1. Để giải thích các kết quả từ mô hình (ví dụ cho rằng điều chỉnh tỷ giá hầu như không cải thiện được tình trạng nhập siêu), các tác giả đã sử dụng lại những lập luận tồn tại từ rất lâu như nền kinh tế vẫn bị lệ thuộc quá nhiều vào nhóm hàng đầu vào nhập khẩu nên nhập khẩu không thể giảm; hay xuất khẩu không tăng như kỳ vọng được giải thích bởi phần lớn hàng hóa xuất khẩu chính của Việt Nam đều sử dụng tỷ trọng các yếu tố đầu vào nhập khẩu lớn; hay năng lực cạnh tranh công nghiệp của nền kinh tế và mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư... Đây là những lập luận không thuyết phục, nếu cứ như kết luận của các tác giả thì tình trạng nhập siêu sẽ ngày càng nặng nề và đưa đất nước đến phá sản. Các nghiên cứu trước đây của chúng tôi cho thấy có những thời điểm không nên phá giá (khi đất nước đang mất ổn định nghiêm trọng, môi trường quốc tế không thuận lợi và không thể thực hiện được những biện pháp hỗ trợ cần thiết khi thực hiện chính sách phá giá); nhưng xét lâu dài, trong hầu hết các trường hợp, khi phá giá đủ mạnh (ít nhất là 10, 20% trở lên) để phá giá tỷ giá danh nghĩa thực sự trở thành phá giá tỷ giá thực, thì chắc chắn cán cân thanh toán quốc tế sẽ được cải thiện. Đây cũng là kinh nghiệm của rất nhiều nước trên thế giới. Họ cũng là các nước đang phát triển nghèo giống ta, cũng phụ thuộc vào đầu vào nhập khẩu..., nhưng sau khi phá giá đủ mạnh, nền kinh tế sẽ lấy lại được tốc độ tăng trưởng và từ nhập siêu trở thành xuất siêu. Kinh nghiệm phá giá tại các nước Đông Á và Đông Nam Á trong khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á 1997 là một ví dụ. Sau khi phá giá mạnh, hầu như tất cả các nước này đã tăng trưởng trở lại và trở thành nước xuất siêu. Việt Nam đã thực hiện phá giá rất mạnh năm 1988 (từ đó đến nay chưa có đợt phá giá nào lớn nữa), nhờ đó, cán cân xuất nhập khẩu được cải thiện rõ rệt và năm 1992 đã trở thành xuất siêu...
2. Viết những câu như "Tỷ giá tăng kéo theo giá trị nhập khẩu tăng, xuất khẩu giảm"... là phản khoa học kinh tế. Nếu quan hệ này được đưa vào mô hình thì là một mô hình sai. Lập luận này cũng giống như bảo giá tăng thì nhu cầu tăng. Thực ra tỷ giá chỉ là một nhân tố ảnh hưởng tới giá trị nhập khẩu; do đó nếu quan sát thấy tỷ giá tăng đồng thời cũng thấy giá trị nhập khẩu tăng thì cũng không thể kết luận tỷ giá tăng làm nhập khẩu tăng. Lý thuyết và thực tế đều khẳng định tỷ giá tăng sẽ làm nhập khẩu giảm. Tuy nhiên, cùng với tỷ giá tăng còn có những nhân tố khác làm nhập khẩu tăng và mức nhập khẩu tăng này cao hơn mức giảm nhờ tỷ giá; do đó tính chung, nhập khẩu sẽ tăng. Như vậy nhập khẩu tăng là do các nhân tố khác chứ không phải do tỷ giá. Nếu xây dựng mô hình trong đó có quan hệ dương giữa tỷ giá và nhập khẩu thì đó là mô hình sai, cần làm lại. Nên luôn nhớ trong đầu: Mô hình là phản ảnh của một lý thuyết kinh tế cụ thể.
3. Về kỹ thuật, tỷ giá thực bao giờ cũng là một chỉ số với năm gốc là 100. Không hiểu sao trong đồ thị đầu tiên dưới đây, chúng ta thấy tỷ giá thực là một số tuyệt đối với gốc khoảng 14.000 đồng. Việc tính toán tỷ giá thực cũng khá công phu, tôi đã thử tính vài lần, ví dụ xem ở đây. Trong bài dưới đây có nhiều đoạn khá thiếu lôgic hay mâu thuẫn làm tôi nghi ngờ cách tính tỷ giá thực cũng như mô hình sử dụng không hợp lý.
Dưới đây là bài báo đăng trên Gafin (http://www.baomoi.com/Home/KinhTe/gafin.vn/%C4%90ieu-chinh-ty-gia-hau-nhu-khong-cai-thien-%C4%91uoc-tinh-trang-nhap-sieu/9255636.epi)
"Điều chỉnh tỷ giá hầu như không cải thiện được tình trạng nhập siêu"
Theo báo cáo của Ủy ban kinh tế, chính sách tiền tệ, tỷ giá sẽ ít có
vai trò trong nỗ lực giảm nhập siêu, mà lại lan truyền sang lạm phát.
Theo báo cáo này, nhập siêu bắt đầu được coi là nghiêm trọng kể từ năm 2003, khi đạt mức 12,9% GDP, và đặc biệt căng thẳng vào năm 2008 (ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO) với mức thâm hụt tới 14,1 tỉ USD, tức gần 20% GDP.
Tỉ lệ này tiếp tục duy trì ở các năm tiếp theo. Nếu giai đoạn 2001-2005, nhập siêu trung bình ở mức 9,1% GDP thì giai đoạn 5 năm tiếp theo (2006-2010), nhập siêu đã tăng tới 14,7% GDP. Trong khi đó, Trung Quốc và các nước ASEAN như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia đều có thặng dư thương mại, thậm chí ở mức rất cao (như Malaysia 22% GDP).
Đến năm 2011, nhập siêu đã có dấu hiệu giảm mạnh, chỉ còn 9,5 tỉ USD (so với 12,6 tỉ năm 2010), chiếm 7,7% GDP (so với 11,9% năm 2010); tỉ lệ nhập siêu/xuất khẩu chỉ còn 9,8%, cách xa mức chỉ tiêu của Quốc hội là 16%.
Trước vấn đề này, TS. Tô Trung Thành, tác giả của báo cáo "Thách thức thâm hụt thương mại" đưa ra một số đánh giá liên quan đến công cụ có thể giảm nhập siêu, trong đó có chính sách tỷ giá.
Chính sách định giá thấp VND để khuyến khích xuất khẩu, giảm thâm hụt có còn đúng?
Tác giả dẫn ra quan điểm cho rằng, Việt Nam đã theo đuổi chính sách định giá thấp tiền đồng để khuyến khích xuất khẩu và giảm thâm hụt thương mại. Thực tế, việc phá giá liên tục (hạ giá trị danh nghĩa tiền đồng) trong hơn 10 năm qua có đóng góp thế nào đến nỗ lực giảm nhập siêu?
Theo TS. Tô Trung Thành, về lý thuyết, điều hành tỷ giá tác động đến tỷ giá thực qua công thức RER = NER (P*/P), trong đó RER là tỷ giá thực, NER là tỉ giá danh nghĩa, P* và P lần lượt là chỉ số giá nước ngoài và trong nước.
Nếu RER tăng, đồng nội tệ được coi là định giá thực thấp, tạo được vị thế cạnh tranh thương mại quốc tế cho hàng hóa trong nước. Ngược lại, nếu RER giảm, đồng nội tệ được coi là định giá thực cao, vị thế cạnh tranh hàng nội địa sẽ xấu đi.
Do đó, định giá thấp đồng nội tệ được coi là then chốt để duy trì thặng dự thương mại ở một số nước tại một số thời điểm.
Tại Việt Nam, tỷ giá được điều hành thông qua giữ nguyên tỷ giá liên ngân hàng một thời gian dài và đột ngột điều chỉnh. Theo dữ liệu quá khứ, trước năm 2004, tỷ giá tương đối ổn định, lạm phát trong nước thấp, tỷ giá thực tăng và bám sát tỷ giá danh nghĩa.
Tuy nhiên, từ năm 2007, khi lạm phát gia tăng, việc điều chỉnh tỷ giá ít linh hoạt đã khiến tỷ giá thực bắt đầu rời xa dần tỷ giá chính thức và tiền đồng bị định giá thực cao.
Bên cạnh đó, cũng có một số quan điểm cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa chưa đủ tầm, khiến tỷ giá thực giảm, làm hàng hóa Việt Nam giảm sút tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế và tác động tiêu cực đến cán cân thương mại.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau giai đoạn giảm mạnh trong năm 2007, tỷ giá thực hầu như rất ít biến động kể từ đầu năm 2008, nhưng nhập siêu lại biến động rất mạnh trong cùng thời kỳ. Điều này dẫn đến những nghi ngờ rằng ở Việt Nam, ngay cả việc thay đổi mạnh tỷ giá danh nghĩa (như lần điều chỉnh tăng 9,3% ngày 11/2/2011) làm tăng tỷ giá thực, liệu có cải thiện được cán cân thương mại?
Tác giả báo cáo cho rằng, thực tế, giá trị xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào hệ số co giãn theo tỷ giá. Vì vậy, mối quan hệ giữa phá giá tiền đồng đến nhập siêu cần được nghiên cứu sâu hơn dựa trên hệ số co giãn của cả xuất nhập khẩu theo tỉ giá.
Tỷ giá tăng kéo giá trị nhập khẩu tăng, xuất khẩu giảm
Theo nghiên cứu của tác giả, khi phá giá đồng nội tệ, giá hàng nhập khẩu sẽ giảm tính cạnh tranh dẫn đến "ảnh hưởng sản lượng" - tức số lượng hàng nhập khẩu giảm xuống. Phá giá đồng nội tệ còn dẫn đến "ảnh hưởng giá hàng nhập khẩu" - tức giá mỗi đơn vị hàng nhập khẩu sẽ gia tăng.
Tác giả tính toán, khi tỷ giá bị điều chỉnh tăng 1%, nhập khẩu trong tháng đầu tiên giảm không đáng kể (-0,04%). Quá trình giảm sẽ kết thúc trong vòng 8 tháng - đây là khoảng thời gian “ảnh hưởng sản lượng” chiếm ưu thế so với “ảnh hưởng giá hàng nhập khẩu”. Tuy nhiên, từ tháng thứ 9, nhập khẩu bắt đầu tăng do tác động của tỷ giá, và tính gộp sau một năm, giá trị nhập khẩu được ước lượng tăng 0,06%.
Điều này cho thấy, “ảnh hưởng giá hàng nhập khẩu” cuối cùng đã dần trung hòa và lấn át “ảnh hưởng sản lượng”.
Kim ngạch nhập khẩu không giảm sau khi điều chỉnh tỷ giá được giải thích bởi đặc điểm cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam. 90% hàng nhập khẩu là máy móc thiết bị và nguyên nhiên vật liệu để phục vụ cho quá trình sản xuất trong nước.
Nếu ở giai đoạn đầu phát triển kinh tế, cơ cấu này có thể được cho là hợp lý, nhưng việc cơ cấu này không thay đổi và duy trì quá lâu lại bộc lộ yếu điểm quan trọng là Việt Nam không phát triển được các ngành công nghiệp phụ trợ.
Vì vậy, nền kinh tế vẫn bị lệ thuộc quá nhiều vào nhóm hàng đầu vào nhập khẩu, dễ tổn thương trước những cú sốc bên ngoài và khiến nhập khẩu khó giảm.
Về phía xuất khẩu, qua quá trình nghiên cứu, tác giả cũng cho hay, giá trị xuất khẩu, theo mô hình thực nghiệm, cũng sẽ không được cải thiện sau khi điều chỉnh tăng tỷ giá.
Theo lý thuyết, tỷ giá tăng có thể khiến giá hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn và vì thế tăng được xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng ở ba tháng đầu tiên, tác động tiêu cực của điều chỉnh tỷ giá bắt đầu thể hiện từ tháng thứ tư và các tháng tiếp theo.
Sau một năm điều chỉnh tăng tỷ giá 1%, giá trị xuất khẩu được ước lượng sẽ giảm 0,15%. Xuất khẩu không tăng như kỳ vọng được giải thích bởi phần lớn hàng hóa xuất khẩu chính của Việt Nam đều sử dụng tỷ trọng các yếu tố đầu vào nhập khẩu lớn (ví dụ các ngành lương thực: nhập khẩu phân bón, thuốc trừ sâu; dệt may: nhập khẩu bông vải sợi, ngành điện tử: nhập khẩu máy móc và linh kiện...)
Về tác động của tỷ giá đến cán cân thương mại, TS. Tô Trung Thành cho hay, cú sốc tỷ giá tác động đến cán cân thương mại chỉ tích cực trong 8 tháng, nhưng tính chung cho cả một năm, cán cân thương mại không được cải thiện, thậm chí theo chiều hướng tăng nhập siêu.
Kết quả nghiên cứu định lượng trên cho thấy, các chính sách điều chỉnh tỷ giá hầu như không cải thiện được căn bản tình trạng nhập siêu của nền kinh tế, ngay cả khi tỷ giá danh nghĩa được điều chỉnh mạnh và tỷ giá thực tăng.
Điều này cũng có nghĩa các cú sốc “danh nghĩa” (các chính sách tiền tệ, tỷ giá tác động đến tỉ giá danh nghĩa và tỉ giá thực) sẽ ít có vai trò trong nỗ lực giảm nhập siêu, mà lại lan truyền sang lạm phát, dẫn đến vòng xoáy luẩn quẩn tỷ giá - lạm phát - tỷ giá.
Theo tác giả, gốc rễ của nhập siêu xuất phát từ các yếu tố thực, mang tính cơ cấu - gắn liền với cách thức xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam và đặc trưng mô hình tăng trưởng.
Yếu tố đầu tiên là năng lực cạnh tranh công nghiệp của nền kinh tế nói chung và hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nói riêng còn kém và không theo kịp xu thế chung của thế giới, khiến khả năng tăng xuất khẩu bị hạn chế và dễ bị tổn thương.
Yếu tố thứ hai là mô hình tăng trưởng chiều rộng dựa chủ yếu vào đầu tư kém hiệu quả khiến chênh lệch đầu tư và tiết kiệm nới rộng và được thể hiện chân thực qua thâm hụt tài khoản vãng lai (chủ yếu là cán cân thương mại).
Nếu giải quyết được hai vấn đề này thì có thể giải quyết được vấn đề nhập siêu kéo dài trong thời gian qua, báo cáo cho hay.
Theo Ủy ban Kinh tế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét