Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

GDP 2012 của Việt Nam chỉ tăng 4,4%?




 SGTT.VN - Sáng 24.5, hội nghị công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012 đã diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị đã nghe nhiều phân tích về tình hình kinh tế Việt Nam thời gian qua và sắp tới.
4,4% hay 5,1%?
Có hai kịch bản cho lạm phát và GDP trong năm 2012, một là lạm phát ở mức 4,57% và GDP đạt 4,42%, hai là lạm phát cao hơn 6,18% và GDP 5,1%.
Trong khi đó, những vấn đề căn bản của nền kinh tế là mô hình tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào khu vực doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả làm giảm hiệu quả và năng suất; quản lý và giám sát các tập đoàn kinh tế nhà nước không hiệu quả dẫn tới tích luỹ rủi ro lên nền kinh tế. Khả năng thực hiện cải cách đặt dấu hỏi lớn.
Đề cập tới chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 5 vừa được công bố, chỉ tăng 0,18% so với tháng trước, ông Nguyễn Đức Thành, giám đốc trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhận định: đó là mức tăng thấp và nằm trong quỹ đạo nền kinh tế đang đi vào suy giảm, có hiện tượng giảm phát diễn ra tương đối rõ ràng: “Chúng tôi cho rằng trong các tháng tiếp theo lạm phát sẽ tiếp tục thấp, và kéo lạm phát cả năm nay không cao, biểu hiện sự suy giảm mạnh mẽ tổng cầu, vì thế đi liền với tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ thấp”.
Ông Thành nói thêm: “Dấu hiệu giảm phát là biểu hiện của lạm phát thấp, ngay đầu tháng 5 chúng ta có tăng lương nhưng mà cũng khác với hiệu ứng của các lần trước là khi tăng lương thì giá cả đua nhau leo thang. Tuy nhiên, lần này thị trường rất thờ ơ và lạnh lẽo. Chúng tôi còn tự hỏi là nếu không có sự tăng lương đó thì có thể lạm phát còn âm, đó là biểu hiện của quá trình giảm phát hiện nay của chúng ta”.
Đáng chú ý, ông Thành dự báo, xu hướng giảm phát sẽ tiếp tục trong các tháng tới bởi vì chu kỳ giảm giá trong năm rơi vào mùa hè. Tháng 4 – 5 giá giảm, thì quý 3 giá cũng ở mức thấp và có thể trong toàn bộ quý đó giá chỉ tăng khoảng 1%.
Đánh giá về các biện pháp mà Chính phủ đang thực hiện, ông Thành cho rằng, các biện pháp đó là nỗ lực trong khuôn khổ bối cảnh dư địa chính sách chỉ cho phép như vậy thôi, quy mô của các biện pháp lần này không lớn, diện tích dàn trải nhưng tính từng món không lớn. Nhưng nó có tác dụng tâm lý, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc chia sẻ khó khăn hiện tại của doanh nghiệp.
Tỷ lệ nợ xấu đang là một ẩn số nhưng có xu hướng tăng cao
Theo StoxPlus, 2012 nợ xấu của nhóm ngân hàng được phân tích đạt mức trung bình 2,3%; Fitch Ratings cho rằng tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại Việt Nam tương đương 13%. Tỷ lệ nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước cao, chiếm 70% nợ xấu ngân hàng. Sản xuất kinh doanh đình đốn, doanh nghiệp giải thể; hệ quả cho vay bất động sản và chứng khoán khiến xu hướng nợ xấu gia tăng.
Trong khi đó, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro không theo thông lệ quốc tế. Công tác quản trị rủi ro được coi trọng, mới chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức. Rủi ro trong hoạt động của các ngân hàng thương mại được đánh giá ở mức cao, nhưng công tác quản trị rủi ro chưa tương xứng và vẫn được thực hiện theo các biện pháp truyền thống.
Theo nhóm thực hiện báo cáo, ước tính tỷ lệ nợ xấu thấp nhất của năm 2011 là 8,25%, tỷ lệ cao nhất là 14,01%. Tính toán này không bao gồm nợ Vinashin và tương đương vì không ước lượng được. Có thể hiểu là con số thấp nhất nằm trong khoảng 8,25 – 14,01%.
Việt Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét