Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Giải quyết triệt để vấn đề đất đai: Tiền đề cho tái cơ cấu kinh tế

Giải quyết triệt để vấn đề đất đai:
Tiền đề cho tái cơ cấu kinh tế

(DĐDN) Đất đai sử dụng lãng phí, ruộng đất manh mún, người sử dụng hiệu quả không có điều kiện tích tụ đất, khai thác tài nguyên tự nhiên quá mức cho phép, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... những vấn đề vướng mắc đang đặt ra cho công tác xây dựng luật, chính sách đất đai cần giải quyết triệt để nhằm tạo một trong những tiền đề cho tái cơ cấu nền kinh tế.

Trong vòng 25 năm kể từ khi áp dụng chính sách Đổi mới theo định hướng thị trường, trong lĩnh vực nông nghiệp, chính sách giao đất cho hộ nông dân cùng với tự do hoá thương mại, cải cách chính sách vĩ mô đã tạo ra động lực lớn cho nông nghiệp tăng trưởng ở mức 3 - 4%/năm.
2 mặt của sử dụng đất
Từ một nước thiếu ăn thường xuyên, VN đã đảm bảo được an ninh lương thực, cung ứng nguyên liệu và lao động hỗ trợ công nghiệp hóa và trở thành nước xuất khẩu đứng thứ hạng cao trên thế giới về các mặt hàng như gạo, cà phê, cao su, chè, tiêu, điều, thủy sản và đồ gỗ… Tăng trưởng kinh tế cũng đã tạo ra tác động tích cực đối với xóa đói giảm nghèo với tỉ lệ nghèo giảm mạnh từ mức 51% năm 1992 xuống còn 14% năm 2010. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, biến đất đai thành tài sản để đầu tư và tư liệu tạo sinh kế cho người nghèo, tạo cơ chế bình đẳng đối với quyền sử dụng đất của nông dân là giải pháp quan trọng để giảm nghèo, đảm bảo công bằng và ổn định xã hội.
Sau một thời gian phát triển thuận lợi, đã có nhiều cảnh báo rằng VN đã đạt đến ngưỡng của tăng trưởng theo chiều rộng dựa trên mức đầu tư cao về lao động và vật tư, tăng khai thác tài nguyên tự nhiên. Nếu không có bước đột phá mới về đầu tư, khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất để sử dụng đất nông nghiệp một cách hiệu quả và bền vững, nông nghiệp VN khó có thể tiếp tục là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Trên bình diện xã hội, bất bình đẳng đang có xu hướng gia tăng giữa nông thôn và thành thị, giữa miền núi và miền xuôi, giữa nhóm dân tộc thiểu số và nhóm Kinh, giữa các nhóm giàu nhất và nghèo nhất tại khu vực nông thôn. Đặc biệt, trong bối cảnh suy thoái kinh tế gần đây tốc độ giảm nghèo có xu hướng chậm lại.
Giải pháp đột phá

Để đạt được mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, không thể thiếu các giải pháp đột phá về quản lý và sử dụng một trong những tài nguyên quan trọng nhất là đất đai, đặc biệt là những vấn đề tăng hiệu quả, đảm bảo tính bền vững trong sử dụng đất, đảm bảo công bằng về quyền lợi đối với đất đai và vấn đề sở hữu đất. Từ kinh nghiệm xử lý thành công của các nước khác và thực tiễn đổi mới thời gian qua ở VN có thể đề ra một số quan điểm chính cần tham khảo trong quá trình giải quyết triệt để vấn đề đất đai làm tiền đề cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nước ta như sau:

Đất là tài sản đặc biệt chỉ có thể sử dụng và khai thác có hiệu quả nhờ vào sự quản lý và đầu tư ổn định, lâu dài từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Thứ nhất, đất là tài sản đặc biệt chỉ có thể sử dụng và khai thác có hiệu quả nhờ vào sự quản lý và đầu tư ổn định, lâu dài từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, phải xác định rõ chủ thể sở hữu (hướng tới đa sở hữu: nhà nước, cộng đồng và tư nhân), xác lập quy hoạch, ước tính được giá trị mới đảm bảo an toàn dài hạn cho quản lý và sử dụng đất đai, tạo ra động lực để các chủ thể khai thác đất một cách hiệu quả.
Thứ hai, cơ chế thị trường là giải pháp điều chuyển sử dụng đất một cách linh động nhất để đảm bảo hiệu quả kinh tế. Vì vậy, phải hình thành nên thị trường giao dịch, chuyển nhượng, cho thuê với điều kiện vận hành thuận lợi nhất, chi phí giao dịch thấp nhất. Dựa trên các động lực thị trường, giao đất cho nông dân trực canh, tháo gỡ giới hạn về không gian và thời gian để khuyến khích họ tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất lớn hàng hóa, áp dụng KHCN và cơ giới hóa để tăng hiệu quả sử dụng đất. Để thị trường vận hành hiệu quả, công tác cấp giấy chứng nhận, đo đạc bản đồ, cắm mốc thực địa, quản lý cơ sở dữ liệu phải được làm minh bạch, cung ứng rẻ và nhanh, thuận tiện cho toàn dân. 
Thứ ba, vai trò của Nhà nước nên tập trung vào việc hỗ trợ và tạo động lực cho các thành phần kinh tế khác đầu tư vào các loại đất chưa đem lại hiệu quả kinh tế như đất trống đồi núi trọc, đất rừng đặc dụng… Đất công (đặc biệt là đất nông lâm trường quốc doanh) là thành quả của cách mạng cần phải bảo vệ, phát huy giá trị, khả năng sử dụng và quản lý đất công bằng một cơ quan quản lý quĩ đất thống nhất (như một nguồn giá trị tài chính) có đủ năng lực đại diện của nhân dân để dùng quĩ đất đó đầu tư, cho thuê, bán, bồi hoàn,… phục vụ cho mục đích công ích.
Thứ tư, nông nghiệp là lợi thế quan trọng của VN, phải cương quyết điều chỉnh các chính sách “coi nhẹ nông nghiệp nông thôn”. Thay vào đó, cần phát triển cân đối giữa các ngành/vùng, dựa trên lợi thế so sánh, phát huy tối đa khả năng liên kết của các ngành để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, định hướng giãn phát triển công nghiệp, đô thị về địa bàn nông thôn, chỉ dùng đất đai sử dụng cho mục đích nông nghiệp kém hiệu quả để xây dựng các dự án công nghiệp và đô thị, tăng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn.
Thứ năm, công bằng và ổn định xã hội phải được đảm bảo thông qua các cân đối chính giữa các ngành, các vùng, và sự tham dự của mọi đối tượng vào xây dựng quy hoạch và chính sách. Sự khác biệt về địa tô phải được phân phối lại bằng các chính sách thuế hợp lý.
Nếu các điểm nhấn quan trọng trên được quan tâm, xử lý một cách triệt để thì một lần nữa sẽ tạo ra được động lực mới cho nông dân phát triển đột phá ngành nông nghiệp và xã hội nông thôn VN, tạo cơ cấu mới cho kinh tế tăng trưởng hiệu quả và vững bền, ngược lại, nếu chúng ta ngập ngừng, kéo dài các giải pháp chữa cháy tạm thời, lẩn tránh xử lý những mâu thuẫn của quá trình phát triển thì chẳng những quá trình tăng trưởng kinh tế sẽ chững lại mà ổn định chính trị xã hội, bền vững môi trường sẽ bị đe dọa.

Ông Nguyễn Công Tạn -Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ:
Giá đất giao dịch phải theo quy luật thị trường
Có một số quan điểm cho rằng giao quyền sử dụng đất lâu dài cho dân vô thời hạn đã là đủ, không cần đề ra sở hữu tư nhân về đất đai. Phải xin nói rằng việc giao quyền sử dụng đất cho dân dù với thời gian là vô hạn và việc giao quyền sở hữu đất đai cho dân vẫn có sự khác nhau về bản chất kinh tế. Khi nói đất là hàng hóa, dù là hàng hóa đặc biệt thì giá đất giao dịch trên thị trường phải theo quy luật thị trường có sự thỏa thuận giữa người mua đất và bán đất, đảm bảo công khai và minh bạch. Khi Nhà nước và nhà đầu tư cần sử dụng đất của dân thì mua lại theo giá thỏa thuận. Về lý luận cũng như thực tiễn không thể có thị trường đích thực về quyền sử dụng đất mà chỉ có thị trường đích thực về đất gắn với quyền sở hữu.
Thực hiện chế độ đa sở hữu về đất đai cũng là giải pháp tháo gỡ nút thắt cuối cùng về vướng mắc trong chế độ quản lí đất đai của nước ta và cũng là một khâu quan trọng để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường về bất động sản trong thời điểm hiện nay.

Ông Phạm Đình Cường Cục trưởng cục Quản lý Công sản (Bộ tài chính):
Thiếu cơ sở dữ liệu đất đai
Giao dịch về đất đai hiện nay của chúng ta đang thiếu tính minh bạch cũng như thiếu cơ sở dữ liệu về đất đai. Trong khi các nước khác, hoặc là nó công khai tất cả các giao dịch, thể hiện rõ nhất là qua ngân hàng nên việc chuyển dịch hay mua bán đất đai thế nào đều rất rõ. Còn ở VN, tất cả các giao dịch về đất đai toàn tránh ngân hàng và né thuế nên cơ sở dữ liệu không chắc vì thế nên năng lực của hệ thống tư vấn xác định giá cũng như cơ sở nguyên tắc đối với cơ quan nhà nước trong việc định giá đều thiếu. Và có lẽ chính việc chưa xác định được khiến cho phần chênh lệch giá đất ngày càng trở nên lớn.
GS - TSKH Đặng Hùng Võ: Đổi mới để tránh nguy cơ tham nhũng
Đổi mới cơ chế quyết định giá đất là một đòi hỏi bức xúc hiện nay. Cần tách thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể khỏi thẩm quyền của bộ máy hành chính, làm cho giá đất được định khách quan và tránh nguy cơ tham nhũng.
Chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề để trả lời câu hỏi làm thế nào để lần xây dựng Luật Đất đai này có được một hệ thống chính sách ổn định trong một giai đoạn dài hơn, cho đến khi đất nước ta trở thành một nước công nghiệp. Từ yêu cầu trên, có thể đưa ra một nguyên tắc nhất quán về lý luận để có một tầm nhìn dài hạn, không rơi vào tình trạng thay đổi pháp luật thường xuyên. Việc xây dựng Luật Đất đai phải dựa trên một nền tảng lý luận kinh tế chính trị học nhất quán phù hợp với mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, chi phối chủ trương chung từ sửa đổi, bổ sung hiến pháp tới hình thành các quy định của Luật Đất đai, các nghị định của Chính phủ và bảo đảm cơ chế thực thi đầy đủ tại các địa phương.

Blog nhận xét: Ông Võ nói y như TBT nói.
TS Đặng Kim Sơn
Viện trưởng Viện chính sách và
Chiến lược Nông nghiệp PTNT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét