Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

(1) Thực hư về sự nổi lên của Trung Quốc

(1) Thực hư về sự nổi lên của Trung Quốc 

Nếu hệ thống quốc tế sẽ nhìn Trung Quốc và Trung Quốc nhìn chính mình như một thành viên quan trọng chứ không phải là vô song trong hệ thống toàn cầu, thì những lo ngại phi lý sẽ giảm bớt và tan biến. Trung Quốc ngày mai sẽ tập trung vào đáp ứng nhu cầu của người dân nước mình hơn là biến mình thành bá chủ toàn cầu mới.
Dù nói thế nào, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã đạt mức chưa từng thấy, thậm chí kỳ diệu. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trung bình 9,6% mỗi năm từ năm 1990 - 2010.
Đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây, nhiều người đã lo ngại cỗ máy tăng trưởng của Trung Quốc sẽ bị ngừng lại. Cuối năm 2008, xuất khẩu của Trung Quốc sụp đổ làm dấy lên lo ngại về bất ổn chính trị và sự nổi dậy của dân chúng trên cả nước.
Tuy nhiên, cuối cùng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chỉ như một cái ổ gà trên con đường tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Sức ép lạm phát có thể sẽ gia tăng ở Trung Quốc và bong bóng bất động sản có thể bùng nổ, nhưng hầu hết các chuyên gia kinh tế tiếp tục dự báo nước này sẽ vẫn đạt mức tăng trưởng nhanh trong tương lai.
Các dự báo khác nhau, song dường như đều có điểm chung là tăng trưởng của Trung Quốc sẽ nhanh - dù có thể không nhanh như trước - và tỷ lệ tăng trưởng sẽ tiếp tục cao hơn trong nhiều thập kỷ. Các dự báo này cũng thận trọng về tương lai gần (thành quả của Trung Quốc sẽ không ngoạn mục như trước đây) và lạc quan về tương lai xa (không có giới hạn nào cho hành trình đi lên của Trung Quốc). Có thể trùng hợp hay có chủ ý, các dự báo này là những phép ngoại suy của các xu hướng hiện nay.

Ví dụ, chuyên gia kinh tế từng đoạt giải Nobel, ông Robert Fogel tin rằng Trung Quốc sẽ tăng trưởng trung bình với tỷ lệ 8%/năm cho đến năm 2040, và tới khi đó họ sẽ giàu gấp đôi châu Âu (tính trên đầu người) và chiếm 40% GDP toàn cầu (so với 14% của Mỹ và 5% của Liên minh châu Âu). Các chuyên gia kinh tế khác tỏ ra thận trọng hơn một chút: Uri Dadush và Bennett Stancil tại Viện Hành động vì Hòa bình quốc tế Carnegie dự báo Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,6% mỗi năm cho tới năm 2050.

Ảnh minh họa: boston.com

Giống như nhiều dự báo khác về sự nổi lên liên tiếp của Trung Quốc, các dự báo này dựa trên các mô hình kinh tế chính thức và thận trọng. Nhưng liệu chúng có thuyết phục hay không? Ngoại suy từ các xu hướng hiện tại có thể có ý nghĩa khi dự báo tăng trưởng trong năm tiếp theo và năm sau đó, nhưng khi số năm là nhiều thập kỷ thì e là các giả định đó sẽ tỏ ra có vấn đề hơn.
Nếu tổ tiên tôi đầu tư một xu đứng tên tôi vào năm 1800 với lãi suất thực là 6%/năm tính cả lạm phát, thì số tiền đó bây giờ có giá trị 280.000 USD. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sẽ dễ tìm thấy những khoản đầu tư chắc chắn trong 211 năm. Mọi thứ thay đổi sẽ khiến các dự đoán sai lệch. Nhìn lại quá khứ không đảm bảo cho thành quả trong tương lai.
Khi đo mức tăng trưởng tương lai của Trung Quốc, các mô hình kinh tế có thể chỉ đem lại các chỉ dẫn. Các mô hình dự báo đầu ra kinh tế tương lai trên cơ sở mức đầu vào kinh tế dự báo trong tương lai, nhưng đầu vào kinh tế tương lai lại không thể dự báo. Cuối cùng, chẳng có gì để dựa vào, ngoài việc ngoại suy từ lượng đầu vào hiện tại.
Nhưng đầu vào, cũng như các yếu tố quan trọng khác của bất kỳ nền kinh tế nào, đều thay đổi theo thời gian. Nền kinh tế Trung Quốc diễn biến nhanh: từ chỗ nghề nông là kế sinh nhai đến các ngành công nghiệp có khói, tới đồ điện tử tân tiến, và các dịch vụ tiêu dùng. Và vào một thời điểm trong tương lai, có thể là một tương lai không xa, tỷ lệ tăng trưởng thái quá của Trung Quốc sẽ khựng lại và chậm dần, trở về mức tăng trưởng mà các nước tương tự đã trải qua.
Khi nào tăng trưởng dừng lại
Có thể là ngây thơ vào năm 2011 khi nói thị trường Trung Quốc đã đạt đỉnh. Theo các mô hình của Fogel và Dadush-Stancil, dường như không có rào cản nào về trung hạn đối với sự tăng trưởng của Trung Quốc. Chừng nào lực lượng lao động ở đô thị Trung Quốc còn tiếp tục tăng, mức giáo dục của họ sẽ còn tăng và nguồn vốn sẽ tiếp tục đổ vào Trung Quốc, nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Nhưng mọi chuyện có đơn giản như vậy không? Một mặt, các mô hình kinh tế có xu hướng đi ngược lại với thực tế là khi các nước lớn lên, mức độ tăng trưởng sẽ giảm dần. Khi các nền kinh tế chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi dây chuyền giá trị toàn cầu, từ sản xuất các hàng hóa đơn giản đến việc dựa vào sự sáng tạo của các công dân mình để phát triển các ngành công nghiệp mới, thì khi đó mức tăng trưởng sẽ chậm hơn.
Hàn Quốc mất 30 năm (từ 1960 - 1990) để tăng GDP đầu người từ mức bằng 1/5 của Mỹ lên mức 1/3, nhưng sau đó mất thêm 20 năm để tăng từ mức bằng 1/3 lên 1/2. Hàn Quốc ngày nay vẫn còn một chặng đường dài mới đuổi kịp Mỹ. Nhật Bản đã đuổi kịp phương Tây (và vượt trong một số lĩnh vực) trong những năm 1980, nhưng sau đó bong bóng nổ tung, và từ năm 1990 nền kinh tế nước này chỉ tăng trưởng ở mức 1% mỗi năm.
Hơn thế, hai nước này đã đạt thành công lớn hơn hầu hết các nước khác. Không quốc gia lớn và tầm trung nào với một nền kinh tế đa ngành có thể đạt được các thành quả như của Nhật Bản. Trong 4 "con hổ châu Á", giàu nhất (Hong Kong và Singapore) là những đô thị, và hai con hổ khác (Hàn Quốc và Đài Loan) cơ bản dựa vào đô thị. Các nước nghèo khác đã trở nên giàu có thì hoặc là có các trung tâm tài chính ở nước ngoài hoặc là các vương quốc dầu mỏ nhỏ bé. Không nước nào trong số này là nước thực sự với nhiều thành phố và khu vực, dân số nông thôn đông đảo và các khu vực chính trị cạnh tranh.
Chính Nhật Bản cũng đại diện cho một mô hình có vấn đề khi nói đến một quốc gia vừa mới nhanh chóng đuổi kịp phương Tây. Vì đa phần tiến bộ họ đạt được từ trước chiến tranh thế giới II. Giống như các nước phương Tây hàng đầu, họ đã công nghiệp hóa từ thế kỷ 19 và đầu 20, một phần nhờ việc khai thác thuộc địa triệt để. Nền kinh tế của họ đã bị lãng quên trong chiến tranh thế giới II; vì vậy tăng trưởng nhanh chóng thời hậu chiến chỉ là trở lại mức tăng trưởng đã đạt được trước chiến tranh. Nói cách khác, không có ví dụ nào về một quốc gia đi theo một con đường tăng trưởng nhanh chóng để đến đỉnh cao của nền kinh tế thế giới. Điều này khiến người ta hoài nghi về việc liệu Trung Quốc có là một ngoại lệ hay không.
Mức tăng trưởng gần đây của Trung Quốc thường được mô tả là sự trở lại vị trí lịch sử xứng đáng và tự nhiên của họ trong nền kinh tế thế giới, nhưng lập luận này có vẻ khôn ngoan, hơn là chính xác.
Theo nhà sử học kinh tế Angus Maddison, thời điểm gần đây nhất Trung Quốc ngang bằng với phương Tây là vào thời Marco Polo. Sự suy thoái sau đó của Trung Quốc là do cuộc Cách mạng Công nghiệp và chế độ thuộc địa của phương Tây, và cả chính sách hướng nội của Trung Quốc thế kỷ 16.
Câu chuyện khái quát về 5 thế kỷ qua không phải về sự suy giảm hoàn toàn của Trung Quốc mà về sự tiến bộ tương đối của phương Tây. Các nền kinh tế châu Âu đã tăng trưởng bền vững từ năm 1500 - 1800. Theo Maddison, đến năm 1820 - trước thời kỳ phát triển đường sắt, thư tín và công nghiệp thép hiện đại, và trước các cuộc chiến tranh Nha phiến, sự xâm chiếm thuộc địa Hong Kong, và cuộc nổi dậy của các võ sĩ (Boxer Rebellion) ở Trung Quốc - thu nhập bình quân đầu người của nước này chưa bằng một nửa mức trung bình của các nước châu Âu. Đến năm 1870, khoảng cách này đã giảm còn 25%, và đến năm 1970, chỉ còn 7%.
Hơn nữa, các số liệu của Maddison đều dựa trên cân bằng sức mua, nếu xét đến vị trí của Trung Quốc theo ngoại tệ mạnh, thì mọi chuyện còn tệ hơn. Theo phân tích về ngoại tệ mạnh của Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 1976-1994, GDP Trung Quốc tính bình quân đầu người không bằng 2% GDP bình quân đầu người ở Mỹ và hiện nay họ chưa bằng 10%.
Nói cách khác, tăng trưởng kinh tế nhanh của Trung Quốc trong hai thập kỷ qua chỉ đưa nước này trở lại vị trí của mình trong năm 1870 (về cân bằng sức mua). Những người lạc quan sẽ thấy đây là một bằng chứng thêm cho thấy tiềm năng của Trung Quốc: nếu Trung Quốc mới chỉ ở mức năm 1870, thì họ sẽ còn tăng trưởng nhiều nữa. Nhưng những người bi quan cho rằng nếu Trung Quốc có thể tụt lại vị trí của mình năm 1870 thì họ hoàn toàn có thể một lần nữa tụt xuống dưới mức này. Không có lý do gì để hy vọng một kết quả nào đó. Sự cá cược thận trọng nhất là: Trung Quốc sẽ giậm chân tại chỗ.
Còn tiếp
Châu Giang theo The Middling Kingdom

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét