Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Lỗ hổng thống kê và ngân hàng VN

Lỗ hổng thống kê và ngân hàng VN


IMF đang đóng vai trò cố vấn kinh tế cho chính phủ Việt Nam

Việt Nam đang thừa nhận ngày càng nhiều những vấn đề nảy sinh từ ngành ngân hàng và các tập đoàn kinh doanh đa ngành, theo đại diện của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) khi đánh giá về các 'lỗ hổng thống kê' trong hệ thống kinh tế của Hà Nội.
Trả lời BBC Tiếng Việt hôm 17/9/2012, Đại diện thường trực của IMF tại Việt Nam, ông Kalra Sanjay cũng cho biết cơ quan của ông đang theo dõi hợp tác với chính phủ Việt Nam trong nỗ lực cải cách cơ cấu hệ thống kinh tế nước này.
Trước hết, ông trả lời câu hỏi rằng IMF đánh giá thế nào về ảnh hưởng của Nghị quyết số 11 của Chính phủ Việt Nam nhằm tái ổn định nền kinh tế:


IMF

Biểu đồ tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam so với khu vực qua các năm. Nguồn: IMF

Kalra Sanjay: Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta nhìn vào tình hình kinh tế năm 2012 so với 2011, rõ ràng là đã có những ổn định đáng kể đối với kinh tế vĩ mô. Lạm phát đã giảm từ 23% trong tháng Tám năm ngoái xuống dao động ở mức 5% ở thời điểm hiện tại.
Thêm vào đó, tỷ giá hối đoái cũng đã trở nên ổn định hơn và dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã tăng đáng kể so với năm ngoái.
Hiện tại vẫn đang có những khó khăn hiện hữu nhưng theo tôi, những diễn biến hiện tại là đang theo xu hướng có lợi.
BBC: Moody’s nhận xét sự yếu kém của các ngân hàng đang là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Ông có bình luận gì trước nhận xét này?
Kalra Sanjay: Tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam trong 4-5 năm qua đã rất cao. Tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ chậm lại vào thời điểm cuối 2010, đầu 2011 và đến 2012 thì đã chậm lại hẳn.
Chúng tôi nghĩ rằng sự suy giảm đối với tăng trưởng thời điểm 2011-2012 liên quan trực tiếp đến ngành ngân hàng, vốn đã cho vay quá nhiều trong quá khứ.
Khi tăng trưởng giảm xuống và nền kinh tế bắt đầu đổi chiều (sự tụt giá của thị trường bất động sản là một ví dụ), những thiệt hại bắt nguồn từ sự tăng trưởng tín dụng đến chóng mặt và tăng trưởng chậm dẫn đến nợ xấu gia tăng bắt đầu hiện rõ ra đối với ngành ngân hàng.
Hiện tại tôi cho rằng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang thừa nhận ngày càng nhiều những vấn đề nảy sinh từ ngành ngân hàng.
BBC: Trong bài thuyết trình gần đây, ông đã bày tỏ một số quan ngại trước những thông số thống kê tài chính và tiền tệ của Việt Nam, ông có thể cho biết chi tiết hơn về vấn đề này?
Những ý kiến tôi đưa ra bao gồm cả những quan ngại và hướng cải thiện những thông số này trong thời gian tới.
Ngân hàng Nhà nước đã có những nỗ lực nhất định trong việc chia sẻ thống kê tiền tệ và chất lượng của những thống kê này có được cải thiện trong thời gian qua, đồng thời IMF đã và đang hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ tài chính và Cục thống kê (GSO).
"Có những lỗ hổng trong thống kê, sự kém đều đặn của việc thống kê cũng như giới hạn của việc công bố các thống kê này ra công chúng một cách thường xuyên. "
Hiện tại chúng tôi nhận thấy có những lỗ hổng trong thống kê, sự kém đều đặn của việc thống kê cũng như giới hạn của việc công bố các thống kê này ra công chúng một cách thường xuyên. Đây là những khoản mà chúng tôi nghĩ cần phải cải thiện.
Ngoài ra, Việt Nam còn phải rút ngắn một số khoảng cách trong tiêu chuẩn thống kê giữa nước này với tiêu chuẩn chung của thế giới. Ở thời điểm hiện tại, thống kê của Việt Nam vẫn có khoảng cách so với chúng tôi, vốn sử dụng các tiêu chuẩn thống kê do IMF đề ra.
BBC: Khu vực tài chính và Quốc doanh là hai khu vực có nhiều vấn đề nhất đối với nền kinh tế hiện tại. Sự thiếu sót và những giới hạn đối với thống kê hiện tại sẽ ảnh hưởng đến việc cải cách hai mảng này như thế nào, thưa ông?
Kalra Sanjay: Những chỉ số đáng tin cậy và bao quát là những yếu tố hàng đầu trong việc xác định những vấn đề hiện hữu trong một nền kinh tế.
Đảm bảo độ chính xác của báo cáo tài chính cũng như kê khai lời lỗ từ các ngân hàng trong nước và các Tập đoàn Nhà nước gửi cho Ngân hàng Nhà nước là một bước đi quan trọng để nghiên cứu vấn đề đã ăn sâu như thế nào, cũng như tìm hiểu về bản chất thực sự của vấn đề là gì.
Có những thống kê từ từng ngân hàng cũng như cả hệ thống ngân hàng nói chung và từ các Tập đoàn Nhà nước rất quan trọng đối với IMF cũng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ví dụ như tỷ lệ nợ xấu (NPL), tỷ số lời trên vốn cổ phần(ROE) và chỉ số lợi nhuận.
Tài khoản vãng lai
Cán cân tài khoản vãng lại của Việt Nam qua các năm. Nguồn: IMF
Nói về ảnh hưởng của sự thiếu sót và giới hạn của những con số thống kê nói trên, tôi cho rằng việc này không hẳn sẽ ảnh hưởng tới quá trình cải cách.
Có được những thống kê chính xác là những bước đầu trong cải cách, nhưng cũng không phải là bước duy nhất hay bước cuối cùng trong quá trình cải cách. Quy trình cải cách không chỉ đơn thuần dừng lại ở những dữ liệu thống kê. Cũng nên nhớ những khi nền kinh tế thay đổi, những con số này sẽ còn tiếp tục thay đổi theo thời gian.
Một ví dụ cụ thể là hiện tại, chúng tôi (IMF) biết có một tỷ lệ nợ xấu nhất định trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên quy trình giải quyết nợ xấu vẫn có thể bắt đầu, dù chúng tôi chưa biết chính xác cụ thể mức nợ xấu này là bao nhiêu.
Một ví dụ khác là vấn đề quản lý tại các Tập đoàn Nhà nước. Chúng tôi biết rằng có sự yếu kém trong công tác quản lý ở đây và sự cải cách các Tập đoàn này nằm ở khâu xóa bỏ công việc kinh doanh các ngành không liên quan của các tập đoàn này nhằm đảm bảo tính tin cậy trong hoạt động.
Tất cả những điều này đều có thể được tiến hành, dù chúng tôi biết con số cụ thể hay không. Vì thế tôi nghĩ rằng quá trình cải cách phải được bắt đầu và IMF hy vọng sẽ nắm được quy mô của vấn đề nhiều hơn trong thời gian tới.
BBC: Những chênh lệch trong thống kê do Ngân hàng Nhà nước đưa ra, trong đó có nợ xấu, vốn liên tục được công bố ở các mức khác nhau trong năm, cũng như sự chênh lệch 13 tỷ đôla trong thống kê về cán cân thanh toán năm 2009. IMF đánh giá thế nào về độ tín nhiệm đối với những thống kê từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam?
Kalra Sanjay: Trước hết chỉ số nợ xấu ban đầu ở mức 8,6% được đưa cho Ngân hàng Nhà nước từ các Ngân hàng thương mại khác, vốn được tính bằng phương pháp khác nhau.
"Vẫn còn một đoạn đường rất dài trước mắt để có thể thuyết phục thị trường và các nhà đầu tư rằng những vấn đề của cả hai khu vực này đã ở phía sau lưng."
Ngân hàng Nhà nước sau đó đã sử dụng thống kê từ các ngân hàng khác và xem xét lại cách phân loại nợ để tính lại tỷ lệ nợ xấu. Việc tính tỷ lệ nợ dựa trên những cơ sở hoàn toàn khác nhau dẫn đến các thông số khác nhau.
Đối với trường hợp chênh lệch thống kê cán cân thanh toán, tôi nghĩ là cần có sự xét duyệt sau khi thống kê được đưa ra như các nước khác.
Thông số có thể xuất hiện ngay trên tài khoản vốn, nhưng một số thông số lại bị chậm trễ, điều này dẫn đến việc Ngân hàng Nhà nước cần xét duyệt thống kê thường xuyên.
BBC: Ông có thể cập nhật diễn biến quá trình hợp tác của IMF với Chính phủ Việt Nam để hồi phục ngành ngân hàng? Ông đánh giá thế nào về nỗ lực cũng như thái độ hợp tác của Chính phủ Việt Nam với IMF và đến khi nào thì thị trường sẽ bắt đầu cảm nhận rõ rệt tác động của quá trình cải cách này?
Hiện tại IMF đang làm việc với Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thường xuyên trên cơ sở đối thoại chính sách. Cách đây vài tháng, IMF có đăng tải bản phân tích kinh tế mang tính tham khảo trên trang web của chúng tôi.
Ngoài sự giám sát thường niên và bán thường niên, chúng tôi còn liên hệ chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam thông qua văn phòng IMF tại Hà Nội; điều này cho phép chúng tôi bàn luận sâu hơn với phía nhà cầm quyền Việt Nam về các vấn đề vĩ mô, cải cách cơ cấu.
Thêm vào đó, Việt Nam đã đồng ý tự nguyện tham gia chương trình hợp tác giữa IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) có tên "Chương trình đánh giá khu vực tài chính" trong sáu tuần.
Chương trình này mang đến sự thảo luận bao quát và chặt chẽ với chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các vấn đề liên quan đến khu vực tài chính, không chỉ riêng ngành ngân hàng.
Chương trình này giúp định xác định vấn đề hiện tại và giúp chỉ đạo về cơ cấu, quản lý rủi ro đối với ngành ngân hàng, ngoài ra chương trình còn giúp xác định tình hình thị trường vốn, trong đó có trái phiếu Nhà nước.
Tôi cho rằng hiện tại quá trình hợp tác diễn ra khá thuận lợi; tôi cho rằng chính phủ Việt Nam tỏ ra khá nghiêm túc trong việc lắng nghe lời khuyên từ phía IMF.
Hiện tại chúng tôi khá lạc quan về quá trình đối thoại giữa hai bên, tuy nhiên quá trình cải cách khu vực tài chính và quốc doanh chỉ mới bắt đầu, vẫn còn một đoạn đường rất dài trước mắt để có thể thuyết phục thị trường và các nhà đầu tư rằng những vấn đề của cả hai khu vực này đã ở phía sau lưng.

1 nhận xét:

  1. Nhận định các vấn đề ngành tài chính ngân hàng với thong ke lo được cho phép

    Trả lờiXóa