Nhà có điều kiện, tội gì!
Có điều kiện tội gì không xây "siêu nhà tình thương", tội gì không phá chùa cổ cả nghìn tuổi để xây mới toanh cho hoành tráng.
1. Hầu hết chúng ta giờ hẳn chẳng còn lạ tai với các khái niệm như "siêu xe", "siêu biệt thự", "siêu cao ốc", v.v... Có được sự nhận thức hợp thời này, tất nhiên chúng ta không nên quên phần công chẳng nhỏ của báo chí hàng ngày cặm cụi tìm kiếm, đăng tải rầm rộ các loại "siêu" (mà siêu vòng 1, siêu vòng 3 cũng nằm trong số đó).
Thế nhưng, "siêu nhà tình thương" thì hẳn là một khái niệm chưa quen thuộc, cho đến mới đây khi chúng ta biết về cái được mệnh danh nhà tình thương trị giá đến 310 triệu đồng, trao cho một vị nguyên cán bộ văn hóa ở tỉnh Hậu Giang.
Nhẩm tính nhanh cũng có thể thấy chi phí cho một căn siêu nhà tình thương như vậy đủ để xây 10 - 15 nhà tình thương bình thường (giá trị khoảng 20 -30 triệu). Chưa kể, siêu tình thương này còn lớn đến mức được trao tặng cho một người... không hề nghèo.
"Siêu nhà tình thương" trị giá 310 triệu. Ảnh: Vi Giang/ NLĐ
|
Ở phía ngược lại, một số người nghèo đích thực lại đang đem dỡ cả xác nhà tình thương đem bán với giá vô cùng rẻ mạt. Đó là sự việc vừa được phát hiện xảy ra với 9 hộ được cấp nhà tình thương tại tỉnh Trà Vinh.
Hầu hết các hộ dân bán nhà, theo báo chí phản ánh, đều là những người rơi vào cảnh cùng quẫn. Có người con trai đi tù, con dâu bỏ đi, hai người già chẳng kiếm đâu ra tiền nuôi cháu. Có người con gái ốm nặng, chẳng tiền chạy chữa.
Trong lúc chẳng còn chỗ bám víu, họ còn bị những kẻ cơ hội ép giá. Bán xong họ vẫn còn khoản nợ ngân hàng phải gánh và có thể cũng chẳng còn mái nhà che thân, từ chỗ vô sản còn bị đẩy đến vô gia cư.
Dù biết hay không biết việc không được bán nhà tình thương, những hộ này cũng đã vi phạm quy định của nhà nước. Tuy nhiên, khác với tình huống của "siêu nhà tình thương", trường hợp này dường như khiến người ta ngậm ngùi nhiều hơn là trách giận. Dù rằng người ta không thể lấy cái nghèo để biện minh cho mọi sai trái, cho sự ỉ lại trông chờ vào lòng hảo tâm của người khác.
Ngậm ngùi, vì những người tưởng không còn gì để mất như thế lại thường xuyên trở thành đối tượng của lừa đảo, thói cơ hội. Ngậm ngùi, vì nhiều người nghèo sau khi được trao cho "con cá", lại luẩn quẩn chỉ biết ăn dần ăn mòn nó cho đến hết, rồi lại quay về điểm xuất phát.2. Trong lúc nhiều người trần mắt thịt còn chưa có chốn nương thân, thì âm phủ vào dịp lễ Vu Lan này rất có thể đang lâm vào nguy cơ "lạm phát" biệt thự. Kèm với đó là lạm phát đủ loại hàng hóa xa xỉ, hàng công nghệ đời mới nhất, rồi cả osin, người đẹp... cũng được trần gian gửi xuống ầm ầm hòng giải khuây cho người đã mất.
Gửi siêu xe chưa đủ, người ta còn chu đáo đến mức gửi kèm cả trạm xăng. Hi vọng, âm giới chưa kịp cập nhật công nghệ "găm xăng chờ tăng giá" như trần giới, nếu không xe cộ con cháu gửi xuống, các cụ cũng chỉ có nước... xếp xó.
Có điều thú vị là chẳng thấy ai gửi những thứ như cây xanh, công viên, trường học... xuống "dưới ấy". Cứ theo tình trạng này thì có khi, ngược lại với trần giới - nhăm nhe "xẻ thịt" công viên để làm bãi đỗ xe -, âm giới lại phải "xẻ thịt" bãi đỗ xe để làm công viên.
Dù cuộc sống đời thường còn nhiều khó khăn chật vật, nhưng cách tiêu pha của chúng ta cho người âm lại đáng tầm đại gia. Theo một con số thống kê, mỗi năm người Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã, chỉ tính riêng ở Hà Nội, số tiền thật chi cho khoản này lên tới trên 400 tỷ đồng/năm. Nghe thế, hóa ra chúng ta đâu mấy kém cạnh các công tử Bạc Liêu đốt tiền thật ngày xưa.
Những căn biệt thự gửi xuống cho người âm. Ảnh: Mai Anh/ Xzone/ TTĐT
|
3. Không chỉ sốt sắng lo nhà cho người âm, chúng ta còn nhiệt tình không kém trong việc xây "nhà" mới cho Phật, Bồ Tát. Phong trào rầm rộ xây chùa, dựng tượng thời gian qua, với tiêu chí "xây cho chùa to, to nữa" là minh chứng cho "lòng thành" của chúng nhân.
Lòng sốt sắng này đã lên đỉnh điểm khi trong hơn một tháng qua, người ta nhiệt tình dỡ tận ngọn, trốc tận móng Gác Khánh, Nhà Tổ của ngôi Chùa Trăm gian cả nghìn tuổi, để xây mới cho hoành tráng. Cũng lại những con số tiền tỷ được đổ vào công cuộc này.
Tiếc rằng, những nỗ lực đó chắc chẳng thể đem lại niềm vui cho những đấng bậc "dọn đến ngôi nhà mới mà chúng tôi vừa xây xong". Hơn thế, còn gây kinh hoàng, đau xót cho hầu hết chúng nhân khi một di tích quốc gia với vẻ đẹp cổ kính và giá trị lịch sử lớn lao, mà nay bị tùy tiện tháo dỡ.
Sẽ thành thừa nếu nhắc lại vòng đổ trách nhiệm quanh quẩn của các cơ quan chức năng. Với phần lớn các sự việc xảy ra, cái kết mang mẫu số chung như vậy đã thành "chuyện thường ngày ở huyện", mà cuối cùng người giơ đầu chịu báng nặng nhất có khi chỉ là con tốt trong cuộc cờ.
Điều khiến nhiều người giật mình nhất trong câu chuyện này có lẽ lại là thái độ nhiệt tình đến hồn nhiên của những người dân tham gia "công cuộc" phá chùa, trong đó có mặt cả những bậc cao niên. Một bài báo đã miêu tả kỹ lưỡng niềm hân hoan này: "Người ta dỡ trắng, "giải phóng mặt bằng" cả nhà tổ, gác khánh, bỏ toàn bộ cấu kiện cũ, mua gỗ mới, đổ bêtông nền, lát đá - gạch mới toanh, dựng lên một di tích mới trong niềm... "tự hào" của không ít người."[1]
Cũng theo miêu tả của bài báo này, nhiều cụ áo nâu sồng, răng đen, bỏm bẻm nhai trầu cũng miệt mài chuyền tay nhau từng viên gạch, viên ngói. Một cụ đã ngoài 80, tức đã qua cái tuổi thất thập cổ lai hy, còn tự hào khoe năm nay "được tuổi", được tín nhiệm cất nóc cho tòa gác khánh này, rồi trầm trồ: "Người ta xẻ một cây gỗ lim ra, vót nó thành 4 cái cột chùa khổng lồ y như chúng ta chẻ tre vót đũa ấy. To tiền lắm, riêng khu này chắc khoảng 3 tỉ đồng rồi nhé".
Một số cụ có uy tín trước cả làng cả tổng khác cũng khảng khái nói: Di tích, nhiều dui mè như mới, mộng mẹo còn nguyên. Nhưng vì có điều kiện, nên "nhà chùa" thay mới cho nó đẹp, nó bền. Vì nó... cổ kính quá rồi nên mới phải thay. "Sắp tới, "dự án" còn xây lại cái cổng nữa, hoành tráng lắm chú ạ".
Có điều kiện, nên tội gì mà không khoét tận nền, làm mới một cái to, hoành tráng hơn! Mà đó là cái hào hứng đến hồn nhiên của những người đã bao năm sống cùng, gắn bó với di sản quý báu này.
Khu vực chùa Trăm Gian được làm mới
|
4. Lâu nay chúng ta vẫn ấn tượng với thói xa hoa, khoa trương, khoe "khủng" của các đại gia. Nhưng nhìn nhận cho kỹ, liệu có phải thói phù du vật chất ấy cũng đã ngấm vào cả những người chẳng phải đại gia.
Niềm háo hức lấp đầy những vật chất, với quy mô ngày càng tăng ám ảnh một xã hội tiêu dùng và dường như chúng ta đang dùng chúng khỏa lấp cái trống rỗng trong tâm mỗi người. Nhiều chùa mới, hoành tráng thi nhau mọc lên, nhưng dưới chân Phật, những bát nháo, đảo điên, lại cũng ngày càng "phát triển".
Dịp lễ Vu Lan, từ trong sâu xa ý nghĩa, có lẽ là dịp để mỗi người chiêm nghiệm lại cách sống, đối đãi với cả người đang sống và người đã chết. Đó là lúc để người ta nhìn lại và tìm kiếm cái "Tâm Phật" trong chính mình. Đâu phải là lúc để người ta háo hức đốt hàng núi hàng mã để mua lại cái an tâm, thỏa mãn.
Người viết chợt nhớ đến một câu chuyện cảm động gần đây, khi hôm 25/8, hơn 350 nhân khẩu làng phong thuộc Đà Nẵng chuẩn bị cho chuyến di dời lịch sử vào đất liền. Sau nửa thế kỷ tồn tại, kể từ đây ốc đảo cách biệt với bên ngoài của "làng cùi" chính thức chỉ còn trong ký ức.
Dù vẫn là những người đang sống, nhưng trong suốt nhiều năm có lẽ cuộc đời của các bệnh nhân này chẳng khác nào những vong nhân, sống tách biệt trong lãng quên của cuộc đời. Chuyến trở về đất liền này của họ hẳn sẽ kéo theo nhiều thay đổi, tâm trạng phức tạp. Nhưng dẫu sao, phần nào nó vẫn mang lại cảm giác như một ngày Vu Lan đích thực cho những người đang sống chịu số phận thiệt thòi.
Hải Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét