Đời thợ: Những bữa ăn cầm hơi
Dù nhan nhản người đã 10, 15 lăm năm làm công nhân, chỉ phải mất thêm chừng nửa số thời gian đã tích luỹ bảo hiểm là có thể hưởng lương hưu. Cũng không ít người đưa cả đại gia đình dài đến bốn thế hệ với hàng chục con người, từ bỏ ruộng vườn, mồ mả tổ tiên lên sống tại những đô thị, cha mẹ, con cái cùng sóng bước vào cổng xí nghiệp. Có kẻ đã tha hương đến quá nửa tuổi đời, bỏ phần nhiều sức khoẻ, tuổi xuân ở các khu công nghiệp, thành vợ – chồng, sinh con đẻ cái. Nhưng hình như với họ, đời công nhân vẫn chỉ là tạm bợ. Tạm bợ từ miếng ăn, chỗ ở, công việc đến tình yêu, lẽ sống và kiếp người. Đặc biệt, trong thời điểm kinh tế khó khăn này, sự tạm bợ đó càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Sau đây là ghi nhận của phóng viên sau những ngày làm công nhân cùng với hơn 1.000 con người khác tại doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tên L. ở một khu công nghiệp thuộc tỉnh Bình Dương.
Đúng 11 giờ 30, tiếng còi hơi réo lên inh tai như còi tàu thuỷ báo hiệu đến giờ nghỉ trưa, gần 200 con người đổ xô ra cổng, họ chen vai nhau, bước tất bật, vội vàng. Bốn tiếng rưỡi lao động buổi sáng đã xong, công nhân được nghỉ một tiếng ăn trưa.
Ăn dưới 10.000 đồng
Trong xưởng giờ chỉ còn lại gần chục người, hầu hết là phụ nữ. Uể oải, bà Thành ngồi bệt xuống nền, bật nắp hộp cơm bằng nhựa mang theo, bên trong, chừng hai lưng cơm và miếng cá khô chiên cháy bằng ba ngón tay. Ít nhất, đã ba ngày nay, phần ăn của bà không thay đổi. Cạnh đó, phần ăn của bà Ba sang hơn, hai trái trứng vịt luộc, thêm chén canh suông. Hảo, người dân tộc thiểu số, chạy đi múc miếng nước đổ vào ấm điện (xưởng dùng để nấu nước sôi tẩy rửa) và bóc mì gói làm canh. Trong gần chục gô cơm trưa hôm đó, chỉ duy nhất một phần có thịt, bốn miếng nhỏ cỡ ngón tay cái. Một người biết đi chợ cũng tính ngay được không phần ăn nào quá 10.000 đồng, cho dù, công ty trả tiền ăn 13.000 đồng/bữa.
Chỉ chừng năm phút, tất cả đã nuốt xong cơm. Bà Thành bước ra bình nước, cầm ca, ngửa cổ uống đến “ực” một cái. Trước cái nhìn tò mò của một công nhân mới, bà cười ngượng: “Hôm nay lại cá khô”. Bốn tiếng rưỡi toàn đứng và đi, bước thêm vài ba trăm mét về phòng trọ dưới trời nắng như đổ lửa cũng trở nên nặng nhọc với người đã ngoài 40 tuổi.
Cách đó ngoài trăm bước chân, quán cơm bụi cũng tấp nập, nhưng toàn là dân phụ hồ. Dù xưởng có gần 200 công nhân, chỉ có hai người ghé ăn, một đang bệnh nặng, một bị hỏng xe. 15.000 đồng một phần, cơm thêm, trà đá thoải mái. Người bệnh tên Diễm An xuýt xoa: “Mắc hơn nấu nhưng em đi không nổi”. Cuối năm ngoái, cô bị tai nạn, tưởng chết, một mảng hộp sọ còn đang gửi ở bệnh viện chờ khi có đủ tiền mới lắp vô. Trưa nay không thấy cô “tự bồi dưỡng” bằng một hộp sữa tươi Vinamilk như mấy ngày trước vì buổi sáng, cô đã uống nó thay ăn.
Bữa sang
Thường lệ, cứ gần 6 giờ sáng, Tráng đi chợ mua đồ ăn cho cả ngày. Mang tiếng là “đi chợ” nhưng chỉ là bước ra cái quán tạp hoá gần đó. Rau: bữa thì bó muống già, khi lại cây cải thảo bằng bắp tay, hoặc mấy trái cà chua, dưa leo… Tất cả đều chia đôi, bữa trưa nhiều hơn chút. Mặn: vài ba quả trứng vịt, đậu hũ hoặc cá khô. Ngày hôm trước, sau khi cho tôi, người mới ở cùng phòng được nếm bữa trưa bằng hai quả trứng chiên mặn chát cộng nửa lon cá hộp và bữa tối bằng tô mì gói một trứng vào 9 giờ đêm (sau khi tăng ca về), nên hôm nay Tráng đãi tôi món tôm rim. Hành trình đi mua tôm sáng hôm đó lại phức tạp, cửa hàng tạp hoá không bán đồ tươi sống (thịt, cá) nên Tráng phải gửi 40.000 đồng để chủ quán mua giúp, trưa ghé lấy. Vừa đảo 15 con tôm sú nhỉnh hơn đầu đũa trong cái chảo đã cụt cán, người thanh niên 25 tuổi này chặc lưỡi: “Tôm to ghê!” “Hôm nay ăn sang thế?”, tôi hỏi. “Đãi anh đấy! Lâu lâu mà”, Tráng nói. Vào bữa, cả chủ và khách cùng để ý nhau “gắp đi anh”, mỗi chén cơm một con, khách ăn ba, chủ ăn hai. Số tôm còn lại ăn đến tối hôm sau mới hết.
Đã bảy năm bám trụ ở công ty, Tráng đã có tiền trách nhiệm, tháng nào thấp nhất cũng lãnh được 3,5 triệu đồng, khi nào có tăng ca, tiền lương tăng thêm khoảng 1 triệu đồng nữa. Kế hoạch chi tiêu của chàng thanh niên chỉ nặng 45kg này gói khá gọn: ăn một ngày (hai bữa) tối đa 20.000 đồng, kể cả mắm muối. Mỗi tháng, tiền phòng trọ cộng tiền điện nước: 400.000 đồng, ăn sáng: 250.000 đồng, mọi thứ lặt vặt khác: 100.000 – 200.000 đồng nữa. Không càphê, quán xá, một ngày hút ba điếu thuốc loại rẻ nhất, thỉnh thoảng nhậu tại phòng với mấy bạn trong khu trọ, tiền rượu là chính, 12.000 đồng/lít. Chấm hết. Nhẩm tính, mỗi tháng một công nhân chỉ xài hết 1/3 thu nhập của mình.
Tuy đi chợ từ sáng sớm, nhưng không ai nấu ăn sáng, họ chỉ cắm nồi cơm, rửa rau, ướp đồ ăn để trưa về nấu cho nhanh. Như hầu hết công nhân ở đây, cả hai anh em chúng tôi ghé vào xe bánh mì ngay cổng xưởng mua hai ổ, loại lớn 8.000 đồng, nhỏ 7.000 đồng. Đồ ăn sáng có năm loại: xôi (rẻ nhất), bánh mì, bún, mì – hủ tíu gõ, phở. Giá cao nhất 10.000 đồng/tô. Tráng chậm rãi gặm, vừa đến nửa ổ, cậu ta gói lại “để dành đến nửa buổi ăn tiếp” vì lúc đó ai cũng đói. Tráng hay ăn bánh mì vì vừa đỡ 3.000 đồng, vừa để dành được.
Bồi dưỡng mì gói
Tối nay tăng ca, công nhân được nghỉ nửa tiếng đi ăn, từ 6 – 6 giờ 30 phút. Chẳng ai về nhà ăn cơm kịp vì thời gian ngắn quá, mọi người ra quán hoặc nhịn. Lại những món buổi sáng, có thêm cháo vịt. Ngoài Tráng, tôi rủ thêm hai vợ chồng công nhân, bốn tô cháo dọn ra, rau trộn sẵn, kèm ba miếng thịt vịt mỏng và miếng tiết heo. Bàn bên cạnh, mấy cô cậu công nhân trẻ, vừa ăn vừa tán tỉnh nhau, nhưng khi tính tiền cũng phần ai nấy trả. Góc bên kia, Hảo đang đứng một mình, cô nhịn. Bà Thành ngồi lại trong xưởng, sáng nay bà mang thêm hai củ khoai lang luộc.
8 giờ 30 tối, ngày làm việc đã cạn. Sau 12 tiếng đồng hồ chỉ đứng và đi, đôi chân bây giờ như muốn rụng ra. Cả hai ghé vô quán mua ba gói mì, hai quả trứng gà công nghiệp (một gói mua giùm cho một công nhân đang có bầu ở cùng dãy trọ) và hai bịch dầu gội. “Sao không mua luôn cả thùng mì, vừa rẻ hơn vừa đỡ mất công”, tôi hỏi. “Mua nhiều sẽ ăn nhiều, nhanh hết”, Tráng nói. Khát nước quá, tôi lấy thêm hai chai nước Trà xanh không độ trước sự can ngăn của Tráng. Tu được nửa chai, cậu ta dừng lại, vặn nắp “để dành buổi tối”. Ở phòng, bình nước 20 lít giá 7.000 đồng sau ba tháng uống đã cạn trơ từ hai hôm trước, nhưng phải đợi chủ nhật, Tráng mới đi mua vì “giờ chưa đến tháng”.
Tôi cầm gói mì mua giùm sang phòng trọ kế đó cho bà bầu, tên Hoa Định, vừa để làm quen. Năm nay cô 38 tuổi, người ngoài Bắc, đã làm cho công ty 11 năm. Vừa vác bụng bầu bảy tháng, vừa pha mì, Hoa Định kể: “Bây giờ có thai em còn ăn, ngày trước em nhịn luôn”. Tô mì gói và vài lát dưa leo nghi ngút khói, cô ăn uể oải, hết một nửa thì dừng lại, có lẽ vì ngán. 12 tiếng đứng máy khoan đã vắt kiệt sức của người sắp làm mẹ này, nhưng trong ánh mắt cô, luôn đau đáu một nỗi giày vò “chẳng có ai bên cạnh khi em chuyển dạ…” (Theo SGTT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét