Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

CHÔN DỌC qua lời bình của Phạm Văn Chữ

CHÔN DỌC qua lời bình của Phạm Văn Chữ

CHÔN DỌC
Phạm Xuân Trường

      Bố chết con đừng chôn ngang
Bây giờ tấc đất tấc vàng con ơi!
      Ngửa mặt nhìn chỉ thấy trời
Chôn dọc cho bố nhìn đời thẳng cong
*
      Để mà thấu rõ đục trong
Biết ai gan ruột thật lòng với ai
      Và ai trong cuộc đứng ngoài
Lựa màu gió thổi đậm phai sắc hồng
*
        Ai về sau bão sau giông
Những hòn máu đỏ nuôi không nên người
       Ai từ muôn dặm trùng khơi
Trở về ban phát nụ cười cho quê
*
        Kìa ai nửa tỉnh nửa mê
Trắng tay còn một câu thề chặt đôi
       Đất đai giờ đã lên ngôi
Tình người đồng kẽm buông xuôi giữa đời
*
        Đất đai đã hóa vàng mười
Chôn ngang tốn đất cho người chết sau
       Sống thì làm khổ lẫn nhau
Bố không mong có kiếp sau luân hồi.
 (Cỏ cháy- NXB Hội Nhà văn- 2006)

Lời bình:

    Tập thơ “Cỏ cháy”- NXB Hội Nhà văn 2006- của nhà thơ Phạm Xuân Trường đã xứng đáng được giải C của Liên hiệp các hội VHNT quốc gia năm 2007 (không có giải A và B). Với tư cách công dân, ở tập thơ này, tác giả đã “đột phá dữ dội” vào những vấn đề gai góc không thể không lên tiếng. “Chôn dọc” là một trong những bài thơ tiêu biểu.
     Bằng thể thơ lục bát truyền thống, lại kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp trào phúng và bút pháp trữ tình, Phạm Xuân Trường đã bộc lộ nỗi đau nhân thế của một tâm hồn thơ nhạy cảm, luôn day dứt về một lẽ công bằng trong cuộc sống của cộng đồng xã hội ngày nay.
     Về cảm hứng trào phúng, có thể xem đây là một phần của “bản di chúc”, người bố căn dặn người con một việc rất hệ trọng. Đó là việc chôn cất mình sau khi chết...Còn nhớ, nhà thơ trào phúng Tú Xương, học hành thông minh tài giỏi, nhưng thi mãi vẫn cứ hỏng, chỉ đậu có Tú tài, không đậu lên Cử nhân, nên phẫn quá, có lần trước khi đi thi, đã căn dặn:
                                         Hễ mai tớ hỏng, tớ đi ngay
                                         Giỗ tết  từ đây nhớ lấy ngày
Thế nghĩa là, nếu hỏng tiếp, sẽ lấy ngày công bố, mà bỏ đi luôn, rồi chết luôn ở một nơi nào đó biệt tăm tích. Dù là “dọa” chết trong thơ, chết bằng thơ nhưng như vậy cũng là trào phúng lắm rồi. So bậc thầy, ngày nay Phạm Xuân Trường trào phúng cũng không kém. Ông muốn sau khi chết, phải được chôn theo một cách rất mới: chôn dọc! Mới nghe, thấy “sờ sợ” và có cái gì tai quái. Ai đời lại bảo con cháu chôn mình theo một cách dị thường như thế? Nhưng đọc rồi ngẫm nghĩ, lại thấy cái “sáng kiến” này hợp lí lắm. Ngay tiêu đề đã tạo cho bài thơ có một cái tứ mới rất riêng và độc đáo. Vì tùy theo tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, từ xưa tới nay, người ta có nhiều cách “táng” cho người quá cố: mai táng, hỏa táng, điện táng, thủy táng...Ở đây, người bố vẫn chủ trương địa táng cho hợp với truyền thống, chỉ “điều chỉnh” một tí về cách thức mà thôi. Để cho con mình nghe ra và chấp nhận, ông đã có cách thuyết phục rất hay.
     Trước hết, về định danh khái niệm, bố nói là “chôn dọc” chứ không nói là“chôn đứng”. Chỉ có thời xa xưa, khi trình độ còn dã man, người ta mới hành quyết những kẻ trọng tội bằng cách... chôn đứng. So với chôn dọc, cách tiến hành như nhau, nhưng bản chất hoàn toàn khác nhau. Nói chôn nằm, chôn đứng là lấy mặt đất làm chuẩn. Còn lấy cả trời làm chuẩn nữa, ta có khái niệm “chôn dọc” và “chôn ngang”. Ngang trời dọc đất...Được chôn vậy cũng sướng rồi. Từ Hải anh hùng trong Truyện Kiều cũng chỉ có hơn người là chết đứng, còn chôn thì vẫn cứ là chôn nằm- “chôn ngang”.
     Thứ hai là về sự lợi- hại của hai cách chôn. Bằng phương pháp diễn dịch, điều này sẽ được nói khái quát trong khổ thơ mở đầu và đi vào biện giải cụ thể ở những khổ thơ sau.
     Chôn ngang sẽ rất lãng phí đất, trong khi:
                        - Bây giờ tấc đất tấc vàng...
- Đất đai giờ đã lên ngôi
- Đất đai đã hóa vàng mười
Dành ra 3 câu để nói đi nói lại về sự quý giá vô cùng của đất đai lúc này. Con không thấy đó sao? Người ta mua đất ở miền núi, trung du, ven biển để làm trang trại, khu nghỉ dưỡng; mua đất ở đồng bằng, ven đô để làm sân gôn, khu du lịch; mua đất ở thành phố để xây khu biệt thư, khu đô thị…Họ mua hết cả rồi. Không phải tham nhũng đâu, họ mua hợp pháp cả đấy. Chỉ có giàu đất như họ mới tha hồ chôn. Còn mình phận nghèo thường dân, quỹ đất bây giờ còn ít lắm, phải biết mà tính toán cho chi li, mới hợp thời, hợp cảnh chứ. Nếu “chôn ngang”, phải tốn mất 5- 6m2, còn “chôn dọc”, mộ bố chỉ cần đầu tư 1m2 thôi. Bố chết rồi, miễn sao chôn được, có cần gì tốn nhiều đất đến thế? Rồi còn phải tính dành đất “cho người chết sau” nữa… Bao nhiêu người rồi cũng chết như bố, nếu không biết nhường nhau, sau này người chết sẽ không còn đất mà chôn nữa đấy!
     Thời buổi người ta quý tiền, quý đất hơn cả tình người. Nhiều nơi đã diễn ra cuộc chiến đất đai, tranh giành nhau, kiện tụng nhau, đến mất niềm tin vào nhau, rồi từ mặt nhau...Thật lắm nỗi bi- hài. Lại thấy thiên hạ đua nhau xây lăng mộ thật hoành tráng để cho tiền nhân của mình cũng đẳng cấp hơn người, cũng oai như mình trên dương gian. Thực ra đã nhầm to. Bởi vì người thế giới bên kia sống với nhau rất tử tế, công bằng và rất thương yêu nhau. Chả thế mà nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết: “Ta nghe tiếng rì rầm của những hàng bia đá/ Con người ơi! Hãy thương lấy con người…”(Ở nghĩa trang thành phố). Vậy nên người bố lại muốn co mình lại, thu nhỏ mình lại. Một cách nói ngược, đầy hài hước, mỉa mai và chua chát!
     Đó là nói cái lợi chung. Cái lí do lợi riêng cho bố cũng hết sức chính đáng. Nếu “chôn ngang” thì rõ ràng phải nằm ngửa, mà với bố- một nhà thơ “Nằm ngửa nhìn chỉ thấy trời”. Triết học dạy ta rằng, nhìn sự vật chỉ một chiều phiến diện thì sẽ bị đánh lừa bản chất. Trời ở tít mãi trên kia, ngày thì thấy trong xanh thăm thẳm, đêm chỉ thấy trăng sao lung linh. Bí hiểm lắm. Chỉ biết khi “Trời thấp thì phải đi còm” như tục ngữ đã nói. Hỏi có mấy ai biết được: “ Có những vệt bùn ở chín tầng cao” như nhà thơ Việt Phương? Chôn dọc là để bố “đứng thẳng lên” mà quay nhìn được 4 phương 8 hướng, để mà “thấu rõ đục trong” và “Ngẫm trong nhân thế đỏ đen cõi người”(PXT). Ở góc nhìn này, quả thấy Xuân Trường đã thật tài tình khi kết hợp, đan xen cài đặt vào nhau giữa yếu tố trào phúng và trữ tình. Trào phúng thì sử dụng nhiều yếu tố phi lí nghệ thuật. Còn cảm hứng trữ tình với yếu tố hợp lí, lại làm cho mục tiêu phê phán của cảm hứng trào phúng càng sâu sắc , mạnh mẽ hơn. Tiếng cười không dễ dãi cất lên mà có chiều sâu cảm xúc: khi thì bất bình, khi thì xót xa, thương cảm, tùy vào từng loại đối tượng.
       Trong các khổ thơ I, II và III, từ “ai” được điệp sáu lần. Nó là đại từ phiếm chỉ nhưng thực chất đã ám chỉ vào một loại người tiêu biểu nào đó. Chỉ điểm xuyết vừa đủ, nếu kể thêm nữa, sẽ sa vào kể lể, làm hỏng thơ. Loại người sống “đời cong”, theo dòng “đục”thì sống lắm mưu nhiều mẹo đến độ tinh ranh, khi đất nước can qua thì biết khôn ngoan “đứng ngoài”. Họ sống “Lựa màu gió thổi đậm phai sắc hồng”, nên khi đã yên hàn rồi thì biết nhảy vào tranh giành, để chọn những gì là béo bở nhất, ngon ăn nhất. Chính cái lối sống “Gió chiều nào theo chiều ấy” (Tục ngữ) đã làm băng hoại những giá trị tinh thần cao quý: “Tình người đồng kẽm buông xuôi giữa đời”. Những người sống “đời thẳng” theo dòng “trong” bao giờ cũng “gan ruột thật lòng”, đối lập với loại người cơ hội, nên chịu thiệt thòi, đau khổ nhiều nhất. Đó là những người lính trận một thời xông pha. Cuộc chiến kết thúc, may mắn được trở về “sau bão sau giông”, nhưng lại bị nhiễm chất độc chiến tranh, sinh ra những đứa con kì hình dị dạng. Thật là đau lòng và tội nghiệp. Chắc rằng, ngòi bút của nhà thơ đã phải rung lên bao nỗi xót xa thương cảm khi viết : “Những hòn máu đỏ nuôi không thành người”!
     Có những người con dân đất nước, vì nhiều lí do phải rời xa Tổ quốc, tha phương đất khách, nhưng hồn quê Việt vẫn ấm nóng trong từng huyết quản, khi có điều kiện là “Trở về ban phát nụ cười cho quê”. Tình đồng bào, đồng tộc mới quý hóa lắm thay!
    Còn những người nữa:
                                             Kìa ai nửa tỉnh nửa mê
                                    Trắng tay còn một câu thề chặt đôi
Cặp câu lục bát có giọng điệu trữ tình. Ngày trước, khi viết “Văn chiêu hồn” để khóc thương những cô hồn thập loại chúng sinh, Nguyễn Du cũng đã chỉ những “kìa” như vậy:
                 -  Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé...
                 -  Kìa những kẻ chìm sông lạc suối...
Khi ở vị trí xa hơn nhưng vẫn nhìn thấy rõ, ta dùng từ chỉ “kìa”.
 Nhưng ngẫm ra lại thấy chất trào phúng. Tại sao đã “trắng tay” mà vẫn “còn”…? Nếu người trong cuộc ở vào trạng thái “tỉnh” hay “mê’ hoàn toàn là đi một nhẽ và chẳng còn gì để mà nói. Nhưng nhờ “nửa tỉnh nửa mê” mà họ vẫn bằng lòng với thực tại. Tuy vậy, vốn liếng tinh thần thì đã “trắng tay” rồi. Trắng tay khác với tay trắng, Tay trắng là ngay từ đầu đã không có gì, còn trắng tay là đã có, vốn có nhưng sau một quá trình vận động thì không còn gì nữa; mất hết, mất triệt để, trở về tay không. Chua xót lắm chứ. Là người trong cuộc, họ vẫn còn ảo tưởng để giữ lấy“câu thề”. Nhưng, than ôi, câu thề đó chỉ còn là “câu thề chặt đôi”. Câu thề, lời thề là lời hứa thiêng liêng, có khi phải lấy danh dự, tính mệnh ra mà bảo đảm. Nó phải được giữ trọn, vẹn nguyên, sống chết đến cùng mới là niềm tin bất di bất dịch. Ai ngờ... Đã “chặt đôi” thì hỏi còn gì là ý nghĩa. Nó khác nhiều lắm với vầng trăng “ai xẻ làm đôi” ở trong Truyện Kiều. Ở đây, thái độ của nhà thơ có sự cảm thông và độ lượng  nhiều hơn là phê phán.
      Hai câu cuối bài:
                                            Sống thì làm khổ lẫn nhau
                                      Bố không mong có kiếp sau luân hồi
đã như đúc kết thành triết lí  từ trải nghiệm và nâng lên thành tâm nguyện của nhà thơ. Lẽ ra người với người là bạn.  Cùng là đồng loại, cùng một cộng đồng, phải bình đẳng và làm cho nhau vui sướng lên mới phải. Tự bao đời người ta luôn mong ước những điều tốt đẹp cho nhau. Chẳng có cha mẹ nào sinh con ra lại dạy con  tham ăn, lừa đảo, rồi làm điều xấu và điều ác cả. Và, tôn giáo nào cũng dạy người ta ăn ngay ở lành, dạy người ta thương người. Nếu được vậy thì làm sao còn có nghịch lí và bất công. Thế mà, chẳng hiểu vì sự ích kỉ tham lam từ đâu mà người ta lại“ làm khổ lẫn nhau”? Vì vậy, “Bố không mong có kiếp sau luân hồi”. Không ảo tưởng nơi nào xa xôi, chỉ cầu mong cho cõi người, cho kiếp này ở thế gian bớt đi những nỗi bi- hài và hướng tới những điều tốt đẹp!
      Giữa lúc thơ “ngút ngàn” thi đàn đất Việt, có được bài thơ gieo vào lòng ta những điều ám gợi như thế này cũng thật là quý hiếm!

Phạm Văn Chữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét