Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

'Nếu không an toàn thì phải hy sinh thủy điện Sông Tranh'

Vừa đọc được tin vui về thuế TNCN, giờ lại có tin này cũng rất vui: "Thấy không an toàn thì chấp nhận hy sinh công trình để an dân" và "Chỉ 1 % mất an toàn ở đập thủy điện Sông Tranh 2 chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ không cho chủ đầu tư tích nước hồ chứa trở lại" (ý kiến của hai bác lãnh đạo cao nhất tỉnh).


Chu trình động đất ở khu vực Sông Tranh 2 vẫn đang xảy ra, chưa đạt đến động đất cực đại. Quảng Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu động đất nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Những vết nứt toác vì động đất dồn dập
Chiều 12/9, báo cáo kết quả khảo sát động đất ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), khu vực thủy điện Sông Tranh 2 và những địa phương lân cận, TS Lê Huy Minh (Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu - Trưởng đoàn công tác) cho biết, động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 chưa suy giảm về độ lớn cũng như về tần suất động đất. Do vậy, cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, lắp đặt sớm hệ thống trạm quan trắc động đất để kịp thời cảnh báo, bảo đảm an toàn cho người dân.

Động đất liên tiếp xảy ra gây trượt lở vai trái đập chính thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Trí Tín.
Động đất liên tiếp xảy ra gây trượt lở vai trái đập chính thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Trí Tín.
Trong ba ngày qua, các chuyên gia đã khảo sát năm huyện: Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước và Phước Sơn, kết quả cho thấy các trận động đất xảy ra vào đêm 3/9 gây chấn động cực đại là cấp 6. Từ ngày 17/8 đến ngày 7/9, tại Trạm quan trắc động đất ở Huế và Bình Định, các máy gia tốc lắp đặt tại khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2 ghi nhận 15 trận động đất. Trong đó có hai trận lớn nhất là vào 20h46 ngày 3/9 với cường độ 4,2 độ ritcher và lúc 9h27 ngày 7/9 với cường độ 4 độ ritcher.
Theo TS Minh, khi hồ thủy điện tích nước, tỷ trọng nước hồ làm tăng áp suất các lỗ rỗng trong các đới dập vỡ, làm giảm độ bền cắt của lớp đất đá trong đới gây nên động đất kích thích. Khi đới đứt gãy hoạt động ở trong trạng thái ứng suất tới hạn, việc giảm độ bền cắt trong lớp đất đá của đới đứt gãy gây nên hiện tượng dịch trượt khiến động đất phát sinh. Động đất ở huyện Bắc Trà My xảy ra quanh khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, tâm chấn cách đập thủy điện Sông Tranh 2 khoảng 8 km.

TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu đang thu thập thông tin động đất tại một hộ dân ở huyện Bắc Trà My. Ảnh: Trí Tín.
TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu đang thu thập thông tin động đất tại một hộ dân ở huyện Bắc Trà My. Ảnh: Trí Tín.
"Mới xảy ra động đất 4,2 độ ritcher như đêm 3/9 vừa qua, ở huyện Bắc Trà My và một số địa phương gần thủy điện Sông Tranh 2 nhiều nhà dân và công trình đã bị nứt nẻ, hư hại. Nếu động đất mạnh 5-5,5 độ ritcher như dự báo ban đầu thì dễ gây nguy hiểm đến công trình dân sinh tại khu vực này", các chuyên gia cảnh báo.
Trước tình hình động đất dồn dập gây ảnh hưởng trên diện rộng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải cho biết, ông luôn thường trực âu lo cho 1,5 triệu dân trên địa bàn tỉnh. Là người đứng đầu địa phương, những ngày qua, ông như "ngồi trên đống lửa", sốt ruột lo lắng về nguy cơ mất an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2.
"Đập xảy ra sự cố thấm nước vừa khắc phục xong thì động đất phát nổ đùng đùng, trong một tuần đến 15 trận thì chúng tôi biết nói thế nào cho người dân yên tâm? Bao giờ Chính phủ khẳng định đập thủy điện Sông Tranh an toàn tuyệt đối thì mới cho chủ đầu tư tích nước hồ chứa trở lại. Nếu còn trục trặc thì phải sửa sai, thậm chí thấy không an toàn thì chấp nhận hy sinh công trình để an dân", vị Bí thư nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu hiện tượng động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 "với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm trước nhân dân". Điều đáng lo ngại là sự cố thấm ở đập thủy điện vừa khắc phục xong, động đất xảy ra dày đặc, mùa mưa lũ lại bắt đầu tràn về nên rất nguy hiểm cho vùng hạ lưu.
"Chỉ 1 % mất an toàn ở đập thủy điện Sông Tranh 2 chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ không cho chủ đầu tư tích nước hồ chứa trở lại. Một khi chưa có kết luận rõ ràng về động đất ở khu vực này, lỡ có biến cố xảy ra thì thảm họa sẽ thật khó lường cho người dân vùng hạ lưu", ông Thanh quả quyết.
Ông Trần Xuân Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam đề nghị:
Ông Trần Xuân Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam đề nghị: " Các nhà khoa học cần nghiên cứu thận trọng về động đất ở khu vực Sông Tranh 2 với tinh thần trách nhiệm trước 1,5 triệu người dân Quảng Nam. Bao giờ Chính phủ khẳng định đập Sông Tranh 2 sau khi khắc phục sự cố thấm đã đảm bảo an toàn tuyệt đối thì mới cho chủ đầu tư tích nước hồ chứa trở lại". Ảnh: Trí Tín.
Tại cuộc họp, nhiều cán bộ chủ chốt cùng lãnh đạo các huyện Hiệp Đức, Bắc Trà My cũng bày tỏ lo ngại, ám ảnh về thảm họa "biển nước" thủy điện Sông Tranh 2 treo lơ lửng trên đầu.
Ông Trần Xuân Thọ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam nhớ lại, cơn lũ lịch sử năm 1964, trong một đêm, lũ ống tràn về quét sạch cả làng Đại Bình, huyện Nông Sơn làm hàng loạt người chết. "Bây giờ người dân tỉnh này liên tưởng tình huống đập Sông Tranh 2 vỡ thì họ rùng mình, sợ hãi lo thảm họa còn gấp bội lần so với cơn lũ ngày ấy", ông Thọ nói.
Sau khi nghe báo cáo sơ bộ về tình hình khảo sát động đất của các nhà khoa học, chiều 12/9, tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị Chính phủ cần đầu tư, hỗ trợ các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm đầu tư lắp đặt trạm quan trắc động đất tại Quảng Nam nhằm đo đạc chính xác, kịp thời cảnh báo cho người dân chủ động ứng phó.
Tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm khắc phục thiệt hại cho người dân do những trận động đất vừa qua gây ra. Trước mắt, các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn giúp người dân ứng phó với động đất; xây dựng phương án, tổ chức diễn tập di dân, sơ tán trong tình huống xấu vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra.
Trí Tín

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét