Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Tại sao không thu hút được trí thức Việt kiều?

Tại sao không thu hút được trí thức Việt kiều? In
Email

http://www.boxitvn.net/wp-content/uploads/2011/11/Pen-32.jpgXin giới thiệu bài trả lời phỏng vấn dưới đây của Gs Nguyễn Đăng Hưng về việc thu hút Việt kiều. Anh Hưng nổi tiếng là một người nói thẳng, nói thật, nên những ý kiến và lí giải của anh trong bài này đọc cũng nhức nhối. Theo anh Hưng thì lí do chính cho tình trạng trống vắng của Việt kiều trong khoa học Việt Nam là vì Nhà nước (và Đảng CSVN) không tin vào họ. Cố nhiên, còn nhiều lí do khác nữa, nhưng lí do chính mà anh Hưng đưa ra rất đáng suy nghĩ …

Thu hút giới khoa học Việt kiều về nước, theo tôi, là chính sách đúng. (Đáng lẽ nói là “Người Việt ở nước ngoài” thì hay hơn, nhưng vì ai cũng quen với “Việt kiều” nên tôi cũng dùng chữ này).   Hầu như trong bất cứ lĩnh vực khoa học nào cũng có sự hiện diện của người Việt Nam, đặc biệt là Việt kiều. Một số không ít họ là những nhà khoa học lừng danh trên thế giới. Jane Luu là một ví dụ. Và còn hàng trăm ví dụ khác nữa. Dù xuất phát từ chính kiến nào, hay hoàn cảnh ra đi có khác nhau, nhưng ai cũng muốn đóng góp một phần của mình cho quê hương. Đó là tình cảm rất thật. Nhưng tiếc thay, không có bao nhiêu người thực hiện được hoài bảo đó. Thành ra, khi Nhà nước tuyên bố là sẽ thu hút Việt kiều về Việt Nam làm việc, ai cũng hi vọng. Chỉ là hi vọng thôi, vì ai cũng biết Nhà nước Việt Nam thì nói hay hơn là làm giỏi. :-)
Chẳng những có chính sách, mà còn có con số cụ thể. Cách đây trên 5 năm, ông Nguyễn Thiện Nhân, lúc đó hình như là Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo có nói “trong 10 năm tới, cố gắng thu hút vài trăm, thậm chí 1.000 nhà khoa học Việt kiều về làm việc tại các cơ sở giáo dục VN.” Ý ông Nhân là 1000 người làm việc trong các đại học và viện nghiên cứu. Lúc đó, tôi rất ngạc nhiên với con số này, và cũng có bàn qua 2 bài trên Người viễn xứ (tờ báo này không còn nữa). Tôi nghĩ rằng con số đó quá cao, và sẽ khó thành hiện thực. Bây giờ thì ông Nhân đã là Phó thủ tướng, không biết tuyên bố của ông có còn ai theo đuổi nữa hay không. Chỉ biết rằng 5 năm sau tuyên bố đó, chẳng có bao nhiêu Việt kiều về nước giảng dạy hay nghiên cứu.

Thật vậy, cho đến nay, hình như chẳng có bao nhiêu Việt kiều về nước làm việc lâu dài. Số người về làm ngắn hạn hay làm seminar, workshop thì có, nhưng cũng chỉ đếm đầu ngón tay. Còn số người về nước làm việc dài hạn thì chẳng bao nhiêu, ngoại trừ một số rất ít do các công ti nước ngoài gửi về Việt Nam làm việc. Hơn 2 năm trước, Ts Nguyễn Quốc Vọng có bài “Vì sao ít trí thức Việt kiều về nước làm việc?” Bài viết gây ra vài làn sóng tranh luận chung quanh câu hỏi này. Tôi cũng có đôi lời góp ý và bàn luận chung quanh câu hỏi này ở đây. Ts Nguyễn Đình Đăng còn nói thêm một ý như là trả lời câu hỏi của anh Vọng: "Nhà vật lý kiệt xuất nhất thế kỷ 20 Albert Einstein từng nói: ‘Tất cả những gì thực sự vĩ đại và truyền cảm đều được sáng tạo bởi cá nhân lao động trong tự do’. Năm 1933 ông đã có một tuyên bố nổi tiếng: “Chừng nào tôi còn có thể lựa chọn, tôi sẽ chỉ sống tại nước nào mà tự do chính trị, lòng khoan dung, và quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp lý là luật lệ”.

Cái lý do quan trọng đó (khiến nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ Việt kiều không muốn về nước làm việc) đã không được nhị vị Nguyễn Quốc Vọng và Nguyễn Văn Tuấn đả động tới.”
Anh Nguyễn Đăng Hưng thì thêm một lí do khác, và lí do này thuộc về thái độ của Nhà nước. Theo anh Hưng, “nhà nước Việt Nam vẫn chưa tin tưởng vào Việt kiều. Điều này thể hiện một thực tế là lãnh đạo có nhiều hạn chế về hiểu biết và thiếu tầm nhìn. Những người lãnh đạo trong nước chỉ thấy và tin dùng những người gần gủi, tin cậy”.  Nguồn gốc sâu xa của tình trạng này là não trạng Mao-ít đã và đang thao túng học thuật Việt Nam. Bộ máy của não trạng Mao-ít hiện hữu trong chi bộ Đảng, Đoàn khắp nơi. Bề ngoài thì họ vồn vã và ân cần với các trí thức Việt kiều, nhưng trong chi bộ thì họ xem những người trí thức Việt kiều, nhất là những người miền Nam và được đào tạo từ phương Tây, là những người đáng nghi ngờ, có vấn đề. Mới năm rồi, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc Hội, ông Ksor Phước nói : “không tán thành việc cho phép công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia dự tuyển làm viên chức vì quan ngại có thể bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động chống phá”.
Một anh đồng nghiệp trong nước, không phải đảng viên và đã nghỉ hưu, thì nói thẳng hơn: “Trong thực tế, họ không thích Việt kiều là xuất phát từ mặc cảm tự ty (inferiority complex). Họ sợ Việt kiều dành nồi cơm của họ. Họ ngại Việt kiều làm lộ sự bất tài của họ. Tấm lòng của Việt kiều dành cho quê hương chẳng ăn nhằm gì với họ cả.” Điều này thì để cho người trong nước cho ý kiến, chứ kinh nghiệm của cá nhân tôi với đồng nghiệp trong nước thì không tệ như thế. Ngoại trừ vài trường hợp tị hiềm hiếm hoi, chúng tôi vẫn hợp tác vui vẻ và rất có hiệu quả, nên không thấy có vấn đề gì cả.  Tuy nhiên, có vài dịp tôi cảm thấy các quan chức, cũng là bạn bè tôi cả thôi, họ cố tình tránh né gặp các giáo sư Việt kiều. Có lần tôi hỏi một anh bạn thân tại sao tránh né, thì anh bạn nói nữa đùa nữa thật: mấy cha Việt kiều thì giỏi thật, nhưng mấy chả hay nói linh tinh làm mình đỡ không kịp, nên tốt nhất là tránh mấy chả. Gặp trên bàn nhậu hay hơn là trong văn phòng. :-)  Điều trớ trêu là tôi thấy các bạn ngoài Bắc cởi mở hơn các bạn trong Nam trong đối xử với Việt kiều miền Nam.
Việt kiều có tiềm năng thật sự. Hôm nọ, tôi thử đếm số bài báo khoa học có tên người Việt trong và ngoài nước thì phát hiện rằng con số bài báo của Việt kiều cao gấp 7 lần số bài báo trong nước. Như vậy, nếu lực lượng này hợp lại với các đồng nghiệp trong nước thì VN đã “ăn đứt” Thái Lan, Mã Lai, và bằng hay cao hơn Singapore.
Nhưng sự trống vắng về đóng góp của Việt kiều trong khoa học và giáo dục ở Việt Nam là điều đáng tiếc. Hàn Quốc, Đài Loan, thậm chí Trung Quốc đều có khả năng thu hút kiều bào của họ. Đài Loan và Hàn Quốc tự hào nói rằng họ xây dựng nền kĩ nghệ điện tử được như ngày nay là nhờ kiều bào của họ về nước đóng góp. Còn Việt Nam ta thì chỉ nói mà không chịu làm gì thực tế. Do đó, tiềm năng của Việt kiều vẫn là … tiềm năng.
NVT
====

http://www.radioaustralia.net.au/vietnamese/2012-07-12/việt-nam-những-bức-xúc-trong-việc-thu-hút-tr%C3%AD-thức-việt-kiều/978544

Việt Nam: những bức xúc trong việc thu hút trí thức Việt kiều

Võ Thái

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng: “Việt Nam vẫn chưa tin tưởng vào Việt kiều. Điều này thể hiện một thực tế là lãnh đạo có nhiều hạn chế về hiểu biết và thiếu tầm nhìn.”

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, sinh năm 1940, nguyên quán tại Quảng Nam. Ông đi du học từ 1960, sau đó giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Liège (Vương quốc Bỉ) về Toán và Cơ học. Giáo sư Hưng đã có công đào tạo hơn 300 Thạc sĩ lấy bằng của Bỉ tại Việt Nam. Hơn 50 người trong số này đã có bằng tiến sĩ.
Ngày 26.3.2004, Bộ Chính trị Việt Nam đã đưa ra Nghị quyết 36 với mục đích thu hút Việt kiều về nước góp sức xây dựng đất nước.
GS Hưng về sống tại Việt Nam từ 2006 đến nay. Ông đã có nhiều đóng góp tích cực cho giáo dục, khoa học công nghệ của quê hương.
Mới đây Radio Australia đã có dịp trò chuyện với GS Hưng để tìm hiểu về kinh nghiệm và nhận định của ông đối với chính sách thu hút Việt kiều của Việt Nam.
Đây là bài đầu tiên trong một loạt bài tìm hiểu về vấn đề này.
Radio Australia: Theo Giáo sư chính sách thu hút Việt kiều của Việt Nam trong những năm qua đã thành công chưa?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Từ khi Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị cách đây 8 năm, chính sách thu hút Việt kiều không thể nói là thành công. Nghị quyết 36 không có khâu thực hiện, không có chính sách cụ thể thỏa đáng, chưa tạo dựng được môi trường cần thiết cho trí thức Việt kiều hoạt động.
Thật vậy, người trí thức cần có môi trường tự do. Trường đại học cần có tự do tư tưởng. Nghiên cứu khoa học cần có môi trường dân chủ, cần người có thực tài, đam mê khoa học. Người tài không khom lưng, nhà nước phải biết trân trọng giao việc cho họ công việc với lòng tin. Đây là điều kiện để họ xây dựng nền công nghệ cho đất nước.
Trên thực tế hiện nay, Việt kiều về nước làm việc dù có giỏi chuyên môn cũng chỉ được làm cao nhất chỉ cấp phó.
Chính sách nghiên cứu khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay vẫn còn là giải quyết giữa nội bộ bên trong. Tiếng nói Việt kiều gần như không lọt vào.
RA: Vậy trong thực tế trí thức kiều bào vẫn chưa được tin dùng tại Việt Nam?
GS NĐH: Đúng, nhà nước Việt Nam vẫn chưa tin tưởng vào Việt kiều. Điều này thể hiện một thực tế là lãnh đạo có nhiều hạn chế về hiểu biết và thiếu tầm nhìn. Những người lãnh đạo trong nước chỉ thấy và tin dùng những người gần gủi, tin cậy.
Lớp Việt kiều đầu tiên tầm cỡ như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu đã được tin dùng trong thời gian đầu, nhưng sau này đã bị vô hiệu hóa và bị gạt ra khỏi các vị trí lãnh đạo từ những ngày mà tư duy giáo điều Mao-Ít thao túng học thuật Việt Nam. Những người khác như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường… sau khi về nước đã có những số phận hẩm hiu mà ai cũng biết. Trừ một vài cá nhân cá biệt với vai trò và cống hiến khiêm tốn, phải nhìn nhận là từ 70 năm qua cho đến bây giờ trí thức Việt kiều vẫn bị đối xử như vậy.
RA: Do hoàn cảnh lịnh sử, theo Giáo sư Việt Nam có những thuận tiện cũng như khó khăn nào cho chính sách thu hút trí thức Việt kiều?
GS NĐH: Hoàn cảnh lịch sử của đất nước vô tình tạo lợi thế cho dân tộc Việt Nam. Trí thức kiều bào Việt Nam hiện nay rất đông đảo và sống ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Không có ngôn ngữ, công nghệ nào mà trí thức Việt kiều không có chuyên môn.
Nhưng cái khổ, cái tệ hại là nhà nước Việt Nam chưa có tính thần cởi mở vì quyền lợi chung của dân tộc. Thói quen e ngại các Việt kiều dường như là chủ đạo. Nhất là các Việt kiều từ phương Tây.
Nếu muốn có công nghệ tiên tiến, tồn tại được trên thị trường thì phải tiếp cận công nghệ từ Nhật, Pháp, Mỹ, Đức… nhưng đây lại là các nước tư bản.
Dù công nhận tư bản có thành công rực rỡ, nhưng trong tư duy của một bộ phận quan quyền vẫn cho tư bản đang giẫy chết. Ngay cả bà phó chủ tịch nước mới đây đã ngang nhiên tuyên bố: “Việt Nam có dân chủ tiên tiến hơn các nước phương Tây gấp nghìn lần”. Tư duy kiểu vậy, nên người dân chịu thiệt thôi.
RA: Ngoài vấn đề ý thức hệ, theo ông còn những cản trở nào?
GS NĐH: Đó chính là tư duy ‘nhiệm kỳ’. Ai lên làm lãnh đạo cũng ít nghĩ đến việc phải làm được những gì cho đất nước, mà chỉ nghĩ đến chuyện thủ lợi cho bản thân. Cho nên bao nhiêu năm nay nền giáo dục, khoa học công nghệ của Việt Nam không có được cái nào ra hồn.
Thêm nữa là quyền lợi của các nhóm chuyên mưu cầu lợi ích tư và tư duy toàn trị trong khoa học. Người nằm trong chính quyền, hay có liên quan với giới quyền thế dễ dàng nắm được thông tin, có hợp đồng, tức là họ nắm trong tay điều kiện phát triển, làm giàu. Cho nên họ không đưa thông tin đó ra cho đại chúng để mọi người cùng có kế sách làm giàu cho đất nước.
Câu chuyện Vinashin là một ví dụ rất sinh động, cụ thể. Nếu từ đầu Vinashin tin tưởng giao cho một Việt kiều tại Pháp, tại Mỹ… có kinh nghiệm đóng tàu lâu năm, mời họ về làm lãnh đạo thì bây giờ đã có được ngành công nghiệp đóng tàu, chứ không phải nát bét như bây giờ.
Tuy nhiên vì lợi ích nhóm, nhà nước đã giao ‘quả đấm thép’ cho ông Phạm Thanh Bình. Ông Bình không biết gì đến tàu là gì trừ trường hợp lên tàu đi chơi. Cho nên sau khi lên nắm Vinashin ông chủ tịch này chỉ có khả năng đi mua tàu thôi. Ông mua thế nào cho có giá và huê hồng cao.
RA: Có những trí thức kiều bào về nước làm việc, ban đầu được tung hô, nhưng lại không đóng góp được gì nhiều sự phát triển. Theo Giáo sư nguyên nhân nằm ở đâu?
GS NĐH: Điều này là do Việt Nam không có cơ chế thẩm định độc lập. Trong tổ chức của Việt Nam, từ Đảng, Đoàn, đến một số bộ phận Việt kiều đều không thấm nhuần bản lĩnh độc lập, nên không thể tự xét đoán con người, trình độ, khả năng làm việc.
Trong tương tác với Việt kiều, tư duy bè phái đã dẫn đến những sai lầm cố hữu. Ngay cả thành phần trí thức Việt kiều từ Pháp, bên Canada, bên Bỉ… những ai giỏi nịnh với nhà nước Việt Nam thì được đưa lên; còn vị nào biết tự trọng, nghiêm túc, không nịnh bợ, có lời nói thẳng thắn thì bị cho ra ngoài lề.
Đã là người trí thức giỏi thực thụ thì không bao giờ phải xu nịnh ai cả. Cơ chế ‘xin cho’ hoàn toàn đi ngược với tư cách, tâm tư và nguyện vọng của họ. Nhưng khổ là cái ở Việt Nam, cơ chế ‘xin cho’ đang thống trị hoàn toàn trong mấy chục năm nay và vẫn chưa chấm dứt.
Xưa nay đầu óc của thành phần phong kiến đã rất quen với tư duy ‘nịnh trên, đạp dưới’. Đây là tư duy phi trí thức. Bởi vì một nước hay một lĩnh vực, nếu muốn tiến triển phải có phản biện. Để phản biện có hiệu quả thì phải có những tư duy độc lập. Mà muốn có đầu óc độc lập thì phải có trình độ và thông tin đa chiều. Nhưng nhà nước Việt Nam phủ nhận thông tin đa chiều, không chấp nhận ý kiến khác, nên tư duy độc lập vẫn chưa phát huy được.
RA: Theo ông để thu hút trí thức Việt kiều về nước làm việc, chính sách Việt Nam cần phải có những điều gì?
GS NĐH: Trí thức cần có một môi trường dân chủ và một nền văn hóa biết trọng khoa học để hoạt động. Muốn có các điều kiện đó ta cần thay đổi và sửa chữa lỗi trong hệ thống. Việt Nam cần có một thế hệ lãnh đạo mới, có đủ bản lĩnh, có đủ tâm đủ tầm, nhất là có lòng tin ở một tương lai sáng lạn của dân tộc.
RA: Xin cảm ơn Giáo sư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét