Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

100% doanh nghiệp phá sản là DN nhỏ và siêu nhỏ

100% doanh nghiệp phá sản là DN nhỏ và siêu nhỏ

TT - Đây là kết quả từ cuộc điều tra điều kiện sản xuất, những khó khăn trở ngại liên quan đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM do Cục Thống kê TP thực hiện vừa được công bố ngày 22-5.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp phá sản, giải thể là do kinh doanh thua lỗ, không có vốn để duy trì sản xuất, không tiêu thụ được sản phẩm, gặp khó khăn về địa điểm kinh doanh...
Hiện tại, có tới 41,1% số doanh nghiệp dự kiến thu hẹp sản xuất kinh doanh, chủ yếu do nhu cầu thị trường trong nước giảm; 38,1% doanh nghiệp khó khăn tiếp cận vốn vay; 50,4% doanh nghiệp gặp khó trong việc mua nguyên liệu đầu vào...
Theo đại diện Cục Thống kê, cuộc điều tra là bước ghi nhận những khó khăn của doanh nghiệp từ đó tiếp thu kiến nghị để tháo gỡ, giúp doanh nghiệp vượt khó.
--------

(Toquoc)-Có nhiều tiêu chí khắt khe từ ngân hàng thương mại khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả thuộc nhóm 4 lĩnh vực ưu tiên, khó chạm tay với mức lãi suất 15%.
Tiêu chí khắt khe hơn
Cho đến thời điểm này tức là sau một thời gian khá dài lãi suất cho vay được hạ xuống còn 15% nhưng với ông Vũ Anh Hoàng, doanh nghiệp tư nhân Giang Hoàng (KCN Từ Liêm, Hà Nội) vay được vốn đã khó, còn việc được hưởng lãi suất thấp vẫn là chuyện quá xa vời.

Ông Hoàng cho biết, lý do ngân hàng không chấp nhận cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 15% là bởi doanh nghiệp ông không đủ tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Tuy tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp chưa đến 10 tỷ đồng, ngân hàng vẫn cho rằng doanh nghiệp này chỉ thuộc nhóm siêu nhỏ, nên tất nhiên không thuộc đối tượng ưu tiên, trong khi đó nhân công lao động của chúng tôi cả trăm người”, ông Hoàng bày tỏ.
Theo ông Hoàng, là doanh nghiệp về hàng thủ công mỹ nghệ, việc sử dụng nhiều lao động là đương nhiên. Do muốn tìm cơ may ở ngân hàng khác, doanh nghiệp đã chủ động liên hệ với một số ngân hàng thương mại và điều bất ngờ hơn nữa là doanh nghiệp đối mặt với cả “hệ thống” tiêu chí quá xa vời với hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay.
“Gọi đến ngân hàng này thì họ bảo không đúng đối tượng ưu tiên, ngân hàng khác yêu cầu xuất khẩu có nguồn ngoại tệ, hoặc phải là doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, tài chính minh bạch, dự án khả quan và thậm chí có kiểm toán tình hình tài chính”,
Tiến không xong, lùi cũng không được, doanh nghiệp đành “ngậm ngùi” vay với lãi suất 18% năm để kịp có tiền hoàn thành đơn hàng xuất sang châu Âu trong tháng 6 này. Vì vậy, với ông Hoàng ví việc đi vay như một cuộc chạy vượt rào.
“Có thêm quá nhiều rào cản trên các thủ tục đi vay để được lãi suất ưu đãi mà doanh nghiệp nhỏ và vừa khó lòng vượt qua”, ông Hoàng chia sẻ..
Khác những lần vay vốn trước, lần này do đã đáo hạn được khoản vay trước đó của ngân hàng nên Công ty APROCIMEX của ông Đoàn Trọng Lý đã không bị khước từ yêu cầu vay vốn mới.
“Rất may chúng tôi đang có đơn hàng lớn nên việc giải ngân của ngân hàng cũng dễ dàng hơn chứ không kể cả doanh nghiệp thuộc nhóm ưu tiên thậm chí là doanh nghiệp của Nhà nước đi chăng nữa cũng khó lòng vay mới được”, ông Lý bật mí.
Tuy nhiên, ông Lý cũng cho biết, sẽ không nhiều doanh nghiệp trong cùng Hiệp hội thức ăn chăn nuôi như doanh nghiệp ông được tiếp cận lãi suất mới.
“Hầu hết doanh nghiệp khác đều chưa thể đáo hạn ngân hàng, vì vậy lãi suất 17-18% hiện nay vẫn đang là lãi suất thông thường mà các ngân hàng ưu ái dành cho hầu hết các doanh nghiệp”, ông Lý cho biết.

Để vay được vốn với mức lãi suất thấp không phải là điều dễ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (ảnh minh hoạ: Internet)
Cần cả chính sách hỗ trợ đồng hành
Về phía các nhà băng, họ luôn có cách để lý giải cho việc “phải làm khó” doanh nghiệp, trong đó ngân hàng cho rằng lãi suất chỉ là một phần trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Cấn Văn Lực (Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV) cho hay, việc lựa chọn đối tượng cho vay cũng là lý do chính đáng và hợp lý của ngân hàng.
“Nếu doanh nghiệp quá khó khăn mà đòi hỏi ngân hàng linh động cho vay vốn nhưng trong trường hợp doanh nghiệp không thể trả nợ cho ngân hàng thì rõ ràng vừa mất vốn vừa đem lại điều tiếng xấu cho ngân hàng”, ông Lực nói.
Trong khi đó, theo ông Lê Viết Hải, Phó giám đốc khối doanh nghiệp nhỏ và vừa Ngân hàng Quân đội (MB), vấn đề không thể xuất phát từ ngân hàng mà khó khăn khăn từ phía doanh nghiệp. Bản thân ngân hàng cũng là người kinh doanh nên phải đảm bảo việc kinh doanh có hiệu quả.
“Tuy nhiên, về mặt chính sách, Chính phủ cũng nên có những hỗ trợ phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi ngân hàng hợp tác với Chính phủ sẽ thuận hơn là mình ngân hàng phải giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Hải bày tỏ.
Dưới góc độ bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, quá trình thực hiện chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp vẫn thiếu tính kiên quyết.
“Cụ thể ở chỗ biện pháp hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước vẫn thiếu chế tài bởi và vô hình chung ngân hàng thương mại đang dựa vào sơ hở này để đưa ra những tiêu chí khắt khe hơn đối với doanh nghiệp. Vì vậy, về mặt chính sách tiền tệ, cái đích cuối cùng là giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp vẫn chưa thể tháo gỡ”, ông Kiêm nói./.
Thành Tâm

Tạo niềm tin cho doanh nghiệp

Theo khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) về chỉ số môi trường kinh doanh tại Việt Nam, các doanh nghiệp tiếp tục tỏ ra thận trọng về triển vọng kinh doanh và cũng như triển vọng kinh tế tổng thể trong thời gian tới.

Có 28% DN tham gia khảo sát cho biết đang tìm cách giảm đầu tư (trong khi đầu năm 2011 chỉ có 8% số DN có ý định này).  Kết quả trên thể hiện sự tiếp tục dịch chuyển đi xuống về lòng tin vào đầu tư tại Việt Nam. Nhiều DN tiếp tục bày tỏ mối quan ngại về lạm phát vì cho rằng điều đó sẽ đe dọa đến công việc kinh doanh của họ. Không chỉ có các DN nước ngoài mới e ngại về tính ổn định của kinh tế vĩ mô trong thời gian tới mà bản thân các DN trong nước cũng đang phập phồng.
 Tạo niềm tin cho doanh nghiệp  - nd
Nhiều DN trong và ngoài nước đang giảm lòng tin vào triển vọng kinh tế của Việt Nam
- Ảnh: M.P
Theo ông Cao Tiến Vị - Tổng giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn, từ năm 2007, khi lãi suất ở mức 12%/năm thì công ty lên kế hoạch vay 100 triệu USD dài hạn để đầu tư xây dựng nhà máy giấy thứ 2 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời khi đó, DN cũng được hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho khoản vay đầu tư đổi mới thiết bị. Tuy nhiên chỉ sau đó 1 năm, việc hỗ trợ này tự động dừng lại đồng thời do bị tác động lạm phát, lãi suất cho vay đã dần dần tăng lên và đến năm 2011 đã đạt mức gấp đôi.
“Dù chúng tôi đã dự phòng biến động lãi suất nhưng chỉ ở mức 1-2 điểm phần trăm mỗi năm. Không ngờ mức tăng quá mạnh vượt xa tất cả mọi dự tính. Lãi suất tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến tổng dự toán của nhà máy đã tăng lên hơn 20% (tăng thêm khoảng 20 triệu USD)”, ông Vị nói. Chính vì vậy, điều mong mỏi nhất của ông Vị hiện nay là làm thế nào để kinh tế ổn định. Khi đó lãi suất càng giảm càng tốt. Điều quan trọng nhất là những chính sách hỗ trợ cho DN như giảm lãi suất mới chỉ được công bố và DN cũng rất khó tiếp cận. Ông Cao Tiến Vị nhấn mạnh: DN như chúng tôi cần các chính sách vĩ mô ổn định để từ đó mới có kế hoạch hoạt động phù hợp mà không rơi vào cảnh khó khăn hoàn toàn bị động như hiện nay. Các chính sách cũng phải được thực hiện đồng bộ từ trên xuống để DN không cảm thấy đó chỉ là lời nói suông mà phải thực sự đi vào thực tiễn.
Tương tự, bà Trương Thị  Thúy Liên - Tổng giám đốc Công ty Liên Phát - cho rằng chỉ riêng chi phí vận chuyển từ đầu năm đến nay đã tăng gần 30%. Hơn nữa phí thuê đất cũng gia tăng gần 20 lần trong những năm qua. “Nghe nói được giảm phí thuê đất nhưng không biết khi nào chúng tôi mới nhận được hỗ trợ này. Lúc trước cũng nghe nói giảm nhưng phí tăng vẫn cứ tăng”, bà Liên than thở. Các DN cũng cho rằng Chính phủ cần phải có những giải pháp căn cơ để kinh tế đi vào ổn định, tránh trường hợp nền kinh tế lại loanh quanh đi từ lạm phát sang giảm phát rồi lại nguy cơ chuyển lại sang lạm phát.
TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư -nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lòng tin từ DN và người dân vào sự phục hổi của nền kinh tế. Để làm được điều đó, Chính phủ cần phải làm quyết liệt càng nhanh càng tốt các gói giải pháp hỗ trợ DN, tăng sức mua trên thị trường như đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm ngay thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 20%...
Nhiều chuyên gia kinh tế đều khẳng định lòng tin là quan trọng. Bởi nếu DN tin rằng lãi suất ổn định và duy trì ở mức thấp thì DN mới dám vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Người dân tin rằng lãi suất ở mức thấp và kinh tế ổn định thì mới dám chi tiêu mà không phải thắt lưng buộc bụng. Từ đó mới góp phần gia tăng sức mua trên thị trường, DN không bị hàng tồn kho,… và nền kinh tế mới tăng trưởng.
Mai Phương


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét