về sản xuất, mà hoàn toàn lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Lao động liên hệ đến yếu tố con người, nên thị trường lao động không thể là một mặt hàng trao đổi đúng nghiả mà được định đoạt theo cơ chế. Sự can thiệp chính quyền sẽ đem lại việc quân bình trên thị trường lao động.

Đến cuối thế kỷ XX thì các lý thuyết về thị trường theo quan điểm về xã hội học đã phát triển và có nhiều cách lý giải khác nhau ra đời. Dù theo các phương cách tiếp cận và các chủ điểm khác nhau để khảo sát, các nhà lý thuyết đi đến những kết luận chung là thị trường là một mạng lưới, một cơ chế và một loại mô hình dựa trên kiến thức mới.

Thị trường là mạng lưới

Luận thuyết này cho là thị trường là một cấu trúc trong mối quan hệ xã hội mà các thành viên trên thị trường này tác động vào nhau tùy theo chức năng của mình. Thị trường là một mạng lưới xã hội, do đó cần phân biệt là ai tham dự và đóng vai trò gì. Khi khảo sát về vai trò của các tác nhân, Harrison White cho là có hai loại thị trường chủ yếu. Loại thứ nhất là thị trường sản phẩm công nghiệp, nơi mà người mua là người tiêu thụ và người bán là doanh nghiệp, họ đóng một vai trò cố định. Ngược lại, tại thị trường cổ phiếu vai trò này biến đối hàng ngày khi người mua cổ phiếu hôm nay nhưng ngày mai lại là người bán do sự diển biến của thị trường và động lực cá nhân. Do đó, nên đặc điểm của thị trường cũng phải biến đối theo, đó là ý kiến cuả Cliffort Geertz. White giả thuyết rằng thị trường công nghiệp là nơi các nhà sản xuất cạnh tranh nhau, mà giá cả là tín hiệu cần theo dõi. Thị trường sẽ ổn định rất lý tưởng khi có 10 dến 15 doanh nghiệp hoạt động. Không phải cơ chế giá cả quyết định cho thị trường và cũng không phải người tiêu thụ quyết định vận mệnh doanh nghiệp mà chính sự cạnh tranh của các doanh nghiệp tạo nên biến đổi trên thị trường. Với ý chí sáng tạo, doanh nghiệp tạo sản phẩm mới và tìm ra những khe hở trong mạng luới cuả thị trường để thâm nhập mà các doanh nghiệp khác không nhận ra. Thị trường là một hệ thống mạng lưới được hình thành theo ý nghiả này.

Vì trong cùng một mạng lưới nên hầu như các doanh nghiệp nhận được các tin tức giống nhau, thí dụ như về tình hình kinh tế chung, phương thức sản xuất trong ngành chuyên môn, khuynh hướng cuả người tiêu thụ, cơ chế giá cả và mức độ lạm phát. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng phản ứng giống nhau trong cùng một tình huống và đánh giá đúng về triển vọng thị trường. Những bí mật doanh nghiệp lại là những yếu tố quyết định then chốt trong chiến lược cạnh tranh mà phát hiện nội gián trở thành vấn đề sinh tử. Doanh nghiệp xác định vị thế mình trên mạng lưới thị trường từ sự khảo sát chiến lược đối thủ và cơ chế giá cả. White chứng minh là cạnh tranh ráo riết của các doanh nghiêp trong hệ thống mạng lưới là thách thức và chỉ có những doanh nghiệp kinh nghiệm mới có những ứng xử thành công. Dù là người thụ hưởng nhiều nhất nhưng áp lực của người tiêu thụ kém quan trọng hơn.

Khác với White khi đề cao cạnh tranh thì Mark Granovetter cho là sự hợp tác nhau trong khai thác các tin tức là quan trọng hơn. Mối quan hệ trong mạng lưới không làm ai ràng buộc ai, hay theo một tôn ti trật tự hay một quy luật nào cố định, nên các doanh nghiệp cần liên kết nhau qua để phát huy chiến lược của mình. Thành công của doanh nghiệp có quá nhiều yếu tố, từ cá nhân, tổ chức, lãnh đạo, điạ phương, sản phẩm, cấu trúc và tín nhiệm trong quan hệ hợp tác. Khai thác ưu thế doanh nghiệp để cạnh tranh chỉ còn là là vấn đề khai thác thông tin. Thông tin này chỉ có đưọc khi doanh nghiệp biết tìm cách hợp tác.

Thị trưòng là một thể chế

Luận điểm này cho là những quy luật của thị trường sẽ quyết định cho sự vận hành thị trường. Sự cảm nhận giá trị, hiểu biết ý nghiả và tuân thủ những quy luật mà các chủ thể kinh tế hành động, từ đó làm phát sinh những chuyển biến trên thị trường. Theo đuổi những giá trị kinh doanh, ý chí cạnh tranh hay hợp tác đều tùy thuộc vào những hiểu biết nội dung về quy luật cuả thể chế này. Sự thành hình và phát triển thị trường đã thay đổi triệt để qua thời kỳ toàn cầu hoá. Đây là một bằng chứng cho thấy vai trò của thể chế ảnh hưởng đến sinh hoạt thị trường. Doanh nghiệp chỉ tồn tại khi biết thích nghi những quy luật cuả trào lưu.

Có nhiều loại luật lệ quy định những ràng buộc trên thị trường, đề ra những khuôn mẩu hoạt động hợp pháp, thí dụ như quyền tư hữu được xác định qua luật hiến pháp, luật cạnh tranh để theo dõi và phát hiện tránh cảnh độc quyền doanh nghiệp, luật doanh nghiệp và luật lao động vv….

Ngoài ra còn những quy ước, tuy bất thành văn, nhưng cũng đem lại những ràng buộc cần thiết cho thị trường, thí dụ như phong tục tập quán và niềm tin cá nhân trên các giá trị xã hội. Hình thức và hoạt động của doanh nghiệp khi tham gia thị trường hoàn toàn tuỳ thuộc vào các quy định về thể chế.

Một khiá cạnh quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự phát triển thị trường là văn hoá, môt lĩnh vực đa dạng vì liên hệ đến lịch sử, nhân chủng, ngôn ngữ và tôn giáo. Các công trình nghiên cứu của Bourdieu, Weber và các nhà xã hội học khác đã chứng minh cho khía cạnh này. Từ giai đoạn thương thuyết, kết ước và thi hành hợp đồng không thuần là một vấn đề do luật pháp quy định. Đây là phạm trù văn hoá mà chính các đặc điểm văn hoá địa phương mới có thể giải thích được tại sao người ta thực hiện hay hủy bỏ hợp đồng không dựa trên những ràng buộc về mặt luật pháp.

Hiện nay, mối quan hệ giửa doanh nghiệp và người tiêu thụ là một vấn đề cảm thông văn hoá mà còn là đồng thuận về chuẩn mực đạo đức và cả vần đề bảo vệ môi sinh. Một sản phẩm công nghiệp sẽ thu hút người tiêu thụ hơn khi nhà sản xuất chứng minh được là có chương trình bảo vệ môi sinh, tạo nhiều phúc lợi xã hội cho công nhân và không thu dụng trẻ em tại các nước chậm tiến.

Vì phải tự đặt mình trong khuôn mẩu của thị trường như là một loại thể chế nên các tất cả các chủ thể kinh tế đều tuân theo và phản ứng theo một số thái độ nhất định. Do đó, thể chế làm cho sinh hoạt thị trường có thể tiên đoán được và tránh những chuyển biến về thái độ, giá cả và sản phẩm. Thể chế, nếu hoạt động trong điều kiện bình thường, sẽ đem lại bình ổn thị trường. Nhờ có khả năng tiên đoán tiên đoán tương lai mà các tác nhân tự tin hơn khi tham gia thị trường, một yếu tố chính làm cho thị trường hoạt động. Nhưng đến cuối thế kỷ XX có nhiều loại thị trường tương lai phát sinh do những kiến thức mới của khoa học kinh tế đem lại. Đó là đặc điểm của thị trường tư bản tài chính.

Thị trường do kiến thức mới về kinh tế

Thị trường đã dần dà biến dạng vì không hề dựa vào như cầu trao đổi trong đời sống hàng ngày cũng không thông qua trên mạng lưới hay tuân theo thể chế. Loại hình thị trường mới này đã phát triển và được goị chung là social studies of finance, mà khoa toán kinh tế, thống kê kinh tế, thăm dò dư luận, tâm lý xã hội và computer là đóng góp chính. Chính những hiểu biết mới về các lĩnh vực này tạo nên những mô hình mới cho thị trường.

Thay đổi táo bạo nhất có lẻ là thị trường nông phẩm vì không còn là nơi trao đổi trực tiếp giửa người mua và người bán mà cơ chế trung gian và điện toán sẽ giải quyết việc buôn bán. Thị trường dâu tây tại Loire nước Pháp đã áp dụng loại mô hình này. Nông dân đưa dâu tây bán tới một nhà bán đấu giá trung gian. Người trung gian nhận hàng, tìm ra một loại giá bán thích hợp cho người mua qua hệ thống điện toán và cung ứng cho nguời mua. Bảng giá trong nhà bán đấu giá sẽ quyết định cho sự trao đối mà mọi thương lượng đều trở nên không cần thiết. Hình thức này làm cho thị trường nông phẩm hoạt động vô hình hơn.

Thí dụ được nói tới nhiều nhất là các sản phẩm Swap, Derivate và Option vào cuối thập niên 70 tại thị trường tư bản tài chính Chicago. Những phương cách tinh toán giá trị đều theo những mô hình toán học và thống kê. Các chuyên gia đã cải biến thành những loại sản phẩm để đưa vào thị trường cổ phiếu cho tương lai. Mọi suy đoán về triển vọng sinh lợi trong tương lai vượt qua hiểu biết hay suy luận thông thường hay một trò chơi may rủi. Nhiều phối hợp phức tạp làm biến dạng các mô hình sản phẩm tài chính này mà chính chuyên gia cũng không theo kịp trào lưu. Do đó việc mua bàn cổ phiếu tương lai là một chuyện phiêu lưu hoang tưởng hơn là một quyết định thuần lý.

Cũng tương tự là thị trường bảo hiểm nhân thọ. Với các phương thức toán học, các chuyên gia tìm ra những phương cách tinh toán mới về tuổi thọ dự liệu và các rủi ro bệnh tật có thể xãy ra. Họ kết hợp thành những mô hình bảo hiểm sức khoẻ để đưa vào thị trường bảo hiểm nhân thọ và biến thành cổ phiếu cho tuơng lai để mua bán. Loại thị trường này một trò chơi cờ bạc hoang tưởng vượt qua mọi hiểu biết thông thưòng mà luật thị trường tài chính cho phép mà chính quyền còn khuyến khích.
 
Tóm lại, các nhà khoa học xã hội về lý thuyết thị trường cho rằng cần tìm hiểu sinh hoạt cuả thị trường một cách toàn diện mà cơ chế giá cả chỉ là một phản ành chủ yếu. Niềm tin vào cơ chế vận hành và mối quan hệ giưả doanh nghiệp, công nhân và người tiêu thụ tạo nên cấu trúc xã hội là đề tài. Mối quan hệ này chỉ được cảm nhận chung trong một bối cảnh của thể chế và văn hoá xã hội. Từ niềm tin của các tác nhân mà các sinh hoạt thị trường sẽ hình thành. Dĩ nhiên đây là một phương cách tiếp cận vấn đề có quy mô lớn vượt qua khả năng và phương tiện nghiên cứu chuyên môn hoá của một chuyên gia hay một lĩnh vực.

Thực tế về thị trường châu Âu

Trước đây, trong trào lưu toàn cầu hoá thì luận thuyết cuả Neoliberalism cho là chính quyền phải ít can thiệp nhất và nên để thị trường tự do tuyệt đối để tự giải quyết. Thị trường tư bản tài chính theo quan điểm này trở nên một thị trường độc lập với thị trường hàng hoá. Tự do giao lưu tư bản tài chính toàn cầu sẽ giúp cho thị trường phát triển. Đây là một phương sách tốt nhất.

Thời khủng hoảng đem lại nhiều lập luận đối nghịch vì thị trường châu Âu hoạt động trong những tình huống nghịch lý. Cạnh tranh trên thị trưòng tư bản tài chính trở nên giới hạn, trong khi cạnh tranh trên thị trường hàng hoá ráo riết hơn và các biện pháp bảo hộ mậu dịch nhiều hơn. Khi chính quyền dồn mọi tài trợ cho hệ thống ngân hàng tiếp tục sống, nhưng lại không có một hệ thống kiểm soát hữu hiệu. Nổ lực này lại không nhằm tạo ra một bối cảnh thu hút tạo ra đầu tư mới cho doanh nghiệp mà làm giảm đi mọi công chi về phúc lợi xã hội và hậu quả là bất công lan rộng, cách biệt lợi tức làm người nghèo trở thành đa số trong xã hội. Họ chịu thua thiệt nhiều nhất nên bị các phong trào bài ngoại và cực đoan gây ảnh hưởng. Tinh thần trục lợi vô đạo đức cuả giới tư bản tài chính ngay trong thời suy trầm tạo ra công phẩn trong công luận mà các cuộc biểu tình liên tục tại châu Âu là thí dụ. Giới trung lưu, một tầng lớp chủ yếu tạo sự ổn định xã hội, cũng chịu ảnh hưởng và làm đảo lộn các kết quả bầu cử. Khi đồng Euro khó có thể duy trì tại một số nước thì nguy cơ sụp đổ cơ chế Liên Âu có thể xãy ra. Tương lai bất trắc làm bất ổn xã hội ngày càng tăng và phản ứng chung cuả công luận là mất tin tưởng về cơ chế tự vận hành cuả thị trường, khả năng cuả học giới trong vai trò cảnh báo và khả năng của chính quyền trong vai trò kiểm soát.

Nhưng tại sao công luận không tin chính quyền? Câu hỏi này có nhiều lý giải mà tựu chung là thị trường không phải kinh tế mà là chính trị và xã hội với các điểm chính như sau.

Thứ nhất, nguyên nhân sâu xa có từ khi bức tường Bá linh sụp đổ. Trước đó, chính quyền không nhận ra những gì sẽ chuyển biến nên còn tiếp tục viện trợ cho các nước Đông Âu để duy trì chế độ. Sự cáo chung bất ngờ của hệ thống chuyên chính vô sản làm chính quyền cảm nhận sai lầm về một chiến thắng huy hoàng cuả nền dân chủ phương Tây, một lối lập luận bất chiến tự nhiên thành vì đánh giá không đúng mức về nổ lực đấu tranh của người dân đã can đảm vùng lên để xoá tan chế độ. Phương Tây lại sai lầm hơn khi say men chiến thắng về một thành tích mà mình không tạo ra rồi tiên đoán là lịch sử sẽ cáo chung, chính trị sẽ quy về một mô hình nền kinh tế thị trường, chỉ còn các vấn đề phát triển xã hội là quan tâm chung.

Thứ hai, những trào lưu tự do giao lưu tư bản trên thị trường tài chính toàn cầu cùng với đầu tư tư nhân tại ngoại quốc vào thập niên 1980 và những canh tân kỷ thuật qua cách mạng thông tin trong thập niên 1990 là những thách thức nghiêm trọng. Châu Âu đã không tiếp tục hoàn thiện cơ chế cho phù hợp với trào lưu toàn cầu hoá và không gia tăng kiểm soát ngân sách trong tiến trình thống nhất tiền tệ vào năm 1999, nên tình trạng vỡ nợ Hy lạp và Tây ban nha mới xãy ra.

Thứ ba, sự thành công của  Liên Âu là nguyên nhân cuả vấn đề. Thay đổi quyền lực về kinh tế và chính trị qua tiến trình hợp nhất châu Âu gây hậu quả làm cho tinh hình suy thoái trầm trọng hơn. Trước đây, dân chúng tin tưởng vào nguyên tắc tam quyền phân lập và vai trò can thiệp cuả chính quyền vào lĩnh vực kinh tế. Ngày nay, chính quyền không thể trực tiếp giải quyết vấn đề khi cơ chế quyết định lại giao cho cơ quan Liên Âu, một cơ chế phức tạp, tốn kém, thiếu dân chủ và không thể kiểm soát đưọc. Chính quyền cũng không thể giải quyết những vấn đề về kinh tế trong nước vì các công ty đa quốc một phần đã áp lực mạnh hơn lên chính quyền, một phần khác họ đã từ lâu tìm cách thoát khỏi vòng ảnh hưởng cuả chính quyền khi đầu tư nhiều hơn vào các nước chậm tiến và trốn thuế qua các hệ thống tinh vi. Vì dân chủ thiếu cơ sở địa phương nên mối liên hệ giửa người dân và chính quyền không còn. Những tư tưởng đối lập với chính quyền trở thành một mạng lưới xã hội mà phương tiện truyền thông hiện đại góp phần chuyển hoá rộng khắp mạnh và nhanh hơn. Mất niềm tin về sự vận hành của nền kinh tế thị trường là hậu quả đương nhiên.

Trước bối cảnh này thì cơ quan Liên Âu đã có nhiều phản biện khác nhằm thuyết phục công luận về chính sách của mình.

Thứ nhất, Liên Âu lập luận rất thực tế: tình hình chuyển biến quá nhanh, nhưng thể chế dân chủ tự do đang thắng thế, nên không có lý do dùng những biện pháp táo bạo như các nước toàn trị, vỉ sẽ đi ngược với trào lưu. Dân chủ, nhân quyền và tinh thần thượng tôn pháp luật có giá trị phổ quát, nên châu Âu phải tuân thủ. Các biện pháp viện trợ phát triển của Liên Âu sẽ đem lại những cơ hội thăng tiến cho người dân các nước nghèo và Liên Âu.

Thứ hai là ý chí chính trị chung. Cùng theo đuổi mục tiêu thống nhất Liên Âu nên với thời gian và thử nghiệm cơ chế sẽ hữu hiệu hơn. Những tác hại về kinh tế và xã hội sẽ tự điều chỉnh theo phương thức chọn lọc tối ưu và sẽ được dần dần khắc phục trên toàn Liên Âu, mà ý thức văn hoá chung là một khời điểm thuận lợi.

Thứ ba là vấn đề giá trị lý thuyết. Chủ nghĩa tư bản sẽ không sụp đổ toàn diện mà chỉ suy thoái trong từng thời kỳ do thiếu kiểm soát. Nguy cơ khủng hoảng đe doạ thường trực làm cho cơ chế cần phải năng động hơn để sinh tồn. Kinh tế thị trường không hoàn toàn là một giải pháp lý tưởng, nhưng là một lối thoát duy nhất, vì thế giới sẽ không có những chọn lưạ nào khác tốt đẹp hơn. Lập luận như Winston Churchill, nếu mô hình dân chủ, dù không hoàn chỉnh, nhưng lại ít tác hại hơn chế độ độc tài, thì mô hình kinh tế thị trường cũng thuận lợi hơn nền kinh tế kế hoạch. Luận điểm này sẽ là khởi điểm cho những nổ lực cải cách chung.

Nhưng làm sao đem những phản biện này tạo thành một niềm tin chung làm đoàn kết  tất cả mọi người, mọi giới và mọi quốc gia trong Liên Âu? Tinh thần đoàn kết để xây dựng không thể đạt được vì lẻ cơ chế Liên Âu là đa văn hoá, đa ngôn ngử và quá rộng lớn. Châu Âu đã và sẽ không có một công luận đồng thuận cho bất cứ vấn đề gì, cho dù tư tưởng thiên về công bình xã hội chiếm ưu thế hơn tư bản. Hiện nay, những người đóng thuế tại Đức, Pháp và Hoà Lan là giới bị thiệt thòi nhất trong thời kỳ này, họ sẽ không có tinh thần hy sinh để trả nợ cho người Hy Lạp, Tây Ban Nha hay nuôi người già tại Ba lan, vì họ không tin là Hy lạp và các nước tổn thương khác sẽ có khả năng hồi phục nhanh. Đây chính là vấn đề mà châu Âu còn thảo luận để tìm ra lối thoát.

Thực tế về thị trưòng Việt Nam

Việt Nam theo mô hình kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghiã, một khái niệm không có trong khoa học kinh tế hay xã hội học phương Tây. Do đó, những thảo luận lý thuyết trong tiểu luận này không có cơ sở tương đồng để so chiếu.

Sự hình thành và phát triển của thị trường Việt nam cũng không có một bối cảnh như tại châu Âu. Việt Nam không có thời kỳ khai sáng khởi đầu để thay đổi tư duy, phong trào công nghiệp hoá để cất cánh thay cho thị trường nông nghiệp, tiết kiệm quốc nội đủ mạnh để huy động làm vốn cho đầu tư tư nhân, hệ thống doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh ráo riết, chấp nhận tự hủy để sáng tạo và tôn giáo Tin Lành là điều kiện tinh thẩn để phát triển xã hội tư bản. Nhưng Việt Nam đã có những điều kiện đặc thù và thành tựu ban đầu.

Thị trường được hình thảnh là do một quyết định mở cửa kinh tế và một chiến thuật ngắn

hạn để sống còn hơn là một chiến lược phát triển trong trường kỳ. Không có tiết kiệm nhưng Việt Nam đã huy động được tư bản khả dụng của các định chế quốc tế, các nhà đầu tư ngoại quốc tư nhân và Việt kiều để đầu tư. Không có những sản phẩm công nghiệp giá trị cao do những canh tân kỷ thuật nhưng Việt Nam tạo ra được một thị trường xuất khẩu với sản phẩm gia công và nông lâm và thuỷ hải sản. Thâm nhâp thị trường phương Tây thành công vì Việt Nam tạo ra điều kiện cạnh tranh thu hút.

Nhìn chung, với dân số là 85 triệu dân Việt Nam là một thị trường có tiềm năng to lớn, khởi điểm cần thiết để xác định phương hướng phát triển dài hạn. Những năng động cải cách chỉ thành công trong ngắn hạn và không toàn diện nên gây bất công xã hội và không đồng bộ trong tiến trình phát triển điạ phương. Thực tế cho thấy khủng hoảng lý thuyết (sẽ tiếp tục định hướng như thế nào và trong chừng mực nào), khủng hoảng lảnh đạo (khả năng kiểm soát và phòng chống tham nhũng) và khủng hoảng niềm tin xã hội (luật pháp không hữu hiệu, giáo dục xuống cấp, đạo đức suy đối và môi sinh cạn kiệt) cần được thảo luận nghiêm chỉnh và dân chủ để khởi đầu cho một cuộc đổi mới khác.

Nhìn riêng, thì từng loại thị trường đang có những vấn đề khác nhau. Thị trường lao động có thuận lợi là nhân công trẻ trung, nhưng không thể phát huy vì trình độ tay nghề không thể nâng cao. Hệ thống giáo dục xuống cấp nên chỉ cung ứng được lao động giản đơn cho sản phẩm gia công là hậu quả tất yếu. Vài cá nhân xuất săc trong lĩnh vực toán học hay vật lý không thể đem lại phép lạ vì thị trưởng cần nhiều loại kỷ năng khác nhau cuả đa số. Thị trường xuất khẩu khó khăn hơn vì một phần do tình hình thị trường quốc tế mang lại, phần khác lại do phẩm chất kém nên không thể cạnh tranh. Thị trường đầu tư tùy thuộc vào niềm tin của nhà đầu tư, mà tinh thần thượng tôn pháp luật và đánh giá đúng mức về tiềm năng phát triển thị trường nội điạ là chủ yếu. Bỏ ngỏ thị trường nội địạ để cho người lạ mặc tình thao túng là một sai lầm, trong khi khả năng thâm nhập thị trường ngoại quốc lại càng ngày càng bị hạn chế, nghịch lý này không thể duy trì. Thị trường sản phẩm sẽ không khởi sắc khi luật cạnh tranh không được triệt để áp dụng và vai trò và quyền lợi người tiêu thụ không được tôn trọng.

Giống như châu Âu, niềm tin phát triển là một khởi đầu cho mọi cải cách khác. Nhưng tin vào cái gì? Với một chiến lược phát triển toàn diện và thuyết phục, sức mạnh dân tộc và ý chí vượt thoát, người dân sẽ tin là tương lai cuả đất nước là giàu mạnh, dân chủ, văn minh và công bình xã hội. Để đạt mục tiêu này người dân còn cần  tin vào khả năng lãnh đạo cuả chính quyền, khả năng cảnh báo của tầng lớp trí thức dấn thân và tin vào sự đóng góp chung cuả mọi giới.

Khác với châu Âu, kêu gọi đoàn kết và hy sinh để xây dựng Việt Nam dể kết hợp hơn, vì là nguyện vọng chung của mọi tầng lớp cùng văn hoá và thuần chủng. Nhưng Việt Nam đang cần có tinh thần đoàn kết hơn bao giờ hết để giải quyết những vấn đề cấp bách khác, thí dụ như an ninh khu vực, vẹn toàn lảnh thổ và xung đột nội bộ.

Tựu chung, thị trường Việt Nam có ba vấn đề nền tảng: một là định hướng xã hội chủ nghĩa có còn là một lối thoát duy nhất không, hai là chính quyền là vấn đề hay có khả năng đem lại giải pháp và ba là đâu là sự đồng thuận cuả toàn dân.

Không ai biết được nguyện vọng người dân đang nghĩ gì, vì Việt Nam chưa có trưng cầu dân ý và cũng không hy vọng là sẽ có các thăm dò dư luận về những vấn đề nhạy cảm này. Dầu vậy, các sự kiện Năm Căn, Minh Phụng, P18 trong quá khứ và Vina, Vinashin, Vinalines, Bầu Kiên, ACB và Quan Làm Báo trong hiện tại là những chuyển biến quan trọng khởi đầu cho một tưong lai bất ổn cần thảo luận nhưng lại vượt qua khuôn khổ đóng góp cuả tiểu luận nhiều thiếu sót này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét