Món ăn chủ nhật: Phở
Món phở của VN nói chung là món ăn nổi tiếng thế giới ngang ngửa món chả giò, tuy nhiên nói đến phở VN người ta hay nhấn mạnh đến phở bò nhiều hơn là phở gà. Phở gà được xem như một biến tấu của món miến gà mà trong đó nước phở là nước dùng gà có cho thêm vài gia vị của cách nấu phở bò và thay vì dùng sợi miến người ta dùng bánh phở loại mỏng.
Dĩ nhiên cái chính của món phở gà vẫn là nước dùng gà và đây cũng là lý do một tô phở gà trong những hàng phở gà ở đường Hiền Vương Sài Gòn đắt gấp 3 – 4 lần một tô phở gà bán bán bình dân trong những hẻm nhỏ. Xương bò thì nhiều, giá rẻ... còn gà thì nhỏ vậy nấu bao nhiêu con gà mới cho được vị ngon ngọt đúng yêu cầu? Theo Cẩm Tuyết biết thịt gà ở Âu Mỹ là nguồn thực phẩm không đắt tiền và có nhiều cho nên nhiều người có thể nấu cả ba bốn con gà rồi bỏ xác thịt, chỉ để lấy một hai lít nước hầm để làm súp hay nước dùng, trong khi đó ở VN đối với giới bình dân, thịt gà vẫn là món ăn sang trọng cho nên trao đổi hàm thụ món phở gà, thật sự có vài điểm khá tế nhị giữa các bạn ở nước ngoài và độc giả trong nước.
Ở Sài Gòn không phải là không có những hàng phở gà bình dân vẫn sử dụng xương heo để nấu lấy nước dùng, sau đó chỉ cần luộc một hai con gà trong nước dùng này (đủ bán cho một buổi tối chẳng hạn), thêm một ít mỡ gà và gia vị là thành một nồi nước dùng phở gà ngon lành. Dĩ nhiên một tô phở gà “nhà giàu” với nước dùng hoàn toàn nấu bằng thịt, xương gà…chắc chắn phải có hương vị riêng biệt. Việc còn lại là của khẩu vị thực khách.
VẬT LIỆU – THỰC HÀNH
1. Nấu nước dùng:
Sử dụng đầu gà có một phần cổ để nấu lấy nước dùng, hầu hết mọi hàng thịt gà đều có bán riêng đầu gà. Phân lượng chuẩn sử dụng 1kg đầu cổ gà làm sạch (nặn máu bầm, nhớt) hầm với 5 lít nước + 200g hành tây lột vỏ, tách tép + 1 muỗng súp muối. Hầm nhỏ lửa, không để sôi bùng mà chỉ sôi váng hơi, vớt bọt liên tục ngay từ khi bọt nổi dậy, nếu để sôi bùng bọt sẽ bị đánh tan lại vào nước làm cho nước đục. Hầm trong khoảng 2 giờ cho đến khi thấy đầu gà mềm nhừ, nước còn khoảng già 4 lít nước dùng. Vớt bỏ xương đầu gà, xác hành, lược lại nước dùng qua một cái rây. Muốn có nước dùng trong đẹp hơn thì lược thêm một lần nữa qua một túi vải sạch. Nếu sử dụng nồi áp suất thì lượng nước hầm sẽ không hao bao nhiêu chỉ cần luợc sạch xác xương, hành sau khi hầm. Để nước dùng nguội bớt, vớt váng mỡ nổi trên mặt để riêng vào một cái chén hoặc tô, sau khi vớt váng mỡ giữ nóng nước dùng trên bếp.
2. Luộc gà:
- Ở VN, loại gà chọn làm phở thường là loại gà ta nuôi thả (mỗi con khoảng 1,3 – 1,7 kg) loại gà này chắc thịt ít mỡ so với gà giống Âu Mỹ nuôi công nghiệp (mỗi con khoảng 2,5 – 3kg) nạc không chắc, mỡ nhiều.
- Gà làm sạch, tùy ý chặt làm bốn hoặc luộc nguyên con cho đẹp mắt (dùng để móc treo lên cho đẹp mắt nếu kinh doanh). Luộc gà trong nước dùng nấu sôi, cứ mỗi kí lô thịt gà cho vào luộc thì thêm vào nồi nước dùng ½ lít nước sôi. Gà sau khi luộc chín vớt ra để nguội. Phần lòng gà như trứng non, mề làm sạch, gan, tim… cũng luộc chín trong nước dùng.
3.Gia vị tạo mùi phở:
Phở gà
Gia vị dùng trong phở gà giống phần nào gia vị phở bò nhưng ít vị và lượng hơn, tạo mùi nhẹ hơn. Gia vị đầu tiên là hành tím nướng rửa sạch bụi than thả vào nồi nước dùng với phân lượng khoảng 10g cho 1,5 lít nước dùng . Phân lượng này chỉ có tính hàm thụ vì nó còn phụ thuộc vào chất lượng nồi nước dùng, chất lượng hành… cũng như khứu giác của chính bạn. Tuy nhiên thêm bớt trong khoảng vài gram là vừa đủ cho nước dùng thơm dậy mùi hành.
- Các loại gia vị khác gồm: Hồi hương (hay còn gọi là đại hồi – Anise), hột ngò (nụ hột của cây ngò – Coriander) , quế vỏ bẻ vụn (Cinnamon bark), thảo quả (Cardamon). Các loại gia vị này cho vào chảo, sao vàng sơ trên lửa nhỏ, nghe dậy mùi thơm là được, không để cháy. Tùy khẩu vị, gia giảm mỗi thứ làm thành mỗi gói 20g / 3 lít nước dùng. Gói gia vị bằng miếng vải mùng, cột chỉ, thả vào nồi nước dùng nấu nhỏ lửa cho đến khi nước dùng có mùi vừa ý, lấy gói gia vị ra.
- Về việc gia vị phở là chuyện khá tế nhị theo khẩu vị mỗi người. Nếu bạn muốn hương vị phở của bạn là một hương vị… có một không hai thì không có cách nào khác là bạn phải nấu thử và gia giảm. Thí dụ trong một gói 20g thì quế 6g; thảo quả 8g; hồi hương 3g; hột ngò 3g Và vài gói khác thì bạn thay đổi phân lượng cho từng loại rồi nấu thử riêng từng gói với lượng nước nhất định sau đó nếm ngửi, so sánh để đi đến quyết định riêng của mình. Lưu ý hồi hương luôn làm cho nước dùng có màu thẩm đen (nếu dùng nhiều) cho nên với phở gà có người dùng lượng hồi hương ít nhất so với những gia vị khác hoặc không dùng.
- Sau đó là việc khá quan trọng khác là nêm nước dùng. Nếu khẩu vị của bạn nhận thấy là nước dùng của mình đã ngon vị xương thịt, gia vị… thì chỉ cần thêm muối trong khoảng non 1 ½ muỗng cà phê / 1 lít nước dùng. Nên nêm cho nước dùng đậm đà chứ không mặn, thực khách sẽ tùy ý nêm riêng bằng nước mắm. Giữ nóng nước dùng trên bếp. (Ở đây, xin mở một dấu ngoặc về vấn đề sử dụng bột ngọt mà người Bắc VN thường gọi là mì chính, người Huế gọi là vị tinh. Đa số người Việt ở Mỹ chẳng hạn rất hạn chế và gần như không dùng đến bột ngọt nhưng nếu các bạn đã ăn phở tại… VN thì từ Bắc chí Nam xin xác nhận các tiệm phở hầu hết đều sử dụng bột ngọt để nêm thêm trong nứơc dùng. Phân lượng ít nhiều là tùy quan niệm khẩu vị người nấu, tùy tính toán kinh doanh và tùy cả thực khách vì khá nhiều tiệm phở tại Hà Nội chẳng hạn vẫn để cả chén bột ngọt trên bàn cho khách tuỳ thích nêm thêm. Sự tai hại trong việc sử dụng bột ngọt với số lượng và thời gian như thế nào đó thì ai cũng biết nhưng lỡ như bạn nấu phở ở Mỹ chẳng hạn mà cứ thấy nó thiếu thiếu cái gì đó so với phở ăn tại VN thì có thể là do bột ngọt!).
4. Phụ gia:
Hành lá, ngò, hành tây, xắt nhỏ. Các loại rau thơm như húng cay, húng quế, ngò gai, ngổ. Tương ớt đỏ đen, chanh ớt tươi. Giá sống. Nước mắm nguyên chất để nêm. Hành lá lấy phần đầu hành. Bánh phở dày hoặc mỏng.
5. Cách pha thịt gà để trình bày tô phở:
Một con gà có thể pha ra những phần thịt sau đây và tùy thích sử dụng từng loại hay tất cả.
- Nạc: Lóc phần thịt ức ra; cắt riêng cái đùi, xẻ dọc đùi để tách lấy nạc… Phần thịt này cắt xéo thành lát mỏng cả da (khi cắt xéo, miếng thịt sẽ dài và đẹp mắt hơn).
- Thịt cánh: Chặt cánh gà ra làm ba khúc theo ba phần xuơng ngoài, xương trong và xương chóp cánh. Tùy thích sử dụng nguyên khúc như vậy hoặc dùng mũi dao nhọn rỉa lấy từng ít nạc và da trong phần xương cánh này.
- Thịt lườn: Tùy thích chặt phần lườn gà ra thành từng miếng nhỏ cả xương hoặc chỉ rỉa lấy phần nạc.
- Gan, mề cắt mỏng, trứng non ngắt riêng từng quả lớn hoặc để cả buồng trứng nếu nhỏ.
6.Trình bày một tô phở:
- Cho vào tô 80g – 100g bánh phở trụng vừa mềm bằng vá lưới. Tùy ý chọn từng phần thịt đã pha, cho ít nhiều lên mặt bánh; trụng hai đầu hành, vắt một bên tô phở, trải vào ít hành ngò…cắt nhỏ, châm nước dùng sôi từ từ lên thịt để làm nóng lại cho đến khi nước sấp mặt bánh, cho thêm ít hành ngò nữa, rắc thêm chút tiêu bột.
- Nếu muốn có váng mỡ gà trong nước dùng, lấy vá múc một ít mỡ đã để riêng cho vào nồi nước dùng, muốn làm tô phở nước béo chỉ cần hớt thêm ít mỡ vào tô. Cần dùng đến đâu làm đến đó, đừng cho mỡ vào nồi nước dùng quá nhiều.
- Dọn phở kèm dĩa rau các loại, dĩa giá sống trụng hoặc không, tương ớt đỏ đen, nước mắm, chanh ớt tươi.
Nói thêm:
* Các loại gia vị như hồi, quế v.v... nếu không tìm mua được tại chợ thì các bạn có thể mua tại những hàng thuốc Bắc vì đó cũng là chính các vị thuốc Bắc và lưu ý tuy cùng phân lượng nhưng tùy chất lượng tốt xấu của loại gia vị sẽ cho hương vị hơn kém.
** Nếu ở nước ngoài, có điều kiện mua gà nhưng khó kiếm đầu gà thì các bạn cứ sử dụng gà thịt, chặt nhỏ ra để nấu lấy nứơc dùng với phân lượng tương tự.
Cách luộc Bánh Phở
Bánh phở muốn luộc dai ngon giống như bánh tươi , ( Mì thấy chỉ có loại bánh phở hiệu Mỹ Tho cộng nhỏ là ngon nhất ).
Mở gói bánh phở ra rửa bằng nước ấm, để ráo nước sau đó bỏ vào trong cái rổ,
nấu một ấm nước sôi, sau đó tưới lên bánh phở, lấy đũa đảo cho đều,
xong đem hâm ở Microwawe 3 phút.
Không nên bỏ bánh phổ vào nồi luộc, sẽ làm cho bánh phở nhão, ăn mất ngon.
cách 2: nếu dùng bánh phở khô bạn ngâm sợi bánh phở vào thố nước lạnh, ngâm khoảng 1 tiếng, sau đó đun nồi nước sôi luộc bánh phở đến khi chín, xả lại ở vòi nước lạnh để bánh phở không bị dính, để lên rổ cho ráo nước.
Hoặc đun sôi nồi nước rồi bỏ bánh phở khô vào. Dùng đũa khuấy nhẹ tay cho bánh phở rời ra. Ðun khoảng 3 phút, lấy bánh ra, xả lại nước lạnh, dùng đũa xới nhẹ cho bánh phở rời ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét