Giới hạn của quyền lực
Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 06 năm 1968 (05/02/1968)
Tướng W. C. Westmoreland. Ảnh: The Vietnam Center and Archive
Người Cộng Sản dường như đã hết hơi rồi (Tướng Westmoreland, tổng tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt Nam, cuối tháng 1).
Người Mỹ là dân tay mơ (Tướng Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Bắc Việt).
Người lính cao cấp nhất của Mỹ ở Việt Nam tự chứng tỏ mình là một nhà tiên tri tồi. Lời nói của Westmoreland vừa tắt đi thì du kích quân của Giáp đã ập đến với nhiều hơi hơn bao giờ hết.
Họ đến, 50.000 người, trong những nhóm đặc công tự sát và trong những tiểu đoàn. Với những tràng pháo đốt mà người Phật giáo ở Việt Nam mở đầu cho “năm con khỉ” của họ, họ đã khai hỏa những phát đạn đại bác chết người.
Họ xung phong vào 55 thành phố và căn cứ và khiến cho, như tờ báo quân đội Ba Lan “Zolnierz Wolnosci” hân hoan mừng chiến thắng, “quân đội của một siêu cường quốc trở nên buồn cười.”
Những loạt đạn từ các khẩu súng máy của họ, đạn súng cối của họ và lực mạnh của cuộc tấn công của họ đã xé nát sự lạc quan chính thức, cái mà các sĩ quan thông tin Mỹ lan truyền đi không biết mệt từ Việt Nam ra thế giới, dựa trên những tính toán tiến đến chiến thắng của máy tính của họ.
Trước đây nhiều tháng, người Mỹ đã tuyên bố rằng địch thủ của họ sắp sửa chết. Người Cộng Sản mất 87.543 người, chỉ riêng trong năm vừa rồi theo tính toán của Hoa Kỳ, một phần tư triệu từ 1961. Việt Cộng, phát ngôn viên của Mỹ tuyên bố như thế, ngày càng phải tuyển mộ nhiều trẻ em hơn, để lấp đầy những chỗ trống của tổn thất.
Thế nhưng kẻ địch bị tiêu hao – mà bom đã rơi trên lãnh thổ của họ nhiều hơn là trên nước Đức trong toàn Đệ nhị thế chiến – đã đột kích quyền lực quân sự mạnh nhất thế giới.
Trận tấn công đầu năm của Giáp, cái bất thình lình khiến cho toàn Việt Nam trở thành mặt trận, cũng làm lung lay cả sự lạc quan của Westmoreland. Vào thứ năm vừa rồi, khi sở chỉ huy “Pentagon Ost” của ông ấy nằm trong tầm bắn của những người tấn công đỏ, vị tướng đã linh cảm: “Sẽ còn tồi tệ hơn nữa.”
Nó tồi tệ cũng đã đủ. Với súng chống tăng Xô viết, du kích quân đã bắn thủng lỗ bức tường bê tông của Đại sứ quán Mỹ trong trung tâm Sài Gòn, được xây dựng như một pháo đài tiêu tốn mất 10,4 triệu Mark.
Quân Đỏ thống trị sáu giờ liền biểu tượng cho sự hiện diện của Mỹ ở Việt Nam, rồi mãi sau đó, lính dù, lính cổ da và quân cảnh – đáp xuống mái nhà của Đại sứ quán bằng trực thăng – mới có thể chiếm lại được nơi ở của người đại diện cho Johnson, Ellsworth Bunker. Cho tới cuối tuần, những người đến tòa đại sứ vẫn còn bị thiện xạ Cộng Sản nhắm bắn, những người mà đã trụ lại trong các công trình xây dựng ở quanh đó.
Một lực lượng hỗn hợp gồm người Mỹ, Hàn Quốc và Nam Việt Nam, được tăng cường bởi lính cứu hỏa Sài Gòn, tấn công hai ngày trời một ngôi nhà phụ của Dinh Tổng thống trong Sài Gòn. Rồi các du kích quân còn sống sót mới chịu đầu hàng: chín người đàn ông và một cô gái.
Máy bay ném bom phản lực Hoa Kỳ phải bổ nhào tấn công căn cứ trung tâm của chính họ: phi trường Tân Sơn Nhất ở rìa Sài Gòn mà nhiều nhóm Việt Cộng đã cho nổ tung máy bay và phóng hỏa các bể chứa nhiên liệu. Và họ còn phải ném bom thủ đô Sài Gòn nữa, nơi những nhóm lớn Việt Cộng đã trụ lại trong chùa và trong các mục tiêu quân sự mà họ đã chiếm được ở nhiều nơi.
Máy bay ném bom của Hoa Kỳ thả napalm xuống thành phố cao nguyên Ban Mê Thuột, đã rơi hoàn toàn vào tay của kẻ địch, và họ cũng tiến hành những phi vụ tấn công thành phố lớn thứ hai của Việt Nam, Đà Nẵng, nơi quân Đỏ đã phá hủy máy bay Mỹ có giá trị hàng trăm triệu Mark.
Cái chết của một gia đình quân nhân ở ngoại ô Sài Gòn – lính miền Nam Việt Nam đứng gần các thi thể của một viên chỉ huy một trại đào tạo và trung tâm chỉ huy miền Nam Việt Nam và của các thành viên trong gia đình của ông ấy sau khi trại được tái chiếm lại từ Việt Cộng trong một khu ngoại ô phía bắc Sài Gòn ngày hôm nay. Chỉ huy, một đại tá, đã bị Việt Cộng chặt đầu và người vợ và sáu con đã bị bắn chết. Trên mặt đất gần các thi thể là đồ chơi và thực phẩm. Bên phải là những bao cát mà mấy đứa trẻ con đã nấp ở đấy.
Việt Cộng trong quân phục Nam Việt Nam (mà họ thắt băng tay đỏ thêm vào đó) tấn công và phá hủy các ngôi biệt thự của sĩ quan Nam Việt Nam và Đài phát thanh Sài Gòn trong trung tâm của thủ đô. Họ chặt đầu nhiều sĩ quan, những người được viên cảnh sát cao cấp nhất của Nam Việt Nam, tướng Nguyễn Ngọc Loan, trả thù cho: với khẩu súng ngắn, ông ấy bắn chết một Việt Cộng đã bị trói lại.
Trên một chợ trái cây ở ngay giữa thủ đô, du kích quân đã gài bẫy quân cảnh Mỹ: 25 quân cảnh rơi vào đó, tất cả đều bị giết chết hay bị thương.
Trong 24 của 44 tỉnh lỵ, tình trạng cũng giống như ở Sài Gòn. Trong Berlin của Việt Nam, trong Huế, thủ đô của các hoàng đế An Nam, lá cờ của Mặt trận Giải phóng đỏ bay trên Đại Nội.
Quân du kích còn tấn công vào các thành phố mà cho tới lúc đó vẫn còn chưa nghe thấy một tiếng súng nào: như Đà Lạt, nơi ẩn náu của những tướng lĩnh chuyên đảo chính đã về hưu và của những kẻ tham nhũng nhiều thành công, như một phi trường ở căn cứ Cam Ranh khổng lồ, cái đã được cho là an toàn tới mức Tổng thống Hoa kỳ Lyndon B. Johnson đã đáp xuống đó hai lần để động viên các chiến binh Việt Nam của ông ấy.
Khắp nơi trong nước, giữa vùng phi quân sự ở phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long ở phía Nam, giữa biển Đông ở phía Đông và biên giới Lào-Campuchia ở phía Tây, đạo quân ma của tướng Giáp chỉ cho “người Mỹ thấy ranh giới quyền lực của họ một cách đau đớn” (“New York Times”).
Nhưng với cuộc tấn công của họ, quân Đỏ còn đạt được nhiều hơn thế: họ chứng minh rằng tất cả những thông báo thắng lợi về những vùng “an toàn” và “bình định” chỉ là những lời nói trống rỗng mà thôi; từ thứ hai vừa rồi, ở Việt Nam không có thành phố an toàn nữa.
Nhưng trước hết là: họ chứng tỏ cho người dân thấy, rằng cả chính phủ lẫn người Mỹ đều không có khả năng bảo vệ bất cứ một người nào trước du kích quân, rằng chỉ việc người Mỹ rút quân mới có thể mang lại hòa bình. Ở nhiều nơi, người dân bày tỏ công khai thiện cảm với Việt Cộng: phụ nữ nội trợ ở Sài Gòn mang thức ăn đến cho họ, phật tử ở Huế chiến đấu sát cánh với quân Đỏ.
Trong vòng năm ngày, có gần 300 lính Mỹ và khoảng 700 lính đồng minh tử trận. Người Mỹ tính toán con số tử vong của Việt Cộng cao gấp mười lần, họ không công bố con số những người dân thường bị giết chết.
Việc người Mỹ ném bom các thành phố trong miền Nam còn làm cho dân chúng chống lại những người chiếm đóng xa lạ nhiều hơn nữa: nạn nhân của nó trong dân thường còn nhiều hơn là do du kích quân gây ra. Và các biện pháp của chính phủ Nam Việt Nam đã cô lập nhóm lãnh đạo ra khỏi nhân dân: họ tuyên bố tình trạng thiết quân lực, giới nghiêm và kiểm duyệt báo chí, để che đậy quy mô của thảm họa.
Người Cộng Sản đạt được tất cả các thành công về quân sự và tâm lý đó với những cuộc tấn công mà chính họ cũng như người Mỹ chỉ nhìn như là màn đầu của một cuộc tổng tấn công, cuộc tổng tấn công mà tướng Giáp muốn dùng nó để hiện thực lời tiên đoán của ông ấy, rằng 1968 sẽ là năm quyết định của cuộc Chiến tranh Việt Nam.
Nơi mà người ta chờ đợi trận đánh chính của người Cộng Sản thì lại là một trong những nơi yên tĩnh nhất trong tuần vừa rồi: căn cứ Khe Sanh ở cực Tây Bắc của đất nước này, nơi 8000 lính cổ da và Biệt Động Quân Việt Nam – bị ép lại với nhau trên hai kilômét vuông – đang chờ cuộc tấn công của 40.000 người Bắc Việt đang bao vây Khe Sanh từ nhiều tuần nay.
Quân Đỏ trì hoãn cuộc tấn công vào căn cứ này, cái theo các kế hoạch của Giáp phải trở thành Điện Biên Phủ của Mỹ: họ tiếp tục mang thêm đến đấy hàng tiếp tế và đạn dược và, để tránh cơn mưa bom không ngưng nghỉ của hàng trăm máy bay Mỹ, đào đường hầm cho đến tận hàng rào của căn cứ.
Sau cuộc tấn công bất ngờ của Việt Cộng trên khắp nước, bây giờ người Mỹ không còn chắc chắn nhiều cho lắm, rằng Tướng Westmoreland của họ nói đúng, khi ông ấy khẳng định có thể giữ được Khe Sanh.
Nhưng cuộc tiến công của quân Đỏ không chỉ hướng tới căn cứ Khe Sanh. Westmoreland hiện dự tính, như ông tuyên bố vào thứ năm vừa rồi, với một cuộc xâm lược của Cộng Sản vào các tỉnh phía Bắc của Nam Việt Nam, những cái được bảo vệ bởi một chuỗi căn cứ với 70.000 lính Mỹ, trước hết là lính Thủy Quân Lục Chiến.
Với một trận tấn công có quy mô lớn như vậy, những người Bắc Việt Nam của Tướng Giáp có thể đạt được hai mục đích:
Đánh bại lực lượng tinh nhuệ của Mỹ, lính cổ da – cái đồng thời cũng là một thành công lớn về mặt tâm lý
Qua chiếm đóng một phần của Nam Việt Nam mà thay đổi vị thế ban đầu trong các cuộc đàm phán trong tương lai – tiền đề cho một sự chia cắt Việt Nam nếu thế thì sẽ không còn nữa.
Cho tới nay, Tướng Giáp chỉ đưa ra một phần tám quân đội chính quy của ông ấy cho cuộc xâm chiếm các tỉnh ở phía Bắc. Nhiều sư đoàn khác có thể được ném vào trong trận đánh bất cứ lúc nào. Người Mỹ ngược lại đã phải rút quân từ những phần đang bị đe dọa khác của đất nước này và chống lại quân Đỏ ở Sài Gòn với lính hậu phương từ văn phòng và lính bị thương nhẹ từ bệnh viện.
Chúa tể chiến tranh cao cấp nhất của họ, Lyndon B. Johson, dường như là thế, chỉ có hai khả năng: thương lượng trong tương lai tới đây hay leo thang chiến tranh thêm một lần nữa.
Leo thang tiếp tục không chỉ có nghĩa là phát lệnh nhập ngũ cho những người dự bị – các kế hoạch tái kích hoạt hai sư đoàn dự bị đã được chuẩn bị rồi.
Leo thang tiếp tục cũng có nghĩa là cái viễn cảnh đen tối đấy có thể trở nên hiện thực, cái mà Lyndon Johnson trong mùa Hè 1967 đã thổ lộ với con gái của ông ấy: “Bố của con có thể sẽ đi vào lịch sử như là người đã gây ra Đệ tam thế chiến.”
Vì: trên những hộp cát, giới quân sự của Lầu Năm Góc đã thử hết mọi khả năng để sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật ở những nơi quân địch tập trung đông như quanh Khe Sanh.
Phan Ba dịch từ Der Spiegel 06/1968
http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-46135573.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét