Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Chịu trách nhiệm?

Sự kiện và Bình luận

Chịu trách nhiệm?

Bộ trưởng Thăng: Mức phí giao thông đề xuất là hợp lý, 
cá nhân tôi xin chịu trách nhiệm

Tống Văn Công
Chiều 28-3-2012 tại cuộc họp báo, ông Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng tuyên bố: “Tôi chịu trách nhiệm khi nói Thủy điện Sông Tranh 2 an toàn!”. Lập tức, Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam đáp lại: “Nhân dân và Chính quyền Quảng Nam vẫn chưa hết lo lắng”. Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc gửi kiến nghị: “Yêu cầu Thủ tướng ra lệnh xả cạn nước hồ trong suốt thời gian chưa tìm ra nguyên nhân và khắc phục xong sự cố”.
Ngày 1-4-2012, tại cuộc họp báo của Chính phủ,  Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vẫn kiên trì quan điểm “thu phí hạn chế phương tiện vận tải cá nhân” vào một thời điểm phù họp và khẳng định “Sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và nhân dân chuẩn bị đề án này”, nhưng ông không hề trả lời hằng loạt câu hỏi của nhân dân phản đối chủ trương này!
Tuần trước, khi kết luận cuộc chất vấn ở phiên họp thứ 6, Ủu ban Thường vụ Quốc hội khóa 13, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Đề nghị hai Bộ trưởng (Bộ Y tế và Bộ Nội vụ)  phải chứng minh trách nhiệm của mình một cách tích cực để bảo đảm việc thực hiện có kết quả những đề án đã trình bày”. Nhớ lại, hồi vụ Vinashin vỡ, Thủ tướng phát biểu: “Là người đứng đầu Chính phủ, tôi chịu trách nhiệm đó, nhưng tôi không có ra quyết định nào sai”.
Qua những điều kể trên, có thể thấy vấn đề chịu trách nhiệm trong thể chế hiện hành rất co dãn, thậm chí rất mơ hồ! Tổng kết 5 năm chống tham nhũng, vẫn chưa xác định được trách nhiệm của người đứng đầu! Những người dễ dàng tuyên bố chịu trách nhiệm, đều hiểu rằng, thực ra không có điều gì ràng buộc mình khi không thực hiện được lời hứa.  Thử nhìn ra bên ngoài để so sánh: Nội các Naoto Kan của Nhật từ chức tập thể chỉ vì cựu chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật (DPJ) bê bối tài chính và nhân dân chê chính phủ xử lý chậm trễ sau động đất, sóng thần. (Chính phủ Naoto Kan xử lý đâu có tệ!). Mới đây, ngày 31-3-2012, sáu Bộ trưởng của nội các Yoshihiko Noda cùng lúc đệ đơn từ chức, phản đối Dự luật tăng thuế vì: “Trong tình hình lạm phát mà tăng thuế thì chúng tôi làm sao giải thích được với nhân dân?”.

Thực ra, dân tộc ta vốn có văn hóa chịu trách nhiệm rất cao, không hề thua kém thiên hạ. Phan Thanh Giản, Hoàng Diệu… lấy cái chết để đền tội không giữ được thành. Hồ Chí Minh sau khi ký Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946, đã thưa với đồng bào “không bao giờ là kẻ bán nước”! Đã đến lúc các quan chức ngày nay phải xác định lại thế nào là trách nhiệm và mọi cơ quan đều phải xây dựng quy chế chịu trách nhiệm.
Trách nhiệm là: “Phần việc được giao, hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả” (Từ điển Tiếng Việt, 1992). Như vậy khi đã nói “chịu trách nhiệm” thì phải hiểu rằng kèm theo đó là “hậu quả phải chịu” nếu không làm tròn! Chúng ta thường dùng từ “phụ trách” có nghĩa là “Đảm nhận và chịu trách nhiệm về một công việc nào đó”. “Đảm nhận và chịu trách nhiêm” trước ai vậy? Các công chức nhắc tới nhân dân như nói lấy lệ. Thực ra, họ chỉ sợ người quyết định chức vụ và trực tiếp trả lương. Do đó cần nhắc lại Hồ Chí Minh: “Đảng và Chính phủ vì dân mà làm các việc và cũng phụ trách trước nhân dân. Vậy cán bộ không phụ trách trước nhân dân, tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ” (Hồ Chí Minh, NXB Chính Trị Quốc Gia,1995, T5, trang 249).
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 2-4-12

Tin vnexpress.net ngày 04.04.2012:



Bộ trưởng Thăng: Mức phí giao thông đề xuất là hợp lý, cá nhân tôi xin chịu trách nhiệm

"Mức phí giao thông đề xuất là hợp lý, cá nhân tôi xin chịu trách nhiệm. Tôi tin, 600.000 người có xe ôtô sẽ tự hào vì tham gia đóng góp cho đất nước", Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời báo chí, chiều 3/4.
'Ép dân không phải là cách phục vụ dân'/ 'Phí chồng phí' với xe cá nhân

- Trả lời VnExpress, cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, với chất lượng phương tiện công cộng hiện nay, thu phí xe cá nhân không thể làm người ta từ bỏ xe, không giảm ùn tắc. Ông nói gì về ý kiến trên?
- Chúng tôi đang tiến hành đồng bộ các giải pháp, vừa phát triển vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân... Nếu đợi làm xong đường, phương tiện công cộng hoàn thiện mới cấm xe cá nhân thì không còn đường để đi nữa. Bộ Giao thông phải triển khai thực hiện thu phí theo chỉ đạo, chứ không phải thích làm hay không thích làm, không phải nóng vội hay không nóng vội.
Song, tôi đã làm phải quyết liệt, nếu không mấy năm nữa sẽ có người chất vấn tại sao không thu phí sớm để tăng nhiều xe như thế này. Một số cá nhân có thể bị chịu tác động của chính sách, nhưng đa số người dân được hưởng lợi vì đi an toàn, đỡ ô nhiễm môi trường hơn...
Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng: "Đóng góp phí giao thông cũng thể hiện sự yêu nước". Ảnh: Hoàng Hà
- Ông vừa nói là Bộ Giao thông đang tiến hành nhiều giải pháp giảm ùn tắc, tai nạn, vậy tại sao ông lại chọn giải pháp "thu phí" là khâu đột phá?
- Không có việc Bộ Giao thông chọn cái dễ để làm trước, Bộ đang làm nhiều đề án như nâng cao chất lượng, nâng tiến độ công trình; rà soát hàng loạt các giải pháp để giảm ùn tắc, tai nạn... Thu phí chỉ là một phần, không phải là tất cả để đột phá hạ tầng giao thông, mà phải huy động nhiều nguồn lực như BOT, ODA....
Quan điểm của Chính phủ, Bộ Giao thông là ai sử dụng nhiều hạ tầng người đó phải nộp tiền nhiều hơn, người đi ôtô phải nộp nhiều tiền hơn xe máy, xe máy phải nộp nhiều tiền hơn xe đạp. Bây giờ người đi ôtô đang được lợi. Thu phí giao thông, nhà nước có tiền đầu tư hạ tầng, khi phương tiện bớt đi chúng ta có khả năng tăng xe bus lên.
Với việc thu phí hạn chế xe cá nhân, ban đầu khoảng 600.000 người có ôtô bị tác động, xe máy sẽ thu sau ôtô ít nhất nửa năm. Tuy nhiên, tôi khẳng định Bộ Giao thông Vận tải chưa trình lộ trình cũng như thời điểm thực hiện các loại phí. Chúng tôi đã tính toán là tình hình kinh tế đang khó khăn, do đó chỉ báo cáo Chính phủ và Quốc hội để Quốc hội bổ sung 2 loại phí trên vào Pháp lệnh phí và lệ phí.
- Căn cứ nào để Bộ đưa ra mức phí hạn chế phương tiện cá nhân?
- Mức thu phí hạn chế phương tiện chúng tôi có tính toán dựa trên đề án cụ thể. Chúng tôi giãn cách mức thu đối với dòng xe ôtô từ 10 đến 20 triệu đồng một năm. Với xe máy từ 100 phân khối trở xuống là 300.000 đồng một năm, và chỉ thu phí xe máy tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ, không thu phí với người nghèo.
Theo tôi, thuế và phí chỉ có vai trò trong quá trình lịch sử nhất định. Khi kinh tế phát triển, hạ tầng tốt lên thì không thể thu phí tiêu thụ đặc biệt với ôtô hay thu phí hạn chế phương tiện cá nhân nữa.
- Mức phí 20 triệu đồng một năm với ôtô được coi là quá cao so với thu nhập bình quân. Tại sao Bộ Giao thông không đề xuất mức phí khởi điểm thấp hơn?
- Đánh giá mức phí cao hay thấp hết sức tương đối. Vùng nông thôn, miền núi, người dân đang phải đóng tiền làm đường, 60% kinh phí người dân đóng còn 40% là nhà nước, người ta cũng sẵn sàng. Nếu so sánh với những người miền núi phải hiến đất làm đường thì khoản đóng góp của những người đi ôtô không lớn.
Không ai muốn nộp phí không ai muốn tự dưng bỏ ra một khoản tiền lẽ ra không phải nộp. Những người đi ôtô được Nhà nước lo nhiều hơn về hạ tầng vậy nên đóng góp cùng Nhà nước làm hạ tầng là hợp lý. Tôi tin, đa số người có ôtô sẽ ủng hộ, vì đóng phí thì họ được đi đường tốt hơn, nhanh hơn, an toàn hơn, ùn tắc giảm...
Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm và cá nhân tôi chịu trách nhiệm về đề xuất mức phí. Trên cơ sở các đề án nghiên cứu, chúng tôi cho rằng mức phí đề xuất là hợp lý. Khi đã làm theo chủ trương, tôi sẵn sàng đề xuất vì mục đích chung, vì mục tiêu đa số người dân được hưởng, vì mục tiêu xây dựng hạ tầng giao thông tốt, không sợ lấy phiếu tín nhiệm cao hay thấp.
- Không phải tất cả người đi ôtô đều giàu, có người vì nhà quá xa nơi làm việc hoặc hoàn cảnh nghề nghiệp bắt buộc. Ông nói gì khi bị cho là có quyết tâm nhưng hành động, giải pháp nóng vội?
- Tôi không nói những người đi tô là giàu hết nhưng họ là những người đỡ nghèo hơn người không có ôtô. Có người nhắn tin cho tôi là ông thu phí thế thì chết, nhà tôi đang có 4 chiếc ôtô. Việc thu phí sẽ khiến người sử dụng tự quyết định phương tiện của mình cho hiệu quả. Nếu chỉ vì một số người phản đối mà không thu phí thì số phương tiện cá nhân sẽ tiếp tục tăng lên.
Tất nhiên, mức phí đề xuất cũng chưa hoàn toàn khách quan và công bằng, nhưng 600.000 người có xe ôtô sẽ hoàn toàn tự hào, hạnh phúc vì tham gia đóng góp cho đất nước. Đóng góp phí giao thông cũng thể hiện sự yêu nước.
- Trong thời gian tới, Quốc hội dự kiến sẽ bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Với những chính sách của mình trong một năm qua, ông dự đoán thế nào về kết quả tín nhiệm với mình?
- Tôi sẵn sàng làm vì đất nước, vì mục tiêu chung, nếu Quốc hội tín nhiệm thì tôi tiếp tục làm, còn nếu Quốc hội không tín nhiệm thì tôi phải chấp nhận và không có cơ hội làm nữa.
Nhưng tôi nghĩ, khi ngày nào còn là vị trí bộ trưởng thì tôi sẽ cùng ngành làm hết mình, đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp, hiện đại, mà muốn hiện đại thì hạ tầng phải đi trước một bước. Muốn đi trước thì phải đột phá trong kết cấu hạ tầng, toàn dân phải có trách nhiệm đóng góp xây dựng hạ tầng, các loại phí phải có sửa đổi bổ sung cho phù hợp thực tiễn.
Đoàn Loan ghi

http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Bo-truong-Thang-Toi-lam-khong-so-tin-nhiem-cao-hay-thap/139125.gd

Bộ trưởng Thăng: "Tôi làm, không sợ tín nhiệm cao hay thấp"

Bình luận 3.4.2012 của GS Trần Hữu Dũng: Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!
http://viet-studies.info/kinhte/kinhte.htm
 
Thứ ba 03/04/2012 20:05
(GDVN) - "Tôi sẵn sàng làm việc này vì đất nước. Quốc hội không tín nhiệm thì thôi, nhưng tôi còn tại vị thì phải cố gắng để phát triển đất nước này".
Chiều 3/4, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đã tổ chức họp báo Kết quả thực hiện nhiệm vụ Tháng 03 và Quý I năm 2012 do bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì . Một trong những nội dung được báo giới quan tâm nhiều nhất là đề án Nghị định số 18/2012/NĐ-Cp ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ mà Bộ đã ban hành và việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân.

Theo bộ trưởng Thăng, về vấn đề phí bảo trì đường bộ, căn cứ để Bộ GTVT trình Chính phủ phí bảo trì đường bộ là “thực hiện theo luật đường bộ 2008 có quy định nhằm bảo trì, sửa chữa đường. Đáng ra, các nghị định, thông tư phải hoàn thành từ thời điểm đó, nhưng làm chậm nên đến nay mới ban hành phí này và thực hiện từ 1/6/2012”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng trong buổi họp báo chiều 3/4 (Ảnh: Tuấn Nam)

Bộ trưởng Thăng cũng nhấn mạnh việc trình dự thảo lên Chính phủ về phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm được thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn giao thông chứ không phải ý kiến của ai. Đó chỉ là một trong các giải pháp đồng bộ nhằm giảm tải ùn tắc, tai nạn giao thông.

Lý giải về vấn đề thu phí, lệ phí, bộ trưởng Thăng nói: “Phần lớn đường do nhà nước bỏ tiền ra đầu tư thì chưa thu phí. Và như vậy, ai sử dụng nhiều hạ tầng thì phải nộp nhiều hơn”.
 
Nói về thời điểm cụ thể thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, ông Đinh La Thăng nói: “Hiện, Chính phủ chưa họp và chúng tôi cũng chưa trình thời điểm cụ thể”.

Khi được hỏi về việc có ý kiến cho rằng mức thu phí mà Bộ GTVT đề xuất lên Chính phủ như vậy là quá cao so với tình hình kinh tế hiện tại, cao hơn so với các nước khác và là “quá sức” với người dân, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Không thể lấy lý do kinh tế đất nước còn khó khăn, kém phát triển thì yêu cầu về hạ tầng, chất lượng giao thông thấp đi”. 

Bộ trưởng Thăng cũng cho biết: Mặc dù mức thu phí hạn chế phương tiện cá nhân do Bộ GTVT đề xuất và nó có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người dẫn đến mức tín nhiệm đối với Bộ trưởng thấp đi nhưng “chúng tôi làm vì mục đích chung không sợ tín nhiệm cao thấp. Chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ chứ không phải là nóng vội hay không nóng vội.

Tôi nghĩ với việc thu phí: 100% người dân được hưởng. Dự tính 600.000 người đi ô tô bị tác động. Và tôi nghĩ đa phần người sử dụng ô tô cũng ủng hộ và với 600.000 người đóng góp thì đó là hạnh phúc của người đóng góp. Tôi sẵn sàng làm việc này vì đất nước. Quốc hội không tín nhiệm thì thôi, nhưng tôi còn tại vị thì phải cố gắng để phát triển đất nước này. Có ý kiến nói đề xuất việc thu phí này là chúng tôi đã chọn giải pháp dễ dàng nhưng đây không phải là duy nhất. Chúng tôi đang làm nhiều dự án khác để đồng bộ. Đáng lẽ các phí bảo trì đường bộ phải thu từ năm 2002”. 

Khi có nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về sự minh bạch trong thu chi các khoản phí trên, Bộ Trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Vấn đề minh bạch không chỉ là vấn đề của Bộ GTVT mà còn là vấn đề của mọi cơ quan khác. Và Bộ GTVT sử dụng 1 đồng đóng góp của nhân dân là phải công khai minh bạch”.

Đối với ô tô (phương tiện cá nhân): Tiến hành thu trong cả nước với mục đích: Hạn chế phương tiện. thu phí để tiếp tục đầu tư hạ tầng. Còn đối với xe máy thì thu phí điểm ở 5 Thành phố lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng) và chỉ thu trong nội đô, không thu phí với người nghèo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét