Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Chuyên gia kinh tế



Cuối năm ngoái, ở một hội thảo về góp ý chính sách, khi được mời phát biểu, chuyên gia kinh tế (CGKT) Vũ Đình Ánh đứng lên chua chát nói:
"Vì góp ý chính sách cho nên tôi từ phó viện trưởng trở về vị trí chuyên viên như thế này ".
Trước đó anh là phó viện trưởng viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả của bộ Tài chính. Nhưng anh đã không được tái bổ nhiệm giữ chức vụ đó mà... nguyên nhân, như chính anh đã tự nói ra.
Nói vậy thôi, nhưng anh vẫn thường xuyên dự các hội nghị, hội thảo lớn, nhỏ, tham gia các chương trình bình luận kinh tế trên truyền hình, đối thoại trực tuyến... và thường đưa ra các ý kiến phân tích, nhận định rất thắng thắn-những ý kiến mà có thể có lúc, làm cho người lãnh đạo của ngành mình không khỏi không khó chịu.
Cuối tuần trước, một hành động của anh lại càng làm tăng sự kính trọng của nhiều nhà báo với anh khi từ chối tham dự một buổi làm việc để trả lời phỏng vấn một số phóng viên được cho là thân thiết, ở các tờ báo có ảnh hưởng mà Bộ Tài chính mời một số CGKT như ông Ngô Trí Long (làm việc ở bộ Tài chính), ông Nguyễn Minh Phong - cựu CGKT của viện NCKT-XH Hà Nội- nay đã về báo Nhân dân đến để phân tích, nói hộ bộ. Đại khái để nói rằng, việc điều hành xăng dầu, không giảm thuế nhập khẩu xăng dầu của Bộ Tai chính trong đợt tăng giá xăng vừa rồi là hợp lý, đúng đắn.
Trả lời một PV, anh cười khà khà bảo: "Tao ngu gì ở lại để nói ngược lại những điều mình đã nói trước đó. CGKT phải có quan điểm độc lập chứ".

Trong giới CGKT của Việt Nam, anh V.Đ.Ánh chưa phải là giỏi nhất, tầm cỡ như các chuyên gia: Lê Đăng Doanh, Nguyễn Quang A, Trần Đình Thiên, Trần Xuân Giá... nhưng cũng rất sắc sảo và điều quý nhất, chính là làm cho cơ quan nhà nước mà vẫn giữ được quan điểm độc lập.

Có nhiều CGKT làm việc trong các viện, trung tâm nghiên cứu của các bộ, ngành nhiều khi khó giữ được quan điểm độc lập bởi đơn giản, họ bị ảnh hưởng bởi các lợi ích: tiền lương, vị trí, sự thăng tiến... Có những người rất giỏi, phát biểu rất thẳng thắn nhưng đôi khi cũng bị vạ miệng.

Còn nhớ có lần mấy phóng viên quây hỏi cựu Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc trong Quốc hội, có người trích lời anh Nguyễn Đình Cung, khi đó còn là trưởng ban nghiên cứu kinh tế vĩ mô của CIEM nói thế này, thế kia...Ông Võ Hồng Phúc quên mất đang trả lời phóng viên, cau mặt gắt:

"-Cái cậu Cung này..."

Anh em lúc sau alo gọi điện trêu anh Cung, anh có vẻ lo lắm.

Nhưng không sao, bây giờ anh đã là phó viện trưởng CIEM. Cũng không phải vì anh phải lụy, phải "tròn", phải phát biểu đúng chủ trương, đường lối... Người ta vẫn thấy, trả lời phóng viên các báo, phát biểu tại các hội thảo, anh nói cũng trao đổi rất thẳng thắn, đả phá không thương tiếc các tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn bậy bạ. Mình chỉ tiếc là trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế mà CIEM xây dựng, vẫn lấy TĐKT làm "đột phá"!.

Nhìn chung thì đa số các CGKT của Việt Nam đều là những người có học thức, nhân cách đáng kinh trọng cho dù quan điểm, sự lựa chọn về ủng hộ, góp ý cho Chính phủ có khác nhau. Có những người rất giỏi nhưng họ không muốn tư vấn, góp ý cho Chính phủ vì dường như họ không tin vào việc ý kiến đó được tiếp thu, không tin là họ tư vấn, góp ý làm thay đổi được tình hình như ông Nguyễn Quang A nhưng không phải vì thế, những phát biểu, đánh giá của họ là cực đoan, không khách quan. Khi tôi được dự cuộc họp, hội thảo nào có ông Quang A tham dự, hoặc đọc các bài ông viết, tôi cũng rất chú ý bởi những kiến giải độc đáo, sâu sắc của ông. Khi nghe ông nói, người ta thấy có hướng sáng sủa, rõ ràng cho những vấn đề tối tăm, bùng nhùng của kinh tế Việt Nam .

Có nhiều CGKT giỏi nhưng vẫn thường xuyên góp ý, đưa ra những tư vấn cho Chính phủ, các bộ nhiệt tình. Mấy năm nay, hầu như năm nào Chính phủ cũng tổ chức cuộc gặp gỡ, lắng nghe ý kiến các CGKT hàng đầu của Việt Nam. Chỉ có VTV1, TTXVN, website Chính phủ và 1-2 báo nào đó được dự đưa. Trên màn hình tivi, người ta cũng thấy có nhiều CGKT lớn: ông Lê Đăng Doanh, ông Trần Đình Thiên, ông Lê Đức Thúy, ông Lê Xuân Nghĩa... và nhiều người phát biểu.

Giá mà Chính phủ thực hiện được nhiều điều tư vấn, góp ý của các CGKT thì nền kinh tế VN không đến nỗi tồi tệ như hiện nay. Nhớ là năm 2007, nhóm chuyên gia kinh tế Havard của ông Vũ Thành Tự Anh có đưa ra bản góp ý toàn diện, rất hay về những vấn đề của kinh tế VN, hướng xử lý... thời điểm đó, nhóm này đã đưa ra những nhận xét, cảnh báo về nhiều vấn đề lớn: nợ công, đầu tư công dàn trải kém hiệu quả, những bất ổn trong tổ chức, cách thức hoạt động đầu tư của các tập đoàn kinh tế nhà nước và hậu quả của nó... Nếu Chính phủ quyết liệt, ráo riết thực hiện được những lời khuyên, góp ý đúng đắn đó, có lẽ KTVN không có những bất ổn trầm trọng như hiện nay.

Có nhiều CGKT rất giỏi khác nhưng ít khi xuất hiện trên báo chí. Có nhiều người trình độ cao, trước đây làm nghiên cứu, tư vấn trong những bộ phận mà giới chuyên môn quen gọi là “think tank” (bể chứa tư duy hay túi khôn) cho Chính phủ hay cho cả những nhà lãnh đạo. Bây giờ, nhiều người về hưu. Họ như những hiền sĩ ẩn dật. Có người vẫn tiếp xúc báo chí nhưng có sự lựa chọn kỹ.

Nhưng cũng phải nói thêm là cũng có một số CGKT xuất hiện đều đều, có khi ngày nào cũng thấy trên báo nhưng đại khái đọc, nghe ý kiến thấy nhàm, chán, ko thực sự sâu sắc lắm. Có một vấn đề là nhiều khi, có người được phong CGKT, không sâu sắc lắm nhưng ai hỏi gì cũng được nên nhiều khi cần bài gấp, cần có người hỏi gấp... lại không liên hệ, hỏi được ngay các CGKT giỏi thì nhiều khi PV quay số, gọi luôn chuyên gia "biết tuốt" hỏi cho nhanh.

Thậm chí có những CGKT như phần đầu bài này viết, sẵn sàng quay ngoắt, thay đổi quan điểm 100% do có sức ép nào đó...

Có CGKT thuộc cơ quan dân cử, bằng cấp tiến sĩ hẳn hỏi nhưng lại được giới CGKT liệt vào diện chuyên gia “Kiss Ass” (hôn mông hay nâng bi) như chuyên gia K. Chuyên gia này rất nhiệt tình bày tỏ quan điểm ủng hộ với chính quyền. Chẳng thế mà khi con tàu Vinashin đã đắm như vậy, ông vẫn cố gắng bao biện cho nó trên diễn đàn. Có lần ông vào một hội thảo trong TP HCM, khi thấy ông lên phát biểu, nhiều CGKT khác đồng loạt bỏ ra ngoài, thể hiện thái độ.

Nhưng cũng có CGKT thực sự là nỗi kinh hoàng của phóng viên. Như CGKT PC của một quỹ đầu tư, ông viết bài cho báo nào, gửi qua một phóng viên mà hôm sau thấy bài mà chưa thấy nhuận bút ngay là quay điện thoại gọi cho TBT kể tội đủ kiểu cô phóng viên đó ngay được. Cũng chuyên gia này đã làm nhà báo TG của một tờ báo kinh tế trong Sài Gòn "choáng" thực sự: bài phỏng vấn, ông này tưởng đăng báo in nhưng báo đó chỉ xếp đi online (thực ra cũng không có thỏa thuận gì với nhau là sẽ đăng online hay báo in), thế là ông làm um hết cả lên, đe dọa phóng viên sẽ thông báo cho khắp các nơi để lần sau không hợp tác với TG nữa. Chuối cả nải như thế.

Có CGKT như ông P còn kinh đến độ, khi ngồi cạnh phóng viên ở hội thảo, mở cả phim sex, bảo nữ phóng viên ngồi cạnh mình xem cùng. Phóng viên nữ nào liên hệ phỏng vấn thường được ông mời đến nhà riêng. Rồi tranh thủ tư vấn, xem chân, xem tay… cẩn thận.

Hôm đi Hải Dương 2 tuần trước, lúc ngồi nhậu, khi kể chuyện các CGKT, nói về chuyên gia P , anh bạn Bá Kiên bên báo Tiền Phong bảo mình: ah, tay đó, có hôm mình bảo phóng viên gọi điện phỏng vấn, cô phóng viên nghe băng, hốt hoảng bảo: Ôi anh ơi, hình như ông ấy vừa trả lời, vừa làm chuyện đó (XXXX), anh nghe này.... (tiếng hổn hển rõ rệt). Hi hi.

Nhưng đó là cá biệt thôi. Giới nào chẳng có người nọ, người kia. Giới CGKT Việt Nam có rất nhiều người kiến thức sâu sắc, cao siêu, có tâm, có đức ... Tiếc là, không phải lúc nào họ cũng được lắng nghe, được đóng góp nhiều cho sự đi lên của đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét