Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

(1) THẮNG CẢNH TRÊN CUNG ĐƯỜNG TỪ NHA TRANG LÊN ĐÀ LẠT


Anchu,
Blog Phạm Viết Đào
Đà lạt – Từ Phan rang
Đưa bài này lên cho đủ bộ sậu những tuyến đường lên Đà Lạt, nhưng nói thiệt là khuyên các bạn đừng đi đường này. Đẹp thì đẹp nhưng mà nhiều nguy hiểm, cộng thêm đường sá Việt Nam sửa lui sửa tới cũng hết ổ gà tới ổ trâu ổ voi. Vậy nếu như bạn không có một sức khỏe bền bỉ, một tinh thần hưng phấn, một xe mạnh mẻ thì coi như đọc để … đọc cho vui thôi.
Đà Lạt – Phan Rang: Đây là con đường có từ trước 1975 đi từ Đà Lạt xuống Đơn dương (đi theo Quốc lộ 20 qua đèo Dran làm từ thời Pháp hoặc đi qua đèo Prenn đến ngã ba Phi Nôm thì rẽ theo Quốc lộ 27 làm thời Mỹ để đi Đơn dương), sau đó qua đèo Ngoạn Mục (còn gọi là đèo Sông Pha) để xuống Phan Rang (khoảng gần 120 Km).

Khởi đầu từ Phan Rang, Quốc lộ 1A, có bảng chỉ dẫn đường đi Đà Lạt, theo QL 27. Bắt đầu QL 27 chừng 5km tới ngã tư này :


Nhìn xa xa là thấy:






5km thì tới chùa :


Tên thường gọi: Chùa Thiền Lâm

Chùa tọa lạc ở thôn Đắc Nhơn, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, nằm cạnh đường từ Phan Rang đi Đà Lạt, cách Phan Rang khoảng 10km. . Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Thiền sư Đức Tạng (quê ở Phú Yên) khai sơn chùa vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Chùa được vua Bảo Đại ban tấm biển “Sắc tứ Thiền Lâm Tự”. Kiến trúc chùa hiện nay do Hòa thượng Thích Huyền Tân cho trùng kiến vào năm 1959. Ở điện Phật còn một số tượng cổ bằng đồng, đất nung.
Thêm 25 km tới Ninh Sơn có cái ngã ba quẹo phải đi Bác Ái ra lại QL 1A giáp ranh Ninh thuận – Khánh hòa (giữa đường này lại có ngã ba quẹo lên núi đi thác Tà gụ, Tô hạp, huyện Khánh sơn, Khánh hòa, trổ xuống ngay Ba ngòi – Cam ranh).




Trên tuyến đường này, chúng ta phải vượt qua đèo Ngoạn Mục mà đỉnh cao của nó và cũng là ranh giới giữa 2 tỉnh Ninh Thuận – Lâm Đồng là giao điểm Eo Gió.

Eo Gió trên đỉnh đèo Krôngpha chỉ là một khe núi rộng chừng 20m nhiều gió luồn qua mát lạnh, là mốc “ranh giới” đánh dấu chấm hết cho khí hậu nóng khô đồng bằng Phan Rang. Khí hậu dịu mát và khung cảnh đầy hoa vùng Đơn Dương (Lâm Đồng) vẽ nên bức tranh mùa xuân tuyệt diệu.

Đèo Ngoạn Mục hay còn gọi là đèo Krông Pha ( một địa danh của người Chăm) người Việt đọc là Sông Pha , người Pháp gọi là Belle Vue ( Ngoạn Mục ) là một trong những đèo đẹp nhất Việt Nam thuộc huyện Ninh Sơn tỉnh Ninh Thuận, nối thung lũng Ninh Sơn với cao nguyên Lang Biang ,dài khoảng 18km.


Con đường quanh co gấp khúc liên tục có 4 đoạn cua khuỷu tay rất gấp, uốn lượn mềm mại qua những đồi núi, sườn đồi lớn nhỏ khác nhau tạo hình vòng sóng, tạo nên những tầng đường mà nếu có dịp dừng chân trên đỉnh nhìn xuống, dễ thấy vẻ quyến rũ lãng mạn lẫn hùng vĩ của nó (mà cũng dễ lạnh gáy lắm a). Từ trên đèo nhìn xuống thấy bờ vực dốc đứng, sâu thẳm, lấp ló qua những rặng thông là con đường ngoằn ngoèo khúc khuỷu với những chiếc ô tô nhỏ xíu chậm chạp đang bò lên hay xuống.







 

Đèo dài 18,5 km, có độ dốc trung bình trên 9 độ. Do vậy đây cũng là đèo có độ dốc lớn nhất ở các tỉnh phía Nam. Đèo Ngoạn Mục là một trong những đường đèo hùng vĩ và đẹp nhất Việt Nam. Đúng như tên gọi, cảnh đèo Ngoạn Mục uốn lượn ngoằn ngoèo, nhiều khúc quanh co hiểm trở băng qua núi cao vực cả. Cảnh vật hoang sơ hùng vĩ mà đẹp như tranh vẽ, vừa thanh thoát lãng mạn, khiến lòng du khách không khỏi lâng lâng ngất ngây choáng ngợp.






Đèo Ngoạn Mục hấp dẫn du khách với cảnh sắc thay đổi liên tục theo thời gian và không gian. Lên Ngoạn Mục vào buổi sáng bằng xe gắn máy, du khách dễ bị choáng ngợp bởi những cụm mây mịt mù. Lên Ngoạn Mục những chiều đông, có thể đứng ở vực cao ngắm ra khoảng rừng những vách đồi trước mặt, thấy những mảng rừng đổi màu lá xanh, lá đỏ. Lên đèo Ngoạn Mục vào những đêm trăng sáng, dễ nhận ra một không gian ảo huyền giữa bao la núi rừng.

Với địa thế khá hiểm trở, Đèo Ngoạn Mục trở thành đoạn đường thú vị cho một tour bằng xe đạp, xe gắn máy trên đường từ phố núi Đà Lạt xuôi về duyên hải Phan Rang.





Khu bảo tồn thiên nhiên Đèo Ngoạn Mục thuộc xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, nằm ở sườn dốc hướng về phía Đông, trong khu vực chuyển tiếp giữa đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ và cao nguyên Đà Lạt. Vào những ngày đẹp trời, từ nơi đây người ta có thể nhìn thấy biển Đông.




Đường ống thủy điện Đa Nhim xa xa :


Xe chạy dưới đường ống:




Cùng nằm trên con đường từ Phan Rang lên Đà Lạt, Một hồ nước trong xanh được hình thành từ công trình thủy điện Đa Nhim và một ngọn đèo uốn lượn nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ với cao nguyên Đà Lạt hòa quện, kết hợp hài hòa với nhau tạo thành một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Bức tranh đó có đủ các non, nước, mây, trời, cỏ, cây, hoa, lá.




Hồ Đa Nhim có diện tích khoảng 9,7km2, là một công trình độc đáo của Đông Nam Á do người Nhật thiết kế. Từ xa xa cách gần cả mấy cây số, nhìn về hồ du khách có thể nhìn thấy hai đường ống rất lớn chạy song song nhau, dài khoảng gần 2km để dẫn nước từ trên núi xuống nhà máy nằm dưới chân đèo. Con đập thẳng tắp ngăn đôi bình nguyên Đơn Dương nối hai sườn núi dài 1.460m, cao sừng sững 38m, đáy rộng 180m, đỉnh còn 6m, tích nước từ hai sông Đa Nhim và Kronglet hòa vào càng khiến cho khung cảnh thêm ngoạn mục. Dưới đáy hồ là một đường hầm thủy áp dài tới 5km, rộng 3,5km chạy xuyên qua lòng núi đá graint đưa nước sông Đa Nhim từ sườn đông về sườn tây đến đầu dốc Eo Gió.




Đến ngã ba Đơn dương

Ngã 3 này 1 nhánh rẽ phải vào đèo D’ran để tới Dalat, rẽ trái vào thị trấn Đơn Dương. Còn lại sẽ đi ra ngã ba Phinom để giáp với QL 20 về Đà Lạt.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét