Định không lưu bài này, song thấy quá điên đầu khi đọc cái tiêu đề "Chống lạm phát: Phải chặn hiện tượng phá sản" và nghe ông nguyên Thống đốc NHNN, người hiện vẫn đang giữ nhiều chức vụ khác như Đại biểu QH, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ..., tuyên bố toàn những điều đối lập với mọi lý thuyết kinh tế. Có lẽ trong toàn bộ phát biểu trích đăng dưới đây, chẳng có ý nào phù hợp với lý thuyết kinh tế trong thời lạm phát cả. Còn TS Thành đến Diễn đàn chỉ để thông báo những tin mà báo chí đưa lại nhan nhản ? Chắc không phải thế, có lẽ do trình độ phóng viên đưa tin quá yếu.
Phát biểu như đùa:
"Chống lạm phát: Phải chặn hiện tượng phá sản"
Ngày 19-4, báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức Diễn đàn kinh doanh thường niên lần thứ ba với sự bảo trợ của Bộ Công Thương và UBND TP.HCM.
Phát biểu tại đây, TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam nhận định: Hiện nay khả năng thanh khoản của nền kinh tế, thanh khoản của DN đang rất yếu. Tình hình sản xuất đình trệ, số lượng DN phá sản ngày càng tăng. (Chỉ tính ba tháng đầu năm đã có tới 2.200 DN giải thể và 9.900 DN đăng ký ngừng hoạt động). Muốn chống lạm phát phải giảm được tình trạng DN phá sản. Nếu một DN phá sản sẽ kéo theo hàng trăm công nhân mất việc làm, sản xuất không phát triển dẫn đến thiểu phát. “Vậy vấn đề hiện nay là phải làm sao để đảm bảo sản xuất (ít nhất cũng bằng năm ngoái) để công nhân có việc làm và đảm bảo thu nhập, đó mới là điều quan trọng nhất” - ông Kiêm nói.
Muốn vậy, ông Kiêm cho rằng phải tạo thêm các yếu tố thuận lợi và thời cơ để DN có thể phát triển. DN phải làm sao để tiết giảm chi phí tối đa nhưng vẫn đạt hiệu quả cao nhất. “Riêng lĩnh vực tài chính ngân hàng phải đảm bảo sức mua của đồng tiền, làm sống lại thị trường tiêu dùng, thị trường bất động sản… thông qua tín dụng, kiểm soát tỉ giá…” - ông Kiêm nói.
Theo TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, trong tuần qua cũng đã có ba cuộc họp về vấn đề này ở cấp Chính phủ. Trong đó có bàn đến các giải pháp hỗ trợ DN như giảm thuế, tạo cơ hội cho DN tiếp cận với trái phiếu chính phủ, nguồn vốn ODA, giảm lãi suất… Đồng thời, sẽ có hàng loạt chính sách nới lỏng về cho vay tiêu dùng, bất động sản. “Các cơ quan quản lý cũng đang xem xét mở rộng cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán hơn mức 49% hiện nay và đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư thương mại” - ông Thành nói.
Y.TRANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét