Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Kinh tế Việt Nam: Sau 'đáy tạm' là gì?



Nếu ngân hàng không chấp nhận chia sẻ nhiều hơn, không bao lâu nữa "đáy tạm" của nền kinh tế sẽ bị phá vỡ xuống một vùng đáy. Khi đó, khủng hoảng kinh tế là triển vọng không khác được, bao gồm cả số phận bi đát của nhóm ngân hàng.


Nghị quyết 13 với gói tài chính miễn và giảm thuế chỉ có giá trị 29.000 tỷ đồng, tức chưa đầy 1,5 tỷ USD. Trong khi đó, gói kích cầu của Chính phủ được tung ra theo Nghị quyết 30 vào tháng 12/2008 để dùng cho năm 2009 có giá trị đến 143.000 tỷ đồng, tương đương 8 tỷ USD theo quy đổi tỷ giá vào thời điểm đó.
Cần nhắc lại, theo Nghị quyết 30, tổng số tiền Chính phủ dành cho gói kích thích kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vào khoảng 150.000 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ lãi suất khoảng 17.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ đôla; tăng vốn đầu tư phát triển của Nhà nước khoảng 90.800 tỷ đồng; thực hiện miễn giảm thuế 28.000 tỷ đồng. Các khoản chi khác nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội là 9.800 tỷ đồng.
Như vậy, gói hỗ trợ lần này, chỉ bằng khoảng gần 1/5 giá trị gói kích cầu năm 2009. Sự so sánh này càng cho thấy độ khập khiễng giữa hai thời điểm, bởi dù 2008 là năm khủng hoảng, số doanh nghiệp bị phá sản và giải thể cũng không đến nỗi tràn ngập như hiện nay. Vào năm 2011, con số thống kê chính thức đã cho thấy có đến 50.000 doanh nghiệp lâm vào tình trạng này.
Còn trong năm 2012, một ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy sẽ có thêm 50.000 doanh nghiệp nữa buộc phải rời khỏi thị trường. Tuy nhiên, một con số thống kê khác - liên quan đến hoạt động đóng thuế - lại chỉ ra có đến gần một phần ba, tương đương khoảng 200.000 doanh nghiệp, đã không còn đủ sức đảm bảo nghĩa vụ thuế cho Nhà nước.

Bởi vậy, có thể thấy trước là số tiền 29.000 tỷ đồng mà Chính phủ dự kiến hỗ trợ doanh nghiệp vào thời gian tới sẽ khó tạo được một tác động tích cực đáng kể nào nhằm cải thiện tình thế. Thái độ đón nhận thờ ơ của các doanh nghiệp sau khi có Nghị quyết 13 đã phản ánh khá rõ hệ quả ấy.
Đáy nào tiếp theo?
Một số quan chức điều hành và chuyên gia đã cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang lập đáy của nó vào quý II năm nay. Cũng có những báo cáo của các ngành kế hoạch và đầu tư và ngành ngân hàng cho thấy "bắt đầu có dấu hiệu suy giảm kinh tế" mà dẫn đến báo cáo của Chính phủ cho Quốc hội cũng phản ánh nội dung tương tự. Song ở một thái cực khác, những chuyên gia phản biện và đa số người dân lại nhìn rõ một hiện thực là nền kinh tế không chỉ mới bắt đầu suy thoái, mà thực ra đã lâm vào tình trạng này từ nhiều tháng qua.
Như đã hiển hiện nhiều lần trong lịch sử, suy thoái có nhiều giai đoạn. Việc suy giảm tỷ lệ tăng trưởng GDP chỉ là dấu hiệu đầu tiên. Những cố gắng có vẻ duy ý chí về duy trì tốc độ tăng GDP ở mức 6,5% cũng không còn sát thực. Thậm chí, một số chuyên gia phân tích đã cho rằng mức tăng GDP hợp lý năm 2012 này chỉ có thể là 4 - 5%.
Trong bối cảnh doanh nghiệp phá sản diện rộng và chưa có điểm dừng, hàng tồn kho chất cao như núi trong nhiều ngành nghề, kể cả khu vực bán lẻ, nợ xấu tại các ngân hàng gia tăng từng tuần và đã trở nên báo động vào cuối quý 1/2012..., thành công lớn nhất của hoạt động điều hành kinh tế có lẽ chỉ là... lạm phát giảm.
Nhưng công tâm mà xét, trong một nền kinh tế suy thoái trầm trọng như ở nước ta hiện thời, lạm phát còn có cớ gì để tăng như năm 2011? Có chăng, chỉ là những động thái được coi như đổ thêm dầu vào lửa đến từ các tập đoàn độc quyền về kinh doanh xăng dầu và điện mới có thể kích động chỉ số CPI, đồng thời làm cho nền kinh tế trở nên túng quẫn hơn.
Bởi thế, động thái nhằm cứu vãn nền kinh tế như Nghị quyết 13 chỉ có thể mang lại tác dụng nhỏ, chỉ làm cho nền kinh tế hãm bớt đà rơi, chứ không thể giúp cho nó lập đáy được.
Như vẫn thường biểu hiện, hành động tác động của quản lý kinh tế luôn khá chậm trễ so với những hậu quả tràn đầy đã phát sinh trong thực tế. Muốn giải quyết được những khó khăn cơ bản của nền kinh tế hiện nay, chắc chắn sẽ cần đến nhiều gói hỗ trợ như Nghị quyết 13. Thế nhưng điều đó lại mâu thuẫn với khả năng tài chính và ngân sách của Nhà nước. Tiền ở đâu ra?.
Sau "đáy tạm" là gì?
Cần phải làm gì để thay đổi cơ bản tình thế đã trở nên quẫn bách như hiện nay? Mấu chốt vẫn nằm tại hệ thống ngân hàng, với hình ảnh "thắt cổ chai" mà các doanh nghiệp không thể nào vượt qua được.
"Ruộng khô lúa cháy" là cụm từ được chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành sử dụng vào cuối năm trước, khi cái chết của nhiều doanh nghiệp đã trở nên hiện hữu.
Đến lúc đó, ông đã phải kêu lên "Sao không bơm nước vào?". Nhưng nước ở đâu? Các ngân hàng vẫn còn say sưa với hoạt động treo cao lãi suất cho vay để kiếm lời và cả thôn tính, thâu tóm lẫn nhau, chẳng mấy quan tâm đến tình cảnh sống dở chết dở của các doanh nghiệp. Chỉ đến giờ, khi phần lớn doanh nghiệp đã kiệt sức, ngân hàng mới chịu hạ lãi suất.
Nhưng hạ lãi suất mà không chịu mở hầu bao thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Việc áp trần lãi suất cho vay 15% của Ngân hàng nhà nước vào đầu tháng 5/2012 thực ra chỉ là một động tác đi sau thực tế. Cũng trong thực tế, mức lãi suất mà các doanh nghiệp có thể và dám vay chỉ là 12-13% chứ không khó có thể. Chỉ có sự hy sinh (dù chỉ hy sinh một phần nhỏ) của các ngân hàng khi thực hạ lãi suất và thực tăng cung cho vay mới có thể cứu vãn nền kinh tế đã rơi vào tình trạng khốn đốn như hiện nay.
Ngân hàng đã là nhóm lợi ích đã hưởng lợi rất nhiều trong thời gian qua. Nhưng đến giờ này, nếu ngân hàng không chấp nhận chia sẻ nhiều hơn, và chắc chắn là cần nhiều hơn hẳn sự chia sẻ đó, thì không bao lâu nữa, "đáy tạm" của nền kinh tế sẽ bị phá vỡ và cỗ xe kinh tế sẽ lao dốc xuống một vùng đáy mới. Khi đó, khủng hoảng kinh tế là triển vọng không khác được, bao gồm cả số phận bi đát của nhóm ngân hàng.
Việt Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét