2012: Kinh tế tăng trưởng cao nhất chỉ 5,1%
(VEF.VN) - Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2012 có khả năng cao nhất chỉ là 5,1% và lạm phát cao nhất cũng chỉ 6,2%. Suy giảm kinh tế là vấn đề nghiêm trọng nhất của năm nay.
Đó là dự báo và nhận định trong báo cáo thường
niên về kinh tế Việt Nam năm 2012 do Trung tâm nghiên cứu kinh tế chính
sách (VEPR), Đại học Kinh tế Hà Nội công bố sang nay, 24/5. Đại diện cho nhóm nghiên cứu, Giám đốc Trung tâm VEPR, TS
Nguyễn Đức Thanh trình bày báo cáo này cho biết, dự báo tăng trưởng kinh
tế 2012 của Việt Nam có nhiều khả năng là thấp nhất kể từ năm 2000.
Theo đó, kịch bản thấp của nhóm nghiên cứu chỉ dự báo GDP ở
mức 4,4%. Kịch bản thứ hai lạc quan hơn cũng chỉ đạt ở mức khiêm tốn là
5,1%. Lạm phát cả năm 2012 cũng được dự báo ở mức rất thấp. Hai kịch bản dự báo đều lần lượt chỉ là từ 4,6% đến 6,2%. Có thể thấy, hai kịch bản này đều bi quan hơn so với mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là lạm phát khoảng 9% và GDP sẽ khoảng 6-6,5%.
Tuy nhiên, các kịch bản này cũng đồng thuận với một số phân
tích lo ngại gần đây của Chính phủ về việc, lạm phát đang rất thấp và
nền kinh tế khó mà đạt tăng trưởng 6- 6,5% nhưng trước mắt, do mới đi
qua quý I nên Chính phủ chưa đặt việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng
này.
TS Nguyễn Đức Thành bày tỏ, lạm phát hiện nay thấp một cách
kỳ lạ, có nguy cơ sẽ lạm phát âm, suy giảm. Tổng cầu suy kiệt nên dẫn
tới các dự báo triển vọng kinh tế đều thấp.
Với chủ đề "Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế", báo
cáo kinh tế năm nay của VEPR còn đưa ra các nghiên cứu và phân tích sâu
về 3 trụ cột gồm ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư công.
TS Nguyễn Đức Thành chia sẻ, bất ổn vĩ mô dai dẳng bắt
nguồn từ cấu trúc nội tại nền kinh tế. Mô hình tăng trưởng phụ thuộc quá
nhiều vào khu vực doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả đã làm suy giảm
năng suất và hiệu quả chung của nền kinh tế.
Vấn đề căn bản của kinh tế vĩ mô hiện nay là giải quyết nợ
xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại và tạo điều kiện để thị trường
tự tái cơ cấu doanh nghiệp, nhờ sự hỗ trợ của các thủ tục phá sản, sáp
nhập và mua bán doanh nghiệp.
Hai nhiệm vụ này có quan hệ qua lại với nhau, giúp tạo điều
kiện cho lãi suất thực trong nền kinh tế giảm. Đồng thời, việc đẩy
nhanh quá trình tự tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp theo cơ chế thị
trường sẽ giúp nền kinh tế lấy lại tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trong
giai đoạn hậu suy giảm.
Báo cáo này khuyến nghị, như các nước phát triển đang phải
xem lại mô hình tăng trưởng khi thế giới lâm vào khủng hoảng thì Việt
Nam cần xem xét nghiêm túc mô hình kinh tế vừa qua và định hướng hiện
nay. Nếu chúng ta không nhận thức một cách dứt khoát, rõ ràng về mô hình
mới cho phát triển kinh tế, cùng những thể chế hỗ trợ phù hợp thì cải
cách sẽ không có mục tiêu thực sự. Việt Nam sẽ khó mà vượt qua những
thách thức mà quá trình tái cơ cấu hiện nay đang đặt ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét