Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Sao Hà Nội lại “sơ tán” Điện Biên Phủ lên... Lai Châu?

Văn hóa quan chức bây giờ thế này đây:

Sao Hà Nội lại “sơ tán” Điện Biên Phủ lên... Lai Châu?

(Phải hay Trái)- Sắp đến dịp cả nước mừng giải phóng miền Nam và kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, câu chuyện về lòng yêu nước bỗng dưng trở thành đề tài nóng trên các báo.
Nhân dịp kỷ niệm và nhân ngày xuân đẹp trời, có người thả bộ thong dong qua các phố trung tâm Hà Nội, vừa ngẫm nghĩ về những lời dạy yêu nước của một ngài Bộ trưởng, vừa tự dưỡng lòng tự tôn dân tộc khi nhìn những con đường mang tên danh nhân, tên các anh hùng và tên các địa danh ngời chói sử xanh.

Vừa đi vừa nghĩ ngợi thoắt cái đã đến đường Điện Biên Phủ, đang bùi ngùi bâng khuâng nghĩ đến chiến thắng oai hùng của cha ông, thì chợt giật nảy mình khi nhìn cái biển tên đường.
Cách đây dăm tháng, khỏi phải nói nhân dân cả nước đã nức lòng phấn khởi như thế nào khi nghe tin Hà Nội quyết định trau dồi lòng yêu nước, tự hào dân tộc bằng một phương pháp mới toanh: Thay vì những tấm biển khô khan trơ trọi ngày xưa, Thủ đô nay sẽ giải thích ngắn gọn về danh nhân, địa danh được chọn làm tên đường.

Riêng cái đám học sinh Hà Nội thì mừng rỡ phải biết vì khỏi phải đọc những bài dài ngoằng trong sách giáo khoa lịch sử, vẫn có thể hiên ngang trả lời Lý Thái Tổ là ai.

Gì chứ riêng lịch sử dân tộc mà cũng phải tra google thì phần thiêng liêng cũng giảm mất phần nào.
Nhưng cứ nhìn bức ảnh sau thì bạn biết sao người viết lại giật mình:
Biển đường Điện Biên Phủ dưới trời xanh Thủ đô, tại ngã tư Điện Biên Phủ - Hoàng Diệu.
Biển đường Điện Biên Phủ dưới trời xanh Thủ đô, tại ngã tư Điện Biên Phủ - Hoàng Diệu.
Đúng là chưa kịp hết rưng rưng xúc động thì lại thêm phần nghẹn ngào đến khó thở. Có thể hơi ngoa, nhưng hình như có lẽ tất cả những ai học hết lớp 3 đều biết Điện Biên Phủ từng nằm ở Lai Châu thủa nảo thủa nào, nhưng nay thì cái tên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” này thuộc tỉnh Điện Biên, kể từ khi tỉnh Lai Châu cũ được tách làm 2.
Sau mấy ngày cuối tuần, sắp tới chúng ta sẽ đón mừng ngày lễ 30/04 bỗng dưng chủ đề lòng yêu nước trở thành nóng bỏng trên tất cả các báo.

Chưa tính đến định nghĩa mới về
lòng yêu nước của ngành giao thông đã nóng bỏng tay trên mặt báo mấy hôm nay, báo Tuổi Trẻ còn mở hẳn một chủ đề để độc giả rộng đường thảo luận rằng thế nào là yêu nước, nhân cái sự “nói xấu” "nói sai" về đất nước của các hướng dẫn viên du lịch.
Ừ, phải nói dân Việt Nam ta quả là luôn có lòng nồng nàn yêu nước, nếu không thì sao mà còn cái đất nước này qua hàng chục cuộc chiến tranh xâm lược suốt chiều dài lịch sử.

Vì thế, cái nhã ý dạy dân lịch sử qua tên đường của Hà Nội quả là đáng khen ngợi, nhưng nhìn biển tên đường Điện Biên Phủ, người ta không khỏi chạnh lòng cho đất Thủ đô ngàn năm văn vật, nơi hội tụ tri thức của cả nước.


Chẳng biết sở ngành nào của Hà Nội phụ trách cái việc chú giải biển tên đường, nhưng sở ngành nào thì cũng nên thông cảm cho họ, quý vị ạ.
Này, tuy là Thủ đô nhưng cũng khó khăn lắm, chỉ riêng cái chuyện đường sá mà ta đang nói đây cũng đã đủ lắm chuyện rồi, nào tắc đường nào kẹt xe chẳng lúc nào nguôi.

Thỉnh thoảng, đường Hà Nội còn đột nhiên lãng mạn khi chợt biến thành sông sau những cơn mưa, mà lãng mạn nhất là trận lụt lịch sử năm hai ngàn lẻ tám, bất chấp lời nhận xét từ cả ngàn năm trước của của cụ Lý Công Uẩn rằng Thăng Long “đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm”.
Thế nên, nghĩ đi nghĩ lại thì cái chuyện có nhầm lẫn một chút về địa danh Điện Biên Phủ cũng là do khách quan thôi, ai cũng bận trăm công nghìn việc cả mà lại toàn việc lớn, nào ai muốn thế bao giờ. Chuyện nhỏ như con thỏ đang gặm cỏ thôi, thay biển khác là xong chứ gì, có gì đâu mà phải rậm lời?
Những người lém lỉnh còn có một cách giải thích hơi khác nhưng không kém phần thuyết phục về nguyên nhân khiến vị cán bộ nào cứ nhất quyết không cho tỉnh Điện Biên tách ra khỏi Lai Châu.

Có lẽ vị này vẫn chưa hết sung sướng với việc Hà Tây được nhập về Hà Nội 4 năm về trước, nên ấm ức với việc Lai Châu bị tách ra làm 2 từ dăm năm trước chăng?
Các bậc phụ huynh và thầy cô giáo thì lại ân hận không để đâu cho hết khi lâu nay cứ trách oan đám học trò mặt trắng vì cái tội dốt môn lịch sử.

Riêng nhà báo và đám độc giả còn tự thấy ăn năn vì từng nhao nhao phản đối lời đánh giá của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục rằng hàng ngàn điểm 0 môn Lịch sử trong kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2011 là bình thường.
Đúng là hoàn toàn bình thường thật, người lớn làm gì có tư cách mà mắng cái đám trẻ con trong chuyện này, khi các cán bộ ưu tú của Thủ đô cũng không phân biệt nổi 2 tỉnh trên bản đồ non sông gấm vóc?

Thế mới biết, hóa ra những câu chuyện tiếu lâm cười ra nước mắt về sự nghiệp đèn sách, kiểu như “đến ngày 30/4/1975, bộ đội ta đã tiến thẳng và bao vây Điện Biên Phủ” hay “nhà máy Thủy điện Hòa Bình nằm ở Tây Nguyên”, cũng không hẳn hoàn toàn là do đám học trò dốt nát bịa đặt.
Mẫu gốc tượng đài Thánh Gióng dưới chân núi Sóc. - Ảnh: Thanh Niên
Mẫu gốc tượng đài Thánh Gióng dưới chân núi Sóc. - Ảnh: Thanh Niên
Dẫu vậy, người dân Điện Biên Phủ cũng không nên quá rầu lòng bởi sự tắc trách của các sở ngành Thủ đô.

Người viết dám cá rằng chẳng phải vì Điện Biên ở xa mà cán bộ Thủ đô thiếu quan tâm đâu, bằng chứng là câu chuyện mấy hôm nay tờ Thanh Niên vẫn miệt mài phản ánh: Mẫu gốc tượng đài Thánh Gióng bằng thạch cao, cao 3m, nặng 2 tấn đã bị phá hoại ngay dưới chân núi Sóc  - nơi người anh hùng thiếu niên bay về trời sau khi chiến thắng giặc Ân.
Ừ, Hà Nội là quê hương Phù Đổng Thiên Vương, mà còn chẳng ai quan tâm đến mẫu gốc tượng đài – tác phẩm nghệ thuật được trao Giải thưởng Nghệ thuật Thăng Long 1.000 năm, được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và bằng khen của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội – thử hỏi làm sao người ta để ý đến chuyện Điện Biên Phủ nằm ở nơi nào?

Và bài văn học trò bất hủ kể rằng “sau khi đánh thắng giặc Ân, Gióng không biết đi đâu về đâu nên đành bay về trời” mà các báo điện tử đưa vào mục truyện cười, bỗng dưng lại có duyên đến lạ.
Chỉ băn khoăn không biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ nghĩ gì, khi từ ngã tư Hoàng Diệu – Điện Biên Phủ, nơi có tấm biển đường bất hủ của Hà Nội, đến nhà ông chỉ có vài chục mét, khi ngày 7/5 “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” gắn với tên tuổi của ông sắp đến?
Hôm nay, báo chí đưa tin: Ngày 5/4, tại Nghĩa trang Quốc gia đồi Độc Lập - Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Pháp hội cầu Quốc thái dân an và cầu siêu cho các Anh hùng liệt sĩ đã được tổ chức long trọng.
  • Tam Thái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét