Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

(5) Москва không tin vào những giọt nước mắt: Tình tạm

Москва không tin vào những giọt nước mắt 
Bài 5: Tình tạm

Misha Đoàn

Thời kỳ trước những năm 80, giới lưu học sinh Việt Nam ở Liên Xô là một cộng đồng cực kỳ nghiêm túc cả về tổ chức, kỷ luật lẫn học tập. Điều đó được giải thích bởi nội quy nghiêm ngặt của Sứ quán: ai học trung bình (chứ chưa cần kém), có quan hệ nam nữ… thì đều bị kỷ luật, thậm chí trục xuất về nước.

Nhưng từ những năm 80 thì kỷ luật trở nên lỏng lẻo hơn, sinh viên Việt Nam tham gia buôn bán, yêu đương công khai, thậm chí con gái của Tổng Bí thư Lê Duẩn còn yêu và lấy chồng Nga.

Đặc biệt từ giữa những năm 80 khi làn sóng công nhân xuất khẩu lao động từ Việt Nam ồ ạt sang Liên Xô thì khái niệm “đạo đức” đã hoàn toàn quay ngược 180 độ so với thời “giáo điều” trước đó.

* * *


Cô bạn đưa cho nó tờ báo và hỏi: “Anh nghĩ sao về câu Có vợ mà để đi Tây, như Cub không khóa dựng ngay bờ hồ?”

Nó cười “Chứng tỏ tình hình trật tự xã hội hải ngoại cực kém!”

Cô bạn cuộn tờ báo lại đập vào vai nó: “Anh học Luật nên nhìn đâu cũng thấy tội phạm!”

Vào bối cảnh của cuối những năm 80 khi có bài báo đó thì khái niệm “đi Tây” có nghĩa là Liên Xô và Đông Âu, và “vợ” là những người phụ nữ nghiên cứu sinh hay công nhân xuất khẩu lao động.

Có lần ông anh nghiên cứu sinh ở ký túc xá bên cạnh chạy sang phòng nó xin ở nhờ. Hỏi tại sao phải vậy thì anh bảo: “Chồng cái Q. mới từ Việt Nam sang thăm nên anh tránh mặt. Tuy chồng nó cũng chẳng biết anh là ai đâu nhưng vì phòng ở sát nhau, ngày nào cũng gặp mặt ngoài hành lang, ức chế lắm”.

“Cái Q.” mà anh nhắc ở đây là chị Q nghiên cứu sinh khoa khác nhưng cùng trường với nó. Nó biết chị Q. và ông anh này vẫn “đi lại” với nhau “góp gạo thổi cơm chung”, tuy hai người đều có gia đình, con cái ở Việt Nam.

Nói chung cánh nghiên cứu sinh ở thành phố nó hầu như ai mà chả có “bồ”. Thậm chí nó còn ngạc nhiên có một chị tên H. chả cặp với anh Cộng nào cả nhưng sau mọi người xì xào là chị bí mật quan hệ với một thằng nghiên cứu sinh người Bắc Triều Tiên ở cùng ký túc xá. Nói tóm lại là không có trường hợp “ngoại lệ” ở đây.

Nó có bà chị kết nghĩa từng là công nhân may xuất khẩu ở ngoại ô Moscow. Chị nhỏ nhắn, xinh xắn tốt bụng nhưng đường làm ăn kinh tế cực kỳ lận đận, trong khi mấy con bạn “nạ dòng” làm chung với chị hầu như thành “soái” rồi. Tuy họ xấu xí nhưng bù lại ma lanh hơn.

Bà chị của nó cũng từng có chồng và con gái ở Việt Nam nhưng vì chán chồng vũ phu và muốn thoát khỏi cảnh đói nghèo nên kiếm được một xuất đi lao động xuất khẩu. Sang đây chị cũng yêu và sống như vợ chồng với một anh nghiên cứu sinh, nhưng sau đó anh kia phải về nước. Chị thương nhớ, vật vã và từ đó trở nên lạnh lùng với những người đàn ông khác theo đuổi chị.

Nó khuyên chị: “Phải kiếm một người đàn ông để nương tựa thì mới làm ăn được chị à. Nhìn mấy con bạn chị ấy, xấu ma chê quỷ hờn mà vẫn cặp được với các chú sứ quán, các anh nghiên cứu sinh mà...” Nhưng chị cứ khăng khăng: “Không yêu chị không thể sống cùng được.”
Thế nên tận bây giờ lăn lóc ở Nga gần 20 năm rồi mà chị nghèo vẫn hoàn nghèo, không chồng, không người yêu, không tiền bạc. Lỗi là hoàn toàn tại chị “đi ngược lại vòng quay lịch sử”.

Một lần nó tới một thành phố xa thăm một anh lớn tuổi hơn nhiều mà hồi xưa cùng học dự bị tiếng Nga với nó khi mới qua Liên Xô. Thành phố đó rất đông người lao động từ Việt Nam qua và theo “trào lưu chung” anh bạn nó cũng có một cô “người yêu công nhân”. Đêm đêm hai anh chị nằm ngủ trên giường sau cái rèm chắn rideau còn nó vô tư trải đệm nằm trên nền nhà phía gần cửa ra vào.

Trên bàn học của anh bạn giữa đống sách vở lộn xộn có hai khung ảnh lồng kính mà nó không nhận biết là ảnh ai ở trong đó. Một lần khi thấy nó cầm xăm xoi khung ảnh có người đàn ông mặc quân phục bồng một đứa bé trên tay thì cô “người yêu” của anh bạn liến thoắng “Chồng và bé con gái nhà em đấy.” Nó như bị cấm khẩu chỉ sang khung ảnh còn lại: “Còn ai đây?” “Ô, anh là bạn thân của anh T. mà không biết hả? Người yêu của anh T. đó, chờ anh T. bao năm rồi, học xong về sẽ cưới nhau.” Nó tần ngần: “Vậy em và anh T. không tính chuyện nghiêm túc với nhau hả?” Cô kia cười rất vô tư “Anh lẩn thẩn nhỉ, nghiêm túc gì, dựa vào nhau mà sống thôi. Khi nào về nước là giải tán, đường ai nấy đi. Em đã có chồng rồi cơ mà.”

Ngay từ hồi học Dự bị tiếng Nga tại Sài Gòn, trong lớp nó đã có cặp yêu nhau. Khi qua Liên Xô thì con bé đi cùng đoàn với nó về thành phố xa, người yêu con bé ở lại Moscow.

Người yêu cô bé gửi gắm cô bé cho một thằng bạn thân đồng hương học chung với nó. Nó thì vô tư nên tuy ở cùng phòng nhưng chả biết chuyện gì xảy ra cả. Thi thoảng thấy tụi đồng hương xứ Đà Nẵng với nhau tụm đầu thì thào chuyện gì mà nó không thể tham gia.

Cuối cùng một hôm thấy thằng được gửi gắm (tên T.) ngồi đăm chiêu, rít thuốc liên tục có vẻ căng thẳng lắm. Nó hỏi thì thằng T. nói xẵng “Mày không giúp được gì đâu, biến đi cho tao nhờ, đừng quấy rối!” Nó chạy đi hỏi anh phụ trách đơn vị thì anh ấy bảo “Con K. có bầu với thằng T. rồi, không phá được. Găng quá, thế này thì Sứ quán đuổi học mất thôi” Nó há hốc mồm: “Em học chung với con K. mà có thấy gì đâu?” Anh phụ trách cười: “Mày tồ lắm, 5- 6 tháng rồi đó”.

Cuối kỳ, bình bầu hạnh kiểm thì mọi người đều ái ngại cho bé K. không ai nỡ nhắc đến chuyện kia nên K. được loại A đi thành phố khác ở Nga, trong lúc thằng T. bị B nên đành phải ở lại. Đâu khoảng cuối mùa đông con bé K. sinh một đứa con trai, tụi nó góp tiền giúp thằng T. bay đi thăm con. Nhưng cũng không có happy end bởi vì gần cuối năm học thì con bé K. cũng phải ôm con đỏ hỏn về lại Việt Nam vì đơn vị báo dù Nhà trường đã can thiệp nhưng Sứ quán vẫn quyết định đuổi học.

Chưa hết, thằng bồ cũ của K. ở Moscow sau khi mất bồ (tức K.) lại quay sang “dớt” bồ của một thằng bạn đồng hương nhờ chăm sóc. Thằng kia tức mình lại cặp với người yêu cũ của thằng Moscow (sau khi mất K., thằng Moscow đã kịp có bồ khác). Nó lắc đầu nói với tụi Đà Nẵng: “Đm, Chúng mày choác nhau như gà ấy!” Tụi Đà Nẵng tức lắm nhưng bằng chứng sờ sờ ra đó nên đành im lặng.

Rồi một lần nó lên Minsk, nơi thằng em ruột nó mới sang học dự bị. Chợt thấy ầm ĩ ngoài hành lang và tiếng người cả Nga lẫn Việt láo xóa. Mở cửa ra hỏi có chuyện gì thì mấy đứa nữ Việt Nam học cùng với thằng em nói: “Con V. dẫn 4 thằng lên phòng bị phát hiện, kamedan (người quản lý ký túc xá) gõ cửa nhưng không mở nên quyết định gọi công an tới phá khóa.” Nó trợn mắt: “Con V. là con nào mà dâm tặc dữ vậy?” Thằng em kể con V. là một con bé Bến Tre cũng dễ thương lắm, mới sang đã cặp với một anh năm trên nên có bầu. Con V. bí mật đi phá và một lần đi giặt đồ thì máu chảy hồng nền nhà tắm công cộng. Bị thầy cô tra hỏi, V. phải khai thật nên được thương tình bỏ qua, giờ dính vụ này chả biết sao.”

Chạy lên phòng con V. thì cửa đã phá tanh banh, con V. và 4 thằng mặt mũi bơ phờ đứng đó với công an lẫn thầy cô và ban quản trị ký túc xá. Bọn Việt Nam hỏi sao mày sa đọa vậy V. thì V. ôm mặt khóc nức nở: “4 bạn này từ Moscow trốn xuống đây chơi, khi kamedan gõ cửa thì sợ vì không có Visa nên nằm im, ai dè…”

Nó quay về nói với thằng em “Nhìn con V. thế, anh không tin là nó có thể làm tình tập thể với 4 thằng.” Thằng em quặc lại “Sao anh có thể có ý nghĩ bệnh hoạn thế nhỉ, tất nhiên là tụi kia sợ vì không có Visa thôi.”

Nhưng dù sao thầy cô và Ban quản trị ký túc xá vẫn tin vào chuyện con V. “chơi” một lúc 4 thằng vì theo họ, con V. là dạng hư hỏng, mới sang mà đã kịp nạo thai rồi…

Quay lại chuyện ông anh nghiên cứu sinh “bồ” của chị Q. kia thì một lần anh ấy nói: “Chúng mày sướng chứ thời xưa sinh viên tụi anh khổ lắm. Cấm yêu đương, cấm nhảy đầm, cấm xem phim tư bản. Bạn bè nam nữ ngồi học với nhau trong ký túc xá cũng phải mở cửa thông thống, đi ra phố phải đi từ 2 người trở lên. Thế nên mỗi lần có chiếu phim tư bản là mò ra rạp xa tận ngoại ô để xem, nhưng ra đó thì lại toàn gặp bạn bè Cộng cùng ký túc xá của mình vì ai cũng tưởng đi xa là không ai biết mình là ai.” Nó ngoác miệng cười châm chọc: “Hồi xưa sinh viên các anh bị áp bức quá nên bây giờ mới vùng lên chứ gì! Đúng là choác nhau như gà!”

Rồi tất cả cũng qua, cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Nhưng cho tận lúc này nó vẫn bị ám ảnh mãi bởi bức ảnh đen trắng ngày nào nó nhìn thấy ở một thành phố trên bờ biển xứ Nga: người đàn ông mặc đồ lính Việt Nam với ngôi sao vàng trên mũ, mắt buồn vời vợi nhìn đăm chiêu vào chốn vô định, bế đứa bé còi cọc ở trên tay…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét