Putin và đòn bẩy kinh tế
Điều gì thực sự đằng sau quyết định bất ngờ của ông Putin không đến dự hội nghị thượng đỉnh G8?Quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự hội nghị thượng đỉnh G8 và cử Thủ tướng Dmitry Medvedev đi thay được xem là một sự sỉ nhục đối với Washington và làm dấy lên nhiều câu hỏi lớn về các động cơ của giới lãnh đạo Nga. Nhưng đằng sau đó là một câu hỏi còn lớn hơn và quan trọng hơn nhiều về tương lai chính sách đối ngoại của Nga và các quan hệ với phương Tây.
Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu các động cơ thực sự của ông Putin đúng như những gì các phụ tá của ông tại Điện Kremlin đã nói - rằng ông cần tập trung vào việc thành lập một chính phủ mới trong nước? Nếu đúng như vậy, việc này cho thấy rõ hơn tiến trình cân bằng quyền lực giữa các phe phái trong nội các Nga. Còn nếu không, đây sẽ là một cách khủng khiếp để bắt đầu một nhiệm kỳ mới.
Không giống với tuyên bố của cặp đôi Putin và Medvedev hồi tháng 9/2011, rằng họ đã lên kế hoạch hoán đổi vị trí từ lâu, quyết định liên quan đến G8 hẳn mới chỉ được đưa ra trong vài ngày qua. Khi ông Putin thông báo không tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 20-21/5 tới tại Chicago (Mỹ), ông đã không nói gì đến hội nghị thượng đỉnh G8 ngày 18-19/5, hội nghị mà sau đó đã được chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama chuyển địa điểm tới Trại David.
Cho đến đầu tháng Năm này, các nhà ngoại giao Mỹ và Nga vẫn còn tích cực phối hợp chuẩn bị cho cuộc gặp Obama-Putin tại Nhà Trắng bên lề hội nghị thượng đỉnh G8. Và các tuyên bố công khai của ông Putin trước thềm ngày nhậm chức 7/5 cho thấy ông sẵn sàng phối hợp với Mỹ trong các vấn đề thuộc về lợi ích chung và thậm chí "thực sự tiến xa nữa" theo hướng này. Tất nhiên là để được như vậy, ông Putin cần có một quan hệ cá nhân "êm ru" với ông Obama, vị Tổng thống đương nhiệm và có thể là Tổng thống tương lai của nước Mỹ. Trong bối cảnh này, sỉ nhục ông ấy chẳng đem lại ý nghĩa tốt đẹp gì.
Như vậy, phải có điều gì đó hẳn đã xảy ra rất mới đây thôi khiến ông Putin thay đổi suy nghĩ. Trong các diễn biến gần đây, có hai sự kiện nổi bật: các cuộc biểu tình ở Moscow trước thềm và đúng ngày nhậm chức của ông Putin, và sự chậm chạp dễ thấy trong việc thành lập "Nội các Medvedev".Các cuộc đụng độ ngày 6/5 với cảnh sát trên các đường phố Moscow đã tạo cơ hội cho truyền thông phương Tây gia tăng chỉ trí nhằm vào ông Putin. Nếu ông xuất hiện tại Nhà Trắng, ông sẽ có thể đứng trước nguy cơ bị đặt những câu hỏi không dễ chịu gì trong một cuộc họp báo ở Vườn Hồng. Có thể thấy rõ thái độ tức giận của ông Putin trước sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ đối với các hoạt động của tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Nga trong việc giám sát bầu cử, bằng chứng là chỉ trích của ông với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ Ngoại giao Mỹ. Vì vậy, việc từ chối xuất hiện trước truyền thông nhân hội nghị G8 - nơi mà các lãnh đạo nhóm này sẽ bất đắc dĩ chúc mừng ông Putin đắc cử tổng thống Nga, hoặc không nói lời chung vui - dường như là một cú giáng trả đũa.
Cũng có thể không phải vậy. Ông Putin không phải là một người ngại truyền thông. Ông thậm chí là người thích đối mặt với bạn. Cuộc biểu tình hôm 6/5 ở Moscow dù diễn ra trong điều kiện thời tiết rất thuận lợi, nhưng thực tế đã thu hút ít người hơn sự kiện hồi tháng Hai, một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống và diễn ra trong tiết trời lạnh giá hơn. Cuộc biểu tình mới không ảnh hưởng gì tới việc nhậm chức của ông Putin, và xét trên bình diện quốc tế thì sự kiện này còn bị lu mờ bởi các cuộc bầu cử ở Pháp và Đức diễn ra cùng thời gian này. Bất chấp những chỉ trích của phương Tây, ông Putin vẫn cảm thấy là một người chiến thắng - và ông chắc chắn đã thấy việc này ngay đêm bỏ phiếu bầu cử. Cuối cùng, ông đã được chứng kiến cảnh trở lại với vị trí của mình trong hàng ngũ những lãnh đạo mạnh nhất thế giới, mặc cho những lời hy vọng, khẩn nài và cảnh cáo rằng ông không nên thế. Đặc biệt, nếu cảnh này xảy ra ở Mỹ thì sẽ là một chiến thắng cá nhân của ông và là sự sỉ nhục đối với những kỷ thù bên ngoài của ông.
Nhưng điều ban đầu giống như một bài toán kỹ thuật - thành lập một nội các mới - dường như không phải là lý do chính. Moscow bị xô đẩy bởi những tin đồn trái ngược về việc người nào sẽ ở lại và ai sẽ phải ra đi, và đương nhiên cùng với đó là không ít những sự hiểu nhầm. Sự thật là, Chính phủ Nga là một liên minh, không phải là nhiều đảng phái chính trị nhiều như các phe phái hùng mạnh nhất của nước này - từ những gã khổng lồ về năng lượng, khoáng sản, hay các nhánh công nghiệp, tới các ông chủ doanh nghiệp nhà nước; từ những bạn hữu của Putin, gia đình cũ của Boris Yelsin, và bạn bè của Medvedev, tới các nhân vật có máu mặt ở St. Peterburg, Moscow và nhiều khu vực khác.
Nội các không phải là vấn đề về chính sách nhiều lắm, mà là về việc tiền của ai sẽ chảy về đâu. Ai kiểm soát cái gì rất quan trọng đối với sự ổn định trong giới lãnh đạo cầm quyền cũng như chính nước Nga. Việc phân xử, môi giới và cuối cùng là quyết định ai và cái gì trong tình huống này không phải là cái gì mới, và một lần nữa người giữ chức vụ Thủ tướng Nga - hiện là ông Medvedev - hoàn toàn có thể làm một mình. Việc thủ tướng bị cử đi thực hiện một sứ mệnh ở nước ngoài trong khi tổng thống một mình xoay sở mọi việc và thành lập chính phủ cho mình đã cho thấy rõ vai trò của từng người, và là một bằng chứng nữa về hình ảnh mà người ta vẫn nói "Medvedev là con rối của Putin".
Quyết định của ông Putin tránh xa Trại David đồng nghĩa với việc ông đặt việc ổn định cơ cấu quyền lực của mình lên trên các cam kết ngoại giao với nước ngoài. Đây không phải là điều lạ đối với các chính khách. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy rằng việc phá vỡ thế cân bằng phù hợp giữa các phe phái đã trở nên khó khăn hơn nhiều.
Giới lãnh đạo ở Moscow ngày càng có thể nghĩ đến việc trở lại một phương pháp cân bằng được thể chế hóa hơn - giống như một thỏa thuận về các nguyên tắc của trò chơi, và tất nhiên là cả một thỏa thuận kiểm soát thỏa thuận - để tránh bất kỳ phe phái nào giành quá nhiều quyền lực. Ông Putin tin rằng nước Nga dưới thời ông chỉ có thể ăn ý với bên ngoài nhờ một người lãnh đạo được lòng dân: đó là chính ông.
Ngay cả khi quyết định của ông Putin là một mệnh lệnh trong các vấn đề đối nội, việc ông không tham gia hội nghị quốc tế sẽ có những hệ lụy đối với chính sách đối ngoại. G8, nhóm mà nhiều nước phương Tây thấy đang bị rạn nứt vì thành viên Nga - và có thể đang dần lỗi thời vì các thực tế kinh tế của một thế giới đang thay đổi và được phản ánh tốt hơn trong G20 - đang bị Điện Kremlin coi nhẹ. Đối với Moscow, đây không còn là một biểu tượng của việc Nga "là thành phần" trong đội ngũ lãnh đạo toàn cầu, và một khu vực tiếp xúc đặc biệt, tạo cơ hộ cho Nga tiếp cận phương Tây trong khi không phải chịu nghĩa vụ nào.
Trong G20, Nga ít nổi bật hơn, nhưng cũng ít bị chỉ trích hơn. Thực tế là ông Putin đã quyết định tham gia hội nghị G20 tại Las Cabos (Mexico) vào tháng Sáu tới không có nghĩa là ông đánh giá cao sân khấu rộng lớn hơn này. Là một chính khách trọng kinh doanh, ông Putin thực sự ghét những buổi "chè chén" quốc tế, coi đó chỉ là việc mất thời gian vô bổ. Mexico sẽ là điểm đến hoàn hảo đối với Medvedev, nhưng chỉ khi ông Putin đến Trại David. Thay vì thế, Putin sẽ lên đường đến Mexico để gặp người duy nhất mà ông thực sự muốn nói chuyện nếu ông sang Mỹ: Tổng thống Barack Obama.
Truyền thông đã nói nhiều đến việc ông Putin đang lên kế hoạch thăm Trung Quốc trước khi gặp Obama tại Mexico. Trung Quốc và Mỹ đều rất quan trọng đối với Nga, và việc ông tới thăm Trung Quốc trước - để tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - mang rất nhiều ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh các diễn biến chính trị ở Trung Quốc trước thềm cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo tháng 10 tới. Tuy nhiên, ít khả năng ông Putin xây dựng một trục với Bắc Kinh mà không nếm xỉa tới Washington.
Với việc ông Putin chính thức trở lại Điện Kremlin, chính sách đối ngoại của Nga sẽ có thể tập trung hiện đại hóa kinh tế bên trong nước Nga, giúp các công ty quốc tế lớn mua cổ phần của Nga, thúc đẩy một dạng quản lý toàn cầu nhằm đối trọng với vai trò chủ đạo của phương Tây thông qua các cơ quan chính thức như Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an và các cơ chế không chính thức khác như BRICS, đồng thời bảo vệ lợi ích an ninh của Nga chống lại các mối đe dọa cả trên thực tế lẫn trong nhận thức, như lá chắn tên lửa của Mỹ-NATO tại châu Âu, thông qua một chương trình tái vũ trang hàng loạt. Ông Putin cần một cuộc gặp với ông Obama để xác định hai bên sẽ liên minh liên kết đến mức nào trong các vấn đề này, và làm thế nào để thành công. Còn ông Medvedev, tại Trại David, sẽ thực hiện một nhiệm vụ đơn giản là thăm dò đối phương./.
Châu Giang theo Foreign policy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét