Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Rửa tiền là gì?


Một vụ điển hình
Một buổi sáng tháng Giêng năm 1988, tại sân bay quốc tế Los Angeles, nhân viên của công ty vận tải Loomis Armored Transport đang kiểm tra chuyến hàng vừa đến trong đêm qua bằng máy bay của hãng United Parcel Service (UPS) thì chợt nhận ra vết xé trong một thùng hàng. Theo bản lược khai hàng, thùng hàng chứa “vàng vụn” do một cửa hàng kim hoàn ở New York gởi đến cho hãng buôn kim hoàn Ropex ở Los Angeles. Nhưng số hàng trong thùng có vẻ nhẹ hơn vàng, và khi nhìn kỹ hơn qua lớp bao bì các tông đã bị xé, anh thấy những bó tiền được cột rất gọn gàng. Hết sức ngạc nhiên, anh bèn gọi điện đến văn phòng của Ropex ở trung tâm Los Angeles, ngay giữa khu kinh doanh kim hoàn. Họ giải thích rằng số tiền đó được chuyển từ vùng Bờ Đông nước Mỹ đến để tranh thủ hưởng lãi suất ngắn hạn cao hơn ở một ngân hàng vùng vùng Bờ Tây. Nhãn trên thùng hàng chỉ là để phòng chống trộm cắp.
Lời giải đáp của Ropex chẳng thể qua mặt được công ty “lão luyện” như Loomis chuyên vận chuyển những chuyến hàng quốc tế. Chuyển tiền đi khắp thế giới bằng phương tiện điện tử thì dễ dàng, an toàn và nhanh hơn gởi những thùng tiền mặt cồng kềnh. Giống như tất cả các công ty vận tải trên toàn nước Mỹ, Loomis  luôn cố giữ quan hệ thân thiết với giới bảo vệ luật pháp cũng như với các khách hàng. Vì thế, nhân viên của Loomis cũng giao hàng đến nơi – nhưng đồng thời anh gọi điện báo với FBI (Cục Điều Tra Liên Bang).
Gần như cùng lúc đó, một tài khoản mới được mở tại chi nhánh ngân hàng Wells Fargo ở gần trung tâm Los Angeles. Đó là tài khoản của hãng môi giới vàng tên là Andonian với số tiền gởi vào rất lớn. Khi tiền gởi lên đến 25 triệu đô-la trong vòng ba tháng đầu tiên, con số lớn khủng khiếp ngay cả đối với một hãng môi giới vàng quốc tế, ngân hàng Wells Fargo bèn gọi điện báo cho IRS (Nha Thuế Vụ Liên Bang).

Hai báo cáo của Loomis và Wells Fargo liên quan đến hai hãng khác nhau nhưng cả hai đều cùng hướng về một địa điểm: khu kinh doanh kim hoàn ở trung tâm Los Angeles. Hai mẩu thông tin này đã mở đầu một cuộc điều tra quốc tế kéo dài 13 tháng và có sự tham gia của FBI, IRS, DEA (Cơ Quan Bài Trừ Ma Túy Mỹ),  Cục Hải Quan Mỹ, và bốn văn phòng chi nhánh của Interpol (Cảnh Sát Quốc Tế) ở Washington, Colombia, Uruguay và Panama, cùng với những thông tin liên tiếp gởi về phòng phụ trách vấn đề rửa tiền tại trụ sở Interpol ở Lyons. Họ gọi nó là “Chiến Dịch Polar Cap”. Chiến dịch này đã thành công mỹ mãn vì đã phát hiện được một âm mưu rửa tiền với số tiền khổng lồ (hơn 1,2 tỉ đô-la tiền lời kinh doanh ma túy), đến nỗi bọn trùm ma túy ở cartel Medellin gọi đó là “La Mina” (trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Mỏ Vàng).
Âm mưu này rất tài tình và đơn giản. Tháng Sáu năm 1985, Raul Vivas, một tên rửa tiền người Colombia, và một nhà buôn kim loại quý người Uruguay cùng lập công ty ở Montevideo (thủ đô Uruguay) xuất khẩu vàng sang Mỹ. Chỉ có một vấn đề duy nhất: Uruguay không hề có mỏ vàng nào cả. Nhưng điều đó không cản trở chúng gởi những thỏi chì mạ vàng đến cho “khách hàng” của chúng  là Ropex và Andonian Brothers. Trên thực tế, những hãng này là tấm bình phong cho ba người Trung Đông mới di cư đến Mỹ. Hãng Ropex thuộc sở hữu của Wanis Koyomejian, một người Armenia gốc Syria giàu có, còn hãng Andonian Brothers là của Nazareth và Vahe, hai anh em người Libăng vốn thích cảnh phồn hoa ở Los Angeles hơn là vùng Trung Đông bị chiến tranh xâu xé.
Sau đó Ropex và Andonian Brothers đem những món gọi là vàng từ Uruguay gởi đến “bán” cho các tiệm kim hoàn và nhiều cửa hàng bán lẻ khác ở New York, Miami, Houston và Los Angeles. Những nơi này nghiêm chỉnh “thanh toán” cho họ bằng tiền mặt (không bao giờ dùng séc), và dĩ nhiên trên thực tế những khoản tiền này thu được từ vô số những đợt bán lẻ ma túy trên đường phố, rồi được chuyển đi bằng những chuyến hàng lớn như lô hàng đã bị nhân viên Loomis phát hiện. Mỗi tuần hàng triệu đô-la từ khắp nước Mỹ đổ về văn phòng của hai hãng này. Trong nhà kho của chúng, tiền được đếm, phân loại, cột thành bó rồi gởi vào tài khoản ở các ngân hàng địa phương. Các ngân hàng nhận những khoản tiền gởi này được giải thích rằng đó là lợi nhuận thu được từ việc bán vàng cho các nhà đầu tư  và thợ kim hoàn. Tại sao những khoản tiền gởi hàng triệu đô-la này lại luôn luôn là tiền mặt? Lời giải thích được đưa ra là: “Chúng tôi kinh doanh bằng tiền mặt để tránh bị tổn thất nặng khi có bất cứ biến động đột ngột về giá kim loại quý ở thị trường các địa phương.”  Một vài ngân hàng, chẳng hạn như Wells Fargo, bắt đầu nghi ngờ và không chịu hợp tác nữa, nhưng những ngân hàng khác chấp nhận lời giải thích và phấn khởi nhận những khoản tiền gởi ngắn hạn lên đến hàng trăm triệu đô-la. Tiền gởi chỉ ngắn hạn vì một khi đã được ngân hàng địa phương chấp nhận, tiền được chuyển sang các chữ số điện tử trên màn hình máy tính rồi chẳng bao lâu sau đó Ropex và Andonian Brothers chuyển bằng điện tín đến New York, rồi thông qua thành phố Panama City đến Colombia.
Sau một thời gian hoạt động, bọn chúng thậm chí chẳng thèm nhập khẩu những thỏi vàng giả từ Montevideo nữa. Bây giờ mọi chuyện chỉ là giao dịch trên giấy tờ với hai hãng “mua” vàng. Hai hãng đó chẳng hề nhận được vàng nhưng luôn nghiêm chỉnh thanh toán hóa đơn, và rồi “bán” vàng cho các cửa hàng bán lẻ trên khắp nước Mỹ. Và cũng thế, các cửa hàng không hề nhận được vàng nhưng vẫn luôn trả bằng tiền thật, và dĩ nhiên là cuối cùng những đồng tiền ấy được rửa một cách sạch sẽ và êm thắm ở Medellin.
Cuối cùng mọi chuyện đổ bể vào ngày 24/1/1989. Hôm đó, các nhân viên mật vụ được phép của chính phủ liên bang đã đặt máy nghe trộm điện thoại của hãng Andonian Brothers. Họ đã ghi âm một cú điện thoại kỳ lạ từ  New York: “Bốn kilo tám sáu chín đang trên đường đi.”  Không cần thông minh lắm cũng hiểu được ý nghĩa của nó: 4.869.000 đô-la đang được chuyển đi. Đó là số tiền được chuyển đi lớn nhất tính cho đến lúc đó.
Vì thế, vào đêm hôm đó, chó của Hải Quan Mỹ được thả lên khoang chứa hàng của máy bay của hãng UPS tại một sân bay New York.  Trong khu vực chứa hàng có đánh dấu của hãng Loomis, chú chó báo động và xông vào xé một lô hàng gồm 30 thùng do một tiệm kim hoàn New York gởi đến Los Angeles. Một nhân viên hải quan mở lô hàng ra và phát hiện trong đó toàn là giấy bạc 5 đô-la, với tổng số lên đến 4.869.00 đô-la!
Ngày hôm sau, khi các kiện hàng không đến, máy nghe trộm đã ghi âm được nhiều cú điện thoại hoảng hốt mà Nazareth Andonian gọi đến hãng Loomis để hỏi về chuyến hàng bị thất lạc của hắn. Sau đó còn có những cú điện thoại đến những người gởi hàng ở New York. Và cuối cùng có nhiều cú điện thoại tuyệt vọng gọi đến Montevideo với nhiều “tin quan trọng”.
Chưa đầy một tháng sau, vào ngày 22/2/1989, nhân viên FBI bố ráp các khu kinh doanh kim hoàn ở Los Angeles, New York và nhiều thành phố có liên quan khác ở Mỹ, bắt hơn 35 người trong đó có Wanis Koyomejian và anh em nhà Andonian và thu giữ được thêm 65 triệu đô-la tiền mặt. Raul Vivas và đối tác kinh doanh người Uruguay của hắn bị bắt theo thông báo đỏ chính thức của Interpol (thông báo đỏ: lệnh bắt quốc tế có giá trị tại mọi nước thành viên của Interpol – ND).  Vào tháng 12/1989, sau khi đơn xin miễn dẫn độ của chúng bị tòa án Uruguay bác bỏ, chúng bị dẫn độ sang Mỹ. Theo đánh giá của Gerald Moebius, sĩ quan cảnh sát người Đức giữ chức vụ trưởng phòng phụ trách vấn đề rửa tiền tại trụ sở Interpol ở Lyons, đây là một vụ rửa tiền điển hình.
Vậy rửa tiền là gì?
Theo Moebius, bọn tội phạm làm ăn phát đạt luôn cần  rửa những đồng tiền “dơ bẩn” từ  những hoạt động phi pháp của chúng, làm sao để che đậy nguồn gốc tội ác của số tiền đó và khiến cho các cơ quan bảo vệ pháp luật không còn biết đường mà dò tìm. Thuật ngữ rửa tiền (money laundering) xuất hiện ở Mỹ trong thập niên 1930 và 1940. Hồi đó, một trong những cách mà Mafia dùng để hợp pháp hóa những đồng tiền bất chính từ việc kinh doanh ma túy, cờ bạc và mãi dâm là mua những doanh nghiệp hợp pháp; và bọn chúng đã đầu tư khá nhiều vào những tiệm giặt ủi (laundromat) khi đó trở nên phổ biến khắp nước Mỹ. Các băng đảng Mafia đưa những khoản tiền mặt phi pháp của chúng vào các tiệm giặt ủi do Mafia quản lý, trộn lẫn những đồng tiền “dơ bẩn” này với tiền “sạch sẽ” từ hoạt động của tiệm giặt ủi.
Nhưng mãi đến đầu thập niên 1980, với sự bùng nổ buôn lậu ma túy, đặc biệt là lượng cocaine xuất phát từ Nam Mỹ, thuật ngữ này mới được quốc tế biết đến, và lúc đó Interpol mới vào cuộc. Năm 1984, trong vụ “Đường dây Pizza”, vụ rửa tiền đầu tiên được Interpol xử lý, 60 triệu đô-la có liên quan đến ma túy được chuyển đến Thụy Sĩ và Ý thông qua những nhà hàng pizza ở khắp nước Mỹ. (Hiện nay ở Ý vẫn có những nhà hàng pizza là chân rết của bọn Mafia.) Khoa học hình sự biết đến một loại hình tội ác mới mà mức độ lan rộng của nó vượt quá sức tưởng tượng. Thuật ngữ narco dollar (đô-la có nguồn gốc từ ma túy) được đưa vào kho tàng biệt ngữ của ngành bảo vệ luật pháp. Rốt cuộc ngay cả giới chính khách cũng quan tâm đến. Tháng 4/1990, một tổ công tác quốc tế do nhóm G7 thành lập báo cáo rằng ước tính doanh thu từ việc bán heroine, cocaine và cần sa chỉ riêng ở Mỹ và châu Âu (không tính đến thị trường các loại ma túy tổng hợp mới bùng nổ) lên đến 122 tỉ đô-la mỗi năm, và 85 tỉ đô-la tiền lãi ròng được rửa thông qua hệ thống ngân hàng trên khắp thế giới.  Năm tháng trước đó, một ủy ban do Hạ nghị viện Anh chọn đã đưa ra báo cáo cho biết mỗi năm có khoảng 1,8 tỉ bảng được rửa thông qua các ngân hàng Anh.
Tiền được rửa như thế nào?
Cách xưa nhất và cũng là dễ nhất là chuyển tiền lậu ra khỏi nước rồi bằng cách nào đó lại chuyển ngược tiền (bằng phương tiện vận tải bình thường) về “quê nhà”. Hình thức này khá thủ công và vất vả nên trong những năm gần đây ít được dùng hơn cách chuyển qua hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, đôi khi vì ngân hàng tỏ ra nghi ngờ, bọn chúng phải dùng phương pháp “sơ khai” này. Một trở ngại lớn đối với các tập đoàn ma túy là số lượng và khối lượng của tiền. Số tiền thu được từ việc buôn lậu ma túy nặng hơn ma túy rất nhiều. Bọn buôn lậu chẳng buồn đếm tiền nữa. Chúng cân tiền: cứ một triệu đô-la bằng giấy bạc 20 đô-la thì nặng chừng 110 pound (1 pound= 0,45 kg). Khi bắt giữ số lượng tiền lớn, Hải Quan Mỹ cũng thường cân tiền như thế thay vì phải làm công việc nhàm chán là ngồi đếm.
Công việc chuyển tiền thường do các hãng vận tải chuyên nghiệp đảm nhận bằng những cách đã được “cải biên” từ cách chuyên chở ma túy: giấu trong vali, giấu trong lớp áo tiền dưới lớp áo bình thường, giấu trong các linh kiện điện tử, trong TV, đầu máy, thú nhồi bông, và có trường hợp (ở Mỹ) giấu trong tã lót đã xài. Những tay rửa tiền ở Mỹ còn dùng cả máy bay riêng. Trong một cuộc điều tra có mã hiệu là Chiến Dịch Greenback, nhân viên Hải Quan Mỹ đã thâm nhập vào một sân bay tư nhân, dùng hỏa tiễn cầm tay để khống chế buộc một chiếc phản lực Lear hạ cánh khi chiếc máy bay này đang chạy lấy đà trên đường băng trước khi bay sang Mexico với 5 triệu đô-la tiền mặt.
Nhưng quy trình rửa tiền phức tạp và tinh vi hơn rất nhiều so với việc chuyển thủ công những món tiền phi pháp ra khỏi nước xuất xứ. Các cơ quan bảo vệ luật pháp ít khi đánh được mẻ cá lớn. Thông thường bọn rửa tiền nhanh hơn nhà chức trách ít nhất một bước nếu không muốn nói là hai hay ba bước. Việc rửa tiền có thể dễ dàng diễn ra trên giấy tờ với một mạng lưới các vụ giao dịch tài chính hết sức rối rắm thông qua hệ thống ngân hàng ở hàng chục nước khác nhau. Với các phương tiện thông tin liên lạc như hiện nay, việc rửa tiền diễn ra với tốc độ “lướt cùng tia chớp”. Chỉ cần một trùm tội phạm nhấc điện thoại gọi cho luật sư hay kế toán viên của mình, rồi người này gọi cho một tay rửa tiền chuyên nghiệp thế là guồng máy bắt đầu chạy. Thông thường một tập đoàn không tự tay rửa tiền mà mướn một tay môi giới làm và trả hoa hồng từ 1% đến 8% tùy theo tình hình thị trường. Trong bản tin chuyên đề bảo vệ luật pháp của FBI, hai nhân viên FBI kể rằng qua nói chuyện với những tay rửa tiền, họ được biết khi một tay môi giới Mỹ chuyển 1 triệu đô-la ra khỏi nước Mỹ, hắn có thể hưởng 5% hay 50.000 đô-la tiền hoa hồng. Và nguyên tắc rất đơn giản và bất di bất dịch: nếu tay rửa tiền “làm mất” số tiền đó do bị cảnh sát can thiệp hay vì bất cứ lý do gì (cũng có thể do máu tham của hắn), thì hắn phải bỏ tiền túi trả lại – bằng không sẽ lãnh một viên kẹo đồng về chầu tổ tiên.
Quy trình rửa tiền gồm ba giai đoạn chính. Giai đoạn thứ nhất được gọi là “sắp đặt tiền”. Tiền có thể được dùng để mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hợp pháp cho tên buôn lậu và tất cả những thành viên trong gia đình mà hắn tin tưởng – hay hù dọa. Hoặc tiền có thể dùng để mua kiệt tác nghệ thuật, nữ trang, đồ cổ, xe hơi đắt tiền, và dĩ nhiên cả những tích kê đánh bạc. Nhưng giai đoạn này chỉ giới hạn ở con số vài triệu đô-la chứ không thể lên đến hàng tỉ đô-la.
Tiếp đến là giai đoạn “phân cấp”, chính là lúc tiền thực sự được rửa. Trong giai đoạn quan trọng này, tiền được tách ra khỏi nguồn gốc của nó và được đưa vào rất nhiều vụ giao dịch tài chính nhằm xóa dấu vết và che giấu tung tích của nó. Ở Mỹ, trước khi đến giai đoạn này, tay rửa tiền thường phải hoàn tất một quá trình gọi là smurfing. Luật pháp Mỹ yêu cầu các ngân hàng thông báo với Nha Thuế Vụ Liên Bang tất cả những vụ giao dịch tiền mặt từ 10.000 đô-la trở lên. Thế thì bọn rửa tiền làm sao? Chúng phái hàng chục tên tay chân (thường được gọi là Smurf, theo tên của nhân vật hoạt hình dễ thương mà ta gọi là Xì Trum) mang những bó tiền giấy có giá trị trên dưới 9.000 đô-la đến các ngân hàng địa phương mua một loại chi phiếu mà người Mỹ thường gọi là cashier check. Đây là những chi phiếu được ngân hàng bán ra, và mỗi chi phiếu có một mệnh giá nào đó bảo đảm thanh toán cho bất cứ ai được nêu tên trên chi phiếu. Chúng  cũng có công dụng như tiền mặt nhưng không được xem là tiền tệ, nên không cần phải khai báo. Sau đó một số tên smurf khác sẽ dùng những chi phiếu nhỏ này để mua những cashier check có mệnh giá lớn hơn. Rồi ông chủ của bọn chúng hoặc sẽ gởi những cashier check lớn này ra nước ngoài bằng đường bưu điện, hoặc thuê một tên khác dùng máy bay chở sang Nam Mỹ. Luật yêu cầu khai báo tiền mặt của Mỹ không áp dụng với các điện chuyển tiền. Vì thế một tay rửa tiền có thể bảo những tay chân của hắn gởi những cashier check có mệnh giá lớn vào các ngân hàng địa phương và sau đó gởi điện chuyển tiền đến các ngân hàng ở Panama, Mexico, Colombia hay bất cứ nơi đâu. Một đường đây hoạt động tốt có thể dễ dàng chuyển đổi 1 triệu đô-la mỗi ngày: dùng 10 người, mỗi người lo chuyển 100.000 đô-la vào chừng 15 hay 20 vụ giao dịch. Dễ ợt!
Giai đoạn cuối cùng của một đường đây rửa tiền thành công là “hội nhập”. Sau một thời gian, tay rửa tiền sẽ mang số tiền quay trở lại với nền kinh tế một cách đường đường chính chính. Có thể là bán lại tác phẩm nghệ thuật, rút lại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hay tiền ở một tài khoản ngân hàng nước ngoài có thể được dùng làm vật bảo đảm để một tổ chức tài chính hợp pháp chấp nhận cho vay một khoản tiền lớn hay thế chấp. . . Dù là bằng cách gì đi nữa, tiền bẩn đã thành tiền sạch.
Phản ứng của luật pháp quốc tế
Đáng tiếc thay tính cho đến nay có thể đếm trên đầu ngón tay những nước thực sự xem rửa tiền là một tội ác. Ranh giới giữa điểm kết thúc quy trình rửa tiền và điểm khởi đầu hoạt động ngân hàng hợp pháp rất mỏng manh đến nỗi nhiều chính phủ không dám mạnh tay vì sợ làm tệ hại thêm tình hình kinh tế vốn đã bất ổn. Từ tháng 12/1985, Raymond Kendall, Tổng Thư ký Interpol, đã gởi thư đến giám đốc các chi nhánh Interpol ở các nước và đề nghị chuyển cho chính phủ của họ để bàn về việc chống rửa tiền và dự thảo các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, tính cho đến nay, mới chỉ có một số nước như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật thực sự đặt hành động rửa tiền ngoài vòng pháp luật.
Vào tháng 6/1991, Hội Đồng Bộ Trưởng của Cộng Đồng Châu Âu đưa ra chỉ thị chính thức kêu gọi tất cả 12 nước thành viên thực thi những luật mới đầy tham vọng về chống rửa tiền trước ngày 1/1/1993. Khi đó, Cộng Đồng Châu Âu đã lên kế hoạch ngày giờ xóa bỏ biên giới giữa các quốc gia thành viên, và chỉ thị trên yêu cầu các nước phải đưa ra luật về chống rửa tiền trùng với thời điểm đó. Chỉ thị cũng yêu cầu các ngân hàng  thông báo với các cơ quan quản lý ngân hàng về tất cả những vụ giao dịch đáng nghi và bất cứ khoản tiền gởi nào, dù bằng tiền mặt hay séc, vượt quá 15.000 Ecu – đồng tiền của Cộng Đồng Châu Âu (xấp xỉ 10.000 đô-la). Khi được thông qua tại Hạ Nghị Viện Cộng Đồng Châu Âu, chỉ thị nghe có vẻ rất hùng hồn, nhưng rõ ràng không phải cơ quan lập pháp ở các nước thành viên cứ thế mà răm rắp nghe theo.
Mỹ được xem là tiên phong trong lĩnh vực này. Vào đầu thập niên 1960, Quốc hội Mỹ đã thông qua các luật cho phép FBI và DEA có quyền tịch thu những tài sản có liên quan đến ma túy, mặc dù khi đó rửa tiền mới chỉ là vấn đề trong nước. Vào năm 1970, đạo luật RICO, luật chính của Mỹ về chống Mafia, được thông qua với nhiều điều khoản nêu rõ tội danh rửa tiền (đây là đạo luật đầu tiên trên thế giới đề cập đến tội này), và đạo luật An Ninh Ngân Hàng quy định các ngân hàng có trách nhiệm nộp các bản báo cáo giao dịch tiền tệ (CTR) cho IRS về tất cả những khoản tiền gởi từ 10.000 đô-la trở lên. Đạo luật này được củng cố bằng Đạo Luật Chống Rửa Tiền vào năm 1986 và bằng Đạo Luật Hình Sự vào năm 1990.
Anh là nước thứ hai xem rửa tiền là tội ác, nhưng mãi đến năm 1986 Quốc hội Anh mới thông qua Đạo luật các tội danh buôn lậu ma túy. Theo đó, bất cứ ai tham gia vào hoạt động rửa tiền mà ý thức rõ rằng số tiền đó có liên quan đến buôn lậu ma tuý thì có thể bị tù đến 14 năm, và tài sản được rửa đó sẽ bị tịch thu. Mới đầu đạo luật này chỉ áp dụng với ma tuý, nhưng hai đạo luật sau vào năm 1988 và 1989 đã mở rộng sang các loại tội ác sinh lợi khác và tội khủng bố. Tuy nhiên, khó mà kiếm đủ bằng chứng chứng tỏ rằng một món tiền nào đó là bất chính; trong khi nước Anh vẫn tự  hào là người đầu tiên đặt ra nền tảng pháp lý Anh-Mỹ: cơ quan công tố phải có trách nhiệm chứng minh một người nào đó là có tội, chứ bản thân bị cáo không cần phải chứng tỏ mình là vô tội.
Một số nước khác cũng đã có luật về chống rửa tiền nhưng cũng chỉ giới hạn ở mức cho phép tòa án thu giữ tiền mặt, séc và những công cụ tài chính có thể thanh toán khác – mà lại không được thu giữ những món hàng hay tài sản thực tế như một chiếc áo choàng lông thú hay một căn nhà sang trọng. Và luật chỉ thật sự được áp dụng khi người nào đó phạm tội ngay tại nước đó, chứ không phải ở nước khác. Chẳng hạn, nếu tiền bẩn bị phát hiện ở Argentina, Hy Lạp, Na Uy hay Thụy Sĩ, nhưng không có ai bị kết án phạm tội ở những nước đó, thì tòa án không thể tịch thu sung công món tiền đó, hay cảnh sát và Hải Quan cũng không thể bắt giữ nó.
Vào tháng 12/1988, giới ngân hàng thế giới họp ở Thụy Sĩ và đã thông qua Tuyên bố Basel về Các Nguyên tắc Hoạt động kêu gọi các ngân hàng trên khắp thế giới thông báo với chính phủ nước sở tại về tất cả những khoản chuyển tiền mà họ nghi ngờ. Nhưng đó chỉ là hy vọng hão, khó mà thực thi được. Xem ra Tuyên bố Basel chỉ được tuân thủ nghiêm túc ở vài nước chẳng hạn như Anh với 2.200 vụ giao dịch đáng nghi được báo cáo chỉ trong năm 1990 (trong khi con số từ năm 1987 đến 1989 chỉ là 1.700).
Nhiều nước vô hình trung đã cung cấp những phương tiện cho việc rửa tiền. Đặc biệt những nước nhỏ có dân số ít mà lại có nhiều công ty và ngân hàng quốc tế được xem là “thiên đàng rửa tiền”. Thử lấy vài ví dụ: Luxembourg (dân số 378.000, 143 ngân hàng), quần đảo Channel Islands (dân số 140.710, 120 ngân hàng), Bahamas (dân số 175.922, 382 định chế tài chính quốc tế), quần đảo Cayman Islands (dân số 24.900, 530 ngân hàng), quần đảo Turks and Caicos Islands (6.729 công ty đăng ký hoạt động tại một vùng chỉ có tổng cộng 3.000 người dân nghèo khổ). Công quốc Monaco là một “thiên đàng rửa tiền” rất điển hình. Diện tích không lớn hơn công viên Hyde Park ở Luân Đôn hay công viên Central Park ở New York, và tổng dân số chỉ chừng 27.000 người chuyên sống bằng dịch vụ du lịch, thế mà tại Monaco có 11 ngân hàng nội địa, và 24  ngân hàng lớn của Pháp, Ý, Mỹ và Anh. Tại đây, các sòng bạc, khách sạn  và nhà hàng được xem là những kênh rửa tiền rất quan trọng. Chẳng hạn có một nhà hàng Ý rất sang trọng nhưng vô cùng bí ẩn. Khách gọi điện đế đặt bàn thì chẳng có ai trả lời. Đêm đêm người ta đi ngang qua đều thấy đèn điện sáng trưng, nhưng cửa khóa chặt và chẳng hề có thực khách nào cả. Thế mà chủ nhà hàng vẫn báo cáo có lời và vẫn vui vẻ đóng thuế.  Sở thuế thì chẳng việc gì thắc mắc, miễn là chủ nhà hàng đừng trốn thuế thu nhập. Xem ra chính phủ các nước dù có nỗ lực đến đâu cũng khó ngăn chặn hết những thủ đoạn của bọn rửa tiền ba đầu sáu tay.
Phạm Vũ Lửa Hạ trích dịch từINTERPOL – A history and examination of 70 years of crime solving“.

Bài đã đăng 2 kỳ trên Kiến Thức Ngày Nay, số ngày 20/5/1996 & ngày 1/6/1996, và in lại trong tập sách “Một góc nhìn – Kinh tế toàn cầu“, trang 185-197, NXB Trẻ, 2005.
URL: http://phamvuluaha.wordpress.com/2012/07/25/money-laundering-2/
Bài liên quan:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét