Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

NHÀ THƠ XUÂN SÁCH ĐÃ TÌM CÁCH IN TẬP THƠ “CHÂN DUNG NHÀ VĂN “ NHƯ THẾ NÀO ?


Ngô Minh
Xuân Sách là nhà văn đã “ngộ” ra thời cuộc trước nhiều người, đã phát biểu bằng thơ về hoàn cảnh, thân phận trớ trêu của các nhà văn Việt Nam ở miền Bắc thuộc loại sớm nhất. Nhà văn là tầng lớp tuy ít ỏi, nhưng họ thể hiện rõ nhất bộ mặt tinh thần của xã hội qua từng giai đoạn. Nên Chân dung nhà văn chính là chân dung thời đại họ sống. Đến những năm 80 của thế kỷ trước Hoàng Ngọc Hiến mới phát hiện ra “văn học phải đạo”, Nguyễn Minh Châu mới đọc “lời ai điếu “ cho loại “văn chương minh hoạ”, những năm 90 Chế Lan Viên mới có “Di cảo thơ I”,” Di cảo thơ II” sám hối về những cái “không thể” xót xa của mình.v.v.. thì Xuân Sách đã “phổ biến” thơ chân dung từ 40 năm trước . Đây là chân dung một nhà phê bình: Vị nghệ thuật nửa cuộc đời / Nửa đời còn lại vị người ngồi trên / Thi nhân còn một chút duyên / Lại vò cho nát lại lèn cho đau/ Bình thơ tới thửa bạc đầu / Vẫn chưa thể tất nổi câu nhân tình / Giật mình mình lại thương mình / Tàn canh tỉnh rượu bóng hình cũng tan; hay chân dung một vài nhà thơ hàng đầu: Điêu tàn ư ? Đâu chỉ có điêu tàn / Ta nghĩ tới vàng sao từ thuở ấy / Chim báo bão, lựa chiều cơn gió dậy / Lựa ánh sang trên đầu mà thay đổi sắc phù sa…; …Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát / Trông về Việt Bắc tít mù mây / Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt / Máu ở chiến trường, hoa ở đây…; Chân dung một nhà văn : Ván bài lật ngửa tênh hênh / Con đường thiên lý gập ghềnh mãi thôi / Thay tên đổi họ mấy hồi / Vẫn chưa tới được chân trời mộng mơ.v.v..
Những bức ký hoạ, đặc tả chân dung bằng lối chơi chữ tài tình, lấy tên các tác phẩm của từng nhà văn để vẽ nên gương mặt thật của mỗi người của Xuân Sách không chỉ là sự trêu chọc tính cách của một người mà còn là bức chân dung đích thực của hoàn cảnh xã hội nhà văn sống . Cho nên 48 năm đời văn Xuân Sách, ông xuất bản đến 8 tập tiểu thuyết và truyện, 5 tập thơ, trong đó có những cuốn truyện nổi tiếng “ Đội du kích thiếu niên Đình Bảng”, bài thơ “ Đường chúng ta đi” nhạc sĩ Duy Du phổ thành bài hát cùng tên rất nổi tiếng mỗi lần hát lên đều xúc động niềm tự hào dân tộc; nhưng nhắc đến Xuân Sách mọi người thường gọi anh là “Nhà thơ chân dung” vì anh có tập thơ Chân dung Nhà văn gồm 99 bài thơ chân dung nhà văn và một bài “Tự hoạ” súc tích, ngắn gọn, đầy bản lĩnh, đầy nhân văn và cũng đầy hệ luỵ, tai tiếng…Nhà thơ chỉ đánh số bài, không ghi rõ tên ai, nhưng đọc thơ, người đọc am hiểu văn chương đều nhận ra nét biếm hoạ tài hoa từng gương mặt đã biến dạng đi vì thời thế. Đó là một “sự kiện” không thể quên của lịch sử văn học Việt Nam.
Tôi quen biết anh Xuân Sách từ khi anh “đi bước nữa” với chị Thanh Tú, một người phụ nữ Quảng Bình quê tôi. Hai người về sống ở Vũng Tàu và gần như năm nào anh cũng về thăm quê vợ rồi vô Huế chơi với bạn bè. Tháng 7-1992, anh ghé Huế chơi, tặng tôi một cuốn “Chân dung nhà văn”, tôi đọc thấy mê quá liền đi ra phố photo ra thành mấy chục bản tặng bạn bè để bắt khao rượu. Có dịp tôi vào viết ở Nhà sáng tác Vũng Tàu, tìm đến thăm anh và chị Tú. Lúc đó anh vừa đi tham quan Malaixia về. Anh khuy chai rượu Tây mang về từ chuyến đi rót chạm cốc với tôi và nhà thơ Lê Huy Mậu ( bây giờ Mậu là Chủ tịch Hội Văn nghệ Bà Rịa –Vũng Tàu như anh Sách ngày nào, người đã có bài thơ Khúc hát sông quê Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc thành ca khúc được nhiều người ưa thích ) . Anh bảo “ Có lẽ đấy là ân huệ cuối cùng của chính quyền dành cho mình”. Nói rồi anh kể chuyện làm thế nào để cuốn chân dung xuất bản trọt lọt. “- cậu bảo làm sao vẽ / hết chân dung một thời / những kỳ nhông biến ảo / mặt nạ cười càng tươi” (NM). Anh còn kể chuyện từ khi tập thơ “Chân dung nhà văn” phát hành rộng rãi, lãnh đạo địa phương không muốn anh làm Chủ tịch Hội văn nghệ, muốn cơ cấu người khác, nhưng anh em vẫn bầu anh cho đến khi đến tuổi hồi hưu.
Gặp anh là nghe đọc thơ chân dung, kể chuyện làm thơ chân dung say sưa, sổi nổi hết buổi. Người anh gầy guộc lên nước như gỗ lũa. Anh là người đáo để, trẻ trung, châm chọc rất thông minh, lém lỉnh. Anh có lối kể chuyện rất hóm, bộc trực lôi cuốn với ánh mắt long lanh, nụ cười cởi mở , cái kiểu cười của người chưa từng sợ là gì. Có lần tôi cùng đoàn làm phim của Đài Truyền hình Huế ra Đồng Hới để quay bộ phim chân dung nữ nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ do tôi viết kịch bản. Thấy anh đang ngồi chơi ở Hội Văn nghệ tỉnh tôi nghĩ ngay ra cảnh Lâm Thị Mỹ Dạ gặp gỡ với bạn bè văn nghệ Quảng Bình. Tôi mời anh và kéo mọi người ra quán “Nghệ sĩ” của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương bên cầu Mụ Kề ngồi nhâm nhi tí bia để quay phim. Vừa chạm ly có người đề nghị Xuân Sách đọc thơ chân dung, thế là anh đọc say sưa từng bài, đọc rồi giảng giải rất chi tiết. vì sợ những người trẻ ít đọc sách không hiểu. Thế là cả đoàn làm phim chúng tôi phải mất cả buổi sáng chỉ để quay một cảnh chưa đến một phần ba phút, Nhưng anh em trong đoàn ai cũng ngạc nhiên thích thú khi ngồi trước “ông Tiên” lạ lùng Xuân Sách.
Xuân Sách kể trong “Tâm sự của tác giả” in đầu tập thơ rằng, anh bắt đầu nảy ra ý định làm thơ chân dung là nhờ một bài thơ chữ Hán của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh. Năm 1962, trong quân đội có đợt học tập nghị quyết 9, nghị quyết chống xét lại căng thẳng lắm. Anh em văn nghệ thường hay ngồi sau cùng để được “tự do” hơn. Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh xé vỏ bao thuốc lá Tam Đảo ghi một bài thơ bằng chữ Hán trao cho Xuân Sách. Ở Văn nghệ quân đội thời ấy hai người biết chữ Hán nên được anh em gọi là “ông đồ Nghệ, ông Đồ Thanh” ( Thanh là Thanh Hoá, quê của Xuân Sách). Bài thơ chữ Hán vịnh Xuân Thiều. Xuân Thiều có cái đầu hói bóng, tóc lưa thưa , con đường văn chương còn lận đận. Mới in được tập truyện ngăm Đôi vai và tiểu thuyết Chuyển vùng. Bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trọng Oánh : Văn nghiệp tiền trình khả điếu quân / Mao đầu tận lạc tự mao luân / Lưỡng kiên mai liễu phong trần lý / Chuyển địa hà thời chuyển đắc ngân. Xuân Sách dịch thơ : Con đường văn nghệp thương ông / Lông đầu rụng hết như lông cái đầu / Đôi vai gánh mãi càng đau / Chuyển vùng nào nữa làm sao thành tiền. Câu chơi chữ “đểu” nhất , “nói thanh giảng tục” là câu : Lông đầu rụng hết như lông cái đầu. Bài thơ được anh em văn nghệ quân đội chuyền tay nhau đọc và ai cũng nén cười vì đang giờ học chính trị. “Còn Nguyễn Minh Châu thì gục xuống bàn kìm nén tiếng cười đến nỗi mặt đỏ bừng và nước mắt giàn dụa”.
Thế là Xuân Sách nảy ra ý định viết thơ chân dung , lấy tên tác phẩm của nhà văn và thái độ sống, bản lĩnh văn chương của họ làm chất liệu để ký hoạ chân dung chính họ. Mới xem tưởng như là một sự trêu đùa. Nhưng thực ra những bài thơ chân dung của Xuân Sách không đùa tí nào, mà rất nghiêm túc vì nó phản ảnh một sự thật đau lòng là không ít nhà văn của chúng ta không còn là mình nữa, không còn là nhà văn của thân phận con ngườì nữa. Đó là sự mô tả tính cách và sự đánh giá nhà văn. Đau xót lắm, nhưng không nói ra thì không ai biết. Chân dung nhà văn đầu tiên mà Xuân Sách ký hoạ bằng thơ là nhà văn Hồ Phương ( thiếu tướng, đã nghỉ hưu, vùa có tiểu thuyết CHA VÀ CON viết về ông Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Sinh Cung, tên tuổi nhỏ của chủ tịch Hồ Chí Minh). Lúc này, anh Hồ Phương mới có tác phẩm “Trên biển lớn”,”Xóm mới”, “Cỏ non” và truyện ngắn đầu tay Thư nhà : Trên biển lớn lênh đênh sông nước / Ngó trông về Xóm mới khuất xa / Cỏ non nay chắc đã già / Buồn tênh lại giở thư nhà ra xem. Nghĩa là cuộc nhà văn không còn gì để viết nữa, ngứa nghề lại dở bài viết cũ ra xem. Nhà văn Hồ Phương giận lắm, còn Nguyễn Khải thì bảo :” Thằng này ghê thật, không phải trò đùa nữa rồi!”
Từ đó các bài thơ chân dung ra đời được mọi người chép chuyền tay nhau đọc trong các cuộc rượu. Những nhà văn quân đội lúc ấy như Vương Trí Nhàn, Định Nguyễn, Trần Hoàng Bách… rất hăng hái phổ biến thơ chân dung của Xuân Sách. Tướng Lê Quang Đạo lúc ấy là phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cũng rất thích thơ chân dung của Xuân Sách. Sự quan tâm yêu thích của tướng Đạo rất có lợi cho Xuân Sách, vì lúc ấy có nhiều người bắt đầu lên tiếng phê phán. Theo nhà văn Hoàng Lại Giang thì sau giải phóng, tướng Trần Độ về Vũng Tàu, ghé anh Xuân Sách muốn nghe chính tác giả đọc “chân dung”. Nghe xong anh Độ vẫn thấy chưa “đã”. Anh ngỏ nhờ anh Xuân Sách ghi âm lại…”
Xuân Sách đến đâu là đều “bị” mọi người đề nghị anh đọc thơ chân dung. Khen có, giận có, nguyền rủa có. Đã có đơn của cả một nhóm nhà văn cùng ký tên gửi lên trên phản đối kịch liệt . Nhưng cũng có những nhà văn đã bày tỏ sự thú vị khi được nghe chính Xuân Sách đọc thơ chân dung về mình, như Xuân Diệu, Nguyễn Tuân. Chế Lan Viên có bài chân dung rất “nặng đô” ( Lựa ánh sang trên đầu mà thay đổi sắc phù sa) cũng không nói gì, vẫn bắt tay Xuân Sách thân thiện. Nhà văn hóa Đặng Thai Mai còn nhiều lần gọi Xuân Sách bảo anh làm thơ chân dung về mình. Nhà phê bình Hoài Thanh đọc bài thơ hoạ chân dung mình chỉ đề nghị sửa một chữ. Nghĩa là ông đồng tình, dù bài thơ nói lên sự thật rất đau đớn về sự nghiệp của tác giả Thi nhân Việt Nam. Trong tập thơ Chân dung nhà văn không chỉ những tính cách, gương mặt khốn khổ, méo mó, dị dạng vì ươn hèn, luồn cúi, để kiếm chức kiếm tiền , hay vì vô tư ngộ nhận , mà còn có những chân dung Xuân Sách rất ưu ái, tỏ lòng chia sẻ . Ví dụ bài thơ chân dung Nguyên Ngọc : Mấy lần đất nước đứng lên / Đứng lâu cũng mỏi cho nên phải nằm / Hại thay một mạch nước ngầm / Cuốn trôi Đất Quảng lẫn Rừng Xà nu. Hay chân dung Quang Dũng : “Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi”/ Về làm xiếc khỉ với đời thôi / Nhà đồi một nóc chênh vênh lắm / Sống tạm cho qua một kiếp người / Áo sờn thay chiếu anh về đất / Mây đầu ô trắng , Ba Vì xanh / Gửi hồn theo mộng về Tây Tiến / “Sông Mã gầm lên khác độc hành”, hay Nguyễn Khoa Điềm : Một mặt đường khát vọng / Cuộc chiến tranh đi qua /Rồi trở lại ngôi nhà / đốt lên ngọn lửa ấm / Ngủ ngoan A Kai ơi / Ngủ nngoan A Kai à…Thu Bồn : Chim Chơrao cất cánh ngang trời / Tình như chớp trắng cháy liên hồi / Đám mây cánh vạc tan thành nước / Mà đất baz an vẫn khát hoài…hay chân dung Bùi Minh Quốc, Trần Mạnh Hảo, Lưu Quang Vũ, Dương Thu Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường…cũng được Xuân Sách ưu ái, cảm thông chia sẻ
Nhưng làm thơ chân dung không ly kỳ hồi hộp bằng việc in thơ chân dung thành sách . Có nghĩa cấp giấy khai sinh cho những bài thơ đã nhiều năm lưu truyền không chính danh trong giới văn chương và trong xã hội. Khi lượng thơ chân dung đã lên đến số trăm, Xuân Sách nghĩ đến việc xuất bản nó. Nhưng nhà xuất bản nào dám in loại thơ “nói xấu” đồng nghiệp,”có vấn đề” như vậy ? Trong một buổi hoàng hôn trên bờ biển Vũng Tàu mùa hạ năm 2004, anh Xuân Sách đã kể tôi nghe về những “mẹo mực” để cho cuốn sách ra đời.
Năm 1991, một lần ra Hà Nội họp, Xuân Sách nghĩ chỉ có Lữ Huy Nguyên vốn bao năm tâm đầu ý hợp, hiểu Xuân Sách lại là người khí khái, trung thực, ghét của giả mới dám in loại thơ này. Anh bàn với nhà thơ Lữ Huy Nguyên, Giám đốc nhà xuất bản Văn học về việc in tập thơ chân dung. Lữ Huy Nguyên đồng ý :” Anh cứ đưa bản thảo cho nhà xuất bản. In ngay”. Nhưng Xuân Sách nghĩ, nếu đưa bản thảo ở Hà Nội, anh em biên tập viên đọc thấy thơ chân dung “nói xấu” nhà văn này nhà văn khác, họ sẽ báo cáo lên trên, sẽ sinh chuyện. Thế là Xuân Sách nghĩ ngay đến việc nhờ nhà văn Hoàng Lại Giang ( nhà văn Hoàng Lại Giang quê Bình Định, hiện nghỉ hưu ở Sài Gòn) một thời Trưởng Chi nhánh nhà xuất bản Văn học tại TP Hồ Chí Minh, một người chân thật, tâm huyết với đời. Trong hồi ức “ Con đường đi của “Chân dung nhà văn”, Hoàng Lại Giang kể rằng, anh Xuân Sách mời anh đến Vũng Tàu, cho nghe hết toàn bộ băng thu giọng đọc thơ chân dung của Xuân Sách, rồi ”… tôi và anh Xuân Sách bàn nhau việc in “chân dung nhà văn”… Chỉ lo vấn đề kỹ thuật in “. Thế là Xuân Sách điện mời Lữ Huy Nguyên, giám đốc Nhà Xuất bản Văn học vào Vũng Tàu để cùng bàn. Xuân Sách đọc cho Lữ Huy Nguyên nghe cả trăm bài thơ chân dung. Chỉ chọn 99 bài, viết thêm bài “tự hoạ” chân dung mình, còn một số bài chân dung “gay cấn” quá phải để lại. Khi đọc riêng từng bài, độ đậm đặc của tư tưởng không lớn, nhưng khi tập hợp thành tập thì vấn đề nhân văn, vấn dề xã hội nổi lên rất bức thiết. Lữ Huy Nguyên cầm tay Xuân Sách lắc lắc, đồng ý in tập thơ: “Nếu có gì thì em sắn sàng chịu mất chức giám đốc, về làm thơ. Nhưng phải đưa thơ này ra cuộc đời cho mọi người được đọc. Em mà vào tù thì anh phải bới cơm đấy nhé !”. Nhưng in bằng cách nào ? Muốn in phải qua tay vài biên tập viên, trưởng phòng, đánh máy, đưa đi nhà in, chấm mo-rát…nghĩa là phải qua tay nhiều người, một mình giám đốc nhà xuất bản không làm được. Mà nhiều người sẽ lộ. Cộng tác viên của PA25 nơi nào cũng có, họ sẽ chặn ngay. Bàn bạc mãi, hai nhà thơ thân thiết đã nghĩ ra một “quy trình” in tập thơ : Nhà thơ Xuân Sách tự viết tay lấy những bài thơ của mình, rồi chụp phim, chứ không đánh máy. May mà chữ viết của Xuân Sách rất đẹp, nên khi in ra sách thấy gần gũi, sang trọng hơn chữ in máy. Bìa trình bày đơn giản, không gây sự chú ý. Lữ Huy Nguyên , Hoàng Lại Giang cùng vài cán bộ thân cận nhất của mình trực tiếp đưa đi nhà in. Nhà in thì chọn một nhà in đặc biệt là nhà in Bộ nội vụ ( Bộ Công an bây giờ), vì ở đó họ luôn tin rằng những ấn phẩm in ở đấy đều là chính thống, nên ít có cộng tác viên PA 25. Đó là một bất ngờ thú vị. Kế hoạch của hai người quả là mẹo Gia Cát Lượng. Sách in 3000 cuốn phát hành ngon ơ với giá 22 đồng ( tiền thời đó). Khi mọi sự đã rồi, “các nhà” phát hiện ra thì Lữ Huy Nguyên đi điều trần, giải thích, đơn giản hoá vấn đề đi cho mọi người yên tâm. Lữ Huy Nguyễn trực tiếp viết lời cuối sách : “Chúng tôi coi đây là nét tự trào của giới cầm bút”, “ những chân dung vốn đã khá phổ biến trong và ngoài giới văn học suốt vài chục năm qua”,”có thể gây ra sự không hài lòng đây đó…”,”Cái cười trong truyền thống dân gian vốn là vũ khí, ngày nay còn có thể là sức mạnh thúc đẩy đi tới phía trước…Rất mong độc giả và các nhà văn nhận ra mối chân tình trong cuộc vui của làng văn và lượng thứ cho những khiếm khuyết” (Lời cuối sách). Tất cả công việc duyệt bài, biên tập, in ấn chỉ làm chớp nhoáng trong một tuần là nộp lưu chiểu và phát hành. Tập thơ Chân dung nhà văn ra đời như một quả bom nổ trong làng văn Việt Nam. Nó khơi dậy những suy nghĩ thật, những tình cảm thật của mỗi người cầm bút.
Nhưng trước áp lực căng thẳng của dư luận, Hội nhà văn phản đối việc xuất bản “chân dung”, buộc Bộ Văn hóa phải thu hồi “chân dung”, và kỷ luật thích đáng… đối với tác giả và những người liên quan. Bộ Văn hoá đã mở một cuộc họp để quyết định số phận sách “chân dung” Cuộc họp gồm có 5 người. Ba thứ trưởng Bộ Văn hóa là Phan Hiền chủ trì, nhà thơ Huy Cận và nhà thơ Nông Quốc Chấn . Nhà văn Vũ Tú Nam đại diện Hội nhà văn, Lữ Huy Nguyên đại diện Nhà xuất bản văn học. Nhờ sự vận động hậu trường, khi bỏ phiếu, có 3 phiếu ủng hộ chỉ 2 phiếu chống. Kết luận cuối cùng là phê bình và cho niêm phong số sách “Chân dung..” còn lại. Thế là thoát.
Bây giờ đã 16 năm sau khi tập thơ Chân dung nhà văn của Xuân Sách ra đời, nhà thơ cũng đã thành người thiên cổ, nhưng các nhà văn được vẽ chân dung dường như đã “ngộ” ra một chặng đường dài mình đã sống ngoài mình và viết cái ngoài mình, “ thời thế thế thời thời phải thế”, nên càng hiểu và yêu mến Xuân Sách hơn. Nhân ngày đưa tang nhà thơ Xuân Sách ở Hà Nội , tôi ở xa không về viếng anh được, bèn nhớ lại những kỷ niệm về anh, những chuyện cũ chép lại, như một nén nhang tưởng niệm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét