(Gương thành công kế tiếp của châu Á chỉ có ngần ấy thôi)
Geoffrey Caine, Foreign Policy,
Trần Ngọc Cư dịch
Thành
phố Hồ Chí Minh – Trong khu vực mà có lúc được kể là một trong những
thị trường mới nổi sinh động nhất, ông Nguyễn Văn Nguyên chỉ thấy một
màu tăm tối trước mắt. Kể từ 2008, công ty của ông tại thủ đô kinh tế
của Nam Việt Nam đã kinh qua hai đợt lạm phát đầy bấp bênh, mà cao điểm
là 23% vào tháng 8 năm 2011 – một tỉ số lạm phát cao nhất tại châu Á vào
thời điểm đó.
Hiện nay ông chỉ nhận đơn đặt hàng từ nước ngoài cho Công
ty Bình Minh, một xưởng làm hàng mỹ nghệ mây tre có thời rất phát đạt
tại Thành phố Hồ Chí Minh, để đề phòng giá cả lên xuống thất thường. Ông
nói rằng khách hàng tại Australia, châu Âu, và Hoa Kỳ đã cắt giảm số
đơn đặt hàng do nhu cầu toàn cầu đang suy yếu. Chi phí đầu vào của toàn
ngành công nghiệp này đã tăng khoảng 30% trong khi khách hàng chỉ muốn
trả thêm 10% thôi, theo thông tin của ông Đặng Quốc Hưng, Phó chủ tịch
Hội Thủ công Mỹ nghệ và Đồ gỗ TP Hồ Chí Minh. Vào cao điểm mùa hè năm
nay, ông Nguyên đang mướn ít công nhân lại và cắt lương tháng của họ từ
200 xuống khoảng 120 US đô. “Chúng tôi chỉ còn cách là hoạt động chậm
lại trong thời buổi khó khăn này”, đó là lời than ông thốt ra vào cuối
tháng Sáu.
Đảng Cộng sản
Việt Nam muốn các nhà đầu tư coi những trường hợp như ông Nguyên như chỉ
là hậu quả nhất thời có tính cục bộ do nạn suy thoái toàn cầu, chứ
không phải là một sự suy yếu có tính hệ thống. Trong hai thập kỷ từ khi
Đảng Cộng sản đưa ta những cải tổ kinh tế vào năm 1986, GDP hàng năm của
Việt Nam đã tăng trưởng trung bình ở tỉ lệ ngoạn mục 7,1%. Thật vậy,
chỉ 4 năm trước đây, Việt Nam có vẻ như là một tấm gương thành công kế
tiếp của châu Á. Trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
năm 2007, các nhà lãnh đạo nước này đã cam kết cải thiện tình hình kinh
tế hơn nữa, thúc đẩy nhanh chóng tiến trình tái cơ cấu và tư hữu hóa các
công ty quốc doanh đầy lãng phí, một tiến trình mà họ gọi bằng mỹ từ
“cổ phần hóa” (equitization). Cũng vào năm 2007, Quĩ Tiền tệ Quốc tế
(IMF) tiên đoán rằng giá hàng nhập khẩu rẻ nhờ việc gia nhập WTO có thể
giúp Việt Nam chặn đứng nạn lạm phát, đồng thời các cải tổ cơ cấu có thể
tạo sân chơi bằng phẳng cho các nhà cạnh tranh địa phương và nước
ngoài. Nhưng trong cuộc thăm viếng của bà Clinton tại thủ đô Hà Nội vào
đầu tuần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị đưa vào thế chống chế, đành
phải hứa hẹn những điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài
trong khi ông cố gắng duy trì sự sống còn của “phép lạ Việt Nam”.
Trong
thập kỷ vừa qua, phí tổn lao động tại Trung Quốc ngày một tăng cao, báo
hiệu rằng thời hưng vượng của nước này như một nhà máy khổng lồ sản
xuất cho toàn thế giới sắp đến ngày chấm dứt. Trong khi đó, với sự ổn
định chính trị, với lực lượng lao động trẻ và rẻ, với cơ sở hạ tầng có
thể sửa chửa, Việt Nam có vẻ là một lựa chọn hợp lý kế tiếp của giới đầu
tư. Đầu tư nước ngoài đã ào ạt đổ vào nước này suốt những năm giữa thập
niên đầu tiên của Thế kỷ XXI; riêng năm 2008 tổng số đầu tư đã lên tới
9,6 tỉ US đô, gấp 3 lần con số đầu tư 2 năm trước đó. Chính Goldman
Sachs đã nói rằng Việt Nam đang “vươn vai để trở thành con hổ kế tiếp
của châu Á”. Edmund Malesky, một chuyên gia kinh tế chính trị tại Đại
học California ở San Diego, tập trung nghiên cứu vào Việt Nam, còn nói:
“Các nhà đầu tư nước ngoài không mấy quan tâm đến việc điều hành và
chính sách quốc gia. Họ được thúc đẩy bởi giá lao động rẻ”.
Nhưng
nhắm mắt bỏ qua hệ thống chính trị của một nước hóa ra là một sơ suất
đắt giá. Trước đây ít có doanh nhân nào tiên đoán được tình hình Việt
Nam vào năm 2012: một nước đang vật lộn với tiền tệ yếu kém của mình,
với nạn lạm phát, với nhiều thủ tục hành chánh trì trệ, và nạn bè phái ô
dù (cronyism) đã dẫn đến lãng phí cả hàng tỉ đôla – và cũng là nơi có
một Chính phủ đưa ra những quyết định như việc xây dựng những hải cảng
và đường sá ở những nơi kỳ quái, gần như không có giá trị kinh tế.
Tình
hình bắt đầu đi xuống khi Việt Nam lao vào việc bành trướng thị trường
chứng khoán tín dụng trong nước với trị giá 100 tỉ đôla kể từ năm 2007
đến 2010, một chương trình được thúc đẩy khẩn trương nhờ cuộc khủng
hoảng tài chính 2010. Thay vì nhắm vào việc giúp đỡ các doanh nghiệp tư,
Chính phủ lại chuyển ngân quĩ vào những công ty quốc doanh có quan hệ
chính trị; những công ty này liền sử dụng các quĩ ấy để bành trướng hăng
say vào những lãnh vực nằm ngoài chuyên ngành của mình, đòi hỏi thêm
nhiều nguồn lực, do đó đã đưa đến lạm phát. Dồi dào tiền mặt trong tay,
các công ty quốc doanh này thừa sức đẩy các đối thủ nhỏ bé hơn mặc dù có
hiệu năng hơn ra khỏi thị trường. Công ty đóng tàu quốc doanh đồ sộ
Vinashin, một công ty sử dụng khoảng 60 ngàn công nhân và cai quản 28
phân xưởng đóng tàu, đã đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình thành
300 đơn vị, bao gồm các hãng chế xe máy và khách sạn, sau khi công ty
này huy động thêm 1 tỉ đôla từ các nhà đầu tư quốc tế năm 2007. Các quan
chức nhà nước đã từng hy vọng rằng Vinashin sẽ đẩy mạnh tăng trưởng
kinh tế như các đại công ty bán công (semi-public conglomerates) đã làm
tại Nam Hàn.
Nhưng vào năm 2010, Công ty
Vinashin bị phát hiện là đang ngụy tạo các báo cáo tài chánh, và công ty
này đã gần suy sụp dưới sức nặng của núi nợ trị giá 4,4 tỉ đôla vay của
các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, một con số tương đương với 5% GDP
của Việt Nam. Vinashin cuối cùng đã không trả đúng hạn kỳ món nợ 400
triệu đôla do [công ty dịch vụ tài chánh quốc tế] Credit Suisse dàn xếp
cho vay. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – người đã hậu thuẫn Vinashin như một
dự án ruột (pet project) có vai trò trung tâm đối với nền kinh tế quốc
doanh – buộc phải xin lỗi trước Quốc hội trong một cuộc tự phê đau đớn
(a painful self-criticism session). Các đối thủ chính trị của ông Dũng,
tìm cách bảo vệ các thái ấp tập đoàn kinh tế và địa vị chính trị của
mình, đã kiếm được con dê tế thần: Nhà cầm quyền đã kết án tù 8 cán bộ
cấp cao của Vinashin vào tháng Ba vừa qua. Nhưng thay vì nhanh chóng đẩy
mạnh tiến trình tư hữu hóa đã được đưa ra trong những năm 1990, đã được
hứa hẹn nhiều lần nhưng còn đang tiến hành ì ạch, nhà cầm quyền chỉ tìm
cách che giấu sự thất bại của mình.
Chính phủ
phải tìm phương thức hạn chế thiệt hại (damage-control mode), bằng cách
từ chối hậu thuẫn món nợ Credit Suisse 400 triệu đôla trong khi Vinashin
im lặng trước các nhà đầu tư châu Âu. Phản ứng trước cuộc khủng hoảng
tín dụng này, Hãng Moody đã hạ thấp chỉ số tín dụng của Chính phủ Việt
Nam một nấc, từ Ba3 xuống B1, nghĩa là một “rủi ro tín dụng cao” nằm
dưới phẩm chất tín dụng trung bình.
Những vụ vỡ
nợ khác, kiểu Vinashin, cũng đang xảy ra, nhưng nhiều mạng lưới tham
nhũng kín đáo đã cho phép các công ty quốc doanh này che đậy hồ sơ thất
bát của mình qua nhiều năm – theo ý kiến của một số biên tập viên các
báo nhà nước được phỏng vấn năm 2011. Tháng 5 năm 2012, một cuộc điều
tra của Chính phủ cho biết công ty quốc doanh Vinalines đã không trả
đúng hạn kỳ 5 món nợ trị giá 1,1 tỉ đôla và đã tích lũy một núi nợ 2,1
tỉ đôla, lớn hơn 4 lần trị giá thực của công ty. Từ tháng Hai, 4 cán bộ
cấp cao của công ty đã bị bắt giữ về tội quản lý tồi các nguồn lực nhà
nước; trong khi đó, nhà cầm quyền đang truy tìm vị nguyên chủ tịch đã bỏ
trốn của công ty.
Các nhà đầu tư nước ngoài,
đối diện với giá lao động và vật liệu đang leo thang, bắt đầu lo ngại
rằng Việt Nam đang mất dần lợi thế giá rẻ. Bốn nhà đầu tư nước ngoài đã
than phiền, trong các cuộc phỏng vấn 2 năm qua, rằng các công ty quốc
doanh đã lợi dụng địa vị là những kẻ gác cổng cho các công nghiệp có
liên quan Chính phủ. “Chúng là một cái gai nhức nhối trên mông của người
ta”, một Luật sư doanh nghiệp Mỹ nói. “Không ai muốn giao dịch với
những thằng này”.
Mặc dù các quan chức Việt Nam
hiện đang cố gắng trấn an các nhà đầu tư rằng giai đoạn khó khăn nhất đã
qua rồi, nhưng một kiểm toán của Chính phủ được đưa ra vào đầu tháng
Bảy cho biết rằng chí ít 30 công ty quốc doanh lớn khác hiện mang những
gánh nợ đáng lo ngại. Vấn đề sâu sắc hơn nữa là, tại Việt Nam, khác với
Trung Quốc, giới lãnh đạo ở chóp bu Đảng Cộng sản có thái độ đa nghi đối
với việc chia sẻ những thắng lợi kinh tế với các doanh nhân trong khu
vực tư, và đặc biệt với người nước ngoài. Tại Trung Quốc, Đảng vẫn
thường duy trì tính cạnh tranh của thị trường bằng cách đưa doanh nhân
vào hàng ngũ của mình, cải thiện việc điều hành quốc gia, tư hữu hóa
khoảng 90,000 công ty trị giá hơn 1.400 tỉ đôla từ năm 1998 đến năm
2005, và gần đây đã thanh trừng những người thuộc bè đảng tân-Mao-ít
(neo-Maoist gangsters) như Bí thư Đảng ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Các
lãnh đạo Việt Nam chưa tìm ra đường lối sửa sai nền kinh tế của mình mà
khỏi phải từ bỏ một hình thức nào đó của quyền kiểm soát chính trị – một
bước đi mà họ không muốn chấp nhận.
Thay vì
quét sạch các mạng lưới chằng chịt giữa các công ty quốc doanh và các
lãnh đạo chính trị đỡ đầu chúng, những người nắm quyền lực lại phát động
các chiến dịch chống lại một thế hệ mới gồm những doanh nhân mới phất
lên kiêm nhà lập pháp (nouveau riche entrepreneurs-cum-lawmakers). Vào
cuối tháng Năm, Quốc hội đã bỏ phiếu với tỉ lệ 96% giải nhiệm Đại biểu
Đặng Thị Hoàng Yến, một trong chỉ vài đại gia ngoài Đảng ở trong ngành
lập pháp với một cáo buộc ngụy tạo là bà đã man khai lý lịch của mình.
Cái
tội đích thực của Bà Yến là: đã liên tục kêu gọi một sự đối xử công
bằng với các doanh nghiệp tư. “Làm trong sạch ngôi nhà Việt Nam là một
việc nằm ngoài khả năng của hệ thống chính trị này”, đó là ý kiến của
David Brown, một nhà cựu ngoại giao Mỹ tại Hà Nội.
Vào
tháng 6, việc Chính phủ hạn chế tín dụng đã giúp giảm lạm phát từ 23%
tháng 8 năm ngoái xuống 6,9%. Vấn đề hiện nay, theo lời than phiền của
các chủ nhân hãng nhỏ như ông Nguyên, là sự ồ ạt cung cấp tín dụng một
cách dễ dãi đã gia tăng rủi ro một cuộc khủng hoảng ngân hàng. Sau sự
sụp đổ tai hại của hai đại công ty quốc doanh nói trên, Chính phủ đang
nhìn nhận rằng một cái gì đó có lẽ đã sai hỏng từ cơ bản trong hệ thống
tài chính của mình. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình,
đã nói vào đầu tháng Sáu rằng khoảng 10% số nợ tại các ngân hàng Việt
Nam là nợ xấu. Thay vì cải tổ nền kinh tế, Chính phủ lại chỉ đưa ra
những điều cũ rich: Một kế hoạch là thành lập một cơ quan quản lý tài
sản quốc gia với số vốn 4,8 tỉ đôla để đối phó với nợ nần. Nhưng điều
này có nghĩa là thiết lập thêm một bộ máy quan liêu vướng mắc trong các
mạng lưới ô dù giữa giới chóp bu của Đảng, ngân hàng, và các công ty.
Các
nhà đầu tư đã từng than phiền vì bị tệ quan liêu đề nặng lên doanh
nghiệp của mình, và nhiều người trong bọn họ đang nghĩ đến việc di dời
sang Indonesia, Bangladesh, và Miến Điện – đó là ý kiến của ông Duane
Morris, một Luật sư tập đoàn tại Duane Morris, một văn phòng Luật sư Mỹ
có chi nhánh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong Báo cáo Cạnh tranh Toàn
cầu năm 2011 và 2012 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam đã rơi 6
nấc xuống thứ 65, vì luật lệ cồng kềnh, lạm phát, thâm thủng ngân sách,
và cơ sở hạ tầng quá tải (bản báo cáo khen Việt Nam về một thị trường
lao động khá hiệu quả và về “tiềm năng sáng tạo”).
Trong
khi đó, khu vực nhà nước tiếp tục ngốn hết đến 40% tổng sản lượng nội
địa. “Tựu trung là, Việt Nam phải xúc tiến một số cải tổ kinh tế cơ bản ở
trong nước để duy trì tính cạnh tranh”, Carl Thayer, một Giáo sư danh
dự tại Đại học New South Wales, đã nói thế. “Nhưng một khả năng lớn hơn
là, các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ lợi dụng cuộc khủng hoảng tài chính
toàn cầu như một cái cớ để khỏi phải làm gì khác hơn”.
T.N.C
Nguồn bài gốc: foreignpolicy.com
|
Tôi, chủ Blog này, Lê Việt Đức, đang bị Ngân hàng SCB và Manulife phối hợp lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng hợp đồng số 2952746922. Tôi đóng tiền cho SCB để tiết kiệm - đầu tư nhưng chúng biến tiền đó thành mua bảo hiểm của Manulife. Đến nay chúng vẫn nhất định không trả. Nếu chúng vẫn không trả, tôi sẽ tố cáo các sai phạm, lừa đảo của nhóm lợi ích SCB và Manulife lên trang này và FB cá nhân của tôi. Mong các bạn theo dõi và loan tin cho nhân dân VN ở khắp nơi trên thế giới biết để tẩy chay chúng.
Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012
Bản tiếng Việt: Phép lạ kinh tế Việt Nam đến hồi kết thúc
Nhãn:
Khủng hoảng,
kinh tế,
Việt Nam
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét