Chủ nhật, tiết kiệm, ăn cháo thay cơm:
Cháo đậu xanh
Đậu xanh là loại đậu thông dụng nhất được mọi
gia đình chế biến món ăn từ dân dã cho đến sang trọng. Ai cũng ít nhất
vài lần nếm thử các món ăn từ đậu xanh. Đậu xanh được biết đến bởi tính
ưu việt trong chuyện giải độc, thanh nhiệt cơ thể.
Đông hay Tây thì đậu xanh cũng là…“thần dược”
Theo đông y, đậu xanh vị ngọt, hơi tanh,
tính hàn, không độc, bổ nguyên khí, thanh nhiệt mát gan, giải được trăm
thứ độc, có thể làm sạch mát nước tiểu, chữa lở loét, làm sáng mắt,
nhuận họng, hạ huyết áp, mát buồng mật, bổ dạ dày, hết đi tả, thích hợp
với các bệnh nhân say nắng, miệng khát, người nóng, thấp nhiệt, ung
nhọt, đậu mùa.
Theo y học hiện đại, đậu xanh có thành phần
dinh dưỡng rất cao. Bên cạnh thành phần chính là protit, tinh bột, chất
béo và chất xơ. Đậu xanh chứa rất nhiều vitamin như vitamin E, B1, B2,
B3, B6, C, tiền vitamin A, vitamin K, acid folic; và các khoáng tố gồm
Ca, Mg, K, Na, Zn, Fe, Cu, …
Đậu xanh còn là nguồn cung cấp chất xơ hòa
tan. Chất này đi qua đường tiêu hóa, lấy đi những chất béo thừa và loại
bỏ khỏi cơ thể trước khi hấp thụ, nhất là cholesterol. Do đó, ăn cháo
đậu xanh thường xuyên giúp người béo kiềm chế sự thèm ăn và giảm lượng
chất béo nguy hiểm cho cơ thể. Đồng thời đậu xanh giúp ổn định lượng
đường trong máu sau bữa ăn nên rất tốt cho người bệnh tiểu đường. Trong
đậu xanh còn có thành phần hạ mỡ máu hữu hiệu nên nó giúp cơ thể phòng
chống chứng xơ cứng động mạch và bệnh cao huyết áp, đồng thời có công
hiệu bảo vệ gan và giải độc.
Do vậy, từ xa xưa trong các bữa ăn từ dân
dã cho đến gỗ chạp hay tết lễ, đậu xanh thường được dùng để chế biến ra
nhiều món ăn như bánh chưng, bánh nếp, bánh ít, bánh xèo, bánh bèo, chè
đậu xanh…
Cháo đậu xanh - món ẩm thực dân dã mà bổ dưỡng
Nhiều người cho rằng đậu xanh là “vua” của các loại
đậu, vì tính thông dụng và hữu ích của nó trong đời sống hàng ngày. Đậu
xanh được chế biến nhiều món khác nhau theo thói quen từng vùng, miền
hay địa phương nào đó. Do người Việt Nam thường có thói quen ăn điểm tâm
hoặc ăn khuya bằng các loại cháo, nhưng trong đó thông dụng nhất là
cháo đậu xanh, bởi tính nhẹ nhàng thanh sạch và tác dụng giải độc cho cơ
thể.
Theo DS Lê Kim Phụng, ĐH Y Dược TPHCM, đậu xanh dễ
tiêu hóa và tốt cho dạ dày, mỗi ngày có thể sử dụng khoảng 50-100g đậu
xanh nấu nhừ ở dạng cháo. Có thể thay đổi khẩu vị bằng cách ăn với
đường, muối hoặc nấu với thịt và rau củ quả đều tốt cho sức khỏe.
-------------
Cháo đậu xanh giúp tăng đề kháng
và hỗ trợ cơ thể phòng chống bệnh
Là món ăn dân dã và quen thuộc nên không nhiều
người biết rằng một chén cháo đậu xanh nấu đúng cách có thể giúp ích cho
sức khỏe không thua bất kỳ một món ăn bổ dưỡng nào.
Ngoài các ưu điểm
dễ tìm kiếm nguyên liệu và dễ chế biến, chén cháo đậu xanh còn là nguồn
cung cấp dưỡng chất dồi dào giúp gia tăng sức đề kháng, hỗ trợ và phục
hồi sức khỏe cho người bệnh rất tốt. Nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn giá
trị chữa bệnh từ món ăn này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ThS. BS.
Đào Thị Yến Phi – Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM
PV.
Thưa BS, món cháo đậu xanh từ xưa vẫn được dùng trong các gia đình khi
có người bị cảm cúm, say nắng, say nóng… Quan niệm dân gian này có đúng
hay không ạ?
BS. Đào Thị Yến Phi: Theo Đông
y thì đậu xanh có vị ngọt và được xem là có tính mát, nên thường được
dùng trong các trường hợp cơ thể mắc phải các bệnh lý do tăng nhiệt (dân
gian thường gọi là nóng) như cảm sốt, trúng nắng, tiểu rát, tiểu khó,
mụn nhọt, ghẻ lở, mề đay…
PV. Còn với các nghiên cứu khoa học của y học hiện đại, đậu xanh có những tác dụng thế nào, thưa BS?
ThS. BS. Đào Thị Yến Phi: Đậu
xanh thuộc nhóm thực phẩm ngũ cốc, trong thành phần có hầu như đầy đủ
các chất dinh dưỡng thiết yếu cho khẩu phần hàng ngày, như tinh bột,
chất đạm, chất béo, chất xơ, các vitamin nhiều nhất là vitamin nhóm B và
chất khoáng vi lượng như kẽm, đồng, mange... Các thành phần dưỡng chất
trong đậu xanh có khuynh hướng làm giảm tốc độ chuyển hóa trong cơ thể.
Chất đạm trong đậu xanh là chất đạm thực vật, dễ tiêu hóa và hấp thu.
Chất béo trong đậu xanh tuy không nhiều, nhưng là chất béo thực vật cung
cấp các loại axit béo không no rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Ngoài ra
thành phần vitamin nhóm B cao trong đậu xanh cũng là một yếu tố quan
trọng giúp chuyển hóa chất đường nhanh hơn, qua đó giúp mức đường huyết
ít dao động hơn sau ăn.
Khi dùng đậu xanh không nên đãi bỏ lớp vỏ bên
ngoài, vì đó chính là nơi chứa các thành phần có tác dụng hỗ trợ sức
khỏe và phòng chống bệnh. Các thành phần này bao gồm các vitamin, vi
khoáng, và cả các chất flavonoid thảo mộc có tác dụng làm tăng đề kháng,
giúp cơ thể chống lại với các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài.
Lượng chất xơ trong đậu xanh cũng được cung cấp chủ yếu từ lớp vỏ này.
PV.
Cháo đậu xanh là một món ăn rất thông dụng và được xem là có tác dụng
giải độc cho cơ thể. BS có thể nói rõ hơn về công dụng của loại cháo này
trong việc phòng chống và chữa trị bệnh?
BS. Đào Thị Yến Phi:
Cháo đậu xanh nấu đúng cách sẽ bao gồm gạo, đậu xanh thịt, tôm hoặc
trứng và các loại rau gia vị như hành, tía tô... Một tô cháo đậu xanh có
thể cung cấp ít năng lượng hơn so với một tô hủ tíu nhưng lại có thành
phần dinh dưỡng đa dạng và cân đối hơn nhiều. Ngoài yếu tố dinh dưỡng,
món cháo đậu xanh còn có tác dụng gia tăng miễn dịch, gia tăng đề kháng,
tăng thải độc qua đường gan, thận và các tuyến mồ hôi. Cháo đậu xanh có
thể dùng cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, thậm chí cho cả những
người đang mắc các bệnh mãn tính không lây như tiểu đường, huyết áp, tim
mạch… mà vẫn đảm bảo về tính an toàn. Ngoài cách nấu trên, dân gian
cũng thường nấu cháo đậu xanh ăn với đường. Cách nấu này thường chỉ có
gạo, đậu xanh, đường cát… nên thành phần dinh dưỡng không cân đối và ít
tính phòng bệnh hơn. Dù vậy, món cháo đậu xanh đường lại rất tốt cho
những người lao động nặng, vận động cơ bắp, những người bệnh suy kiệt,
hạ đường huyết cấp…
Nguyễn Na (thực hiện)
Tại số 9 ngõ 105 Bạch Mai (Hà Nội), có một quán nhỏ với tấm biển mộc mạc "Cháo đậu xanh - Nộm thịt bò khô".
Cháo đậu xanh với thịt gà. |
Không giống các hàng khác hay nấu cháo với đậu xanh
còn nguyên hạt và vỏ, quán có cách thức riêng để hạt đậu xanh tan nhuyễn
với gạo. Chỉ cần ăn một thìa, bạn sẽ cảm nhận được vị đậu xanh thơm bùi
hòa quyện với vị tía tô, hành hoa trong bát cháo đặc sánh.
Bạn có thể chọn thịt gà hoặc thịt lợn băm để ăn cùng
với cháo. Bạn có thể đổi vị với cháo đậu xanh thịt bò khô. Bát cháo với
lạc rang bùi bùi, thịt bò khô cay cùng chút hạt tiêu sẽ làm hài lòng
những thực khách muốn tìm cảm giác mới mẻ trong món ăn dân dã này.
Nếu muốn đổi vị, bạn có thể yêu cầu riêng cháo đậu xanh với thịt bò khô và lạc rang |
cháo đậu xanh bò khô ở phố Bạch Mai
Quán nhỏ bé đơn sơ, người ăn cháo có khi phải
xếp hàng chờ tới lượt, bởi ở đây có những món cháo rất lạ: cháo đậu xanh
thịt bò khô, cháo trứng vịt lộn…
-----------------
Mùa hè oi bức, muốn nhẹ bụng mà vẫn đảm bảo có chất, cháo là một
lựa chọn rất quen thuộc của người Hà Nội. Có rất nhiều kiểu cháo gắn
liền với các con phố Hà Nội như cháo trai Trần Xuân Soạn, cháo trai Huế
Thành Công, cháo cá Hàng Bông, cháo gà Lý Quốc Sư, cháo sườn Phan Đình
Phùng… Nhưng, bạn đã bao giờ nghe đến: Cháo gà đậu xanh, cháo bò khô và
cháo trứng vịt lộn chưa?
Nếu có dịp tận mắt chứng kiến cảnh xếp hàng ăn cháo tại quán cháo
nhỏ ở ngõ 105, Bạch Mai, Hà Nội, chắc hẳn ai nấy đều tò mò vì sao mà cái
quán đơn sơ, tuềnh toàng này lại đông khách đến vậy? Câu trả lời nằm ở
chính những bát cháo thơm ngon mà vô cùng mới lạ dưới đây.
Món đầu tiên, đúng như trên biển quảng cáo đã ghi, cũng là món an
toàn mà các bà mẹ lựa chọn cho những cục cưng của mình vào mỗi buổi
chiều sau khi tan học: Cháo gà đậu xanh.
Bát cháo gà bưng lên, nhìn lướt qua sẽ không thấy có gì khác biệt
so với những bát cháo gà khác, và cũng chẳng nhìn thấy hạt đậu xanh.
Nhưng sự hấp dẫn lại nằm trong chính hương vị của nó. Chỉ cần một miếng
cháo lên môi, bạn đã cảm nhận rõ cái bùi bùi, ngậy ngậy không thể lẫn
của đậu xanh nguyên hạt rồi.
Cái chất thôn quê dân dã hiện diện sâu sắc trong bát cháo sánh đặc,
thêm một tí nồng của tía tô, hành tươi, tí cay của hạt tiêu đen và ớt
bột. Ăn miếng thứ nhất rồi lại muốn thêm miếng thứ 2. Cứ thế, cứ thế mà
cạn bát cháo lúc nào không hay.
Để nấu được nồi cháo ngon như vậy, chị chủ quán xinh đẹp đã phải
rất kỳ công. Từ việc chọn lựa loại gạo trắng, loại đỗ ngon, đến tỷ lệ
gạo đỗ cho cân xứng, rồi canh lửa đun cháo, khuấy đảo cho đều tay trong
suốt 3 giờ đồng hồ. Cũng từ loại cháo này, thay đổi một chút với bò khô
nguyên miếng, cùng với lạc rang thơm giòn, đã cho ra bát cháo đậu xanh
bò khô đầu tiên ở Hà Nội.
Đây cũng là món khoái khẩu của giới học sinh sinh viên quanh khu
Bách khoa, Kinh tế quốc dân – những người ưa thích sự trải nghiệm và
sáng tạo.
Ngoài cháo đậu xanh thì hai nguyên liệu còn lại, làm nên bát cháo
thơm ngon, chính là: bò khô miếng và lạc rang. Bò khô tự làm, nguyên
chất, đặc biệt ngon, cay ngọt mặn hài hòa. Lạc rang giòn, thơm, không bị
khét. Bát cháo hội tụ đủ bùi ngậy của đậu xanh, cay ngọt của bò khô và
vị béo của lạc. Quả thật rất hấp dẫn.
Ngoài hai loại cháo trên, khách đến đây còn được thưởng thức món
cháo vịt lộn đậu xanh nữa. Chỉ là bát cháo chay, đập thêm quả trứng vịt
lộn vào thôi nhưng cũng đủ để đem lại sự trải nghiệm thú vị cho vị khách
sành ăn với vị ngọt tự nhiên của nước xương nước gà nấu cháo cùng với
chất ngọt đầy dinh dưỡng từ trứng vịt lộn.
Không chỉ bán cháo, quán còn bán cả nộm bò khô và nem cuốn nữa. Nộm
ở đây được nêm nếm khá vừa miệng, với hai loại nước trộn: Cay và không
cay để bạn lựa chọn. Đặc biệt hơn cả là ngoài các nguyên liệu truyền
thống cần có: đu đủ, cà rốt, rau thơm, bò khô, lạc, đĩa nộm còn có thêm
cả chạo tai nữa, giòn giòn, sần sật khá thú vị. Còn nem cuốn thì cũng
chỉ dừng lại ở mức bình thường.
Bát cháo khá ngon và đầy đặn và đặc biệt hơn giá cả lại rất hợp lý.
Cháo và nộm ở đây đồng giá 15.000đồng/1 bát hoặc 1 đĩa. Cửa hàng bán từ
2h chiều cho đến 7h tối.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét