Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

SAO KHÔNG TRẢ LẠI “CHÚ HẢI QUÂN” CHO CÁC EM?


[05.09.2012 10:18 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]
(NCTG) Một bài thơ viết về người lính hải quân của nữ sĩ Vân Đài khá hay, ngắn và dễ thuộc. Nhưng sau mấy lần thay đổi nội dung sách giáo khoa cho học sinh thì bỗng dưng “biến” mất và chìm vào quên lãng…


Minh họa: Internet
 

Năm nay cháu tôi lên lớp Hai. Trước ngày khai giảng một tuần, chị gái tôi đã sắm cho cháu đầy đủ sách vở và đồ dùng học tập cho năm học mới. Cầm cuốn sách “Tiếng Việt” (Tập 1, Lớp 2, NXB Giáo Dục) mới tinh vừa mới được mẹ bọc bìa cho, cháu đem ra khoe với tôi. Cháu tôi hồn nhiên giở sách ra và đọc cho tôi nghe một số bài thơ trong sách.

Thực ra cũng lâu rồi tôi cũng không có dịp xem lại sách “Tiếng Việt” của học sinh lớp Hai hiện nay, sau mấy lần cải cách nghe đâu nội dung cũng đã thay đổi nhiều. Nhớ hồi xưa khi còn đi học, trong sách “Tập đọc lớp Hai” (tức sách “Tiếng Việt” bây giờ) có mấy bài thơ khá hay mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ.

Trong đó có bài thơ “Chú hải quân” của nữ sĩ Vân Đài. Toàn bộ bài thơ chỉ vỏn vẹn có 12 câu, viết bằng thể thơ 5 chữ nên rất dễ thuộc: 



CHÚ HẢI QUÂN

Đứng canh ngày canh đêm
Ngoài xa vời hải đảo
Kìa bóng chú hải quân
Dưới trời xanh trứng sáo.

Mặc nắng mưa gió bão
Cây súng chú chắc tay
Quân thù mà ló mặt
Biển lớn sẽ vùi thây.

Em mong ngày khôn lớn
Sẽ vượt sóng ra khơi
Cũng cầm chắc cây súng
Giữ lấy biển lấy trời.
 

Vào những năm 1993-1994, bài thơ này được in trong sách “Tập đọc lớp Hai” (Tập 2, NXB Giáo dục). Tuy nhiên, khi tôi tìm trong sách “Tiếng Việt” lớp 2 của cháu tôi (cả tập 1 lẫn tập 2) thì không thấy có bài thơ này.

Thấy tôi thắc mắc, chị tôi (cũng là giáo viên dạy tiểu học) bảo: “Bài thơ này bỏ từ lâu rồi, em tìm làm gì cho mất công. Hai mươi năm qua, biết bao nhiêu lần thay đổi nội dung sách giáo khoa rồi còn gì”.

Tôi tiếc rẻ: “Biết thế, nhưng bài thơ hay thế sao lại bỏ nhỉ?”. Chị tôi thở dài: “Cái này thì phải hỏi mấy nhà biên soạn sách giáo khoa của Bộ Giáo dục ấy. Rất nhiều bài hay nhưng lại bị bỏ…”.

Cháu tôi ngồi nghe mẹ và cậu nói chuyện, mắt ngơ ngác, hỏi: “Cậu ơi, thế bài thơ ấy như thế nào ạ?”. Tôi đọc lại cho cháu nghe. Cháu tôi reo lên: “Bài thơ hay quá” rồi nằng nặc đòi tôi chép ra giấy cho bằng được.

Đến tối, cháu tôi khoe: “Cậu ơi, cháu đã thuộc bài thơ rồi đấy”. Tôi không tin, bèn bảo cháu đọc cho cả nhà nghe. Cháu tôi đọc lại, không thiếu một từ. Tôi thầm nghĩ trí nhớ của trẻ em bây giờ thật là tài tình.


Đảo Trường Sa Lớn nhìn từ trên cao - Nguồn: hoangsa.org
 

Đọc xong cháu tôi hỏi: “Cậu ơi thế chú hải quân là gì? Chú hải quân thì ở đâu? Cháu có làm chú hải quân được không?”, v.v... Trước những câu hỏi dồn dập của cháu tôi buộc phải giải thích lần lượt từng thứ một. Cháu tôi chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng có đôi chỗ chưa hiểu lại đòi tôi giải thích tiếp.

Nhìn đôi mắt ngây thơ của cháu, tôi không hiểu những lời giải thích của mình cháu tôi có hiểu được hết hay không, nhưng tôi tin chắc rằng trong suy nghĩ của trẻ thơ của cháu đã bắt đầu hình thành nên những khái niệm “chú hải quân” là gì, biển đảo là gì? Nước ta có những quần đảo nào, tên là gì?...

Cuối cùng cháu tôi hỏi: “Sao không trả lại “Chú hải quân” cho chúng cháu?”. Tôi lặng im, chẳng biết nên giải thích thế nào để cháu tôi hiểu.

Tiếc thay, bài thơ nói trên đã bị bỏ ra khỏi chương trình sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường từ rất lâu rồi.

Không chỉ cháu tôi mà còn biết bao nhiêu thế hệ học sinh nữa, các em không được học, không được biết đến một bài thơ viết về người lính hải quân, về tình yêu biển đảo quê hương rất đỗi giản dị nhưng cũng đầy thiêng liêng như thế.

Giờ đây, khi cầm cuốn sách giáo khoa “Tiếng Việt lớp Hai” mới tinh trên tay không hiểu sao tôi cứ thấy tiêng tiếc và ngậm ngùi…

Lâu nay chúng ta vẫn thường hay nói: giáo dục lòng yêu nước, lòng yêu biển đảo cũng như tuyên truyền, cung cấp cho các em học sinh những kiến thức cơ bản nhất về biển đảo từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là rất quan trọng và cần thiết trong lúc này.

Nhưng phổ biến kiến thức về biển đảo, khơi dậy lòng yêu nước cho học sinh như thế nào lại là chuyện khác, đâu cứ nhất thiết phải là những thứ gì to tát và tốn kém cỡ như những “dự án nghìn tỷ”, mà nó phải bắt đầu từ những thứ đơn giản nhất, căn bản nhất. 
Hoàng Sơn, từ Hà Nội

1 nhận xét:

  1. "Nói 1 đường, làm 1 nẻo", Than nhũng, quan liêu, hách dịch; ăn nhậu chơi bời là chính. Nay cá bộ của ĐCS VN đâu còn lòng tin của dân nữa!

    Trả lờiXóa