Một bài hát rất hay khác về Hà Tây:
Dòng sông quê anh, dòng sông quê em
Nền âm nhạc Việt Nam để lại nhiều bài hát hay có dính tới sông nước như: Sông Lô (Văn Cao), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), Tiếng hát gửi dòng sông quê hương (Phan Nhân), Nhớ đàn xe nước (Văn Đông), Tiếng hát sông Lam (Đinh Quang Hợp), Gửi sông La (Lê Việt Hòa), Kỷ niệm dòng sông tuổi thơ (Hoàng Hiệp)… Trong đó, Đoàn Bổng cũng đóng góp một bài hát khó quên “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em”.
Kiều Hưng và Lê Dung trình bày
Vào khoảng thời gian cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, ông Quách Vinh, khi đó là Giám đốc Ty Văn hóa Hà Sơn Bình, đưa cho Đoàn Bổng tờ tạp chí mới của Hội Văn nghệ địa phương và nói: “Bổng xem có bài thơ nào trong tập này phù hợp thì phổ nhạc xem sao”. Trong tập này có bài “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” của Lai Vu, cán bộ ở Ty Văn hóa Hà Sơn Bình. Đọc xong, ông thấy đồng cảm, có thể phổ thành bài hát. Mấy ngày sau khi đã hoàn thành, ông đạp xe vào Hà Đông chơi, tiếp xúc với tác giả thơ. Ông xin phép Lai Vu được đổi chữ “của” thành chữ “quê” ở ngay tên bài. Người làm thơ vui vẻ chấp nhận. Quả là “quê anh, quê em” hay hơn “của anh, của em”.
Những dòng sông quê đi vào âm nhạc
|
Không rõ nguyên văn thơ của Lai Vu ra sao, nhưng phần ca từ của bài hát rất giàu chất văn học, rất có “tứ”. Sông quê em là sông Đáy, còn sông quê anh là sông Đà. Chắc em ở miền Hà Tây, anh ở Hòa Bình (lúc đó, Hà Tây và Hòa Bình ghép lại là tỉnh Hà Sơn Bình). Sông Đáy ở Hà Tây là vùng lúa, vùng lụa; còn sông Đà ở Hòa Bình là vùng có công trình thủy điện. Nếu sông Đáy - ví như em - hiền hòa dịu dàng bao nhiêu thì sông Đà - là anh - lại mạnh mẽ, ghềnh thác, dữ dẵn bấy nhiêu. Quả là một tứ thơ hay và nhạc sĩ cũng tìm được ngôn ngữ âm nhạc rất phù hợp. Chất liệu dân gian, rõ âm hưởng quê kiểng Việt Nam, được Đoàn Bổng khai thác khéo léo, tạo nên một giai điệu uyển chuyển, lượn lờ như dòng sông Đáy vậy.
Anh Thơ và Việt Hoàn trình bày
Nghe bài hát: Dòng sông quê anh, dòng sông quê anh |
Thể hiện: Tố Uyên |
Trước bài hát này, Đoàn Bổng chưa phổ nhạc cho thơ nhiều. Nhưng ông đã tỏ ra cao tay trong lĩnh vực phổ thơ. Nếu chỉ nghe ca khúc mà không đọc lời thơ, người nghe không nghĩ đây là bài hát phổ thơ mà như là nhạc sĩ sáng tác luôn lời ca. Đó là bởi tác phẩm có bố cục rất hợp lý, chặt chẽ, kết cấu hài hòa. Việc triển khai giai điệu tự nhiên, đón bắt cảm xúc khéo léo.
“Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” được chắp cánh bay xa có công sức đóng góp đáng kể của 2 nghệ sĩ song ca rất thành công trên làn sóng Đài TNVN là Lê Dung và Tiến Thành. Bốn người liên quan đến bài hát thì 3 người đã yên nghỉ chốn vĩnh hằng: Lai Vu, Lê Dung, Tiến Thành. Tác giả thơ và 2 ca sĩ qua đời nhưng bài hát thì vẫn còn mãi với thời gian./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét