Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Cuộc đua vào điện Elysee đã ngã ngũ?

Cuộc đua vào điện Elysee đã ngã ngũ?

(Toquoc) Các thăm dò sát ngày bầu cử cho thấy ứng viên Hollande ngày càng gia tăng khoảng cách với đối thủ chính đương kim Tổng thống Sarkozy trong vòng một và sẽ giành chiến thắng chung cuộc. Câu hỏi đặt ra là một chính khách được kính trọng trên toàn cầu sao lại nguy cơ thất bại ngay tại quê nhà?
Hai ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, các cuộc vận động tranh cử vẫn đang diễn ra sôi động. Có 10 ứng viên tham gia chạy đua vào điện Elysee nhưng thực tế cuộc đua chỉ diễn ra giữa hai đối thủ chính: ứng viên đảng UMP cầm quyền, đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy và đối thủ đảng Xã hội (PS) François Hollande.
Hollande có bước tiến đáng kể
Kết quả thăm dò mới nhất do Viện nghiên cứu dư luận và thị trường Pháp (CSA) công bố cho thấy khoảng cách giữa 2 ứng cử viên hàng đầu là Sarkozy và Hollande ngày càng gia tăng. Theo kết quả này, ứng cử viên Hollande có bước tiến đáng kể trong vòng một với 29% số người ủng hộ, tăng 2% so với tuần trước, dẫn 5 điểm trước đối thủ Sarkozy.
Cũng theo cuộc thăm dò của CSA, trong vòng hai, ứng cử viên PS còn nới rộng khoảng cách hơn nữa với 58% số phiếu bầu, tăng 1%, so với Tổng thống sắp mãn nhiệm Sarkozy (42%, giảm 1%).
Ứng cử viên Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen được 17% số phiếu bầu (tăng 2%), dẫn trước ứng cử viên Mặt trận Cánh tả (FG) Jean-Luc Mélenchon 2 điểm. Ứng cử viên trung dung François Bayrou của Phong trào Dân chủ (MoDem) mất một điểm và vẫn đứng ở vị trí thứ 5 với 10% số phiếu bầu.
Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu và Nhận thức dư luận Pháp (CECOP), các kết quả điều tra suốt những tháng qua hầu như phản ánh đúng thực tế chiến dịch vận động của từng ứng cử viên. CECOP cho rằng Tổng thống sắp mãn nhiệm Sarkozy đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc giới thiệu trước toàn thể cử tri Pháp một dự án cấu kết chặt chẽ. Nguyên nhân một phần là do bản tổng kết thành tích nhiệm kỳ khiêm tốn của ông, nhưng phần lớn do cách vận động mà ông lựa chọn.

Áp phích tranh cử của hai ứng viên chính
François Hollande và Nicolas Sarkozy trên đường phố Paris 
Châu Âu đang chuẩn bị cho thắng lợi của Francois Hollande tại Pháp
Nếu như vài tháng trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từ chối tiếp đón Hollande thì mới đây hai chuyên gia kinh tế thuộc êkíp của ông là Karine Berger và Valérie Rabault đã được đón tiếp "bí mật" tại Quỹ Konrad-Adenauer - một trung tâm nghiên cứu tư vấn của Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Đức. Nhật báo Tấm gương (Đức) khẳng định bất luận ứng cử viên nào đắc cử, "Pháp vẫn sẽ là một đối tác không đơn giản".
Cuộc mít tinh rầm rộ ngày 15/4 ở quảng trường Concorde nằm trong chiến dịch tranh cử của đương kim Tổng thống Sarkozy không hề được đề cập đến ở Đức, không phải người Đức không quan tâm đến cuộc bầu cử ở Pháp mà có vẻ như Berlin đang chờ đợi một sự thay đổi tại điện Elysee trong những ngày tới.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Tây Ban Nha, mặc dù đều là những người cánh hữu bảo thủ, đã không che giấu thái độ chấp nhận tích cực đối với sự xuất hiện của ông Hollande tại điện Elysee. Họ không chỉ rất khó chịu với những chỉ trích thậm tệ lâu nay của ông Sarkozy đối với Tây Ban Nha mà còn hy vọng ông Hollande sẽ giúp họ thuyết phục châu Âu nới lỏng một số điều khoản bó buộc đất nước họ.
Thủ tướng Italia Mario Monti cũng cho thấy "sẽ không bất tiện" nếu "Merkozy" biến khỏi chính trường. Thậm chí đảng Dân chủ, một trong những đảng làm nên phe đa số tại Italia, còn công khai ủng hộ ứng cử viên Hollande. Cũng cần nhắc lại rằng trái phiếu châu Âu mà ông Hollande chủ trương phát hành, được nêu ra theo các gợi ý từ Italia.
Vì sao Sarkozy thất thế?
Ngày 18/4, Tổng thống sắp mãn nhiệm Sarkozy đã dũng cảm tuyên bố rằng nếu như thất bại trong cuộc bầu cử lần này, trách nhiệm thuộc về cá nhân ông. Câu hỏi đặt ra là, tại sao một chính trị gia vốn được kính trọng trên toàn cầu và từng là ứng cử viên đáng gờm nhất giờ đang phải đuổi theo đối thủ thuộc đảng Xã hội, Francois Hollande, một người chưa từng giữ một chức vụ quốc gia? Và tại sao ông Sarkozy lại dần mất sự ủng hộ của các lãnh đạo châu Âu, thậm chí cả từ người bạn, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel?
Sarkozy chính là người đã tập hợp một liên minh do NATO lãnh đạo nhằm can thiệp vào Lybia – ngăn ngừa cuộc thảm sát dân thường nhiều khả năng xảy ra ở những vùng do phe nổi dậy chiếm giữ của nước này, và dẫn tới việc hất cẳng nhà độc tài Muammar Gaddafi. Cũng chính Sarkozy là người đã giúp dẫn đầu các cuộc phối hợp giải cứu ngân hàng trên khắp Liên minh châu Âu để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu năm 2008. Gần đây hơn, Sarkozy đã hợp tác với Thủ tướng Đức Angela Merkel để thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu cấp tiền cho các khoản cứu trợ cho các nước sắp vỡ nợ - một biện pháp có thể giải cứu đồng euro và ngăn chặn một sự tan chảy tài chính toàn cầu.
Sarkozy chóng vánh mất sự ủng hộ của cử tri Pháp chỉ trong vòng năm năm cầm quyền nguyên nhân lớn nhất là do thành tích kinh tế yếu kém của Pháp.
Mặc dù nhiều cử tri Pháp ca ngợi Sarkozy vì nỗ lực của ông cùng với Merkel nhằm cứu vãn đồng tiền chung, họ cũng đổ lỗi cho ông vì đã góp phần vào khoản nợ lớn của Pháp. Dưới triều đại trên danh nghĩa là bảo thủ của Sarkozy, chi tiêu tăng đã nâng nợ của Pháp từ 1,6 nghìn tỷ USD vào năm 2007 – năm đầu tiên Sarkozy lên nắm quyền – lên đến hơn 2,2 nghìn tỷ USD vào năm 2011. Điều đó có nghĩa là nợ đã tăng từ mức 64,2% GDP của Pháp vào năm 2007 lên đến 85,3% vào năm 2011. Nỗi thất vọng về gánh nặng nợ đang tăng đã càng sâu sắc thêm vào cuối năm 2011 khi Sarkozy áp dụng nguyên tắc khắc khổ trên toàn lục địa với những biện pháp thắt lưng buộc bụng trị giá 24,6 tỷ USD. Tâm trạng của công chúng lại càng u tối thêm nữa khi lý do mà Sarkozy tuyên bố cho việc cắt giảm chi tiêu mạnh – để giữ mức xếp hạng tín dụng AAA – đã tan thành mây khói vào tháng 12/2011 khi Standard & Poor’s hạ mức xếp hạng tín dụng của Pháp xuống mức AA. Nước này hiện nay đang phải đối mặt với những dự đoán tăng trưởng ảm đạm, các mức thu nhập sụt giảm và một tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng được dự đoán là sẽ vượt mức 10% trong năm 2012. Thomas Klau, giám đốc văn phòng Pari của Hội đồng châu Âu về Quan hệ Quốc tế, nói: “Bất chấp những thành tích quốc tế và ở châu Âu của ông, Sarkozy được cử tri đánh giá gần như chỉ dựa trên thành tích trong nước”.
Trong lúc chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Pháp bước vào giai đoạn nước rút, bản báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố ngày 17/4 như gáo nước lạnh dội vào uy tín của ứng viên đương kim Tổng thống. Theo IMF, tăng trưởng kinh tế Pháp trong năm 2012 sẽ là 0,2% - 0,5% và trong năm 2013 sẽ chỉ là 1%. Tthâm hụt công của Pháp năm nay sẽ lên đến 4,6% GDP so với mức 4,4% mà Chính phủ Pháp đã cam kết; còn năm 2013, thâm hụt này dự kiến sẽ là 3,9% GDP, cao hơn mục tiêu thâm hụt chỉ 3% như đã cam kết.
Các cử tri còn khó chịu với danh tiếng của Sarkozy là “Tổng thống của người giàu”, một biệt danh lấy cảm hứng trước tiên bởi một loạt đợt cắt giảm thuế chủ yếu có lợi cho người giàu vào năm 2007. Sự ưa thích tiền bạc của Sarkozy và tình bạn của ông với một số người giàu nhất nước Pháp đã củng cố hình ảnh của ông như là vị vua ăn chơi. Cũng giống như vậy là cuộc sống sang trọng của ông với người vợ thứ ba, cựu người mẫu - triệu phú Carla Bruni, người trong tháng 3 đã gây cười vì bảo vệ sở thích xa hoa của chồng mình, quả quyết với một phóng viên rằng “Chúng tôi là những người giản dị”.
Chính vì thế người Pháp sợ “thắt lưng buộc bụng”!
Trước lợi thế này, ứng cử viên Hollande không ngần ngại đưa ra chiến lược tranh cử riêng của mình: “Tôi sẽ hành động vì sự tăng trưởng của kinh tế Pháp. Tôi không chấp nhận thắt lưng buộc bụng. Như tôi đã tuyên bố với người dân, tôi sẽ nỗ lực để giải quyết vấn đề kinh tế của đất nước. Chúng ta hiện đã có một khoản thâm hụt lớn do chính phủ tiền nhiệm để lại. Chúng ta phải nỗ lực giải quyết điều này”.
Một số người dân Pháp bày tỏ: “Chúng tôi cần sự thay đổi cả về lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội. Chúng ta cần phải giành lại phúc lợi đã mất như lương hưu. Tôi đang đợi sự thay đổi trong chính trị. Vấn đề công bằng xã hội trở nên rất quan trọng trong xã hội Pháp. Kế hoạch cải cách của ông Hollande rất quan trọng cho thanh niên Pháp trong tương lai”.
Còn lý do khiến các lãnh đạo châu Âu quay ngoắt sang thể hiện sự ủng hộ với ứng viên PS Hollande xuất phát từ các tuyên bố của ứng viên Sarkozy về khả năng hoãn áp dụng hiệp định Schengen và nhất là đề nghị liên quan đến vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu hôm 14/4.
Không đầy 24 tiếng đồng hồ sau “ý kiến” của tổng thống Pháp trên quảng trường Concorde Paris, phủ Thủ tướng Đức ra ngay một bản thông cáo Berlin nội dung bác bỏ chủ trương xét lại nhiệm vụ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu: “Chính phủ Đức có niềm tin sắt đá vào việc Ngân hàng Trung ương thực hiện nhiệm vụ của mình trong tư thế hoàn toàn độc lập với chính trị”. Bản thông cáo nhấn mạnh: “Và niềm tin này đã được biết đến tại Paris”.
Trở lại các thăm dò dư luận trước cuộc bỏ phiếu ngày 22/4 cho thấy đương kim Tổng thống Sarkozy đang gặp bất lợi. Nhưng khoảng cách 5 điểm chưa có gì là chắc chắn bởi một lượng lớn cử tri Pháp còn đang do dự và ẩn số Mélenchon với hy vọng tạo ra sự đột phá. Ai sẽ là Tổng thống của nước Pháp nhiệm kỳ tiếp theo? Câu hỏi này sẽ phụ thuộc vào lá phiếu chính thức của cử tri Pháp trong cuộc bầu cử vòng 1 dự kiến diễn ra vào ngày 22/4 và vòng 2 diễn ra vào ngày 6/5 tới./.
Khánh An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét