Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Nới lỏng tín dụng cho ai?

Bài lủng củng, so sánh với Mỹ rất khập khiễng, những đồng pha cũng có vì kinh tế Mỹ ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu trong khi kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng của biến động kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên quan hệ trực tiếp giữa ta và Mỹ không cao, mang tính ngẫu nhiên nhiều. Mặt khác, khối chuyện lệch pha giữa ta với Mỹ và thế giới đã và đang diễn ra... VN đã có 2 QE và kèm theo đó là hai cuộc khủng hoảng lạm phát cao nhất thời kỳ đổi mới; nếu thêm 1 cái QE3 nữa thì không biết đất nước sẽ về đâu ?

Nới lỏng tín dụng cho ai? 

Nếu quy luật "đồng pha" giữa kinh tế Mỹ và kinh tế Việt Nam vào năm 2009 được lặp lại thì có thể hy vọng vào điều gì đó đỡ u ám hơn. Một chứng nghiệm nho nhỏ đang diễn ra là vào thời gian này, cánh cửa của các thị trường nhập khẩu phương Tây đang hé rộng hơn, vừa đủ để một số mặt hàng xuất khẩu thiết yếu của Việt Nam lọt qua khe hẹp.
 
Từ "quy luật đồng pha" năm 2009
Những ông chủ ngân hàng - chứng khoán ở Việt Nam có lẽ là người hài lòng nhất với... QE3. Gói kích thích kinh tế theo dạng Chương trình nới lỏng định lượng mà Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Bernanke hứa hẹn từ giữa năm 2011 đến nay, cho dù vẫn còn nguyên giá trị của một lời hứa, nhưng đã làm cho thị trường chứng khoán Hoa Kỳ phản ứng khá tích cực và có vẻ như đã kéo theo cả mặt bằng giá cổ phiếu ở Việt Nam lên cao hơn.
Vào quý 1 năm nay, Bernanke đã lần đầu tiên nêu ra dự báo là GDP Mỹ có khả năng tăng trưởng đến 3% trong quý 2. Tỷ lệ này sẽ là một thành công trên cả mong đợi của giới đầu tư chứng khoán Phố Wall, nếu so với chỉ số niềm tin của họ đã bị rơi vào trạng thái đình trệ cho đến tận cuối năm ngoái, vào thời điểm mà những dự báo lạc quan nhất cũng chỉ dám ước đoán tốc độ tăng trưởng GDP chỉ khoảng 2-2,5% trong năm 2012.
Hiệu ứng có thể ảnh hưởng đến Việt Nam từ GDP Mỹ dường như mang tính song hành. Cho dù không còn "thời hoàng kim" 8-9% như tỷ lệ đã từng đạt được vào năm 2009 trong mối tương quan ngang bằng với người Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam vẫn duy trì một quyết tâm nào đó đối với mức tăng trưởng 5-5,5% trong năm nay.



Với các nhà đầu tư chứng khoán, sự ổn định của GDP là một nhân tố đủ để thỏa mãn về điều kiện cần cho thị trường đầu cơ. Trong thực tế, đến nay người ta đã có thể xác nghiệm lại thái độ phản ứng trước của TTCK Mỹ so với triển vọng phục hồi của nền kinh tế quốc gia này: nếu những dự báo tương đối lạc quan về kinh tế thế giới mới chỉ xuất hiện trong hai tháng 2-3/2012, thì TTCK Mỹ đã trở thành đầu tàu dẫn dắt các TTCK chủ chốt ở châu Âu và châu Á hoàn tất một chu kỳ "kim chỉ nam" cho kinh tế từ tháng 10/2011. Tức độ trễ phục hồi của kinh tế so với chứng khoán là khoảng 4-5 tháng.
Một hiện tượng có tính trùng hợp là điều tương ứng cũng đang diễn ra ở Việt Nam. Vào cuối năm ngoái, vẫn chưa ai biết là thị trường cổ phiếu sẽ còn "sa ngã" đến mức nào. Nhưng kể từ khi hai vị đứng đầu của ngành ngân hàng và tài chính Việt Nam luân phiên xuất hiện với một số thông điệp lạc quan, TTCK Việt Nam đã lập đáy vào đầu năm 2012 và đi lên từ đó đến nay.
Vào cuối năm trước, cũng như buổi hoàng hôn của chứng khoán, người ta bi quan nhìn về tương lai kinh tế Việt. Đến cuối quý 1/2012, như một hiệu ứng tương đồng với Bernanke, giới chức điều hành kinh tế Việt Nam cũng bắt đầu nêu ra dự báo là khả năng giữa quý 2/2012 là "vùng đáy" của nền kinh tế quốc gia này.
Nếu quy luật "đồng pha" giữa kinh tế Mỹ và kinh tế Việt Nam vào năm 2009 được lặp lại thì có thể hy vọng vào điều gì đó đỡ u ám hơn. Một chứng nghiệm nho nhỏ đang diễn ra là vào thời gian này, cánh cửa của các thị trường nhập khẩu phương Tây đang hé rộng hơn, vừa đủ để một số mặt hàng xuất khẩu thiết yếu của Việt Nam lọt qua khe hẹp.

Đến QE3 ở Việt Nam?
Bối cảnh nội tại của nền kinh tế Việt Nam, tuy vẫn bị ám ảnh bởi con số năm chục ngàn doanh nghiệp phá sản vào năm 2011 và khoảng một phần năm con số đó phải ngừng hoạt động vào đầu năm nay, nhưng lại đang phát ra một nghịch lý: nhiều, nếu không muốn nói là tuyệt đại đa số các ngân hàng thương mại lớn đang phải chịu cảnh ứ vốn mà không cho vay được. Lý do? Lãi suất và các loại "phụ phí" vẫn cao, đầy tính đe dọa cho bất kỳ một "con nợ tương lai" nào. Hiển nhiên không mấy doanh nghiệp  tự "chui đầu vào thòng lọng".
Không khác gì giới tài chính hùng mạnh nhất của Phố Wall, những năm gần đây ở Việt Nam đã hình thành những nhóm lợi ích. Vàng, chứng khoán, bất động sản hay cả ngoại tệ đều có thể liên quan mật thiết đến quyền lợi của những nhóm lợi ích chuyên biệt. Nhưng trên tất cả, ngân hàng là ông chủ nhà trọ mà vào thời nào cũng tồn tại được.
Nếu 2011 được xem là thời gian khó khăn nhất đối với doanh nghiệp kinh doanh trong các thị trường đầu cơ như chứng khoán và bất động sản, thì ngân hàng lại nổi lên như một nhóm lợi ích cầm cân nảy mực, có toàn quyền chi phối và cả thao túng thị trường.
Những năm trước, ngân hàng chủ yếu chỉ kinh doanh tiền tệ và tín dụng, thì năm 2011 có thể được xem là mốc thời điểm mà nhóm lợi ích này đã lấn sân sang cả lãnh địa bất động sản. Còn với các công ty chứng khoán, sự sinh tử lệ thuộc hoàn toàn vào huyết mạch tín dụng của ngân hàng. Vai trò chủ nợ chứng khoán cũng vì thế mà đã hình thành nơi ghế ngồi của những ông chủ ngân hàng.
Tín dụng cũng vì thế mà có thể bị thắt chặt hay nới lỏng, tùy vào "chương trình nới lỏng định lượng" của nhóm ngân hàng. Nếu như FED đã chưa cần tới bất kỳ gói QE3 nào để kích thích kinh tế Mỹ mà TTCK của nước này vẫn đều đặn đi lên, thì hình ảnh tương tự cũng đang diễn ra ở Việt Nam: trong khi mặt bằng giá cổ phiếu được nhấc bổng lên sau tết âm lịch 2012, nguồn tín dụng cho vay đối với các doanh nghiệp ngành sản xuất, xuất khẩu vẫn hầu như đóng kín.
Những tháng tới đây, hy vọng của các doanh nghiệp ở Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thái độ mở hầu bao của các ngân hàng. Điều này gần như trái ngược với bối cảnh đương thời ở nước Mỹ, khi nguồn dự trữ tín dụng của FED vẫn còn  khá dồi dào mà chưa sử dụng đến. Còn ở ta, đáp ứng được đòi hỏi cho một cuộc đại phẫu về tái cấu trúc ngân hàng hay tẩm bổ cho những tập đoàn kinh tế thu lỗ, chưa nói đến khả năng vực dậy nền kinh tế đình đốn không phải dễ gì.
Trong vài ba tháng tới, nhiều khả năng các ngân hàng thuộc nhóm G12 và kể cả một số ngân hàng thuộc loại trung bình sẽ phải mở hầu bao để giải tỏa nguồn cung tín dụng cũng như cơn khát vốn đang lan ra quá rộng trong giới doanh nghiệp. QE3 của Mỹ cũng vì thế sẽ biến thành QE3 của Việt Nam. Với liều thuốc bổ trợ tạm thời như thế, nền kinh tế sẽ có cơ may hồi phục.
Nhưng có lẽ chỉ cho đến lúc nhóm ngân hàng thỏa mãn với mức cung tín dụng đã cung cấp. Khi đó, cánh cửa tín dụng lại có nguy cơ khép lại, thậm chí đóng lại, với những lý do mà chỉ giới chủ ngân hàng mới hiểu: bóng ma lạm phát và khó khăn thanh khoản tái hiện, hoặc dư chấn từ những động tác kỹ thuật như việc bỏ trần lãi suất huy động...
Thật khó nghĩ, nhưng đành phải nói thẳng là quá khứ và triển vọng điều hành kinh tế ở Việt Nam như trên là khác nhiều, khác xa với người Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét