Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

“Ông Bụt” của trẻ nghèo: Bác Sam Russell - người Pháp

Đọc mà cảm động về bác Sam Russell với Quỹ của bác và những tình cảm của bác dành cho đất nước Việt Nam. Cám ơn Bác Tây (nom dáng rất Ba lô nhưng rất dễ yêu nhờ có đôi kính tri thức) rất rất rất... nhiều.
Nhưng lại tự hỏi vừa mới đọc bài bác Bộ trưởng Luận đi thăm Tây Nguyên mấy phút trước mà không hề thấy xúc động dù bác chỉ đạo rất mạnh mẽ: "Không để cho học sinh dân tộc thiểu số thiếu gạo ăn". Có lẽ vì nhìn Đoàn công tác của bác đi đông người, cách tặng hoa, tặng quà, treo phông màn hoan nghênh Đoàn quá hoành tráng và theo đúng kịch bản quay phim, chụp ảnh để đưa khoe lên báo, tivi... mà nghĩ bác chỉ nói dzậy mà trong đầu nghĩ không phải dzậy và làm càng không phải dzậy nên mình mới không xúc động như dzậy.

“Ông Bụt” của trẻ nghèo

Chính vì tình cảm với trẻ cơ cực, không gặp may đã khiến ông đặc biệt yêu thích công việc mình đang làm. Gần 50 ngôi trường mà ông tham gia xây dựng chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa nghèo khó

Tiếp tôi tại văn phòng Quỹ Trẻ em Việt Nam (VCF) đặt trong căn hộ của một người bạn ở Hà Nội, ông Sam Russell hồ hởi kể về ngôi trường thứ 48 ở Yên Bái do VCF tài trợ vừa khánh thành. “Đây là ngôi trường 2 tầng, có 8 lớp, nếu chia thành 2 buổi học sáng và chiều thì có thể tiếp nhận được khoảng 250-300 cháu” - Sam hào hứng.
Duyên may và máu phiêu lưu
Chỉ vào tấm bản đồ Việt Nam đã phủ nhiều mảng xanh - những nơi VCF đã xây trường, vị giám đốc dự án VCF người Pháp khẳng định: “Chúng tôi sẽ phủ xanh toàn bộ bản đồ này trong vài năm tới. Gần nhất là ngôi trường thứ 49 sẽ được mọc lên ở Buôn Đôn – Đắk Lắk”.
Duyên may cùng với cá tính thích phiêu lưu đã đưa Sam Russell đến Việt Nam từ 20 năm trước. Là một kỹ sư chuyên về xây dựng, ông đã có nhiều năm lăn lộn làm việc ở nhiều nước. Năm 1992, vợ chồng ông muốn thay đổi cuộc sống nên tính chuyện rời nước Pháp để đi làm ở quốc gia khác. 
“Ông Bụt” Sam Russell giữa những học sinh nghèo
“Vợ tôi là giáo viên dạy trường quốc tế, cô ấy được lựa chọn giữa Tokyo, Bangkok và Hà Nội. Chúng tôi đã chọn Hà Nội vì lúc đó TP này được xem là cực kỳ thú vị, đầy bí ẩn ở khu vực Đông Nam Á. Mới đầu, tôi tham gia các tổ chức từ thiện của Liên Hiệp Quốc nhưng vì tình yêu con trẻ, tôi bắt đầu làm việc cho VCF từ năm 1994 đến nay” - ông Sam nhớ lại.
Chính vì tình cảm với những đứa trẻ cơ cực, không gặp may đã khiến Sam đặc biệt yêu thích công việc ông đang làm. Những ngôi trường mà ông cùng đồng nghiệp xây dựng chủ yếu nằm ở những vùng sâu, vùng xa và còn nghèo khó ở Việt Nam.
Không kìm được nước mắt
Sam cho biết ông đã gặp ở nhiều nơi những con người giản dị, thân thiện nhưng có tấm lòng khoan dung, rộng rãi. Ở Yên Bái, ông đã không kìm được nước mắt khi chứng kiến một nông dân nghèo đã hiến mảnh đất vườn nhà mình để làm đường đến trường cho trẻ.
“Ở một địa phương khác, tôi gặp một phụ nữ dân tộc thiểu số đã bỏ tiền xây cây cầu bắc qua con suối hung hãn để các em nhỏ đến trường không gặp hiểm nguy. Một số gia đình còn cho cả mảnh đất mà họ đang sinh sống để làm trường học vì mong con em mình có ngôi trường đàng hoàng hơn. Ở bất cứ đâu, tôi cũng chứng kiến sự hy sinh của những con người bình dị như vậy. Tôi khâm phục sự ham học của người Việt. Tôi không thấy ở đâu mà ai cũng tôn sư trọng đạo và rất quan tâm đến việc học cho con như ở đây” - ông tâm sự.
Song có lẽ câu chuyện làm Sam xúc động nhất là khi ông đi xây trường ở Cà Mau 15 năm trước. Địa điểm ông chọn là ngay sát mũi Cà Mau, nơi đất luôn bị xói lở, rất khó xây cất. Là kỹ sư xây dựng, Sam rất thích thử thách những khó khăn mà ông tin mình sẽ làm được. “Hôm trường khánh thành, một bà lão run rẩy đến bảo tôi rằng giờ cụ đã có thể yên tâm nhắm mắt khi biết cháu mình sẽ được cắp sách đến trường” - mắt ông rưng lệ.
Sam cho tôi xem hình ảnh hàng loạt ngôi trường cũ và mới. Những ngôi trường mái tranh, vách đất, mùa đông rét thấu xương, mùa hè nắng dội xuống đầu học trò đã biến thành các công trình 2 tầng đẹp đẽ, khang trang như những vết son giữa các xóm làng nghèo khó. Điều khiến Sam rất đỗi tự hào là trẻ em và cả nhiều người lớn ở các nơi này đều xem “ông Tây” có vóc dáng nhỏ thó nhưng trên môi luôn nở nụ cười niềm nở, đôn hậu này như “ông Bụt”.
“Những ngôi trường dường như làm thay đổi cuộc sống của người dân địa phương. Vài năm sau, có dịp quay trở lại, tôi thấy quanh trường mọc lên nhiều ngôi nhà, đường sá rộng rãi hơn, người dân cũng tự hào vì họ có được ngôi trường của riêng mình” - ông nhận xét.
VCF chuyên xây dựng và cung cấp trang, thiết bị cho những ngôi trường tiểu học có 8 phòng với chi phí khoảng 150.000 USD/trường. Tiền tài trợ được chuyển trực tiếp từ Mỹ, nơi VCF đặt trụ sở. “Mục đích của chúng tôi là xây được nhiều ngôi trường, không quá tốn kém mà vẫn tốt, hiệu quả” – ông tiết lộ.
Công việc tuyệt vời
Sam cho biết ông không bao giờ quên cảm xúc của mình khi dự khánh thành một ngôi trường ở Bình Định. Trường xây ở một ngôi làng của người Bana đã bị lũ san phẳng. Ngày trường khánh thành, cả làng có mặt. Ngôi trường mới toanh, sạch như lau, không có một vết vữa nào còn vương lại.
“Tôi bắt gặp ở đây những gương mặt hân hoan của trẻ và những nụ cười không tắt trên môi người già. Lần đầu tiên tôi cảm nhận công việc mình làm thật tuyệt vời” – ông xúc động.
Bài và ảnh: BÍCH DIỆP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét