Lãi suất trần huy động còn 11% và sẽ còn xuống nữa.
Vàng và USD “ngập ngừng” chờ tín hiệu từ Mỹ và EU. Bất động sản đang
“bất động” nằm chờ. Chứng khoán đang là nỗi “sợ hãi” của nhà đầu tư nhỏ
lẻ. Người dân đang phân vân và chưa biết đầu tư tiền vào đâu?
Hy vọng nhà đất trở về giá trị thực
Hy vọng nhà đất trở về giá trị thực
Đầu tư vào vàng lúc này là mạo hiểm
Nhiều người dự đoán, sẽ có làn sóng bán tháo vàng vào
cuối năm nay. Trong khi đó, thông tin về việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ
(FED) có thể bơm tiền vào nền kinh tế bằng gói kích cầu QE3
(Quantatitave Easing: nới lỏng định lượng) sẽ làm đồng USD suy yếu. Do
đó, vào khoảng tháng 8 đến tháng 9, giá vàng sẽ về mức thấp nhất, và
“đáy” của giá vàng sẽ rơi vào tháng 8 năm 2012.
Trong những ngày gần đây, giá vàng cứ “ngập ngừng” chờ
tín hiệu từ Mỹ và khối EU. Từ đầu tháng 5 đến nay nay, giá vàng giảm
hơn 5% và có khả năng “lao dốc” trước việc đồng euro suy giảm. Những bất đồng của lãnh đạo trong hội nghị thượng đỉnh
các nước thuộc khối EU, tình hình sức khỏe của các ngân hàng Tây Ban
Nha đã khiến đồng euro cũng giảm tới 5% trong tháng này.
Ông Afshin Nabavi, người đứng đầu bộ phận giao dịch
của MKS Finance tại Geneva, cho biết, nhiều người mua vàng đang ngóng
chờ vùng giá 1.525 USD/ounce. Ông cũng đợi chờ: “Tôi cũng là một trong
những người ngóng đợi giá vàng sẽ điều chỉnh sâu hơn, tuy nhiên ngưỡng
1.525 USD/oz tỏ ra khá vững chắc”.
Dự báo giá vàng có thể sẽ “thủng đáy”1.600 USD/ounce
sau khi công bố dữ liệu việc làm của Mỹ vào cuối tuần này. Jimmy Tintle,
Chủ tịch Green Key Asset cũng đồng quan điểm về nhận định giá vàng sẽ
tiếp tục đi xuống. Ông cho rằng thị trường lao động sẽ gây ảnh hưởng
không nhỏ lên hướng đi của kim loại quý này. Ông dự báo, giá vàng có thể
sẽ trở về ngưỡng 1.580 USD/ounce.
Cùng với việc giá vàng thế giới xuống giá, giá vàng
trong nước sẽ có sự điều chỉnh giảm. Vào cuối năm, trong nước có thể sẽ
xuất hiện một làn sóng bán tháo vàng do không còn kỳ vọng đầu cơ thu lợi
lớn từ vàng, đặc biệt khi thị trường này sẽ bị kiểm soát triệt để.
Nếu các cơ quan quản lý thu hẹp chênh lệch giá vàng
trong và ngoài nước (từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/lượng), giá vàng
trong nước cuối năm sẽ dao động từ 38 - 39 triệu đồng/lượng. Với những
diễn biến khó lường, xu thế giảm giá của vàng là điều không thể tránh
khỏi. Chính vì vậy, đầu tư vào vàng lúc này là việc làm mạo hiểm và đầy
rủi ro.
Bất động sản “bất động”
Mặc cho marketing rầm rộ của giới đầu tư địa ốc trên
các phương tiện truyền thông nhưng giá bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu
nhúc nhích, nằm im chờ… vô thời hạn. Trong những ngày gần đây, dư luận
cho rằng từ nay đến cuối năm 2012, nếu không thực hiện tự do hóa lãi
suất, trần lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng sẽ xuống 10%/năm,
thậm chí có thể “chạm” ngưỡng 9%.
Nếu vậy, người có tiền nhàn rỗi sẽ rút tiền để đầu tư
kênh bất động sản? Niềm hy vọng rất mong manh vì rằng niềm tin của công
chúng vào mức sinh lợi từ đất đai, nhà ở, chung cư đến nay gần như không
còn nữa. Có nhiều lập luận, phân tích, chẩn đoán rồi đưa ra nhiều
phương án “giải cứu” bất động sản tại Việt Nam nhưng trên thực tế, nhiều
doanh nghiệp bất động sản vẫn đang trong tình trạng “kiệt sức”.
Có vài điểm sáng, le lói, cục bộ nhưng bức tranh toàn
cảnh về bất động sản vẫn còn u ám. Có chuyên gia lạc quan, cho rằng thị
trường địa ốc sẽ được cải thiện vào năm 2015. Thế nhưng, nhiều người
kinh nghiệm trong lĩnh vực này đang bi quan, họ khẳng định chu kỳ của
bất động sản tối thiểu là 5 năm. Và như thế, sự trỗi dậy của những “miền
đất hứa” phải vào khoảng thời gian (2016 -2017).
Chính sách tiền tệ khó xoay chuyển tình thế và làm nên
đại cuộc. Hàng hóa nói chung, bất động sản nói riêng còn tồn đọng là
“yếu huyệt” của nền kinh tế.
Điều này được minh chứng, qua nhiều đợt hạ trần lãi
suất huy động từ 14% đến 11%, người dân vẫn tiếp tục gởi tiết kiệm, tiền
vẫn “chảy “ đều vào hệ thống ngân hàng, chứng khoán “tụt áp” và bất
động sản lại “đứng im”.
Với diễn biến như vậy, cho dù lãi suất cho vay có hạ
xuống 12%/năm, các doanh nghiệp bất động sản cũng không muốn tiếp cận
vốn vay.
"Tồn kho" bất động sản đang là mấu chốt của vấn đề.
Người có nhu cầu thật về nhà ở hiện đang rất khó khăn về nguồn vốn tư có
và huy động từ người thân. Trong trường hợp vay ngân hàng, thu nhập
hàng tháng của họ cũng không đủ trả nợ gốc và ngân hàng.
Nhà đầu tư thứ cấp hoặc người có tiền nhàn rỗi không
thể bỏ vốn vào địa ốc để chờ… người đi mua cuối cùng. Chính vì vậy, đến
lúc này, thị trường bất động sản ngày càng vắng bóng người mua.
Gởi tiết kiệm trở thành kênh an toàn
Khi tỉ suất sinh lợi trong sản xuất kinh doanh thấp,
tồn kho dâng cao, nhu cầu tiêu dùng trong xã hội suy giảm, nhà đầu tư
thường “bỏ tiền” vào ngân hàng và kiếm lãi tối thiểu.
Mức sinh lợi danh nghĩa hiện nay là 11% (kể từ ngày
28/5). Nếu trừ đi tỉ lệ lạm phát (mức kiềm chế theo chỉ đạo của Chính
phủ) từ 7 đến 8%, người gởi tiết kiệm trong lúc này vẫn có được mức lãi
suất dương từ 3 đến 4%. Đó là mức tối thiểu, người dân có thể hưởng lợi
trong khi các kênh đầu tư khác vẫn còn nhiều rủi ro.
Trong kinh tế, nhà đầu tư kể cả ngân hàng, tỉ suất
sinh lời nội bộ IRR (Internal Rate of Return) của một dự án thấp hơn lãi
suất huy động bình quân, người ta sẽ không đầu tư. Trong bối cảnh hiện
nay, tỉ suất này đang làm đau đầu nhiều chuyên gia kinh tế trước khi
quyết định bỏ vốn vào bất cứ một ngành nghề nào.
Các chủ doanh nghiệp cảm thấy bất an khi lợi nhuận đem
lại không đủ bù đắp chi phí và lãi vay. Chính vì thế, năm 2011 và 5
tháng đầu năm nay có rất nhiều doanh nghiệp đóng cửa, “thu gọn chiến
trường” và ngừng sản xuất. Nguồn vốn có được sau khi thanh lý hàng hóa
tồn kho và tài sản, các doanh nghiệp đành phải gởi vào ngân hàng để bảo
toàn vốn.
Sau những động tác hạ trần lãi suất huy động liên
tiếp, cung tiền trong nền kinh tế vẫn tăng đều. Đến cuối tháng 5/2012,
huy động vốn của các tổ chức tín dụng và tổng phương tiện thanh toán đã
tăng khá mạnh so với cuối năm 2011.
Thông cáo báo chí ngày 27/5 về phiên họp Chính phủ
thường kỳ cho biết, tổng phương tiện thanh toán (M2: bao gồm tiền mặt,
tiền gởi không kỳ hạn và có kỳ hạn) ước tăng 4,47%, tổng dư tiền gửi của
khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 5,42%. Điều này cho thấy, các
tổ chức kinh tế và người dân vẫn gởi tiền vào ngân hàng cho dù trần lãi
suất huy động sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Tiền vẫn tiếp tục chảy mạnh vào ngân hàng bất chấp lãi
suất huy động xuống 11%, thậm chí tiếp tục giảm đến mức 10 hoặc 9
%/năm. Theo tính toán của Bộ tài chính, nguồn vốn huy động trong năm
2012 sẽ lên đến 140.000 tỉ đồng (tương đương 7 tỉ USD).
Trên thị trường tiền tệ, đã xuất hiện tình trạng người
dân bán USD lấy VND để gởi tiết kiệm vì lãi suất tiền USD quá thấp
(2%/năm) trong lúc tỉ giá gần bất biến trong gần 1 năm qua.
Cho dù thế nào đi nữa, trong lúc vàng, bất động sản,
chứng khoán còn quá nhiều rủi tro và bấp bênh, gởi tiền tiết kiệm đã trở
thành phương án tối ưu, an toàn và hiệu quả đại bộ phận người dân trong
xu thế hiện nay.
Văn Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét