Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Lại "loạn": "Không kiên quyết thực hiện thì sẽ loạn"?

Lại "loạn". Hay là đã loạn rồi ?


(Toquoc) – “DNNN chỉ làm dịch vụ phục vụ nhân dân chứ không phải đi kinh doanh kiếm lời lãi. Khối này chỉ nên làm những lĩnh vực mà tư nhân không làm được”, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành chia sẻ.
Hàng loạt vụ việc làm ăn gian lận, gây thất thoát tài sản của một số doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thời gian gần đây đã minh chứng rằng, DNNN nếu không được tái cơ cấu cấp bách sẽ cản trở con đường phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành trao đổi với Tổ Quốc về vấn đề này.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành: Tái cơ cấu DNNN ở đây trọng tâm vẫn là làm thế nào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, loại bỏ những gì cản trở trên con đường đi lên của đất nước (Ảnh: Q.Anh)
“Không nên nói một đằng làm một nẻo”
P/V: Qua vụ việc Vinashin, Vinalines cho thấy, dường như cứ “đụng” đến DNNN nào đó là “có chuyện”. Điều này cho thấy tái cơ cấu DNNN  là việc không thể đừng được nữa, thưa ông?
T/S Bùi Kiến Thành: Chúng ta biết rõ chuyện này xảy ra là do hậu quả của thời gian trước đây cho nên không nên đặt vấn đề sớm hay muộn nữa mà phải là làm ngay, làm quyết liệt, nghiêm túc. Mà muốn làm quyết liệt thì phải xem bệnh ở đâu để chữa cho đúng. Nếu làm sai thì sửa sai còn khó hơn nữa. Vinashin, Vinalines chỉ là một ví dụ. Điều đáng nói là cả “núi” bị hỏng. Chúng ta phải xem hỏng ở trên hay ở chân “núi”.

Tái cơ cấu DNNN ở đây trọng tâm vẫn là làm thế nào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, loại bỏ những gì cản trở trên con đường đi lên của đất nước.
P/V: Trên thực tế, chúng ta đã từng thực hiện cải tổ đối với DNNN. Đó là việc một loạt  mô hình tổng công ty được thành lập theo Quyết định 90, 91 của Chính phủ và sau này là các Tập đoàn kinh tê. Song, những khiếm khuyết nội tại của mô hình này đã bộc lộ ngày càng rõ, đặc biệt là sự không minh bạch về sở hữu. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tham ô, gây thất thoát tài sản của Nhà nước mà vụ việc ở Vinalines, Vinashin là ví dụ.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đề nghị cần ban hành luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước vào mục đích đầu tư, kinh doanh tại các DNNN, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN cũng như nghiên cứu thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước độc lập. Mới nhất, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ một số dự thảo văn bản để tạo hành lang pháp lý cho các DNNN hoạt động và tăng cường quản lý vốn Nhà nước, giám sát thực trạng tài chính của khối này. Quan điểm của ông về việc này?
T/S Bùi Kiến Thành: Sáng kiến thì không khó. Hiện nay chúng ta cũng không thiếu những quy định để DNNN hoạt động nghiêm túc. Do vậy, hãy áp dụng tất cả những quy định đang có trước khi xây dựng luật mới.
Ví dụ, chúng ta đã có tất cả những quy định chặt chẽ về việc mua tàu, có quy định về giới hạn tàu bao nhiêu tuổi thì không được đăng kiểm….Nhưng vấn đề ở đây là “anh” vẫn cố ý mua tàu không thể đăng kiểm được rồi đăng kiểm ở nước khác.
Đó là việc tày trời không phải không ai biết, bởi con tàu nó to lù lù như thế! Đó là chuyện mười mấy năm rồi nhưng bây giờ mới nêu ra. Vậy Thanh tra Chính phủ ở đâu? Công tác kiểm tra nội bộ ở đâu?
Hay chuyện làm đường. Tại sao ở các nước họ làm những con đường cao tốc rất chất lượng trong khi cũng từng ấy tiền hoặc có khi nhiều hơn nhưng chất lượng đường cao tốc của chúng ta lại quá kém. Vậy kiểm định ở đâu?
Tóm lại, chúng ta không thiếu hành lang pháp lý, nhưng đáng nói là chúng ta không làm, thực thi không đúng. Vấn đề ở đây là trách nhiệm của các cơ quan thẩm quyền?
Việc tạo hành lang pháp lý cho các DNNN hoạt động và tăng cường quản lý vốn Nhà nước, giám sát thực trạng tài chính của khối này là điều nhất quyết phải thực hiện. Không thực hiện kiên quyết thì sẽ loạn. Đã làm sai thì phải sửa sai. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả thì phải có lộ trình, tổ chức chứ không nên nói một đằng làm một nẻo. Xây dựng khuôn khổ pháp lý nhưng không thực hiện nghiêm túc thì cũng không đi đến đâu cả.
P/V: Trong bản kiến nghị “Kinh tế 2012: Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế” vừa trình lên Quốc hội, Ủy ban Kinh tế cũng đã đề nghị chỉ cho phép duy trì các DNNN phục vụ quốc phòng, an ninh, lĩnh vực tạo ra hàng hóa thiết yếu cho nền kinh tế…chứ không đầu tư vào những ngành vì lợi nhuận đơn thuần. Theo ông, sau cuộc "đại phẫu" này, Nhà nước cần nắm giữ các lĩnh vực nào?
T/S Bùi Kiến Thành: Tôi cho rằng, cần xem xét DNNN nào làm đúng đường lối chủ trương, đó là chỉ làm việc dịch vụ, phục vụ nhân dân chứ không phải đi kinh doanh kiếm lãi. DNNN chỉ nên làm những lĩnh vực mà tư nhân không làm được.
Do vậy, tất cả những doanh nghiệp con của tập đoàn lớn mà có mục đích kinh tế thì phải nhanh chóng cổ phần hóa. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực điện thì ban đầu Nhà nước phải làm do vốn lớn và nhiều lý do khác. Tuy nhiên, đến mức nào đó mà tư nhân làm được thì nên để tư nhân làm. 
Ở nước ngoài, DNNN chỉ phục vụ nhân dân
P/V: Ông nghĩ sao khi Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, ở quốc gia nào cũng vậy, trước khi “chữa phải cho thuốc bổ để khỏe lên”. Dự kiến, việc tái cơ cấu DNNN sẽ cần nhiều tỷ đồng để tái cơ cấu nợ, xử lý lỗ, giải quyết lao động dôi dư… Dù vậy, điều này lại bất lợi ở chỗ sẽ làm tăng nợ công, tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế?
T/S Bùi Kiến Thành: Nước ngoài họ không làm như thế. Không  phải Nhà nước “nhảy” vào và ôm đồm tất cả chi phí của quá trình tái cơ cấu.
Tôi cho rằng, cần thiết phải làm một bài toán cụ thể về chi phí giải thể, cái nào tư nhân gánh, cái nào Nhà nước gánh.
Có những DNNN vẫn ăn nên làm ra, có lãi cao mà nếu bán đi thì vẫn có lời chứ!
PV: Cá nhân ông đã từng sống và làm việc trong lĩnh vực kinh tế ở nước ngoài nhiều năm. Ông có thể cho biết phương pháp quản lý DNNN ở nước ngoài có gì khác biệt với Việt Nam?
T/S Bùi Kiến Thành: Ở nước ngoài họ giữ lại rất ít DNNN. DNNN chỉ làm dịch vụ, phục vụ nhân dân.
Điều đáng nói là họ quản lý nhân sự rất tốt, đúng người đúng việc nên rất hiếm khi xảy ra tham nhũng, thất thoát tài sản…Vấn đề kiểm toán, quy định mua bán tài sản của họ cũng rất chặt chẽ. Đặc biệt không bao giờ xảy ra đầu tư ngoài ngành.
Ở bên Pháp hiện giờ chỉ còn những DNNN về lĩnh vực phục vụ như: tàu hỏa… Còn lĩnh vực hàng hải, bán xăng dầu Nhà nước cũng không nắm giữ.
P/V: Một số chuyên gia nhận định, tái cơ cấu DNNN lần này sẽ là giai đoạn rất khó khăn vì liên quan đến rất nhiều nhóm lợi ích. Cái khó không phải bắt đầu từ đâu mà phải ứng xử thế nào? Ông có cho rằng, thà “đau” một lần còn hơn cứ nhùng nhằng mãi?
T/S Bùi Kiến Thành: Rất khó khăn đấy nhưng vẫn phải làm. Quan trọng là phải có bản lĩnh, quyết tâm và phương tiện để làm.
Theo tôi, nếu Bộ Chính trị quyết tâm thì cuộc “đại phẫu” này sẽ thành công.
P/V: Xin cám ơn ông!
Quỳnh Anh (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét