Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

TBT Nguyễn Phú Trọng: Thậm chí phải loại bỏ một số cán bộ

Gần đây có nhiều thông tin trên mạng về những hoạt động tích cực chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng của bác TBT, tiếp đó là vụ bắt bầu Kiên và một số nhân vật liên quan; hôm 3.9 lại bắt được Dương Chí Dũng... Nếu như trước đây, cứ thấy tin về bác Tổng là tôi bỏ qua (trừ bài phát biểu quá "đặc sắc" tại Cuba), thì từ hôm nay, có lẽ nên đọc để hy vọng biết đâu bác đã nhận thấy lời nói phải đi đôi với hành động. Đặc biệt, hành động phải đi tới cùng mới có kết quả.
Đọc bài tường thuật chỉ đạo của bác tại cuộc họp, kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4, thấy quá nhàm chán, nhưng những thông tin bên lề cho thấy tinh thần phát biểu của bác mạnh mẽ hơn nhiều.

Sáng hôm qua 4/9/2012, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết “Chúng ta phải có niềm tin và quyết tâm làm bằng được, nếu không sẽ dễ buông xuôi, đầu hàng. Không chỉ đóng cửa kiểm điểm, có những việc phải sửa ngay trong quá trình làm. Thậm chí phải chấp nhận loại bỏ một số cán bộ khỏi đội ngũ”. Đây là tuyên bố “mạnh mồm” nhất trong sự nghiệp chính trị từ trước tới nay của ông Nguyễn Phú Trọng. Có tin cho rằng ông Trọng phát biểu mạnh mẽ như vậy sau khi ông được Bộ Công an báo cáo Dương Chí Dũng đã bị bắt tại Campuchia ngày 3/9/2012.

Hôm qua, 4-9, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân Ban Thường vụ Thành ủy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. Về phương pháp, phương châm và cách làm, ông Trọng đề cao sự tự giác và cầu thị.

Tại Hội nghị, thay mặt Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã báo cáo kết quả quán triệt, triển khai Nghị quyết và công tác chuẩn bị kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng bộ Hà Nội. Theo đó, Đảng bộ TP đã nghiêm túc triển khai và có nhiều sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện Nghị quyết. Hà Nội đã tổ chức học tập, quán triệt nội dung Nghị quyết Trung ương 4 gắn với Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 và 9 chương trình công tác của Thành ủy (khóa XV); xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản hướng dẫn các cấp ủy trực thuộc tổ chức đúng tiến độ.
Đặc biệt, Hà Nội đã đóng góp ý kiến kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng, Chính phủ và một số bộ, ngành Trung ương. Các ý kiến góp ý đều hết sức thẳng thắn, có tính đấu tranh, được Trung ương đánh giá cao. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được chú trọng, đẩy mạnh với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng để nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô về ý nghĩa sâu sắc, tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4.

Ông Nghị
 cũng cho biết Đảng bộ TP đã nghiêm túc tiếp thu, học tập cách làm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tổ chức tốt việc lấy ý kiến của các đồng chí lãnh đạo thành phố đã nghỉ hưu, của cấp ủy trực thuộc, các sở, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể đối với việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của tập thể Ban Thường vụ và từng cá nhân những Ủy viên Ban Thường vụ một cách nghiêm túc, đầy đủ. Đến nay, đã có 107 cơ quan, đơn vị với hơn 830 lượt ý kiến góp ý về ưu, khuyết điểm, những vấn đề nổi cộm Thành ủy cần tăng cường chỉ đạo, là cơ sở quan trọng để Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình.
Đề phòng tư tưởng qua loa, chiếu lệ
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn ý thức Đảng bộ Thủ đô là Đảng bộ lớn nhất cả nước với lực lượng đông đảo, chất lượng cao từ cơ sở. Vì vậy, Trung ương Đảng mong muốn Hà Nội phải đi đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, triển khai thật tốt, thật mẫu mực. Đồng chí đánh giá, thời gian qua, Đảng bộ Hà Nội đã chuẩn bị và triển khai Nghị quyết nghiêm túc. Đồng thời, có những ý kiến đóng góp chất lượng đối với các cơ quan của Trung ương.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư lưu ý Thành ủy Hà Nội, trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, cần thấm nhuần sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa của đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng này, coi đây là “việc làm hệ trọng, thiêng liêng” và “những vấn đề cấp bách, hệ trọng của Nghị quyết nêu ra không chỉ với một vài cán bộ, đảng viên mà rất quan trọng với toàn Đảng, toàn dân”. Ông Trọng cho rằng, nếu Ban Thường vụ Thành ủy kiểm điểm tốt sẽ làm tấm gương cho các đơn vị bên dưới. Ngoài ra, Đảng bộ Hà Nội cũng cần  chú trọng kiểm điểm ở cơ sở, chứ không chỉ tập trung ở cấp trên.
Theo vị Tổng Bí thư, việc thực hiện Nghị quyết là khó vì động chạm đến từng tổ chức, đảng viên, nhất là phải nhìn thấy khuyết điểm của mình và không ít người còn thói quen “khen hào phóng, chê dè sẻn”. Tổng Bí thư cũng nhận xét, việc kiểm điểm dễ sa vào kiểm điểm công tác, nặng về kể lể, không đi vào thực chất, ít đưa ra nguyên nhân chủ quan mà chủ yếu cho rằng tại khách quan. Ông Trọng nhấn mạnh, trong quá trình kiểm điểm, việc gì kết luận được phải kết luận, nếu không thì phải tìm hiểu, điều tra để làm rõ, tránh để dây dưa.

Về phương pháp, phương châm và cách làm, Tổng Bí thư đề cao sự tự giác và cầu thị. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm khắc với bản thân, tổ chức mình sinh hoạt. Ông Trọng bổ sung: “Chúng ta không trách người góp ý cho ta, phải xác định ai chê ta chính là thầy ta”. Cùng với đó, phải đề phòng tư tưởng làm qua loa, chiếu lệ. Đây là vấn đề dư luận đang băn khoăn, lo lắng hiện nay. Bên cạnh đó, phải khắc phục tư tưởng thấy khó mà không làm. “Chúng ta phải có niềm tin và quyết tâm làm bằng được, nếu không sẽ dễ buông xuôi, đầu hàng. Không chỉ đóng cửa kiểm điểm, có những việc phải sửa ngay trong quá trình làm. Thậm chí phải chấp nhận loại bỏ một số cán bộ khỏi đội ngũ” – ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
ANTĐ
----------


Dương Chí Dũng đã bị bắt tại Campuchia

http://caunhattan.wordpress.com/2012/09/05/duong-chi-dung-da-bi-bat/

Tiếp theo tuyên bố mạnh mẽ nhất của ông Nguyễn Phú Trọng sáng hôm qua: cần phải loại bớt một số cán bộ, ngay sáng nay 5/9/2012, được sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ CA, lãnh đạo Tổng cục 6 vừa công bố tin đã bắt được Dương Chí Dũng (nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, sếp cũ của Vinalines). Được biết Dương Chí Dũng bị bắt tại Campuchia ngày 3/9/2012 (theo tin riêng của chúng tôi) và đang được Cảnh sát quốc tế Interpol di lý về Việt Nam. Để đảm bảo di lý an toàn tuyệt đối bị can này về đến Việt Nam, hiện Bộ CA vẫn phải đề phòng các thế lực ngầm giở quẻ nên chưa công khai quốc gia mà Dũng bị bắt.
(Hanoimoi online đưa tin Dương Chí Dũng bị bắt tại 1 nước trong khối ASEAN và được Cảnh sát quốc tế Interpol di lý về Việt Nam).
Trước đó ngày 19-5, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can Dương Chí Dũng.
Quyết định truy nã được thông báo đến cơ quan công an các địa phương, các đơn vị của bộ để bắt giữ khi phát hiện.
Trước đó, mở rộng điều tra vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, ra lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với ông Dương Chí Dũng. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra tiến hành tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam thì ông Dương Chí Dũng không có mặt tại nhà.
Ngày 18-5, ông Dũng cũng không có mặt ở cơ quan để làm việc. Sau khi xác minh, cơ quan điều tra xác định bị can này đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên ra quyết định truy nã, thông báo tới cơ quan công an các địa phương để truy bắt.
Cùng bị khởi tố với ông Dương Chí Dũng còn có hai bị can bị bắt tạm giam gồm ông Mai Văn Phúc (54 tuổi, trú ở Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội – phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, nguyên tổng giám đốc Vinalines) và Trần Hữu Chiều (60 tuổi, trú ở Thái Thịnh, quận Đống Đa – phó tổng giám đốc, phó bí thư Đảng ủy Vinalines).
Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam một loạt cán bộ thuộc Vinalines về hành vi “tham ô tài sản” gồm các ông Trần Hải Sơn (52 tuổi, trú tại TP.HCM – tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), Trần Văn Quang (37 tuổi, trú tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – trưởng phòng kế hoạch Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines). Ngoài ra còn có hai bị can Trần Bá Hùng (33 tuổi, trú tại tỉnh Khánh Hòa – phó trưởng bộ phận vỏ của Công ty TNHH Hyundai Vinashin); Phạm Bá Giáp (40 tuổi, trú tại tỉnh Khánh Hòa – giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân) cũng bị bắt tạm giam về hành vi “tham ô tài sản”.
Cơ quan điều tra xác định các bị can này đã tham ô trong quá trình sửa chữa ụ nổi No83M do Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Việt Nam nhập về. Cụ thể, các bị can tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Việt Nam đã gửi giá nguyên vật liệu sửa chữa nhằm chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Theo đó, mỗi ký thép hàn, các bị can Sơn và Quang yêu cầu ông Trần Bá Hùng cộng thêm 10.000 đồng để lấy tiền. Ngoài ra, các bị can này còn nâng khống khối lượng sắt hàn trên hồ sơ quyết toán nhằm tham ô tài sản của Nhà nước.
Để rút được tiền chuyển cho bị can Sơn và Quang, bị can Trần Bá Hùng đã thông qua Công ty TNHH Nguyên Ân do Phạm Bá Giáp làm giám đốc để làm hợp đồng, chứng từ thanh toán, quyết toán. Qua đó, bị can Trần Bá Hùng đã rút tiền và chuyển hơn 1,5 tỉ đồng cho bị can Trần Văn Quang, chi cho Phạm Bá Giáp 50 triệu đồng để thu lợi bất chính.
.



TTONLINE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét