Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Bên trong nhà tù nhất thế giới

Tư bản giãy chết thế này đây:


Một nhà tù với những căn hộ sơn đỏ, con đường rải sỏi và bãi biển ngập nắng là nơi để thay đổi tư duy và bản chất của những con người từng bị cả xã hội căm ghét.
Nhà tù êm ái nhất thế giới ở Na Uy

Ảnh: AFP
Một tù nhân tắm nắng bên ngoài căn hộ của ông ở nhà tù Bastoy, Na Uy. Ảnh: AFP
Jan Petter Vala, kẻ đang phải lĩnh án tù vì tội giết người, sở hữu đôi bàn tay to lớn và bờ vai lực lưỡng không thua gì một con bò mộng. Vài năm trước, trong một cơn say rượu, hắn đã dùng chính đôi tay ấy siết cổ cô bạn gái đến chết.
Giờ đây, tại nhà tù Bastoy, nằm trên một hòn đảo ở miền nam Na Uy, nơi tù nhân được quyền giữ chìa khóa phòng giam của chính họ, nơi không hề có hình ảnh của lính canh hay hàng rào, Vala một lần nữa lại sử dụng đôi bàn tay ấy, nhưng là để giúp một sinh mạng bước vào thế giới này.
Vala, 42 tuổi, đứng bất động khi nhìn một con bê non vừa ra đời. Sau đó, hắn quyết định gọi cho người thân để thông báo tin mừng.
"Cảm giác sung sướng hệt như tôi vừa được làm bố", hắn nói, gương mặt lộ rõ vẻ tự hào.
Quả thực, đã có sự thay đổi chóng mặt ở đây. Vala, từ một kẻ sát nhân máu lạnh, đã lột xác và trở thành một bác sĩ thú y đầy nhẫn nại. Và đó chính xác là những gì chính phủ Na Uy đã hy vọng khi quyết định xây dựng nhà tù độc nhất vô nhị này.
Thành lập từ năm 1982, nhà tù Bastoy tọa lạc trên một hòn đảo xinh đẹp, với rừng thông và bờ biển đá. Nhiều người sẽ lầm tưởng nó là một khu nghỉ dưỡng, nơi các tù nhân, thay vì bị giam cầm lại có thể thoải mái đi lại, không giống bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Bãi biển trên đảo là nơi tù nhân có thể tắm nắng, câu cá, tắm hơi và chơi thể thao.
115 tù nhân ở đây đều là nam giới. Phần lớn từng phạm tội giết người, cưỡng hiếp và buôn bán ma túy. Họ được sống trong khu nhà bằng gỗ, sơn màu đỏ tươi, và được phép ra vào tùy ý. Số khác sống trong "Nhà Lớn" - căn biệt thự màu trắng tọa lạc trên một ngọn đồi, được trang trí giống với một ký túc xá của trường đại học. Thực đơn cho bữa tối của các tù nhân bao gồm đủ món, từ "thịt gà tới cá hồi", theo lời một nhân viên bảo vệ.
Chắc chắn rất nhiều người muốn trả tiền để tới nghỉ dưỡng ở một nơi như thế này.
Thực tế đó hẳn sẽ khiến nhiều người rất tức giận. Các tù nhân phải bị đối xử tệ hơn chứ? Tại sao những kẻ phạm tội lại được sống trong tiện nghi trong khi nhiều người khác phải chịu cảnh nghèo đói? Có nhiều người đã đặt ra những câu hỏi như vậy.
Nhưng nếu nhìn vào mục đích cải tạo một con người, nhà tù Bastoy dường như rất được việc.
"Tại sao chúng tôi phải tạo ra một nơi nghỉ dưỡng cho những tội phạm ở đây ư?"Arne Kvernvik Nilsen, cựu thủ tướng Na Uy, một chuyên gia tâm lý học đồng thời là giám đốc Bastoy, nói.
"Điều chúng tôi cần làm là giảm thiểu nguy cơ tái phạm tội. Những hình phạt sẽ mang lại lợi ích gì, ngoại trừ việc khiến các tù nhân ngày càng tồi tệ hơn?", ông lập luận.
Hãy nhìn vào con số này: chỉ có 20% tù nhân ở Na Uy có hành vi tái phạm pháp sau hai năm được trả tự do, theo một báo cáo năm 2010 bởi chính phủ một số nước thuộc khu vực Bắc Âu.

Tại Bastoy, con số này thậm chí còn thấp hơn, chỉ vào khoảng 16%.
Trong khi đó, tỷ lệ tái phạm pháp sau ba năm mãn hạn tù ở Mỹ là 43%, theo báo cáo năm 2011 từ Trung tâm Nghiên cứu Pew. Nếu theo báo cáo của chính phủ, con số này thậm chí còn cao hơn, trên 50%.
Dù sao, Bastoy cũng vẫn là chủ để gây tranh cãi ngay cả trong giới học thuật. Irvin Waller, chủ tịch Tổ chức Hỗ trợ Nạn nhân Quốc tế, đồng thời là giáo sư Đại học Ottawa, nói rằng sự thoải mái tương đối của một nhà tù không ảnh hưởng tới việc liệu các tù nhân có tái phạm pháp sau khi được trao trả hay không.
"Vấn đề không phải ở những gì xảy ra ở nhà tù mà là những gì sẽ đến sau khi những người đó mãn hạn tù", ông nói.
Tuy nhiên, các quan chức ở Bastoy vẫn khẳng định rằng phương pháp của họ đã tạo ra sự khác biệt. Mục đích của Bastoy không phải là trừng phạt hay thay gia đình các nạn nhân trút giận, Nilsen nói. Lấy đi sự tự do của một con người chính là sự trừng phạt đáng sợ nhất.
Ngay cả trong thời điểm sát thủ Anders Breivik bị tạm giam vì tội thảm sát 77 dân thường, trong đó có trẻ em, hồi tháng 7 năm ngoái, Nilsen và những người khác vẫn cho rằng việc duy trì một nhà tù như Bastoy là cần thiết.
Một ngày ở Bastoy
Để nắm bắt quan điểm của những người quản lý Bastoy, trước tiên phải hiểu về cách cuộc sống ở nhà tù tiện nghi bậc nhất thế giới này diễn ra.
Những nguyên tắc dường như không đóng vai trò quan trọng ở đây. Tù nhân được phép trang bị TV, thứ có thể giúp họ tiếp cận với cuộc sống đang diễn ra bên ngoài hòn đảo này. Họ cũng được quyền mặc bất cứ thứ gì họ muốn: quần jean, áo phông, hay những thứ tương tự như thế. Ngay cả bảo vệ cũng không cần mặc đồng phục.
Mỗi vị khách tới đây đều có một câu hỏi quen thuộc, là: "Vậy thì, các anh đang thực sự sống ở đây?"
Thực tế, mọi người ở Bastoy đều phải làm việc. Nguyên tắc là các tù nhân phải lao động từ 8 giờ 30 sáng tới 3 giờ 30 chiều mỗi ngày trong tuần. Một số trồng cây, một số làm vườn. Vài người chặt củi. Số khác chăm sóc động vật. Mọi người có thể thoải mái lựa chọn phần việc thích hợp với bản thân. Đôi lúc, các bảo vệ có thể vắng mặt. Không một tù nhân nào phải đeo còng số tám hay vòng giám sát điện tử.
Ý tưởng ở đây là nhà tù được hoạt động như một ngôi làng nhỏ, tự cung tự cấp.
Mọi công việc đều được trả lương. Mỗi tù nhân sẽ được nhận khoảng 10 USD sau mỗi ngày lao động. Họ có thể tiết kiệm khoản tiền này hoặc mua sắm ở các cửa hàng ở trên đảo. Ngoài ra, các tù nhân cũng được phụ cấp hàng tháng vào khoảng 125 USD để mua thực phẩm. Đầu bếp, cũng là các tù nhân, sẽ phục vụ bữa tối cho người dân trên đảo mỗi ngày. Còn với hai bữa sáng và trưa, tù nhân sẽ sử dụng tiền họ kiếm được để mua thực phẩm và tự chế biến tại nhà. Trong khi nhiều người sống tại những căn nhà nhỏ với một căn bếp đầy đủ tiện nghi, thì số khác chấp nhận cùng chia sẻ phòng bếp lớn với nhiều người.
Mục đích của việc này, theo ông Nilsen, là để tạo một môi trường nơi mọi người có thể tự xây dựng lòng tự trọng và thay đổi cuộc đời của chính họ.
"Họ từng nhìn bản thân trong gương và nghĩ, 'Mình là một tên khốn. Mình không quan tâm tới cái gì, cũng chẳng là gì'. Nhà tù này mang đến cho họ một cơ hội để thấy giá trị của bản thân, để hiểu rằng 'Mình không phải một kẻ chẳng ra gì'."
Ở những nhà tù khác, nơi tù nhân bị đối xử "như động vật hoặc robot", Nilsen nói, phải di chuyển từ nơi này tới nơi khác mà không có quyền lựa chọn.Ngược lại, ở đây, họ buộc phải tự đưa ra lựa chọn, để học cách trở thành một người tốt hơn.
Các tù nhân, tất nhiên, rất cảm kích trước điều này.
Kjell Amundsen, 70 tuổi, một tội phạm tài chính, từng rất kinh hãi khi biết ông sẽ phải chuyển từ đất liền ra nhà tù Bastoy, trên một hòn đảo tách biệt.
Giờ đây, ông dành phần lớn thời gian trong ngày để chăm sóc cây cối và nghe radio. "Tôi thấy việc sống trong nhà tù này thật tuyệt diệu", ông nói.
Amundsen dự định sẽ tiếp tục sống tại đây sau khi mãn hạn tù. "Tôi đang sống ở một căn hộ, nhưng tôi vẫn nghĩ mình nên có một khu vườn nhỏ trong ngôi nhà ấy", ông nói.
Ở trung tâm của hòn đảo, có một trường học được sơn vàng. Nhiều người có mặt tại đây để học cách sử dụng các chương trình máy tính. Tất cả đều bày tỏ mong muốn được làm việc sau khi mãn hạn tù.
Tom Remi Berg, một thanh niên 22 tuổi, có mặt ở đây vì đã đánh lộn ở một quán bar và khiến một người suýt chết, cho biết anh sắp học xong chương trình tại Bastoy.
Ở Bastoy, Berg làm việc trong khu bếp và đang luyện tập để trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp sau khi mãn hạn tù. Anh cũng chơi trong một nhóm nhạc, cùng hai người bạn Guilty và Hell.
"Thật tốt khi được làm một tù nhân theo cách này", anh nói. "Chúng tôi được học cách làm lại cuộc đời."
'Hãy gọi cho tôi sau khi anh bỏ trốn'
Các tù nhân ở đây được yêu cầu phải điểm danh vài lần trong này để các bảo vệ có thể chắc chắn rằng họ vẫn có mặt trên đảo. Ngoài đại dương, không gì có thể ngăn họ rời khỏi nơi này. Các tù nhân chỉ việc lấy trộm một chiếc thuyền và bỏ trốn, một số nói vậy.
Thật quá dễ dàng.
Trước đây, đã có vài người cố gắng bỏ trốn. Một tù nhân từng bơi được nửa đường trước khi mắc kẹt trên một chiếc phao cứu sinh và kêu gọi giúp đỡ, các quan chức của Bastoy nói. Một người khác đã tìm cách bỏ trốn bằng việc đánh cắp một chiếc thuyền nhưng lại bị bắt khi tới bờ bên kia.
Tuy nhiên, phần lớn các tù nhân vẫn chọn việc ở lại tới khi được thả tự do. Nếu cố gắng bỏ trốn và thất bại, họ sẽ phải chuyển tới một nhà tù có mức độ an ninh cao và bị kiểm soát nhiều hơn.
Mỗi khi một tù nhân mới được đưa tới đây, Giám đốc Nilsen đều có một cuộc gặp gỡ và trò chuyện với họ.
Bằng sự khôn khéo, ông nói với những tù nhân rằng: "Nếu anh muốn bỏ trốn và có thể vượt qua làn nước lạnh giá để tìm tự do, hãy kiếm một cái điện thoại và gọi về đây. Như thế chúng tôi sẽ biết anh vẫn ổn và không cần cử các bảo vệ đi khắp đảo để tìm kiếm anh".
Với những người ngoài, điều này thật sự rất kỳ lạ, nhưng đó lại chính là cơ sở cho sự tồn tại của Bastoy. Khi đêm xuống, chỉ có vài ba bảo vệ (tổng số nhân viên của nhà tù này là 71 người) ở lại trên đảo cùng những người từng phạm tội nghiêm trọng. Không ai trong số họ mang mang theo súng, bởi theo quan điểm của những nhà lãnh đạo, điều đó chỉ khiến các tù nhân có xu hướng sở hữu vũ khí nhiều hơn.
Tuy nhiên, trước khi được chuyển tới Bastoy, các tù nhân đều được kiểm tra để chắc chắn rằng họ có tinh thần ổn định và không có xu hướng bỏ trốn. Khoảng 97% người ở đây, theo Nilsen, từng bị giam ở những nhà tù an ninh cao ở đất liền. Ttong 4 năm Nilsen quản lý nhà tù, không hề có bất cứ vụ việc bạo lực "nghiêm trọng" nào xảy ra, ông nói.
Thực tế, với hầu hết các tù nhân ở Bastoy, khoảng thời gian ở đây đã giúp họ tìm lối thoát cho cuộc sống vốn bế tắc trước đây.
'Đây vẫn chỉ là một nhà tù'
Có một câu hỏi thường xuyên được đặt ra với các tù nhân ở đây, đó là: "Anh có muốn rời đi sau khi mãn hạn tù không?".
Câu trả lời phần lớn là "Có".
"Nó vẫn chỉ là một nhà tù", Luke, 23 tuổi, một tù nhân, nói.
Với Benny, 40 tuổi, việc phải sống xa gia đình đã là đã là một hình phạt quá kinh khủng. Người đàn ông gốc Kosovo này nói ông bị bắt vì vận chuyển ma túy. Benny từ chối cho biết tên đầy đủ của mình bởi anh sợ sẽ khiến gia đình xấu hổ, và vẫn muốn tìm được một công việc tử tế sau khi mãn hạn tù.
Trước khi được chuyển tới Bastoy, Benny từng phải chịu án ở một nhà tù an ninh cao trong khi vợ anh vừa sinh con.
"Việc hạn tù kéo dài bao lâu không quan trọng", Benny nói. "Bị người khác tước mất tự do mới là điều đáng sợ nhất."
Cả đất nước Bắc Âu này chỉ có 3.600 tù nhân, so với con số 2,3 triệu ở Mỹ, theo Cục Thống kê Tư pháp. So về tỷ lệ dân số, Mỹ có lượng tù nhân gấp 10 lần Na Uy.
Hơn 89% án tù của Na Uy kéo dài không quá một năm, các quan chức nói. Ở những nhà tù liên bang Mỹ, chỉ có 2% hình phạt kéo dài một năm hoặc ít hơn, theo Cục Đặc trách Nhà tù Liên bang Mỹ.
Một số nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục ủng hộ nỗ lực của Na Uy.
Theo ông Mark A.R. Kleiman, giáo sư ngành chính sách công của Đại học Califonia, Mỹ, những người quản lý Bastoy có cách suy nghĩa giống với các bậc phụ huynh, và Bastoy đang thực sự mang lại lợi ích.
"Mọi bậc phụ huynh đều biết lý thuyết này. Điều gì sẽ xảy ra khi bạn cố gắng phạt một đứa trẻ bằng cách nói 'Nếu không dọn phòng, con sẽ bị đuổi khỏi nhà và không bao giờ được thấy mặt cha mẹ nữa'?", ông nói, nhắc tới thực tế rằng hệ thống trừng phạt ở Mỹ luôn rất khắc nghiệt. Theo ông, "cha/mẹ muốn con làm việc này ngay lập tức" là một câu nói nhẹ nhàng hơn rất nhiều, nhưng sẽ mang lại tác dụng cao hơn, mặc dù hình phạt của nó ít nghiêm trọng hơn.
Kleiman cũng nói các nạn nhân đều có quyền được thấy những kẻ đã hãm hại họ bị trừng phạt. Nhưng ở Na Uy, một trong những đất nước có mức sống cao nhất thế giới, việc sống trên một hòn đảo tách biệt cũng là một hình phạt khắc nghiệt với nhiều người, ông nói.
"Có rất nhiều bằng chứng cho thấy việc phục hồi nhân phẩm có tác dụng nhiều hơn các biện pháp răn đe", Gerhard Ploeg, một cố vấn cấp cao của Bộ Tư pháp Na Uy, nói.
"Tất cả sẽ mang tới một thứ có tên tái hòa nhập", ông khẳng định.
Sát thủ Na Uy thách thức sự tồn tại của Bastoy
Chính sách nhà tù khác thường của Na Uy đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới sau vụ khủng bố hồi tháng 7 năm ngoái khiến 77 dân thường thiệt mạng, trong đó có trẻ em.
Nhiều khả năng, kẻ gây ra vụ việc, Anders Behring Breivik, sẽ bị gửi tới một trong những nhà tù "đóng" ở Na Uy, giống như những kẻ phạm tội khủng bố ở Mỹ.
Tuy nhiên, hạn tù tối đa của Na Uy chỉ kéo dài 21 năm, được áp dụng cho những kẻ được cho là thực sự gây nguy hiểm cho xã hội. Chính phủ Na Uy luôn hy vọng mọi tù nhân đều được tái hòa nhập cộng đồng.
"Câu hỏi ở đây là, 'Bạn muốn làm hàng xóm với một người như thế nào?'", Ploeg nói. "Chúng ta muốn làm gì với những tù nhân? Nếu hàng xóm của bạn vừa ra tù, bạn muốn hắn sẽ đối xử với bạn như thế nào?"
Thực sự, tội ác của Breivik đã thách thức hệ thống tư pháp Na Uy.
Trường hợp của hắn đã làm gia tăng sự giận giữ bất thường ở đất nước vốn ưa chuộng hòa bình này, nơi luôn tự hào là quê hương của việc giải quyết xung đột, nơi tổ chức trao giải Nobel Hòa bình và là một trong những nơi có mức sống cao nhất thế giới.
Tuần trước, để thể hiện sự bất bình, một dân thường đã tự thiêu trước tòa án Oslo, nơi đang xét xử tội ác của Breivik.
"Breivik thậm chí không đáng được ở tù", Camilla Bjerke, 27 tuổi, một nhân viên quán bar ở Horten, thị trấn nằm gần Bastoy, nói.
Vấn đề ở đây là, nếu Breivik được thả tự do, nhiều người sẽ tìm cách giết hắn, một số người Na Uy cho biết. Các tù nhân ở Bastoy cũng nói, hắn phải được cách ly hoặc sẽ không thể sống nổi trên đảo.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn cố gắng kiềm chế.
Bjorn Ihler, 20 tuổi, đã thoát chết trong vụ xả súng hồi tháng 7 bằng cách lặn xuống biển, nói "điều quan trọng là không để tên khủng bố này thay đổi con người chúng ta và cách chúng ta làm việc".
"Hệ thống nhà tù ở Na Uy dựa trên mục đích đưa những người từng phạm tội tái hòa nhập xã hội, tránh xa cuộc sống sai lầm trước đây và trao cho họ một công việc ổn định", anh nói.
Ihler không biết mình sẽ cảm thấy thế nào nếu Breivik được thả tự do, nhưng anh vẫn mong hệ thống nhà tù độc nhất vô nhị ở Na Uy hoạt động bình thường. "Tôi nghĩ, các nhà tù phải tập trung nhiều hơn vào việc đưa những người từng phạm tội tới những nơi họ có thể sống bình thường. Và đó là cách tốt nhất để giúp xã hội thoát khỏi những hành động phạm pháp."
Hướng về tương lai
Tất cả nỗ lực đó là để giúp những người như Vala, kẻ đã giết chết bạn gái mình, sẵn sàng trở lại xã hội sau 10 năm lãnh án tù.
Làm việc bên động vật, Vala đã học cách giữ gìn cuộc sống và giá trị của mỗi sinh mạng. Anh ta luôn nghĩ về cái đêm bạn gái anh ta qua đời, và không ngừng cảm thấy tội lỗi.
"Chúng tôi không cãi vã", Vala nói. "Chúng tôi chẳng làm gì cả. Tôi không biết điều gì đã xảy ra nữa."
Vala chỉ biết đã say rượu và mất kiểm soát.
Giờ đây, kẻ sát nhân ngày nào đang cố gắng thay đổi chính bản thân mình. Anh quyết định bỏ rượu. Và khi được làm việc bên những con vật, dường như điều đó đã giúp Vala trở nên lương thiện hơn.
Mỗi bước thay đổi của Vala đều được những bảo vệ ở Bastoy chứng kiến. Sigurd Vedvik, một nhân viên của nhà tù, cho biết anh gặp Vala khi tên này được chuyển từ một nhà tù an ninh cao tới Bastoy.
"Khi mới tới đây, anh ta không giao tiếp với bất cứ ai", Vedvik nói.
Hiện tại, Vala đã có thêm rất nhiều bạn. Anh nói chuyện nhiều hơn. Sẵn sàng chịu trách nhiệm trước những công việc được giao. Đối xử với những con vật nhẹ nhàng hết sức, như thể sợ chúng bị đau.
Vala nói, sau khi mãn hạn tù, anh dự định sẽ làm trong ngành công nghiệp xây dựng và hy vọng có thể sở hữu một trang trại.
"Tôi đang tìm cách định hướng cho tương lai."
Vala chưa từng nghĩ tới điều đó trước khi được chuyển tới Bastoy.
Và những hy vọng, niềm tin đã tới khi anh được chuyển tới một nhà tù sang trọng, với một lâu đài và những con ngựa, để giúp anh trở về với cuộc sống bình thường.
Quỳnh Hoa (Theo CNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét