Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Châu Âu phát huy chỉ số ''sống khỏe" để đo lường chất lượng cuộc sống người dân

Châu Âu phát huy chỉ số ''sống khỏe" để 
đo lường chất lượng cuộc sống người dân 

 

Sống lâu với sức khỏe tốt là điều ngày càng được giới nghiên cứu và chính phủ các nước Châu Âu chú ý

Sống lâu với sức khỏe tốt là điều ngày càng được
 giới nghiên cứu và chính phủ các nước Châu Âu chú ý
 
Trọng Nghĩa
Cho đến nay, khi tìm hiểu về chất lượng cuộc sống tại một nước nhất đinh, giới nghiên cứu thường chú ý đến nhiều chỉ số trong đó có tuổi thọ. Con số này càng lớn, thì điều đó có nghĩa là đời sống tại nước đó tốt. Một chế độ ăn uống lành mạnh, công việc chăm sóc sức khỏe đàng hoàng đương nhiên giúp con người kéo dài tuổi thọ.

Trong những năm gần đây, để giúp các chính phủ châu Âu hoạch định được những chính sách thích hợp để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, giới nghiên cứu đã sáng tạo một khái niệm mới, gọi theo tiếng Pháp là "espérance de vie sans incapactié" (EVSI) - tạm dịch là "tuổi thọ năng động" – tức là khoảng thời gian trung bình mà một nhóm dân số được sống bình thường, đầy đủ sức khỏe, không bị bất kỳ hạn chế nào vì lý do bệnh tật đến mức phải lệ thuộc người khác.
Theo Viện Quốc gia Nghiên cứu Y khoa và Sức khỏe Pháp Inserm, tuổi thọ năng động này chỉ « quãng đời lúc con người còn khỏe mạnh ». Từ năm 2005 đến nay, chỉ số EVSI đã được ước tính hàng năm cho toàn bộ các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu, tương tự như chỉ số thông thường là tuổi thọ "espérance de vie" (EV).
Ngày 19/04/2012, tại Paris, lần đầu tiên mở ra một hội nghị của nhóm công tác hỗn hợp châu Âu về các loại tuổi thọ, tên gọi tiếng Anh là EHLEIS – European Joint Action on Healthy Life Years. Hội nghị tập hợp các chuyên gia về y tế, nhân khẩu học … đến từ 27 nước châu Âu.
Trong số các tài liệu được công bố nhân hội nghị, lý thú nhất có lẽ là những kết luận có thể rút ra được từ bản nghiên cứu của Viện Inserm tại Pháp về tuổi thọ tại 27 thành viên châu Âu hiện nay.

Phụ nữ sống lâu hơn nam giới
Nhìn một cách tổng quát, tương tự như xu hướng chung trên thế giới, phụ nữ châu Âu sống lâu hơn nam giới. Tuổi thọ trung bình của phái nữ theo số liệu của năm 2009 là 82,6 năm, trong lúc của phái nam chỉ là 76,7 năm mà thôi.
Phụ nữ tuy sống lâu, nhưng lại khổ hơn nam giới, nếu căn cứ vào tuổi thọ năng động EVSI. Ở nữ giới, quãng đời khi còn đầy đủ năng lực là 62 năm, gần giống như ở nam giới là 61,3 năm. Nhưng vì phụ nữ sống dai hơn phái nam đến 6 năm, thành ra, đó chính là 6 năm sống trong cảnh bị thiếu năng lực và sức khỏe.
Một kết luận lý thú khác liên quan đến từng nước cụ thể. Dựa theo kết quả nghiên cứu của Inserm, vào năm 2010, Thụy Điển là thiên đường của nam giới vì ở đó họ vừa sống lâu – với tuổi thọ EV kỷ lục ở châu Âu là 79,6 năm – vừa sống khỏe mạnh lâu – với tuổi thọ năng động EVSI cũng cao nhất châu Âu là 71,7 năm.
Ở cực ngược lại, đàn ông nước Litva được xem là yểu số nhất, với tuổi thọ vỏn vẹn là 62 năm, tức là thua đàn ông Thụy Điển đến gần 20 năm.
Các bậc mày râu tại Cộng hòa Slovakia thì thuộc loại yếu sức khỏe nhất châu Âu, với chỉ số tuổi thọ năng động EVSI chỉ là 52,3 năm. Điều đó có nghĩa là đàn ông nước này phải chịu cảnh bị hạn chế trong các hoạt động thông thường trong trung bình 20 năm !
Còn đối với phụ nữ thì đâu là thiên đường ? Câu trả lời sẽ là Pháp và Tây Ban Nha, nếu tính theo tuổi thọ đơn thuần. Chỉ số EV của nữ giới tại hai quốc gia này vào năm 2010 là 85,3 năm ! Khoảng cách so với phụ nữ Bulgari vốn có tuổi thọ ngắn nhất Châu Âu – 77,4 năm – như thế lên đến gần 8 năm.
Có điều là sống lâu không có nghĩa là sống khỏe mạnh. Trên bình diện này, khỏe nhất chính là các phụ nữ đảo Malta và Thụy Điển, có chỉ số EVSI thuộc hai thứ hạng đầu châu Âu : 71,6 năm và 71 năm.
Riêng đối với phụ nữ Pháp thì sống lâu không hẳn là sống tốt, vì lẽ nếu đứng đầu châu Âu về tuổi thọ tuyệt đối, phụ nữ Pháp chỉ đứng thứ 10 nếu tính theo chỉ số tuổi thọ lúc còn năng lực.
Tóm lại, tuổi thọ của dân số tăng là một điều đáng mừng, nhưng cũng máy móc kéo theo đà tăng gia số lượng người già, nguy cơ bệnh tật cũng như sự lệ thuộc. Nhờ chỉ số mới EVSI, các nhà hoạch định chính sách có thể thấy rõ được quy mô của xu hướng đó để có những biện pháp cải thiện thích hợp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét