Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

Câu chuyện giữa cầu thang và tư duy làm chủ

Câu chuyện giữa cầu thang
và tư duy làm chủ

Nhân kỷ niệm 105 năm sinh Lê Duẩn, người có bộ óc lớn với tư duy sáng tạo như một dòng suối tuôn chảy không ngừng, viết đôi điều cảm nhận về ông, GS Tương Lai "chỉ mong tạ lỗi với ông về một mối ưu tư".
Câu chuyện giữa cầu thang
Bằng sự trải nghiệm của một người làm công tác nghiên cứu, tìm hiểu những chặng đường lịch sử đất nước và suy ngẫm về thời cuộc, tôi cảm nhận được sức nặng trong lời căn dặn của ông: "Các anh cần nhớ kỹ một điều, chỉ lúc nào chúng ta độc lập và sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn của đất nước, từ lợi ích của dân tộc, lúc ấy chúng ta mới thắng lợi; lúc nào chúng ta lệ thuộc, giáo điều sao chép của người ta, lúc ấy cách mạng phải trả giá nặng nề. Chúng ta không được quên điều đó, những người làm công tác lý luận càng không được quên điều đó, vì lý luận rất dễ giáo điều, sao chép".
Tôi nghĩ, có lẽ một biểu hiện của tư duy độc lập và sáng tạo, không sao chép, lệ thuộc và giáo điều ấy thể hiện trong việc suy ngẫm về văn hóa và con người của Lê Duẩn. Bởi lẽ, nói đến văn hóa chính là nói đến con người, đối tượng của văn hóa. Chủ đề con người, cốt lõi của phạm trù "làm chủ tập thể" mà Lê Duẩn hết sức thiết tha và dành nhiều thời gian suy ngẫm đã thẩm thấu vào trong những bài nói, bài viết của ông. Thật ra, còn nhiều điều cần được nghiên cứu nghiêm túc, cặn kẽ và triệt để về vấn đề lý luận gây nhiều tranh cãi này. Đáng tiếc là thay vì sự nghiêm túc trong nghiên cứu vấn đề lý luận đang trong quá trình hình thành, là sự thô thiển và dung tục trong cách vận dụng để rồi đưa ra những lời tụng ca dễ dãi khi tác giả của vấn đề lý luận ấy đang còn sống để rồi tiếp đó, khi ông qua đời, là những lời chê bai, đả kích hết sức tùy tiện và dung tục thấm đẫm tính cơ hội! Chính đó là một trong những lý do thôi thúc tôi viết bài này nhân Hội thảo kỷ niệm ngày sinh thứ 105 của ông.

Xin được bắt đầu bằng một câu chuyện. Hôm ấy, từ rất sớm, tôi nhận được điện thoại của anh Đống Ngạc báo có việc đột xuất. Ngồi trên xe rồi, tôi hỏi "có việc gì mà gấp gáp thế". Anh Đống Ngạc cười: "Cũng chẳng hiểu nữa, nhưng chắc vẫn như mọi hôm thôi. "Ổng" lại nghĩ ra điều gì đấy và điện cho mình gọi cậu lên, chắc Ổng muốn nói ngay với cậu để cho kịp với dòng suy nghĩ của Ổng, mà lịch làm việc ngày hôm nay thì kín cả rồi, để đến mai chắc là Ổng không muốn, sợ có điểm bị quên lãng đi".
Xe đỗ sát vào bậc thềm ngôi nhà trong khu Hồ Tây. Tôi bước vào đã thấy Lê Duẩn đang từ trên cầu thang đi xuống. Ông có vẻ không được khỏe vì đang thời kỳ dưỡng bệnh sau một ca phẫu thuật nhẹ. Đứng ngay ở lưng chừng cầu thang, một tay nắm chắc vào thanh vịn, ông cười và nói: "Chắc là anh chưa kịp ăn sáng, thôi nói xong rồi ta ăn một thể. Tôi muốn nói ngay những điều tôi vừa suy nghĩ tối hôm qua, vấn đề thuộc lĩnh vực của anh đấy. Vấn đề văn hóa, sức mạnh của văn hóa đối với kinh tế và sự nghiệp của chúng ta. Một trong những điều mà tôi nói mãi các anh vẫn chưa thể hiện được, vấn đề làm chủ tập thể. Hướng đi của anh đúng, phải đặt nó trong việc nghiên cứu về con người, về văn hóa, về triết lý của sự phát triển. Đây là một phạm trù triết học, không phải chỉ là chuyện tổ chức thực hiện ngay được đâu ".
Và rồi cứ thế, ông nói một mạch những điều ông vừa suy nghĩ.
Tôi cũng không kịp ghi ở trong tư thế đứng ở lưng chừng cầu thang như vậy. Và dường như ông cũng không kịp nhớ hoặc không cần biết là mình đang đứng ở đâu. Mạch ý tưởng tuôn trào trong dòng tư duy của ông. Và rồi sau đó, ông cũng quên mất chuyện "rồi ta ăn sáng một thể", khi tôi theo ông vào phòng khách, ngồi xuống ghế trước bàn ăn, ông lại vẫn tiếp tục nói, bổ sung những điều mà ông đang suy tư: "Đang còn lộn xộn lắm, tôi nghĩ sao nói vậy, nhưng mà nghĩ kỹ, nghĩ lâu rồi đấy. Tối qua mới khái quát lại thôi, cho nên anh phải sắp xếp, lược bỏ giúp chứ không thì rồi tôi quên mất. Mà các anh phải làm thôi, tôi chỉ nghĩ và nói như thế, việc còn lại là của các anh. Thôi nhé, Đống Ngạc, ta đi thôi, đến giờ rồi".
Tôi hiểu việc của mình thế là đã xong. Bắt tay ông xin phép về, ông cười "cố gắng nhé". Tôi cũng không biết là sau khi tiễn tôi, anh Đống Ngạc có kịp nhắc ông về bữa ăn sáng đã dọn sẵn nhưng ông chưa hề đụng đũa! Và rồi "câu chuyện giữa cầu thang" kết thúc với câu nói trước bữa ăn sáng bị bỏ quên  hôm ấy "mà các anh phải làm thôi, tôi chỉ nghĩ và nói như thế, việc còn lại là của các anh" cứ luôn trĩu nặng trong đầu óc tôi.
Giải phóng cá nhân và làm chủ tập thể
Thế rồi những vấn đề tôi được lĩnh hội hôm đó chỉ thể hiện được vài ý ở chương 5 trong cuốn sách nói về văn hóa, không hiểu có phải là cuốn sách cuối cùng của đồng chí Lê Duẩn không: "Nắm vững quy luật Đổi mới quản lý kinh tế". Đây cũng chỉ là nói thêm một vài điều trong tư tưởng của ông mà ở Nghị quyết Đại hội V đã thể hiện "Nền văn hóa mới vừa kết tinh và nâng lên một tầm cao mới những gì đẹp nhất trong truyền thống bốn nghìn năm của tâm hồn Việt Nam, văn hóa Việt Nam, vừa hấp thụ có chọn lọc những thành quả của văn minh loài người, những thành tựu văn hóa khoa học hiện đại".


Những vấn đề lớn khác mà Lê Duẩn gợi lên trong những buổi làm việc với nhóm nghiên cứu mà tôi đã lĩnh hội được, và những ý tưởng tuôn trào trong "câu chuyện giữa cầu thang" thì vẫn chưa trình bày được bao nhiêu. Mà thật ra, cũng khó lột tả được những vấn đề mà ông đang nung nấu, suy ngẫm trong đó có phạm trù "làm chủ tập thể" với một nội hàm rất phong phú. Một vấn đề ở tầm triết lý về văn hóa và con người thường trực trong tư duy Lê Duẩn. Tôi muốn nói là đang. Vì phạm trù "làm chủ tập thể" mà ông nói đến vẫn đang hoàn chỉnh dần trong dòng suy tưởng về một nguyên lý, mà theo ông, tất yếu sẽ đến trong sự vận động đi tới của cuộc sống.
Nội dung của "làm chủ tập thể", vì vậy, cần được hiểu là từng người và mọi người làm chủ theo cách riêng của từng người và mọi người trong cuộc sống của con người (có người sử dụng thuật ngữ sự người). Không những thế, rộng hơn cuộc sống của con người (sự người) mà còn là đối với sự sống trong ý nghĩa phong phú của nó. Phải chăng có thể nói "làm chủ tập thể" là một thuật ngữ quá tắt, quá dài và dễ gây hiểu nhầm. Bởi lẽ nội hàm của thuật ngữ ấy, theo chân ngữ thì quá hẹp. Đó là một nhược điểm về chọn một thuật ngữ để diễn đạt một quan điểm. Thà chỉ nói "làm chủ' lại rộng hơn, đúng hơn. Đây là một gợi ý xin được nêu lên để cùng suy nghĩ.
Ở đây cũng cần nói thêm rằng, phạm trù "làm chủ tập thể " trong tư duy Lê Duẩn là sự biểu đạt một quan điểm về "dân chủ" rất mạnh mẽ và sáng tạo, dân chủ đến tầm mức nhân dân là chủ và  làm chủ, con người là chủ và làm chủ. Ở đây, thể hiện một khát vọng sâu thẳm trong tư tưởng và tình cảm của Lê Duẩn từng được thể hiện trong những quyết sách lớn là phát huy sức mạnh của dân tộc và phát huy sức mạnh của từng con người. Hiểu như vậy thì chính ở đây thể hiện khát vọng giải phóng con người, giải phóng cá nhân gắn liền với giải phóng dân tộc.
Cần phải nói ra một điều mà trong sách báo dạo ấy cũng như sau này ít nói đến: chính người đề xướng quan điểm "làm chủ tập thể" cũng lại là con người rất coi trọng vai trò của cá nhân. Nếu tôi không nhầm thì trong những năm của nửa đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, lúc mà cuộc chiến đấu chống Mỹ đang đi vào thời kỳ đòi hỏi sự động viên tinh thần chiến đấu hy sinh quên mình quyết liệt nhất, thì người nhấn mạnh phải coi trọng cá nhân con người chính là Lê Duẩn. Trong bài nói chuyện với sinh viên và thầy giáo trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1962, ông nhắc nhở: "Đã là một người thì phải có cái riêng của con người, không thể có một con người siêu hình, không thể phá đơn vị con người. Không có cái riêng của con người nữa thì xã hội sẽ mất hết ý nghĩa, mất cơ sở"(1).
Tiếp đó, có lẽ cần phải nói đến một trong những nội dung của quan điểm "làm chủ tập thể" liên quan đến mô hình của một nhà nước tôn trọng con người, tạo mọi điều kiện để giải phóng con người, đưa con người từ thân phận nô lệ lên vai trò làm chủ.
Nhà nước toàn dân hay chuyên chính vô sản?
Trong "câu chuyện giữa cầu thang" hôm ấy, có lẽ đây là nội dung quan trọng nhất, để giờ đây, suy ngẫm lại tôi càng thấy "vỡ" ra điều nung nấu trong bộ óc không ngừng suy nghĩ ấy điều mà ông muốn nói ra ngay để dòng tư duy của ông không bị ngừng lại. Đó là vấn đề Lê Duẩn nói về cái đúng và chưa đúng của "nhà nước toàn dân", một vấn đề lý luận mà các nhà lãnh đạo Liên Xô bấy giờ đang tìm cách vận dụng vào quá trình tìm tòi, thay thế cho "nhà nước chuyên chính vô sản" trên đất nước Xô Viết.
Tôi gợi lại đây những điều còn nhớ được, trên đại thể, về những vấn đề Lê Duẩn trăn trở và nói ra: "Mác có nói: giai cấp vô sản phải tự xóa bỏ mình, vậy thực hiện điều đó như thế nào? Loài người đi lên bằng sự phủ định biện chứng, chế độ nô lệ tự phủ định mình để cho chế độ phong kiến ra đời, trong đó cả nô lệ và chủ nô đều bị phủ định. Chế độ phong kiến cũng vậy, cả nông dân lẫn địa chủ đều bị phủ định để cho chế độ tư bản ra đời. Và tư bản với vô sản đều là sản phẩm của nhau, cái này dựa vào cái kia để mà tồn tại. Không có vô sản thì làm sao có tư sản và ngược lại. Cách mạng vô sản giành thắng lợi để thực hiện khẩu hiệu "sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người". Và như thế là cũng để giai cấp vô sản tự phủ định mình, chứ không phải để giai cấp vô sản ngồi lên ghế thống trị. Nói là thực hiện Nhà nước toàn dân tức là thực hiện chuyên chính vô sản trong giai đoạn chủ nghĩa Cộng sản đã bước đầu được thực hiện, là không đúng".
Ông nhắc đến những câu của C.Mác bằng tiếng Pháp mà khi về nhà, lục lọi trong trí nhớ để rồi lật sách ra xem lại, tôi mới đọc thấy câu ấy trong "Lời nói đầu Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen": "Triết học không thể trở thành hiện thực nếu không xóa bỏ giai cấp vô sản; giai cấp vô sản không thể xóa bỏ được bản thân mình nếu không làm cho triết học biến thành hiện thực"[2]. Đây là những dòng kết luận khi C.Mác bàn về nước Đức để chỉ ra rằng "chúng ta (nước Đức) là những người cùng thời về mặt triết học của thế kỷ hiện nay, chứ không phải là những người cùng thời về mặt lịch sử của thế kỷ hiện nay" [3].
Thật ra, đối với ông, những trích dẫn chính xác không phải là điều ông quan tâm. Ông là người không câu nệ. Ông suy nghĩ với chính bộ óc của mình, và không ngần ngại nói ra những ý nghĩ của mình để mọi người cùng suy nghĩ, bổ sung, phê phán. Tôi nhớ, trong những buổi trao đổi và lắng nghe, ông tranh luận thoải mái, cũng có lúc rất quyết liệt. Với riêng tôi, người ít tuổi nhất, ít kinh nghiệm nhất và "chức vụ" cũng thấp nhất trong nhóm thường được ông gọi đến làm việc, cũng vậy thôi. Trong một lần, ông gọi tôi đến để hỏi xem tôi đã suy nghĩ được đến đâu những vấn đề mà ông đã nói trong  "câu chuyện bên cầu thang", tôi có nói lại về ý tưởng của C.Mác mà ông đã nhắc lại, theo tôi, đó là C.Mác nói về triết học Đức, rất xa với ý tưởng về "nhà nước toàn dân" cùng với sự phê phán và lập luận của ông.

Ông trầm ngâm rồi sau đó sôi nổi nói tiếp: "thế là anh chưa đồng ý với lập luận của tôi chứ gì? Thì anh thử nêu lên những lập luận của anh về vấn đề này xem sao". Tôi không muốn "mạo hiểm" nên trả lời là xin hãy cho tôi suy nghĩ thêm. Ông cười, "thật ra, chuyên chính vô sản cũng chỉ cần thiết trong một giai đoạn nào đó mà thôi. Họ nêu "nhà nước toàn dân" có cái lý của họ. Chỉ có điều, đứng về triết học thì không biện chứng. Khi cách mạng vô sản thành công rồi, có nghĩa là tư sản và vô sản đều đã bị phủ định, nói là xóa bỏ như Mác đã dùng trong đoạn mà anh trích đó cũng được, là lấy cái ý thôi, điều quan trọng là một thực thể mới phải ra đời. Tên gọi của thực thể mới đó là gì, cũng không quan trọng, cái chính phải dứt khoát trong tư duy lý luận là nó không còn như cũ nữa."
Tôi thưa với ông là trong tác phẩm " Sự khốn cùng của triết học", C.Mác cũng có nói : "Chúng ta hãy cho rằng, lịch sử hiện thực, lịch sử theo thứ tự thời gian, là trật tự lịch sử theo đó những ý niệm, những phạm trù, những nguyên lý đã hiện ra. Mỗi nguyên lý đã từng có thế kỷ của nó, để biểu hiện ra. Mỗi nguyên lý đã từng có thế kỷ của nó, để biểu hiện ra ở đó: nguyên lý quyền uy chẳng hạn thì có thế kỷ XI, cũng như nguyên lý chủ nghĩa cá nhân có thế kỷ XVIII. Suy từ kết quả này sang kết quả khác, chúng ta phải nói rằng chính thế kỷ thuộc về nguyên lý chứ không phải nguyên lý thuộc về thế kỷ.[4]
Chính vì thế mà C.Mác đã cho rằng "Tư tưởng cố sức biến thành hiện thực vẫn chưa đủ; bản thân hiện thực cũng phải cố sức hướng tới tư tưởng" [5] . Ông trầm ngâm, "hiểu cho thấu được những diễn đạt của Mác không dễ đâu. Anh em ta nhiều khi vội vã và sơ lược quá. Làm cho dễ hiểu những tư tưởng triết học của Mác nhiều khi lại dung tục hóa lý luận của Mác. Phải làm sao hiểu cho được thực chất điều Mác định nói, hiểu được dòng tư duy của nhà triết học ấy, rồi gắn với hiện thực của nước mình, suy nghĩ về hiện thực của mình, vận dụng vào thực tiễn đất nước, biến lý luận cách mạng thành sức mạnh vật chất. Tôi nghĩ, tôi nói, là nghĩ và nói với các anh những cái mà tôi thường xuyên lật đi, lật lại trong óc mình cái lý cần phải hướng tới. Tôi nói về "tình thương" và " lẽ phải" cũng là trên tinh thần đó.
Cái "lẽ phải" lớn nhất là giải phóng dân tộc, là làm cho đất nước ta, dân tộc Viêt Nam ta phải bứt lên không thua kém với bất cứ nước nào. Bây giờ ta đã có cả đất nước trong tay, không làm cho dân ta đỡ nghèo, đỡ khổ là ta có tội với tổ tiên, với xương máu của biết bao nhiêu người đã đổ ra. Tôi lạ là nhiều anh bây giờ kể công ghê lắm, cứ nghĩ mọi việc có được ngày nay là do mình. Quy công vào mình là có tội với đất nước đấy. Công là công của cả dân tộc, của nhân dân, ai có tư tưởng công thần là không xứng đáng đứng trong hàng ngũ của chúng ta.
Tôi nghĩ đến "làm chủ tập thể", là nghĩ đến cái biện chứng mà Mác đã vận dụng để trình bày con đường phát triển của lịch sử. "Làm chủ tập thể" là mục tiêu phấn đấu của chúng ta trong cuộc cách mạng này. Nó khác hoàn toàn với những gì đã có. Một thực thể mới mà. Không phải là phong kiến và tư bản thì rõ ràng rồi. Nhưng nó cũng không phải là nông dân và công nhân. Vì tiêu diệt phong kiến rồi thì mặt đối lập của nó là nông dân cũng bị phủ định chứ. Vô sản cũng vậy thôi. Cho nên cứ nói "chuyên chính vô sản" mãi, khi mà nhân dân đã làm chủ đất nước, làm chủ vân mệnh của mình rồi thì không hợp nữa. Vô sản lại chuyên chính với nhân dân à. Đâu có. Phải cùng làm chủ cả thôi. Cái lý là như vậy, cái "lẽ phải" là như vậy. Nhưng làm được đến đâu thì còn phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế, sức mạnh văn hóa mà chúng ta đang gắng công xây dựng. Nhất là xây dựng con người, đào tạo con người.
Cái đích của cách mạng?
Đây là một cuộc cách mạng trường kỳ, cuộc cách mạng về tư tưởng văn hóa. Vì, nói đến văn hóa chính là nói đến con người. Cuộc cách mạng về tư tưởng văn hóa để đẩy tới sự hình thành con người mới này làm động lực cho kinh tế. Mà kinh tế không lên thì chỉ nói tư tưởng suông là không xong. Phải làm cho kinh tế mạnh lên, đồng thời làm cho văn hóa cao lên, tư tưởng cao lên, con người mạnh mẽ lên, thì rồi mới có độc lập vững bền được. Cuộc cách mạng này khó khăn lắm, sâu sắc lắm, nhiều người chưa thấy hết đâu.
Rồi thêm anh có quyền trong tay lại cũng dễ thoái hóa, hư hỏng. Xây dựng khó hơn phá bỏ nhiều lắm. Về chuyện này thì chúng ta đang làm rất dở, dở lắm mà không chiu học. Vì dở như vậy cho nên chưa thực hiện được "làm chủ tập thể" như điều mà tôi nói đâu. Nhưng rồi phải như vậy thôi, không khác được. Nếu không, ta làm cách mạng, hy sinh xương máu của bao nhiêu thế hệ để làm gì? Là để ta xây dựng một xã hội khác hẳn với những xã hội trước đây, xã hội không có ngưới áp bức nguời, người thống trị người. Một xã hội trong đó mọi người đều làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân như Mác và Angghen đã từng mơ ước, đã từng nói đến. Nói ở trong tác phẩm nào, anh có nhớ không?
Tôi bị bất ngờ, lúng túng trả lời: "Dạ, hình như trong "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản" khi Mác và Angghen nói rằng "tiêu diệt các giai cấp nói chung và cũng do đấy, tiêu diệt cả sự thống trị của chính nó với tư cách là một giai cấp" để dẫn đến ý tưởng "sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người", và hình như cả trong cuốn "Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học", đoạn Angghen phân tích về "bước nhảy của con người từ vương quốc tất yếu sang vương quốc của tự do". Nhưng mà còn lâu lắm mới có được bước nhảy ấy và có lẽ bây giờ cũng không hình dung nổi loài người sẽ thực hiện bước nhảy đó như thế nào đâu ạ".
Tôi cứ nói một mạch suy nghĩ của mình, cũng là để gỡ cái thế bí, vì tôi không nhớ được thật chính xác ý tưởng của Angghen mà hình như người hỏi tôi lại muốn nghe điều ấy. Có lẽ vì chính ông muốn kiểm nghiệm lại dòng suy tưởng của mình.
Ông cười, rồi cũng không quan tâm đến việc tôi có nhớ hay không nhớ điều ông hỏi. Vì với ông, ông không câu nệ về câu chữ, lại càng không nô lệ vào những trích dẫn, ông chỉ nói: "Lâu, lâu lắm, nhưng nếu ngại lâu mà bây giờ không bắt đầu thì không bao giờ đến được cái đích mà chúng ta mong muốn. Anh còn trẻ không hiểu được rằng những ngày chúng tôi ngồi trong nhà tù Côn Đảo, chúng tôi đã nghĩ về cái đích ấy. Chính vì thế mà chúng tôi đủ sức mạnh và nghị lực chiến thắng cái chết, chiến thắng kẻ thù. Chính tôi cũng không nghĩ là tôi còn sống để thấy được đất nước mình giải phóng, được độc lập thống nhất. Nhưng dù mình không còn sống thì sự nghiệp của mình sẽ vẫn được thực hiện. Mà bây giờ thế là ta đã có cả, nhưng lúc này có cả rồi thì lại lắm hư hỏng. Nhưng mà rồi chúng ta phải đấu tranh để cho cái xã hội tốt đẹp đó được thực hiện. Từng bước thôi. Đừng nóng vội."
Tuy ông nói vậy, nhưng tôi thầm nghĩ, chính ông đang nóng vội, song không dám nói điều ấy ra. Nhưng rồi tôi cũng hiểu được lý do sự nóng vội đó khi biết ra rằng, lần nói chuyện hôm ấy là lần cuối cùng tôi được làm việc với ông.
Khi nghe tin ông mất, tôi lẩn thẩn ngồi lật lại trang sách của cuốn "Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học" mà khi ông hỏi tôi không nhớ ra. Tôi thẫn thờ trước ý tưởng "con người cuối cùng làm chủ tồn tại xã hội của chính mình thì cũng do đó mà làm chủ tự nhiên, làm chủ cả bản thân mình, trở thành người tự do" [6] . Để rồi lẩn thẩn trong suy tư: "từ không tưởng đến khoa học" quả là không hề có một bức "vạn lý trường thành" nào ngăn cách cả. Những dự phóng "khoa học", cho dù là thiên tài, liệu rồi có rơi vào một "không tưởng" khác? Vì phải chăng, không có trí tưởng tượng phong phú, khó mà có được tìm tòi, sáng tạo trong khoa học. Nhưng, ranh giới giữa trí tưởng tượng chắp cánh cho tư duy với những thoáng không tưởng trong suy tư quả là quá mong manh.
Hình như, C.Mác đã từng viết trong thư gửi An-nen-cốp: "tôi đã bị nhiều người căm thù vì tôi diễu cợt cái chủ nghĩa xã hội đa cảm, không tưởng và ngu ngốc" đấy ư? Và cũng chính C.Mác đòi hỏi phải làm cho "con người thoát khỏi ảo tưởng, để con người suy nghĩ, hành động, xây dựng tính hiện thực của mình với tư cách là con người thoát khỏi ảo tưởng, trở nên có lý tính; để con người xoay quanh bản thân mình và cái mặt trời thật sự của mình" [7] đấy sao?
Viết như vậy, nghĩ như vậy, nhưng có lẽ nếu giờ đây mà còn có điều kiện nhìn lại những dòng ý tưởng của mình, chắc C.Mác sẽ mỉm cười mà nói rằng: thoát khỏi ảo tưởng quả là quá khó. Sự nghiệp của C.Mác là một sự nghiệp đang dang dở, cực kỳ dang dở. Ngay cả bộ "Tư bản" mà C.Mác đã dành phần lớn thời gian của đời mình nghiên cứu và viết ra, sinh thời, C.Mác cũng chỉ bằng lòng cho xuất bản cuốn I mà thôi. Cuốn thứ II và thứ III thì ông vẫn còn tiếp tục suy nghĩ, sửa chữa trong cả gần 17 năm, trước khi mất vẫn không chịu cho xuất bản vì cảm thấy vẫn còn phải hoàn chỉnh, bổ sung. Với tác phẩm ấy, như người ta nhận xét, C.Mác đã đặt một miếng sắt nung đỏ vào chính giữa mặt chủ nghĩa tư bản thế kỷ XIX . Từ sự phê phán quyết liệt ấy mà hé lộ ra những dự phóng về xã hội mới sẽ ra đời. Nhưng nghĩ cho kỹ thì thật ra, C.Mác không hề tưởng tượng ra hoàn toàn một xã hội "mới" nào cả. Còn Ph Angghen khi nói về "xã hội mới" đó thì chỉ rõ rằng nó "sẽ được quyết định khi một thế hệ mới sẽ lớn lên... Khi những con người như thế xuất hiện, họ sẽ vứt bỏ tất cả những điều mà theo quan niệm hiện nay họ phải làm: họ sẽ tự biết cần phải làm như thế nào"[8]
Đáng tiếc là những dòng ý tưởng đúng đắn ấy của các ông lại không được trân trọng và phát huy, mà những gì người ta hay tung hô, tụng niệm lại là những sai lầm và hạn chế của C.Mác và Ph Angghen! Những sai lầm và hạn chế ấy lại được khuyếch đại lên bởi những người tự xưng là Macxit đã để lại những hệ lụy quá lớn làm băng hoại những giá trị to lớn của những phần đúng đắn của C.Mác, một đỉnh cao của trí tuệ loài người thế kỷ XIX.
Phải chăng đây chính là điều mà Lê Duẩn trăn trở, tìm tòi.
Là người gánh vác trọng trách Tổng bí thư của Đảng lâu nhất trong lịch sử Đảng, Lê Duẩn là người hết sức quan tâm đến ý tưởng "làm sao bảo đảm đầy đủ dân chủ trong điều kiện một Đảng lãnh đạo". Đấy là một chủ đề văn hóa chính trị mà nhà chính trị, nhà lý luận Lê Duẩn trăn trở, tìm tòi. Bộ óc lớn ấy không ngừng vận động, luôn luôn bứt phá, mà một trong những tìm tòi suy nghĩ tập trung nhất cũng là vấn đề ấy. Trong hoạt động thực tiễn, ông quan tâm đến việc tạo điều kiện để Nhà nước thực thi chức trách quản lý của mình. Ông thường nhắc nhở Đảng lãnh đạo thế nào để Nhà nước quản lý tốt nhằm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Cũng chính ông là người đề xướng cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" trong đó "nhân dân làm chủ" là mục tiêu tối hậu.
Vấn đề chính trị quan trọng nhất là nhà nước thuộc về ai, cũng tức là quyền lực nhà nước và tất cả những mối mối tương tác của quyền lực do ai quyết định. Làm thế nào để "quyền lực là của nhân dân và chỉ ở nhân dân mà thôi". Làm thế nào để nhân dân giao quyền mà không mất quyền và các thực thể quyền lực được giao quyền mà không tiếm quyền của nhân dân. Đấy là vấn đề quyết định nhất và cũng là cam go nhất trong việc xây dựng Nhà nước  từ trước đến nay. Và đấy cũng là vấn đề lý luận và thực tiễn lớn nhất đặt ra cho nhà lý luận Lê Duẩn. Đó là điểm xuất phát của sự tìm tòi về một phương thức lãnh đạo, một hình thức nhà nước nhằm thực thi quyền lực của nhân dân, người chủ của xã hội mới. Và chính đó cũng là cội nguồn của sự hình thành trong tư duy Lê Duẩn phạm trù "làm chủ tập thể". Vậy là phạm trù "làm chủ tập thể" từ một triết lý về văn hóa và con người xuất phát từ khát vọng giải phóng con người thoát khỏi mô hình nhà nước chuyên chính vô sản đã bị vượt qua, dẫn đến việc xây dựng một thể chế chính trị đảm bảo quyền làm chủ của người dân, thực hiện chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh : "quyền hành và lực lượng đều nơi dân". Thế nhưng, từ những đường nét phác thảo trong tư duy lý luận đến sự vận dụng vào thực tế, được sự khảo nghiệm của cuộc sống là cả một hành trình hết sức phức tạp.
Sự công bằng của lịch sử
Số phận của những tư tưởng lý luận được quyết định không phải bởi nhận thức, mặc dù ngay ở khâu nhận thức cũng đòi hỏi một trình độ hiểu biết và phương pháp tiếp thu, mà quyết định là ở thực tiễn với ưu thế của nó không những của tính phổ biến mà cả của tính hiện thực trực tiếp. Sự khảo nghiệm đúng sai là ở tính hiện thực trực tiếp này. Nhưng cũng chính ở đây, trình độ nhận thức của người vận dụng lý luận vừa có thể phát huy và nâng cao tác dụng của nó, nhưng cũng có thể làm sai lệch, thậm chí xuyên tạc nó bằng sự dung tục và thiển cận. Vì thế, hoàn toàn dễ hiểu về những hạn chế, thậm chí những sai lầm, những tác hại do cách vận dụng một tư tưởng lý luận chưa được định hình một cách thật sáng tỏ. Phải biết tước bỏ những cách hiểu dung tục, thô thiển để nhìn vào chiều sâu triết lý về sự vận động của lịch sử hướng tới một hình thái xã hội mới ra đời ngay trong lòng xã hội hiện tồn. Đó là khi bằng cách mạng giành lại độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân trong một nhà nước dân chủ, thì không thể áp dụng hình thức "nhà nước chuyên chính vô sản" được nữa. Tôi hiểu hạt nhân của triết lý làm chủ tập thể chính là sự khẳng định "quyền hành và lực lượng đều nơi dân", cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, có thể nói, thực chất của sự hình thành luận điểm "làm chủ tập thể" của Lê Duẩn là nhằm thay thế cho lý luận về "chuyên chính vô sản" mà với cương vị là người có trách nhiệm lớn nhất với đất nước, với dân tộc, ông không đồng tình.
Nếu phạm trù làm chủ tập thể lại được nhận thức một cách thô thiển và giản đơn, nhất là khi cố làm cho một phạm trù triết học được diễn đạt một cách "dễ hiểu" dẫn đến việc vận dụng một cách máy móc thì không sao tránh khỏi những những lệch lạc tai hại. Đặc biệt khi sự vận dụng và tụng ca một chiều , đẩy tới sự cực đoan do sự chi phối của chủ nghĩa cơ hội với những động cơ không trong sáng, sẽ làm trầm trọng thêm những lệch lạc không đáng có. Đương nhiên, tác giả của quan điểm đó, với cương vị của một người lãnh đạo cao nhất chứ không phải chỉ là một nhà lý luận luôn trăn trở với những suy tư triết học, không thể không chịu trách nhiệm về sự vận dụng lệch lạc đó.
Khi nói đến điều này, tôi nghĩ, đánh giá nhân vật lịch sử phải căn cứ vào những gì họ đã làm được cho lịch sử, những cái chưa làm được lại thuộc vào điều kiện lịch sử. Điều mà tôi day dứt chính là những trăn trở về những vấn đề lý luận có tầm khái quát cao của bộ óc luôn luôn làm việc, không chịu bằng lòng một cách dễ dãi với những lối mòn quen thuộc ấy. Hình như những nhà tư tưởng khi để cho dòng tư duy của mình truy đuổi theo những khát khao phát hiện và khám phá đều không thoát khỏi một chút lãng mạn không tưởng nào đó mà tôi đã có gợi lên ở trên. Phải chăng một tư tưởng luôn luôn là là sát mặt đất với những toan tính cụ thể hằng ngày, không chịu và không dám cất cánh mạo hiểm bay lên không trung có phần choáng ngợp và khó lường những hiểm nguy có thể xảy ra, sẽ không bao giờ bị nhuốm màu lãng mạn, không tưởng? Và tôi suy nghĩ về một con người có cái đầu luôn luôn tìm tòi, suy ngẫm.
Con người ấy luôn bắt bộ óc mình phải làm việc, dòng tư duy không hề ngưng nghỉ đó luôn được khởi động bởi sức mạnh của một "tình thương và lẽ phải" mà ông theo đuổi. Con người ấy đúng là một nhà lý luận theo cách hiểu của tôi, một người làm công tác nghiên cứu đã có may mắn trong một thời gian rất ngắn được tiếp xúc với ông. Do đặc thù của công tác nghiên cứu, có chút ít thể nghiệm trong tìm tòi suy ngẫm, tôi hiểu được "con đường khổ ải" của một nhà lý luận có tư duy độc lập và sáng tạo. Phải chăng Lê Duẩn là người đã từng trải qua "con đường khổ ải" đó?
Từ rất sớm, bộ óc lớn ấy đã từng bung phá và lóe sáng những suy tư về đổi mới  mà sau này càng thấy rõ ý nghĩa khai phá của những suy tư Lê Duẩn. Giáo sư Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, trong bài trả lời phỏng vấn Vietnamnet ngày 5.4. 2007 cho biết "năm 1985, Lê Duẩn là người ghi vào Nghị quyết của Bộ Chính trị: "Chấp nhận kinh tế nhiều thành phần". Đó là những con chữ quan trọng để tạo đà cho Đại hội VI Đổi Mới... Tầm nhìn xa của anh Ba về kinh tế, những viên gạch anh lát cho con đường đổi mới, không nhiều người biết tới. Nhưng điều đó cũng phù hợp với con người Anh. Chỉ cần mình làm điều tốt cho Đảng, cho dân mà không cần nghĩ rằng có được ghi nhận hay không".
Đáng tiếc là, những tư tưởng lóe sáng trong tư duy của nhà lý luận ấy đã bị chìm đi trong vô vàn những bức xúc hàng của thực trạng kinh tế đang trong cái thế giằng co giữa cái cũ và cái mới. Ông không thể không gánh chịu trách nhiệm về những hậu quả nặng nề của sự vận dụng những công thức giáo điều trong mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội theo kiểu Stalin hoặc của tư tưởng giáo điều "tả" khuynh khác, mặc dầu ông đã cố gắng để vượt ra khỏi những áp đặt. Là  người luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi và bứt phá với một tư duy độc lập, sáng tạo, song Lê Duẩn không vượt qua nổi những điều kiện lịch sử cụ thể lúc bấy giờ, nói như Gs Trần Phương, "trong bối cảnh chính trị lúc đó, nhiều người cộng sản xuất sắc của thế giới cũng đã không thoát ra khỏi sự áp đặt của mô hình kinh tế của Liên Xô". Cho nên, ý kiến cho rằng, chỉ khi Lê Duẩn qua đời mới có thể có Đổi Mới của Đại hội VI là một ngộ nhận rất lớn, một thái độ định kiến thiếu khách quan và không công bằng đối với một nhân vật lịch sử. Và do vậy cũng là thiếu công bằng với lịch sử.
Phải chăng, bi kịch của những nhân vật lịch sử như Lê Duẩn lại cũng thường rơi vào những điều kiện ràng buộc và áp đặt, khiến cho tư tưởng tuy muốn thoát ra khỏi những ràng buộc và áp đặt đó mà vẫn không được, vì còn có nhiều nguyên nhân phức tạp khác. Thậm chí có lúc gần như ra khỏi được rồi nhưng lại phải quay vào, muốn là "ta" mà vẫn cứ vướng vào "người", muốn "sáng tạo" nhưng rồi không thực thi được sự sáng tạo đó để rơi vào những bất cập. Trong những bất cập ấy, có trách nhiệm không thể thoái thác của một số người mà ông sở cậy, tin tưởng trao đổi những ý tưởng loé sáng trong ông và yêu cầu họ cùng ông thể hiện ra, làm sáng tỏ, tranh luận để bổ sung hoặc bác bỏ, nhằm làm cho những loé sáng trong bộ óc luôn luôn suy nghĩ, luôn luôn tìm tòi đó có được hình hài nghiêm chỉnh và bài bản. Tôi nhớ như in câu ông hay nói :"tôi nghĩ như vậy, còn lại là các anh phải viết ra, phải làm cho hoàn chỉnh"! Nhưng rồi ai làm? Có ai làm không? Liệu những sự "vùng vẫy, bứt phá" của Lê Duẩn có góp phần cho những người đi sau tiến được một số bước xa hơn không?
Quả thật, theo sự hiểu biết còn hạn hẹp của tôi, tôi nghĩ rằng giới lý luận ở ta chưa góp phần đẩy những bứt phá của bộ óc năng động và sáng tạo đó đi đến những quyết định cụ thể được vận dụng vào thực tiễn. Cũng chưa có được những công trình nghiên cứu nghiêm túc về tư tưởng Lê Duẩn, về những di sản lý luận của ông, nhằm tìm ra trong đó những "hạt ngọc", những  đóng góp của Lê Duẩn về tư duy lý luận, thay vì tiếp tục những "tụng ca" vô lối, hoặc những sự phủ định thiển cận và xu thời. Có một thực tế đáng buồn là người "ăn theo, nói leo" thì "hơi bị nhiều", người "lựa gió xoay chiều" thì lại không ít, còn người nghiêm túc đeo đuổi một sự nghiệp lý luận nghiêm chỉnh và dũng cảm trong tư duy, mạnh dạn trong tranh luận thì còn quá hiếm. Chủ đề về văn hóa và con người trong tư duy của Lê Duẩn thì lại càng hiếm hơn!
Bởi vì, "văn hóa là không thỏa mãn cái đã có, là đi tìm chân trời". Đấy là ý tưởng của Phạm Văn Đồng. Thế nhưng, vẫn theo mạch suy tư của nhà văn hóa ấy thì lại " không tìm thấy đâu, vì đi tới thì nó lại lùi xa...". Vả chăng, theo Phạm Văn Đồng "văn hóa là gợi, là mở, là không thỏa mãn cái đã có", cho nên "đừng có sợ, đừng có sợ một chút nào những ý kiến khác nhau! Nếu tất cả giống nhau thì xã hội thật là buồn. Ai không chấp nhận được điều này là vô văn hóa, phản văn hóa. Và những người này không thiếu đâu. Điều đó dễ hiểu!" [9]*. Nội hàm của khái niệm "văn hóa và con người" trong tư duy Lê Duẩn được đề cập đến trong bài này chính sự " không thỏa mãn cái đã có, là đi tìm chân trời ", nhưng cũng vì thế mà nhận được  những khich bác theo kiểu "vô văn hóa, phản văn hóa" mà Phạm Văn Đồng đã nói đến.
Trong suy ngẫm của tôi, chủ đề văn hóa và con người trong tư duy của Lê Duẩn là mạch nước ngầm thấm đẫm trong mọi ý tưởng được ông nói ra hoặc trình bày trong những bài viết mà tôi đã đọc. Nếu ta hiểu rằng, cùng với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, nguyên lý chủ nghĩa cá nhân thay thế cho nguyên lý quyền uy của thời trung cổ đã từng đè nặng trên thân phận con người, đưa sự tự khẳng định của cá nhân con người bước vào một giai đoạn mới mà khó có một giai đoạn nào trong lịch sử có thể so sánh nổi. Mãi cho đến gần năm thế kỷ sau, với thế kỷ XXI, vấn đề giải phóng cá nhân mới được đặt ra một cách quyết liệt và mạnh mẽ do những tiền đề mới được tạo ra. Cá nhân, sự tự khẳng định có quy mô ngày càng rộng lớn, mỗi cá nhân đối diện với cả thế giới và cả thế giới đối diện với mỗi cá nhân. Trong tư duy của Lê Duẩn, vấn đề này đã manh nha với suy tư về con người làm chủ tập thể với khát vọng về giải phóng cá nhân rất mạnh mẽ vượt khỏi cái khung chật hẹp của mô hình "chuyên chính vô sản" với biết bao hệ lụy mà con người chính trị và con người lý luận ấy đã cảm nhận được. Tuy nhiên, nói như Võ Văn Kiệt : "con  người từng đòi hỏi sự độc lập sáng tạo trong tư duy, không được sao chép của nước ngoài, từ Hội nghị Trung ương 6 khóa IV đã cổ vũ những tìm tòi đổi mới, cũng "không đột phá nổi độ dày của bảo thủ, giáo điều, xơ cứng". Phải chăng đấy cũng là bi kịch của những vĩ nhân bị ràng buộc và khống chế của điều kiện lịch sử mà họ chưa thể vượt qua được?
Khi kết thúc bài viết ngắn nhân kỷ niêm 105 năm ngày sinh đồng chí Lê Duẩn, cảm nhận đậm nét trong tôi về ông vẫn là ấn tượng về một nhà tư tưởng, một nhà lý luận, mặc dầu tôi hiểu rõ rằng, con người ấy, bộ óc ấy có sự đóng góp quyết định vào việc hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Và, vượt lên phía trước, ông là người có một tầm nhìn rất xa về văn hóa và con người. Bao nhiêu năm đã trôi qua, "câu chuyện bên cầu thang", một câu chuyện về văn hóa và con người dạo nào như sống dậy trong tôi, khơi động một kỷ niệm thật đẹp về một con người.
Đến bao giờ thì lịch sử lại sản sinh ra những con người như vậy? Bao giờ?
__________________________________________
1. Lê Duẩn. "Cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam" . NXB Sự Thật. Hànôi 1976 . tr 153
2,3,7 C.Mác & Ph.Angghen toàn tập. Tâp I. NXBCTQG .Hà Nội .1995  tr 590, tr. 577, 570
4.  C.Mác & Ph.Angghen Toàn Tập  Tập 4. NXBCTQG. Hanoi. 1995.tr 193
5.  C.Mác & Ph.Angghen Toàn Tập   Tập 19.NXBCTQG. Hanoi. 1995 tr. 330,
6. C.Mác & Ph.Angghen Toàn Tập   Tập 19.NXBCTQG. Hanoi. 1995 tr. 333
8.  C.Mác & Ph.Angghen Toàn Tập Tập 21. NXBCTQG.Hanoi 1995  tr.128
9. Phạm Văn Đồng "Văn hóa và Đổi mới. Tác phẩm và Bình luận. Bộ Văn hóa Thông tin. 1997. tr.119, tr.120, tr.121

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét