Tạp bút của Thu Giang
Ðọc sách là một sinh hoạt lâu đời của con người. Nếu chúng ta hàng ngày phải ăn uống để sống thì sách có thể coi như là món ăn tinh thần, không có nó thì tinh thần sẽ trở nên tiều tụy, nghèo nàn. Vì sách chính là nơi chứa đựng cả đời sống trí tuệ và tình cảm của cả nhân loại từ thời thượng cổ đến giờ.
Khi nhân loại còn thô sơ, chưa có chữ viết, thì con người đã có nhu cầu ghi lại những cảnh tượng quanh mình. Ngày nay người ta đã tìm thấy vô số hang động có những hình vẽ trên vách đá của con người thời tiền sử diễn tả cảnh sinh hoạt của thời xa xưa ấy như săn bắt thú, nhảy múa bên đống lửa v.v... Ðó chính là những “trang sách” đơn sơ nhất mà con người đã “viết” về cuộc sống của mình, nhờ đó chúng ta có thể hình dung phần nào về sự sống của tổ tiên rất xa của chúng ta.
Thời thượng cổ, con người nhiều nơi trên thế giới đã có chữ viết riêng của mình, nhưng chưa có giấy nên phải viết trên nhiều vật liệu khác nhau. Người Ai Cập cổ từ 3000 năm trước công nguyên đã viết chữ lên một vật liệu gọi là papyrus, được dệt từ cây papyrus, do đó tiếng Anh mới có chữ paper, tiếng Pháp chữ papier để chỉ giấy. Vùng Âu châu thì dùng da cừu, da bê để viết chữ. Bên Trung Hoa trước khi giấy được sáng chế ra khoảng đầu công nguyên thì người ta viết chữ lên thẻ tre hay lụa. Ấn Ðộ thì dùng một loại lá gọi là lá bối, hơi giống như lá cây cọ, để viết các bộ kinh Phật.
Trung Hoa là nước đầu tiên phát minh ra giấy, biến chế từ sợi bông vải, và vì người Tàu giấu nghề nên mãi sáu trăm năm sau người Cao Ly rồi Nhật Bản mới biết làm giấy, còn phương Tây thì mãi đầu thiên niên kỷ thứ hai mới học được kỹ thuật này.
Ðời sống càng ngày phong phú thì nhu cầu viết xuống những gì con người suy nghĩ và cảm nhận từ cuộc sống và thế giới càng nhiều. Nhiều thế kỷ đã trôi qua khi sách ngự trị thế giới, con người ngày càng ham mê đọc sách, có người trở thành ghiền, hễ có thì giờ rảnh là ôm lấy cuốn sách mà nghiền ngẫm. Sách giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn, nhìn vào nội tâm cũng như nhìn ra thế giới. Quả thực sách đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng cá nhân cũng như đời sống xã hội của con người.
Thế mà ngày nay, trong sự phát triển những phương tiện thông tin điện tử, từ máy phát thanh, rồi đến truyền hình, rồi computer và internet, con người trở nên lơ là việc đọc sách rất nhiều. Lượng thông tin và giải trí qua âm thanh và hình ảnh ngày càng trở nên quá dồi dào và lại cũng quá hấp dẫn, nên mọi người, nhất là lớp trẻ tuổi bị thu hút vào, hằng ngày mất rất nhiều thì giờ để coi TV, để trò chuyện trên Net, để chơi trò chơi điện tử... chẳng còn thì giờ và ý thích đâu mà đọc sách. Có người nói: thì người ta cũng học hỏi được trên những phương tiện mới ấy vậy, những cái đó thay thế sách vở ngày xưa, có gì mà phải lo? Nhưng xem ra vấn đề không đơn giản như vậy. Với cuốn sách trong tay, chúng ta đọc và suy ngẫm, dành trọn thì giờ cho nó, có thể đọc đi đọc lại những chỗ cần thiết hay hấp dẫn, và có thì giờ để tiêu hóa trọn vẹn nội dung của sách. Trong khi đó, những thông tin thu nhận vội vàng và nông cạn theo lối “mì ăn liền” trong các phương tiện điện tử chẳng qua chỉ là những thức ăn sống sít, ăn vội, nuốt vội, chẳng có thể tiêu hóa thành dưỡng chất ích lợi cho cuộc sống tinh thần của chúng ta. Nhiều nhà giáo dục đã cảnh cáo tình trạng này, và yêu cầu phải giảm giờ xem TV hàng ngày của các em học sinh để các em có thì giờ nhiều hơn quay về với phương tiện sách vở cổ truyền. Nếu những bữa ăn nhanh (fast food) không mấy tốt cho cơ thể của chúng ta thì những món mì ăn liền tinh thần cũng vậy thôi, chúng sẽ trôi qua tâm trí của con người một cách hời hợt, và đời sống tinh thần của chúng ta cũng chẳng thu hoạch được gì nhiều.
Con người có thể sẽ trở nên ngày một nông cạn, trở thành nạn nhân của chính những tiến bộ của mình, nếu nó không biết quay về trở lại với sách vở, cái kho vô tận mà từ thời xa xưa, tổ tiên của loài người đã hết đời này qua đời khác bồi đắp nên. Ðọc sách, phải đọc sách thì chúng ta mới tìm thấy chính mình trong dòng chảy miên viễn tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác. Sách chính là cái cầu nối vững chắc nhất giữa các thế hệ và dẫn đường cho mọi tiến bộ của con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét