Sử dụng doanh nghiệp Nhà nước làm công cụ ổn định giá
khiến thị trường bị bóp méo, giá cả “dồn nén” lâu bất ngờ bung ra sẽ làm
người dân bị sốc.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa tổng hợp ý kiến của các
chuyên gia trong diễn đàn "Kinh tế mùa xuân năm 2012" trình Quốc hội để
chuẩn bị cho báo cáo thẩm tra về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Các chuyên gia cho rằng, sự bùng nổ của khu vực kinh
tế dân doanh và tham gia của khu vực FDI đã làm tăng tỷ lệ đóng góp của
khu vực tư nhân lên tới gần 70% GDP. Thị trường vận động theo quy luật
khách quan mà không chịu sự chi phối của kinh tế Nhà nước. Công cụ điều
tiết và bình ổn kinh tế trong kinh tế thị trường phải là chính sách tiền
tệ, chính sách tài khóa... chứ không phải doanh nghiệp Nhà nước. Việc
sử dụng doanh nghiệp Nhà nước làm công cụ điều tiết ổn định kinh tế vĩ
mô là không có cơ sở.
Cái giá phải trả cho việc sử dụng doanh nghiệp Nhà
nước làm công cụ bình ổn là rất lớn. Bởi các doanh nghiệp này độc quyền,
không chịu áp lực cạnh tranh nên hoạt động kém hiệu quả. Sử dụng doanh
nghiệp Nhà nước làm công cụ ổn định giá làm cho giá thị trường bị bóp
méo, “dồn nén” lâu phải bung ra, tạo cú sốc lớn, làm cho kinh tế vĩ mô
bất ổn và dễ bị tổn thương. Quản lý giá điện, xăng dầu là minh chứng rõ
nhất.
Mỗi năm có hoảng 12% doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ. Ảnh: DĐDN. |
Nhà nước chỉ nên làm những gì mà khu vực tư nhân không
muốn hoặc không thể làm. Cơ quan này kiến nghị, cần xác định rõ các căn
cứ, tiêu chí thành lập, duy trì, hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước,
nhất là các tập đoàn kinh tế. Doanh nghiệp Nhà nước không được đầu tư ra
ngoài ngành những lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã được Chính phủ cho
phép.
Theo các chuyên gia, hằng năm, có khoảng 12% đơn vị
của Nhà nước bị thua lỗ, trong khi doanh nghiệp nói chung là 25%. Tuy
nhiên, mức lỗ bình quân của một doanh nghiệp Nhà nước cao hơn 12 lần so
với các khu vực khác. Chỉ tiêu hệ số thu nhập trên tài sản và hệ số thu
nhập vốn cổ phần của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là 20,8%, thấp
hơn nhiều so với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu cũng chỉ đạt
khoảng 13,1%, thấp hơn nhiều so với lãi suất vay ngân hàng thương mại.
80% tổng số lợi nhuận trước thuế đến từ bốn tập đoàn: Dầu khí, Viễn
thông quân đội, Bưu chính viễn thông và Cao su. Điều này có nghĩa là ở
các tập đoàn, tổng công ty còn lại, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu
rất thấp.
Doanh nghiệp Nhà nước tăng trưởng dựa vào vốn, sử dụng
nhiều tài nguyên thiên nhiên, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng
hiệu quả đầu tư thấp. Các tập đoàn đang mở rộng quá mức vào các lĩnh vực
không phải thế mạnh, chạy theo lợi nhuận ngắn hạn như bất động sản,
chứng khoán, ngân hàng, rồi tự tạo mô hình “khép kín, tự cung tự cấp”
cho công ty con làm sản phẩm là đầu vào. Điều này đã phá vỡ cấu trúc và
các quan hệ cơ bản của nền kinh tế, triệt tiêu cơ hội tham gia mạng sản
xuất của các doanh nghiệp khu vực tư nhân. Tình trạng sở hữu chéo giữa
doanh nghiệp, ngân hàng làm tăng tỷ lệ phụ thuộc lẫn nhau và khiến họ
trở nên tiêu cực.
Các chuyên gia kiến nghị, doanh nghiệp Nhà nước cần
thành lập và duy trì theo nguyên tắc “bốn có, ba không”. "Bốn có" bao
gồm: Doanh nghiệp phục vụ quốc phòng, an ninh; Lĩnh vực tạo ra hàng hóa
cực kỳ thiết yếu cho nền kinh tế; Ngành có áp dụng công nghệ mới nhiều
rủi ro; Ngành đặc thù như chất độc, thuốc lá, rượu... mang tính độc
quyền tự nhiên.
"Ba không" là: Không đầu tư vào những ngành vì lợi
nhuận đơn thuần; Không đầu tư vào những ngành vì địa tô đơn thuần; Không
đầu tư tạo ra doanh nghiệp cạnh tranh không bình đẳng với các thành
phần kinh tế khác cùng ngành, cùng lĩnh vực.
Theo các chuyên gia, cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao
chất lượng công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Quá trình này
được khởi động từ năm 1992, tuy nhiên hiệu quả không cao, trong suốt 20
năm, chưa tới 15% sở hữu Nhà nước được chuyển sang chủ sở hữu khác.
Nguyên nhân chính là doanh nghiệp cổ phần hóa theo kiểu "nắm lớn, buông
nhỏ". Việc định giá tài sản và giải quyết xung đột về lợi ích khiến cổ
phần hóa càng khó khăn.
Việc cổ phần hóa tiến tới niêm yết trên thị trường
chứng khoán sẽ buộc các doanh nghiệp Nhà nước phải tuân thủ đầy đủ luật
chơi kinh tế, tránh tình trạng "lời ăn, lỗ dân chịu". Nhà nước chỉ nên
giữ cổ phần thiểu số, thậm chí không nắm giữ cổ phần. Đây chính là con
đường nhanh nhất, ngắn nhất để tái cơ cấu doanh nghiệp. Một số tập đoàn,
tổng công ty cần thực hiện cổ phần hóa từ năm 2012.
Về việc đổi mới đầu tư công, theo các chuyên gia, đổi
mới phân cấp quản lý kinh tế và giám sát đầu tư là một yêu cầu cấp bách
để hạn chế bất cập. Một trong những điểm yếu là chưa phân cấp hiệu quả,
thiếu cơ chế phối hợp. Cụ thể, ở cấp trung ương, vai trò nhạc trưởng của
Bộ Kế hoạch Đầu tư không còn như trước. Thậm chí tính kỷ luật trong
công tác báo cáo con số đầu tư của địa phương lên Cục Đầu tư nước ngoài
không được tuân thủ.
Chỉ riêng tháng 8/2008, chênh lệch vốn đầu tư giữa báo
cáo của Cục Đầu tư nước ngoài và một số tỉnh miền Trung là 3,8 tỷ đôla.
Tháng 12/2008, báo cáo của Cục là 64 tỷ đôla, thấp hơn con số thực là 7
tỷ đôla. Nhiều dự án cấp phép nhưng lại không báo cáo. Tỉnh Bà Rịa -
Vũng Tàu đã cấp phép 18 dự án sản xuất thép, vượt quy hoạch của Bộ Công
thương.
|
Hoàng Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét