Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

"LIÊN MINH LÚA GẠO VIỆT NAM - MYANMAR" - MỘT ĐỀ ÁN NGU XUẨN VÀ MÙ QUÁNG

Liệu biết có phải vì những phân tích như trong bài này mà Thái Lan không muốn xây dựng liên minh lúa gạo với VN ?
"LIÊN MINH LÚA GẠO VIỆT NAM - MYANMAR"
- MỘT ĐỀ ÁN NGU XUẨN VÀ MÙ QUÁNG


Nguyễn Phú: Hôm qua đọc trên Sài Gòn Tiếp thị Online bài tiếp theo của "Liên Minh Lúa Gạo Việt Nam - Myanmar, tại sao không?" mà muốn lên tension. Tại sao bọn họ lại có thể nghĩ ra một đề án quái đản như thế?
Lập tức ngồi gõ vào mục Ý kiến bên dưới bài này. Quý vị có thể đọc bài gốc theo links sau đây:
Còn đây là phần Ý kiến của mình:
    Tôi thiết nghĩ Liên minh này lợi bất cập hại cho nông nghiệp và nông dân Việt Nam. Ông bà ta dạy rằng: “Không ai dẫn đàng đi buôn.” Mà đây lại là buôn sĩ, buôn bán lớn. 
    Trước đây chúng tôi đã vô cùng sốc khi hay tin GS Võ Tòng Xuân nghe theo lời mời của một doanh nghiệp Việt Nam nào đó mà đem công nghệ trồng lúa của Việt Nam chuyển giao sang châu Phi. Xin biết cho rằng châu Phi chính là thị trường chủ yếu cho gạo phẩm cấp thấp, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành gạo Việt Nam. Xin hãy nhớ rằng 1 tấn gạo sản xuất thêm được ở châu Phi là giảm đi cơ hội xuất khẩu 1 tấn gạo của nông dân Việt Nam. Đừng nhầm lẫn từ thiện và kinh doanh, và việc kinh doanh bất chấp tất cả (như chuyển giao công nghệ trồng lúa-tài sản quốc gia cho nước khác) chính là hành động phản bội lợi ích đất nước mình. 
    Xin hãy hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo xem họ đã điêu đứng thế nào khi Ấn Độ trở lại thị trường lúa gạo thế giới. Giờ lại thêm Myanmar. Trong suốt thời gian bị cấm vận vừa qua, Myanmar đã phải xuất khẩu gạo gián tiếp thông qua Thái Lan. Nay, cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á được dỡ bỏ cấm vận chính là một đối thủ nguy hiểm cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam. Hai bài báo vừa rồi không biết các tác giả dựa vào đâu mà cho rằng gạo Myanmar kém hơn gạo Việt Nam. Là những người có thâm niên trong ngành mua bán lúa gạo quốc tế, chúng tôi biết rằng gạo Myanmar được ưa chuộng hơn gạo Việt Nam vì chất lượng không hề thua kém (thậm chí có phần nhỉnh hơn) nhưng giá cước vận chuyển thì thấp hơn khá nhiều (nếu mua giá FOB thì sẽ có thêm lợi nhuận từ giá vận chuyển). Tôi cảm nhận rằng các tác giả của đề án Liên Minh này mơ mộng tới một thứ OPEC của lúa gạo nhằm thao túng thị trường lúa gạo. Đấy là một giấc mơ hoang đường. Mà ngay cả kẻ cầm chịch xuất khẩu gạo là Thái Lan cũng không mơ tới. Cứ xem Thái Lan cứ lẳng lặng thu mua giá rẻ gạo Myanmar trong thời gian nước này bị cấm vận, chèn ép nước láng giềng để kiếm lợi nhuận siêu khủng thì thấy tầm cỡ của các nhà hoạch định chính sách Thái Lan. Họ gần hơn ta. Họ cũng có những nhà kinh tế “thông minh – trí tuệ”. Nhưng Họ còn tỉnh táo để bảo vệ cho lợi ích quốc gia của họ. 

    Xin các tác giả của Liên Minh và hai bài báo này hãy xuống tận các cánh đồng để biết được nỗi khổ nhọc của nông dân ta khi họ làm ra từng hạt lúa. Xin hãy đi theo các doanh nghiệp xuất khẩu để biết chúng tôi vất vả thế nào để bán từng tấn gạo “Made in Vietnam”. Ý tưởng “chủ động trong vai trò đầu tàu” là hoang đường, khi có ai dám bảo đảm rằng Myanmar sẽ cam chịu thế hạ phong trong Liên Minh sau khi đã nhận lãnh toàn bộ công nghệ và kinh nghiệm trong việc sản xuất và kinh doanh lúa gạo của Việt Nam, một tài sản quốc gia mà triệu triệu nông dân và hàng ngàn doanh nghiệp chúng tôi đã khó nhọc tạo ra trong mấy chục năm qua. 

     Đây là ý kiến cá nhân của tôi, một doanh nhân người Việt hiện đang hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo “Made in Vietnam” ở nước ngoài, ngay sau khi đọc hai bài báo về Liên Minh lúa gạo Việt Nam – Myanmar. Tôi kính đề nghị Quý báo Sài Gòn Tiếp Thị hãy tổ chức một cuộc tranh luận về chủ đề này với sự tham gia của các tác giả Liên Minh, người ủng hộ họ và đại diện nông dân, đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam. Xin đừng đi ngược lại lợi ích của những người làm ra hạt gạo góp phần nuôi sống toàn bộ dân số Việt Nam và mang hàng nhiều tỷ Mỹ kim về cho đất nước hàng chục năm qua. Xin hãy nhớ tình cảnh của nông dân cắn răng bán lỗ lúa và chính phủ phải bỏ hàng đống tiền mua lúa tạm trữ. Đừng nằm mơ trên giấy và để danh lợi cá nhân che khuất lợi ích dân tộc. Mong lắm thay!
------------

Liên minh lúa gạo Việt Nam – Myanmar, tại sao không?

SGTT.VN - Hàng loạt cuộc cải cách kinh tế gần đây ở Myanmar như: sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài, luật công ty, chính thức áp dụng chính sách thả nổi có kiểm soát đồng nội tệ, giảm dần cơ chế quản lý xin cho trong xuất nhập khẩu… khiến nước này trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế.
Hiện nay, Myanmar vẫn là một nước lấy nông nghiệp làm nền tảng để phát triển các ngành kinh tế khác. 
Trong lĩnh vực chính trị, sau cuộc bỏ phiếu bầu cử quốc hội bổ sung ngày 1.4 vừa qua, nhiều nước phương Tây cũng đang dần dần gỡ bỏ các rào cản cấm vận, tạo tiền đề cho Myanmar hội nhập quốc tế toàn diện. Sự khởi sắc của nền kinh tế Myanmar – “mảnh đất màu mỡ cuối cùng của châu Á” – sẽ có ý nghĩa gì với nền kinh tế các nước láng giềng, đặc biệt là đối với Việt Nam?
Có người cho rằng nếu quá trình cải cách tiếp tục phát triển thuận lợi, Myanmar có nhiều khả năng trở thành đối thủ mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gạo ở tương lai không xa. Không giống các nước khác trong khu vực hay bị thiên tai tàn phá, điều kiện thiên nhiên ở Myanmar rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Đất nước này có 19,39 triệu hecta đất nông nghiệp màu mỡ, có thể trồng hơn 60 loại cây nông nghiệp khác nhau.
Trong thập niên 1950 – 1960, Myanmar từng là nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu châu Á. Chỉ sau những bất ổn chính trị – xã hội, nền kinh tế suy thoái trong một thời gian dài, đất nước rơi vào cảnh nghèo nàn, trì trệ, ngành sản xuất lúa gạo mới trở nên tụt hậu. Hiện nay, Myanmar vẫn là một nước lấy nông nghiệp làm nền tảng để phát triển các ngành kinh tế khác. Chính phủ mới đang tiến hành nhiều chính sách để thúc đẩy lĩnh vực này. Chẳng hạn như các đơn vị xuất khẩu gạo được hỗ trợ bằng cách giảm thuế để hướng tới mục tiêu tăng sản lượng gạo xuất khẩu lên 20%, đạt 1 triệu tấn trong năm 2012 – 2013.
“Trâu chậm uống nước đục”. Liên minh lúa gạo Việt Nam – Myanmar không còn là câu hỏi nên hay không, mà là hình thức ra sao, và xúc tiến nhanh như thế nào.
Như vậy, với nhiều khả năng trở thành đối thủ cạnh tranh, liệu Việt Nam có nên tiên phong hỗ trợ Myanmar trong lĩnh vực lúa gạo, nhất là trong các hợp tác về cải tiến năng suất giống lúa, địa hạt mà Việt Nam có thế mạnh hay không? Câu trả lời chắc chắn là có, mà không những thế: phải làm ngay.
Thứ nhất, nếu Việt Nam không tiên phong, thì chắc chắn sẽ có nước khác nhảy vào. Đừng quên rằng một láng giềng khác của Myanmar là Thái Lan cũng là cường quốc xuất khẩu gạo, thậm chí còn đứng trên nước ta một bậc.
Thứ hai, lúa gạo Myanmar sẽ là nguồn đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam trong tương lai. Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, khi nước biển dâng, phần lớn đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập mặn, vựa lúa lớn nhất của cả nước sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng, thậm chí chất lượng. Khi đó, trên cơ sở mối quan hệ gắn kết giữa hai nước và những tương đồng về tập quán nông nghiệp, sản xuất lương thực, Việt Nam có thể dựa vào Myanmar trong việc nhập khẩu lúa gạo với những ưu đãi và cách tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn cung khác.
Cuối cùng, với mục tiêu “nông nghiệp Việt Nam phải hướng đến sự phát triển bền vững hơn, lấy chất lượng để thay số lượng” và cách thức thực hiện “giảm bớt sự phụ thuộc vào tài nguyên như đất, nước, vật tư, giá rẻ... chuyển sang tăng cường chất xám, năng lực quản lý của cán bộ nông nghiệp” như khuyến nghị của TS Đặng Kim Sơn, viện trưởng viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, thì việc “chuyển giao công nghệ – kỹ thuật” theo xu hướng chiều dọc cho những đối tác ở tầm phát triển giản đơn hơn thể hiện một tư duy dài hạn.
Thông qua việc sàng lọc, thử nghiệm, trao đổi công nghệ, giống lúa, kinh nghiệm với Myanmar, Việt Nam có thể nâng tầm chất lượng lúa gạo của mình, quảng bá thương hiệu hạt lúa Việt, tạo việc làm, phân công lao động, cũng như sắp xếp lại những phân khúc thị trường mà cả hai bên tận dụng được lợi thế cạnh tranh một cách hiệu quả nhất. Việc hỗ trợ này, xét về dài hạn không những đạt được nhiều lợi ích hơn là canh cánh nỗi lo bị cạnh tranh bởi Myanmar, mà còn góp phần nâng tầm quan hệ chiến lược hai nước, tăng cường lòng tin, tạo động lực cho việc hợp tác, trao đổi trong các lĩnh vực khác.
TRƯƠNG MINH – ĐỒNG DAO

Bàn tiếp về liên minh lúa gạo Việt Nam – Myanmar
SGTT.VN - Là một nước có truyền thống về nghề nông, thừa hưởng các ưu đãi về tự nhiên, và đang xúc tiến quá trình cải cách kinh tế rốt ráo, Myanmar có đầy đủ tiềm năng trở thành một đối tác chiến lược của Việt Nam trong việc sản xuất lúa gạo. Trong một hình dung tiếp theo về hợp tác giữa hai nước trong việc này, chúng ta không những cần tận dụng những ưu thế trên của bạn, mà còn phải đặt nó vào chiến lược tổng thể chung của chính sách nông nghiệp nước nhà.
“Đã hết thời của một nền nông nghiệp giá rẻ”. Tăng giá trị hạt gạo, tăng năng suất cho nền nông nghiệp là cái đích cuối cùng mà thông qua hợp tác này chúng ta nhắm tới. Ảnh: L.Q.Nhật
Nếu đặt vấn đề Việt Nam từ một nước phải nhập khẩu gạo, trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới (xét về lượng), nay phải chuyển hoá thành một quốc gia phát triển kinh tế dựa trên công nghiệp lúa gạo (trong ý nghĩa nâng tầm hơn về chất và tạo thương hiệu riêng cho hạt gạo) thì “công nghệ hoá” sản xuất lúa gạo và tăng giá trị hạt gạo nước nhà là quá trình bắt buộc phải diễn ra. Khi sự phân khúc thị trường diễn ra, các chuyên gia Việt Nam cần tiên phong giúp đối tác xây dựng các mô hình chuyển giao công nghệ. Nước ta đã đưa nhiều chuyên gia nông nghiệp sang các nước châu Phi, triển khai chương trình sản xuất lúa, chế biến tại chỗ và giúp đỡ nước bạn trong ứng dụng khoa học – công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Nhiều mô hình hợp tác thành công và tạo được tiếng vang. Đây có thể là những thí dụ mẫu mà hợp tác lúa gạo Việt Nam – Myanmar cần học hỏi.
Về lâu dài, sản phẩm làm ra được nâng cao giá trị thêm chứ không dừng lại ở việc bán thô. Tiến lên một bước trong khả năng hình thành thế mạnh thương hiệu gạo Việt, thì ngoài sức mạnh công nghệ, còn cần sức mạnh lan toả về sản xuất, trong đó có sự phân chia lao động giữa nhiều đối tác với nhau trong cùng một quy trình sản xuất hay phân chia lao động để đảm nhận các phân khúc khác nhau về thị trường. Một cách hình dung đơn giản là Việt Nam tổ chức các hoạt động sản xuất gạo và phân chia các quy trình hay thành phẩm ra nhiều địa điểm “sản xuất và gia công”. Điều này tương tự như hình thức các tập đoàn công nghiệp quốc tế đang tiến hành nhập linh kiện từ nhiều nước và xây dựng dây chuyền lắp ráp tại một nước có lợi thế về các chi phí đầu vào thấp nhất. Lúc này, Myanmar sản xuất lúa theo đơn đặt hàng của Việt nam, ta phân phối, qua đó giúp bạn tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết hơn với thị trường gạo thế giới. Cốt lõi trong mô hình này là vai trò của các địa điểm sản xuất đặt trong liên kết tổng thể trên mức độ toàn cầu.
Đề xuất thành lập liên minh lúa gạo giữa Việt Nam – Myanmar dưới góc nhìn trên đồng nghĩa với sự tái phân chia thị trường, trong đó Việt Nam chuyển sang tập trung vào phân khúc thị trường gạo cao cấp. Những thị trường mà Việt Nam đang chiếm lĩnh ở sản phẩm gạo trung bình và cấp thấp sẽ được chuyển lại cho các nhà sản xuất Myanmar với xác nhận quy chuẩn theo một tiêu chuẩn mà Việt Nam đã xây dựng tuỳ theo thị trường mà sản phẩm đó hướng tới (như chất lượng, số lượng sản phẩm sản xuất, thành phần hoá chất, thuốc trừ sâu, lượng phân bón, hay những chỉ dẫn về nguồn gốc địa lý hay xuất xứ). Trong đó việc chuyển giao không những là kỹ thuật, quản lý, mà còn là cách thức tạo ra một chuẩn mực chung được bạn hàng quốc tế chấp nhận. Thế mạnh của một liên minh như vậy ở chỗ một bên sẽ tiếp tục chủ động trong vai trò đầu tàu, từng bước thâm nhập vào thị trường nông sản cao cấp, một bên có sự tiếp cận tốt hơn đối với thị trường nông sản bậc trung. Bởi sự đứng chung của Việt Nam sẽ khiến gạo Myanmar được “định vị” trên thị trường thế giới – điều mà chắc chắn rằng nền sản xuất của bạn trong ngắn hạn (và có thể trung hạn) khó đạt được.
“Đã hết thời của một nền nông nghiệp giá rẻ”. Tăng giá trị hạt gạo, tăng năng suất cho nền nông nghiệp là cái đích cuối cùng mà thông qua hợp tác này chúng ta nhắm tới.
TRƯƠNG MINH – ĐỒNG DAO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét