Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Trung Quốc mưu đồ thâu tóm Biển Đông như thế nào


Những động thái của Trung Quốc trên biển và trên bàn đàm phán trong hai năm qua cho thấy Bắc Kinh đang dần hiện thực hóa mưu đồ muốn kiểm soát Biển Đông, bất chấp quyền lợi được quốc tế công nhận của các láng giềng.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông với cái gọi là "đường lưỡi bò" hay "đường 9 đoạn". Song song với việc từ chối giải quyết tranh chấp đa phương, những việc làm của Trung Quốc ngày một quyết liệt trên vùng biển mà các nước thành viên ASEAN như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền.
Tránh né đàm phán đa phương
Trong tất cả những vấn đề liên quan tới tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, Trung Quốc luôn thể hiện quan điểm muốn đàm phán hòa bình, nhưng là song phương với các nước liên quan, thay vì đối thoại đa phương. Mới đây nhất, tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), một diễn đàn an ninh khu vực vừa diễn ra tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Trung Quốc khẳng định không đề cập vấn đề Biển Đông.
"Cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao tại Diễn đàn Khu vực ASEAN là một cơ sở quan trọng để xây dựng lòng tin lẫn nhau và tăng cường hợp tác, nhưng đó không phải là nơi phù hợp để bàn về vấn đề Biển Đông", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói.

Trung Quốc tỏ ý sẵn sàng trao đổi với khối ASEAN về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông nhằm giảm các căng thẳng, nhưng lại cho rằng bất cứ thỏa thuận nào cũng sẽ không thể được sử dụng để giải quyết các tuyên bố chủ quyền chồng lấn. "Khi các điều kiện chín muồi, Trung Quốc muốn trao đổi với các nước ASEAN về việc thiết lập COC", ông Lưu Vi Dân nói hôm 9/7. "Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng COC không nhằm giải quyết các tranh chấp, mà nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau và đẩy mạnh hợp tác".
Các hội nghị bộ trưởng ASEAN tại Campuchia sau đó kết thúc mà không có một tuyên bố chung nào được đưa ra, một sự việc chưa từng có tiền lệ trong suốt 45 năm tồn tại của khối này. Từ diễn biến này, giới quan sát có thể thấy Trung Quốc đã tạo được ảnh hưởng tới một số thành viên của ASEAN, để gạt chủ đề Biển Đông ra khỏi diễn đàn quốc tế.
Thêm vào đó, trong cuộc tranh chấp bãi cạn Scarborough/ Hoàng Nham với Philippines từ tháng 4 năm nay, Bắc Kinh đã lập tức bác bỏ khi Manila đề nghị đưa vấn đề này ra phán xét tại tòa án quốc tế.
Bắc Kinh không tỏ ra bên ngoài thái độ cứng rắn mỗi khi hiện diện ở các diễn đàn an ninh quốc tế. Tại Đối thoại Shangri-La (Đối thoại an ninh cấp cao châu Á Thái Bình Dương) năm nay, khi Mỹ cử một phái đoàn hùng hậu gồm ba ông lớn tới bàn thảo về các vấn đề an ninh, Trung Quốc chỉ cử một học giả tới tham dự. Trung tướng Nhiệm Hải Tuyền, phó giám đốc Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, dẫn đầu phái đoàn, đã không đưa ra tuyên bố gây chú ý nào tại cuộc họp, mặc dù Shangri-La 2012 diễn ra đúng lúc tình hình Biển Đông đang phức tạp.

Bộ trưnởg
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Lương Quang Liệt tại Đối thoại Shangri-La 2011. Ảnh: Bloomberg
Trước đó một năm, tại Đối thoại Shangri-La 2011 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt trấn an các nước láng giềng trong bối cảnh lo ngại gia tăng trước sự lớn mạnh nhanh chóng của quân đội Trung Quốc. "Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông", Lương phát biểu. "Tình hình ở Biển Đông vẫn ổn định. Vấn đề tự do hàng hải trong khu vực không hề bị cản trở", tướng Lương nói thêm ngay sau các vụ Trung Quốc quấy nhiễu tàu Philippines và cắt cáp tàu Việt Nam.
"Nhiều người cho rằng với sự phát triển kinh tế, Trung Quốc sẽ trở thành một mối đe dọa về quân sự. Đấy không phải là một sự lựa chọn của chúng tôi. Chúng tôi không theo đuổi tham vọng bá quyền. Chúng tôi không bao giờ có ý định đe dọa bất cứ nước nào", tướng Lương bình luận.
Gây hấn trên biển
Tuy nhiên, trái với những tuyên bố về hòa bình, các tàu kể cả của chính phủ lẫn tàu cá dân sự Trung Quốc lại có nhiều hành động gây hấn với các nước láng giềng.
Chuỗi sự việc đáng chú ý tại Biển Đông trong năm 2011 mở màn bằng lời cáo buộc của Philippines về việc các tàu và máy bay của Trung Quốc quấy nhiễu tàu cá trong vùng nước mà Manila nói có chủ quyền. Không lâu sau đó, một sự kiện xảy ra ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã cho thấy rõ ý đồ của Trung Quốc.
Sáng 26/5/2011, ba tàu hải giám Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và còn cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02, gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng như cản trở hoạt động của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Phản ứng trước hành động này, Việt Nam khẳng định Trung Quốc đang cố tình đánh lừa bằng cách làm cho dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp. Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định hành động của Trung Quốc đã làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.
Không lâu sau sự việc tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp, Trung Quốc lặp lại hành vi gây hấn. Sáng 9/6/2011, được sự yểm trợ của các tàu ngư chính, tàu đánh cá Trung Quốc đã lao vào phá cáp của tàu Viking II đang thăm dò địa chấn trong phạm vi 200 hải lý trên thềm lục địa của Việt Nam.
Tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 84 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong vụ tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp. Ảnh: TTXVN
Gần một năm sau, Biển Đông lại "dậy sóng" khi Trung Quốc có những động thái mới. Đầu tháng 4 năm nay, tranh chấp vì tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham giữa Philippines và Trung Quốc nổ ra. Hôm 8/4/2012, Philippines phát hiện nhiều tàu cá của Trung Quốc trong bãi đá này. Sau đó, các tàu của hai nước ở thế "chạm mặt" suốt nhiều ngày, trong khi căng thẳng ngoại giao song phương bị đẩy lên cao, dẫn đến cả chiến tranh lạnh về kinh tế mà phía chịu nhiều hậu quả là Philippines.
Giữa lúc vụ việc Scarborough/Hoàng Nham còn đang nóng bỏng, Trung Quốc tiếp tục đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ ngày 16/5. Cả Việt Nam và Philippines cùng phản đối lệnh này. Một số ngư dân và tàu cá Việt Nam sau đó đã bị phía Trung Quốc bắt giữ khi đang hoạt động nghề cá bình thường trong vùng nước thuộc phạm vi chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 21/6, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển, và Trung Quốc lập tức lên tiếng phản đối. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị tuyên bố việc Việt Nam thông qua Luật Biển là một hoạt động lập pháp bình thường. Ông Nghị đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trước đó, phát ngôn viên ngoại giao Việt Nam cũng liên tiếp phản đối việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền tại Hoàng Sa, với các hoạt động đua thuyền, du lịchxây cầu tàu.
Đỉnh điểm cho sự ngang ngược của Trung Quốc là việc Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) tuyên bố mời thầu tại 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Phát ngôn viên Lương Thanh Nghị gọi đây là hành động phi pháp và không có giá trị, đồng thời yêu cầu phía Trung Quốc phải hủy bỏ.
Tiếp đó, Trung Quốc liên tiếp đưa các tàu tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đầu tiên, một nhóm tàu hải giám được cử xuống các bãi đá Chữ Thập và Châu Viên để diễn tập, không lâu sau khi Trung Quốc thành lập một đội tuần tra để sẵn sàng "ứng chiến" ở Biển Đông. Tiếp theo, Trung Quốc cho 30 tàu cá từ Hải Nam xuống khai thác tại bãi Chữ Thập. Hành động này đi ngược lại chính lệnh cấm đánh bắt cá mà nước này đơn phương áp đặt tại Biển Đông.
Việc các tàu cá Trung Quốc khai thác ở vùng mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền là "phi pháp và xâm phạm chủ quyền của Việt Nam", Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.
Sự việc mới nhất liên quan tới Trung Quốc là cú mắc cạn của chiến hạm Đông Hoán 560 tại bãi Trăng Khuyết thuộc quần đảo Trường Sa. Philippines rất quan tâm tới vụ việc này. Tuy nhiên, chiếc tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc sau đó được giải cứu và không có căng thẳng mới nào xuất hiện.
Không những đưa tàu xuống đánh bắt cá, vi phạm chủ quyền của nước khác, truyền thông Trung Quốc còn ngày ngày rầm rộ đưa tin bài, hình ảnh về hoạt động của đội tàu này và các ngư dân, kèm những bài xã luận có tính hăm dọa.
Với những động thái trên, các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang dần hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền "lưỡi bò" vô lý của họ, bằng những bước đầu là sử dụng lực lượng mềm như ngư dân, du lịch. Điều này có thể là bước khởi đầu cho những diễn biến nguy hiểm hơn về sau.
"Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng các vụ việc quấy rối ngư dân trong vùng nước tranh chấp, điều đó có thể dẫn đến những vấn đề lớn hơn trong tranh chấp lãnh thổ", Stephanie Kleine-Ahlbradt, một chuyên gia phân tích Trung Quốc thuộc ICG, tổ chức chuyên hoạt động nhằm giảm thiểu các nguy cơ xung đột trên thế giới, bình luận.
"Tình trạng này dễ dàng trở nên nghiêm trọng hơn về mặt an ninh, nhất là khi làn sóng dân tộc chủ nghĩa đang nóng lên trong khu vực", bà nói thêm.
Nhật Nam
Theo dòng sự kiện:
Trung Quốc, Philippines chạm mặt trên Biển Đông (14/07)
Tàu hải quân Trung Quốc mắc cạn ở Biển Đông (14/07)
Philippines tố Trung Quốc 'hăm dọa' (13/07)
Chiến hạm Mỹ, Philippines sắp tập trận (29/06)
Philippines sẽ bỏ lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông (28/06)
Trung Quốc còn nhiều tàu ở bãi cạn tranh chấp (27/06)
Xem tiếp
Biển Đông (18/07)
Trung Quốc sẽ đưa tàu lặn sâu ra Biển Đông (18/07)
Tàu Trung Quốc đánh cá phi pháp ở Trường Sa (17/07)
Đài Loan tính kéo dài đường băng ở đảo Ba Bình (16/07)
Đội tàu cá Trung Quốc xâm phạm Trường Sa (16/07)
ASEAN bất đồng vì Biển Đông (14/07)
Xem tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét