Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

(4) Москва không tin vào những giọt nước mắt: Buôn vàng

Москва không tin vào những giọt nước mắt 
Bài 4: Buôn vàng

“Buôn vàng”, một ghi chép trong tập tự truyện “Москва không tin vào những giọt nước mắt”. Tựa đề của tập ghi chép được tác giả lấy theo tên của một bộ phim truyện nổi tiếng của Liên Xô vào thập niên 70, nhưng “nhưng bối cảnh sẽ là cả không gian Liên Xô rộng lớn chứ không chỉ bó hẹp trong Moscow hay Nga”, Misha Đoàn cho biết.

Khá nhiều người thắc mắc dân Việt ở Nga làm gì mà giàu thế? Bởi vì nhìn qua ở Việt Nam bây giờ thì khá nhiều khuôn mặt “đại gia” xuất phát từ Nga. Rồi những người qua Nga làm ăn cũng mang khá nhiều tiền về. Ở Nga dễ làm ra tiền thế sao?

Thật ra thời còn Liên Xô thì người Việt chỉ kiếm tiền “túc tắc” để viện trợ cho gia đình đủ một cuộc sống “vương giả” hơn trong khung cảnh nghèo đói chung của thời bao cấp. Chỉ đến cuối những năm 80 khi Liên Xô lung lay và hệ thống XHCN Đông Âu sụp đổ thì người Việt ở Nga mới bắt đầu làm ăn với mức độ “khủng” hơn.


Và thời “hoàng kim” để kiếm tiền là những lúc hỗn loạn khi Liên Xô tan rã, nước Nga chập chững bước vào “kinh tế thị trường” theo kiểu như báo chí Nga gọi tên là “chủ nghĩa tư bản hoang dã”.

Chính vào thời điểm “gió đổi chiều” tranh sáng tranh tối này mà nhiều người Việt đã giàu lên một cách chóng mặt. Nhưng đồng tiền nào cũng có mặt trái của nó. Và những đồng tiền đó phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt thậm chí cả bằng máu nữa...
* * *


Thành phố nó học lớn thứ 4 ở Liên Xô về dân số cũng như quy mô xây dựng. Nhưng vị trí thành phố lại ở rất xa trung tâm và trong số dân hơn hai triệu người thì đến cuối những năm 80, đầu những năm 90 chỉ có khoảng 100 sinh viên Việt ở đó. Ở Liên Xô thời đó, nơi nào càng ít “Cộng” thì đời sống càng thanh bình bởi không có cảnh chụp giật tranh mua hàng dẫn đến hàng hóa khan hiếm nên cái nhìn của dân bản xứ vẫn còn giữ được sự thân thiện.

Một lần có một anh “lưu vong” từ Moscow đến ở nhờ tại phòng tụi nó trong ký túc xá. Nói thêm, từ “lưu vong” hồi đó được dùng để gọi những người học xong mà không quay về Việt Nam, thường có vợ con với người Nga và những người “lưu vong” này bị Sứ quán Việt Nam phối hợp với chính quyền sở tại lùng bắt ráo riết.

Thấy tụi nó vô tư lự suốt ngày ăn học rồi đi đá bóng, đánh bài, bia rượu... khi nào bí tiền rồi mới đi bán mấy cái quần bò (jeans), áo phông... rồi lại ăn chơi tiếp, anh bảo: “Chúng mày ở đây mà không biết tận dụng, uổng quá!” Hỏi anh phải làm sao thì anh bảo “Bọn em đi mua vàng ở các cửa hàng rồi đem lên Moscow, anh tiêu thụ cho.” Cả bọn ngạc nhiên: “vàng thì nằm đầy ở các cửa hàng, mua bao nhiêu chẳng có, ai buôn làm gì?” Rồi tụi nó còn thì thầm vào tai nhau “Không tin được mấy ông “lưu vong” này đâu!”

Chuyện đó cũng trôi vào quên lãng cho đến ít lâu sau bỗng nhiên thành phố nó ở xuất hiện nhiều gương mặt Cộng lạ. Vì thành phố ít sinh viên nên hầu như biết mặt nhau hết. Những người lạ đến rồi đi rồi lại quay lại, cường độ ngày càng nhiều mà tụi nó không rõ để làm gì.

Một lần nó qua phòng một anh Nghiên cứu sinh quen ở ký túc xá bên cạnh. Gõ cửa mãi anh mới mở. Hỏi có gái hay sao mà cửa kín then cài thế thì anh bảo gái đếch đâu, đang cạy vàng.

Nhìn lên bàn thì thấy một đống kìm búa và nhẫn vàng nằm lăn lóc. Ngạc nhiên hỏi anh làm trò khỉ gì thế này thì anh ấy nhăn cả hàm răng vàng khè ám khói thuốc ra cười “Để đánh quả chứ còn làm gì nữa.” Nó cầm mấy cái nhẫn lên xem rồi quẳng lại xuống bàn bũi môi: “Mấy thứ này đầy ngoài cửa hàng, quả gì?” “Thằng em quên đi nhá! Tụi Moscow xuống vét hết rồi, giờ phải ra tận ngoại ô mới còn có nhé!” Ôi, giờ mới thủng là tụi Cộng lạ mặt hay lẩn quẩn ở thành phố nó với mục đích gì!

Hôm sau nó thử chạy ra mấy cửa hàng vàng trong thành phố thì quả nhiên thấy hàng ít đi hẳn, chủng loại cũng nghèo nàn hơn hồi trước. Những loại nhẫn trơn (không gắn đá) đã hoàn toàn biến mất. Quay lại anh nghiên cứu sinh tên K. kia bảo cho em đánh quả với, anh OK.

Thế là một buổi sáng anh em bắt taxi đi những thành phố vệ tinh xung quanh Thủ đô (thành phố nó học là thủ đô của một nước Cộng hòa trong Liên bang Soviet).

Trước khi đi anh nghiên cứu sinh nhét một loạt son môi, quần jeans, váy bò, áo phông “cành mai” (loại của Thái lan có thêu hoa và rắc kim tuyến óng ánh) vào cái túi ba tầng. Hỏi anh mang theo làm gì thì anh bảo để hối lộ tụi bán hàng và tranh thủ bán hàng luôn, một công đôi chuyện. Hỏi tiếp là anh có quen ai không thì ảnh nói cần gì phải quen, cứ lấy bản đồ mà đi.

Hai anh em lên xe và nói ông taxi chở đến một thành phố cách thủ đô khoảng chưa tới 20 km. Ghé vào một cửa hàng nữ trang và run lên vì hồi hộp bởi thấy vàng vẫn nằm đầy ê hề trong tủ kính. Thậm chí để cho chắc ăn nên hỏi người bán hàng cho xem mấy thứ, cầm lên gí mắt sát vào cái birka (price tag) xem có đúng loại mình cần không nữa.

Sau khi biết chính xác hàng rồi, nó móc tiền, mới mở miệng ấm ớ định hỏi mua thì anh K. bấm vào lưng ý nói im lặng. Sau đó anh xin gặp cửa hàng trưởng. Một bà to béo xồ xề nhe hàm răng bọc vàng sáng chóe bảo tao đây, cần gì? Anh K. xin gặp riêng bà và bà dẫn hai đứa vào phòng làm việc.

Đóng cửa phòng rồi anh đặt vấn đề ngay lập tức “Tao muốn mua hết tất cả các loại nhẫn mà cửa hàng mày có.” Bà kia nhìn tụi nó có vẻ nghi hoặc “Mua hết là mua bao nhiêu? Chúng mày có đủ tiền không?” Anh bảo nó móc tiền từ túi ba tầng xếp lên bàn một đống. Chẳng nhớ là bao nhiêu nữa nhưng đối với thời đó thì đây là khoản tiền khổng lồ đủ mua chiếc xe hơi Volga sang trọng nhất.

Bà cửa hàng trưởng cầm một tập tiền lên và cứ lấy ngón tay vân vê đầu mép tiền để đếm rồi sau đó lại rút một tờ ra đưa lên ngang bóng đèn bàn để ngắm nghía. Sau đó bà lại nhìn xuống bàn và đưa tay chỉ chỉ, miệng lẩm nhẩm đếm số các cọc tiền. Đếm xong bà ngồi thừ một lúc trong khi đó thì nó cũng cảm giác như máu đông mình lại, ngừng chảy trong cơ thể.

Rồi bà cửa hàng trưởng thở hắt hỏi “Không phải tiền giả đó chứ?” Anh K. cười trấn an bả “Giả là giả thế nào! Và tụi tao còn những thứ này nữa...” rồi lôi ra mấy thứ son phấn , quần áo... lỉnh kỉnh mang theo. Bà kia nhìn chằm chằm vào đống hàng hổ lốn đó rồi nói: “À, té ra chúng mày là đồ Spekulant hả?” Spekulant tiếng Nga dịch thoáng là người đầu cơ, mua đi bán lại để kiếm lời, một từ có trong Luật Hình sự và được coi là đáng khinh trong xã hội Soviet khi đó. Anh K. liến láu “Spekulant gì, hàng tao mới mang sang từ chuyến về phép đó. Tao có thể biếu mày một số, số còn lại bán rẻ cho chúng mày. Đổi lại mày bán vàng cho tao, tao thanh toán sòng phẳng.”

Cuối cùng thì bà cửa hàng trưởng gọi mấy người bán hàng vào, chỉ vào đống quần áo và nói một tràng gì bằng tiếng địa phương mà nó không hiểu được. Chỉ biết mấy người kia mắt sáng lên, vồ lấy đống quần áo săm soi rồi quay lại vỗ vai tụi nó khen bằng tiếng Nga: “Tốt, tốt lắm, chúng mày là những đứa bé tốt!”

Họ chia nhau đồ, líu lo với nhau bằng tiếng Uzbek, một bà già cứ dang tay ra rồi đập đập lên ngực kêu “Ôi, ôi...” có vẻ sung sướng lắm.

Anh K. lấy bút ghi chép một lúc rồi đưa cho bà cửa hàng trưởng: “Tao tặng mày mấy thứ này, còn số hàng còn lại cụ thể là như vầy:... giá là như vầy...tổng cộng là như vầy... Cộng với số tiền tao mang theo là vầy...Tất cả là vầy...” Bà kia cầm tờ giấy lên xem và ngoác mồm ra cười “Tốt! Thỏa thuận thế!”

Sau đó nhân viên cửa hàng lục những chiếc nhẫn từ tủ kính ra rồi vào kho lấy thêm được một vốc nhưng vẫn chưa đủ với số tiền chúng nó mang theo. Bà cửa hàng trưởng bảo ngày mai quay lại nhưng anh K. không chịu, bảo đưa thêm nhẫn có gắn đá và khuyên đeo tai sao cho đủ. Cuối cùng nhẫn và khuyên gom lại, túm vào được một cục chắc bằng cái đầu của nó rồi hai bên hỉ hả chia tay nhau. Mấy người bán hàng còn giơ tay vẫy bảo khi nào có hàng thì mang lại cho tụi tao với nhá, mấy thằng bé tốt đẹp kia.

Lên taxi hai anh em cười phe phé, anh K bảo “Đi với thằng em may quá, vừa bán được hàng, vừa mua được vàng. Mà tao bằng tuổi bố tụi nó thế nhưng nó dám gọi mình mà manchik (thằng bé) mới láo chứ!”

Tối đó hai anh em hì hục lấy kìm và tuốc tơ vít cạy hết những viên đá rubi màu đỏ gắn trên nữ trang ra, rồi lấy búa đập bẹp đống khuyên nhẫn lại thành một cục. Nhìn đồ nữ trang tinh xảo bị đập bẹp không thương tiếc nó xót quá nhưng anh K. bảo phải làm như vậy mới ngụy trang để mang lên Moscow được. Vả lại người ta chỉ cần vàng nguyên liệu thôi chứ có cần thành phẩm đâu, bởi vàng sẽ từ Moscow được chuyển sang Ba Lan để “đánh” máy tính về lại Liên Xô.

Nó ngây thơ hỏi anh K. là lời được bao nhiêu thì anh bảo nếu mình có vốn và tự mang đi tiêu thụ thì sẽ lời nhiều còn anh chỉ làm thuê tức dân Moscow đưa tiền cho để anh mua hàng rồi họ tự mang lên lại Moscow nên “chỉ đủ ăn”. Sau đó anh chia cho nó “thành quả lao động” của ngày hôm đó, số tiền mà nó đã run khi cầm vì nó nhẩm tính đủ mua được mấy cái tủ lạnh Saratov hoặc một xe máy JAWA 350 phân khối của Tiệp Khắc. Mà đó là nó chỉ đi theo chơi thôi đấy nhá.

Sau đó nó bị cuốn vào cơn lũ “buôn vàng” và biết được lợi nhuận thật khủng khiếp thế nào. Nhưng người tham gia lùng mua vàng ngày càng đông, vàng càng ngày càng hiếm, càng ngày phạm vi lùng hàng càng rộng ra. Phải đi lùng sục vào những nơi xa xôi tận hoang mạc, những làng quê hẻo lánh, miễn sao có cửa hàng trang sức. Rồi nếu như thời gian đầu còn có sự lựa chọn chỉ mua những thứ nữ trang đơn giản (cho rẻ) và không có gắn đá thì sau này phải nhắm mắt gom tất, nữ trang đắt (vì chạm trổ tinh xảo) hoặc có đá to đều lấy hết.

Như đã nói ở trên, vàng chỉ có giá trị như nguyên liệu thô nên phải bỏ đá đi, nhưng khi mua nữ trang thì vàng và đá được tính chung vào một thành phẩm. Bởi vậy nếu càng nhiều đá thì lợi nhuận càng bị thấp xuống.

Hồi đầu birka (price tag) và đá được quẳng xuống ống rác của những buiding nhưng sau đó để tránh bị những người lao công phát hiện nên từng vốc đá rubi đỏ được tống thẳng vào toilet và giật nước còn birka thì bị đốt. Vàng đập dẹp được nhét vào đáy các quạt máy, bếp điện, máy hát... để qua mắt kiểm soát của công an khi đưa lên Moscow.

Xứ nó học hẻo lánh nên đây là một trong những trung tâm “khai thác” vàng thuộc loại lớn nhất đối với dân Cộng. Còn anh “lưu vong” kia sau đó gặp lại nó thì bĩu môi “Tao nói chúng mày từ hồi đầu mà không chịu nghe. Đến giờ mới làm thì trâu chậm uống nước đục thôi các em ạ.”

Thực ra “ăn đậm” nhất trong vụ “vàng” này là những “soái” (tức đại gia) Cộng ngồi ở Đôm 5 Moscow (ngôi nhà nổi tiếng đã được Dương Thu Hương viết đến trong “Thiên đường mù”) thu mua vàng và bán lại cho dân sang Ba Lan sau đó thầu máy tính từ Ba Lan mang ngược lại. Còn nó chỉ là một trong muôn ngàn con ốc tí hon của guồng máy khổng lồ đó mà thôi.
* * *


Nó có thằng em ruột cũng sang đây học nhưng đã vào thời kỳ Liên Xô tan rã. Khác với nó, thằng em học ở thành phố tận tít phương Bắc nơi có khá đông dân Cộng gồm cả sinh viên lẫn công nhân lao động.

Ai sang Nga mà chả dính đến chuyện “làm ăn” nên thằng em đề nghị nó cung cấp vốn. Sẵn tiền, nó chi cho thằng em không thương tiếc. Nhưng sau một thời gian kiểm tra lại thì thấy số tiền đó càng ngày càng hao hụt đi.

Nghĩ là thằng em ham chơi nên tiêu phá hết số tiền đó nên nó trực tiếp bay lên kiểm tra. Từ sân bay phi thẳng đến ký túc xá, vào cổng gặp ngay mấy đứa Cộng học chung với thằng em mình, hỏi tụi nó thì được trả lời là “Thấy anh P. mới lặc lè xách hai can nhựa gì về, chắc là bia hơi.”

Nó bấm thang máy lên phòng thằng em ở tầng cuối cùng của ký túc xá 9 tầng mà không thấy nó đâu cả. Chạy cầu thang bộ xuống đến tầng 7 thì thấy cậu ta đang đứng hồng hộc thở cạnh 2 cái can, mặt tái nhợt. Đang mùa đông, cu em mặc áo khoác sùm sụp mà mồ hôi ướt đẫm mặt và tóc.

Hỏi sao không đi thang máy mà cực khổ thế này thì hắn ta thì thào “Acid đấy, mang vào thang máy nó hôi, dễ bị phát hiện.” Nó há hốc mồm “Mang acid lên làm gì?” “Khẽ mồm thôi, em làm vàng!” Nó giơ tay bịt mồm để khỏi kêu lên: “Lại làm vàng hả? Đúng là cái nghiệp của anh em mình!”

Lặc lè xách hai cái can acid hơn 30 lít lên mà nó xót cho thằng em bé nhỏ, còi cọc của nó quá.





Sau khi đóng cửa lại thằng em lôi ra một bao ni lông xác rắn to đùng từ dưới gầm giường ngồi dốc ngược xuống sàn. Một đống kim loại màu vàng nhạt lổn nhổn loảng xoảng kêu khi chạm xuống mặt sàn gỗ. Thằng em lấy kìm búa ra gí vào tay nó và nói “Anh giúp em tỉa sạch đống jack này đi. Nhìn làm thế này này...”

Những chiệc jack đó có lớp nhựa cứng bao quanh nên cạy ra rất khó, sưng phồng cả tay. Vừa làm cu cậu vừa giải thích: “Những jack này có hai loại: loại có những lỗ nhỏ gọi là jack mama (mẹ), loại có những chân kim loại thò ra thì gọi là papa (cha). Những jack này được tháo gỡ ra từ những máy tính computer của Liên Xô và có chứa vàng trong đó. Mỗi chiếc máy tính to bằng một căn phòng của ký túc xá và có thể khai thác được mấy chục kg vàng tùy theo chủng loại và đời, những đời càng xưa càng nhiều vàng.”

Những loại máy tính sản xuất vào những năm 80 thì chỉ có khoảng 20 kg vàng thôi. Có một bảng thống kê cụ thể mỗi jack của mỗi model chứa bao nhiêu vàng và người mua sẽ căn cứ vào đó để tính tiền. Nghề kiếm jack này cũng là một “business” rất thịnh hành trong giới người Việt vào những năm đầu 90.

Sau khi bóc hết lớp nhựa ra, jack được gom lại bỏ vào một chậu nhựa to và đổ acid Nitric HNO3 vào để tách những hợp kim đồng và sắt ra khỏi vàng. Đây là công đoạn rất nguy hiểm và độc hại vì lúc đổ acid vào thì khói bốc lên màu đen nâu như từ những lò thiêu xác. Đã có trường hợp dân địa phương thấy khói nên đã báo Công an tới kiểm tra. Chính vì vậy nên thằng em phải thuê tầng trên cùng của ký túc xá nơi có một ống thông hơi nằm chình ình chiếm một phần của căn phòng.

Có dân Cộng làm vàng như nó làm thông hơi không kỹ để hơi bay xuống tầng dưới khiến sinh viên ở đó bị ngất vì ngạt thở. Loại khói này rất độc, ngửi nhiều sẽ bị nám phổi.

Để làm công đoạn tách vàng này phải chọn thời điểm ban đêm vào mùa đông bởi đông thì trời 7 giờ đã tối mịt nên khói lên không ai để ý. Làm mùa hè thì bất tiện bởi đêm trắng, nửa đêm vẫn sáng như 4 – 5 giờ chiều ở Việt Nam.

Dân Cộng đã nghĩ ra trò thuê những “dacha” (dạng single home được xây ở ngoại ô để ra nghỉ vào dịp lễ và cuối tuần) để làm vàng cho khỏi bị phát hiện. Nhưng vì hóa chất rất độc nên sau khi dân Cộng chuyển đi thì dacha sẽ mục nát nhất là những đồ kim loại sẽ bị rỉ sét. Dân Cộng trước khi đi thuê dacha khác sẽ lau chùi nhà và đồ đạc sạch sẽ nên chủ nhà không biết được. Riết rồi sau này dân Nga không cho dân Cộng thuê dacha nữa vì sợ hư hỏng nhà.

Sau khi ngâm jack khoảng từ 4 đến 6 tiếng đồng hồ thì những tạp chất như đồng, sắt đã bị lắng xuống dưới. Lúc này jack chỉ còn vỏ bọc bằng vàng mỏng manh như vỏ trấu, bên trong rỗng. Sau đấy, gạn hết acid cũ ra, chuyển “vỏ trấu” qua chậu thủy tinh và rửa lại bằng nước thường.

Khâu này đòi hỏi cần sự nhẹ nhàng khéo tay để vàng khỏi bị nát làm rơi vãi vụn vàng. Sau khi rửa bằng nước thường xong lại tiếp tục dùng Hydrochloric Acid HCl để rửa lại một lần nữa nhằm tẩy tiếp những chất hợp kim tạp còn lại như bạch kim, bạc...

Giai đoạn kế tiếp là dùng nước cường toan bằng hỗn hợp HCl + H2SO4 để hòa tan vàng ra. Lúc này sẽ thu được một dung dịch nước màu vàng sóng sánh và lại bỏ tiếp muối tủa vào đó. Muối tủa là một loại muối hóa học nhìn giống muối ăn bình thường nhưng khi bỏ vào dung dịch kia một lát thì vàng kết tủa lại đóng thành váng màu nâu như khi nấu riêu cua còn nước thì trở nên trong vắt.

Sau khi vớt “gạch cua” kia ra, thằng em úp mặt nạ vào mặt rồi dùng đèn khò loại nhiệt độ cao từ 3000 đến 4000 độ C gí vào đám “kết tủa” kia. Tiếng đèn khò phát ra xè xè, “gạch cua” màu nâu dần dần chuyển qua màu vàng pha đỏ lấp lánh chảy dài, bắn ra những tia lửa long lanh như pháo hoa. Lúc này vàng đã hình thành ở dạng lỏng, phía trên đùn ra những bong bóng màu đen, đó là những tạp chất còn lại.

Thằng em lại dùng một loại muối tẩy rắc lên đám đen đó để tương tác hóa chất đẩy chất cặn ra khỏi vàng. Làm xong công đoạn này thì ngưng lại chờ khoảng 2 – 3 phút sau vàng đông lại thành cục màu vàng thau, phía mặt trên xuất hiện những vết nứt dài để lộ màu vàng óng ánh ở phía trong rất hấp dẫn. Lật ngược cục vàng lên xem thì thấy cũng bị lõm như “hố tử thần”.

Thằng em gật gù khoái chí nói vàng nó mới khò ra đạt chất lượng 4 con số 9. Hỏi làm sao biết thì nó nói vàng nào khò ra mà không bị nứt thì chứng tỏ còn nhiều tạp chất và chất lượng kém.

Nó cầm cục vàng nặng trình trịch khoảng gần 500 g còn ấm trên tay mà không tin là cách đây chưa đến 12 tiếng cục vàng này vẫn còn là bao tải xác rắn to tướng lủng củng toàn jack. Rồi nó quay sang nhìn thằng em nhễ nhại đang lấy vạt áo lau mồ hôi trên mặt, một cảm giác lẫn lộn trào dâng trong nó: xót xa, thương yêu và cảm phục. Ai ngờ thằng cu em bé bỏng ngày nào của nó đã trưởng thành nhanh chóng khi phải bươn chải để vừa ăn, vừa học, vừa kiếm tiền trên xứ Nga lạnh giá và hỗn loạn này.

Tung tung cục vàng trên tay nó nhẩm tính “Như vầy giàu to rồi em ơi, gần 15 cây vàng chứ ít ỏi gì đâu, bán cả nhà lẫn gia tài của gia đình mình ở Việt Nam cũng không có được!” Thằng em bảo đưa cục vàng cho cu cậu rồi bỏ vào một cái ca nhôm thật to đổ đầy nước vào nhét lên ngăn đá tủ lạnh. Nó ngạc nhiên tưởng đó cũng là một công đoạn làm vàng nhưng thằng em giải thích “Để tụi trộm hay cướp vào không phát hiện ra được!”

Khi hai anh em ngồi bóc con cá khô ra uống bia thì thằng em mới rù rì kể cho nó về công nghệ làm vàng ở thành phố phía Bắc này. Vàng khò xong sẽ được đem lên Moscow bán, tập kết tại Đôm 5 rồi từ đó chuyển tiếp sang Ba Lan như nó đã kể ở phía trên.

Phong trào tự khò vàng phát triển rất mạnh giữa cộng đồng người Việt nên phát sinh một số dịch vụ “ăn theo” như nhổ jack, bán hóa chất và công cụ làm vàng. Dân khò vàng chủ yếu là Việt, thi thoảng cũng có tụi dân địa phương làm nhưng chất lượng kém hơn nên dân Cộng mua lại với giá rẻ và tinh chế lại.

Biết dân Việt Nam làm vàng nên tụi trộm và cướp đều để ý. Mỗi lần đi ra khỏi nhà là phải giấu vàng hoặc nguyên liệu ở những nơi bất ngờ như thùng giấy toilet, giữa vách ngăn tủ lạnh. Có khi về phòng đã thấy cửa phòng mở toang, nệm giường bị rạch nát. Thời buổi nhiễu nhương , trộm cướp như rươi, ở ký túc xá tụi sinh viên cùng hành lang thấy trộm nhưng không dám hó hé gì. Thế nên luôn có cảm giác khi về gần đến phòng là tim đập thình thịch vì lo với viễn cảnh cửa phòng mở toang hoác.

Còn chuyện bị trấn lột là quá thường tình. Cướp Tây trấn, cướp Ta trấn, công an trấn. Trấn bằng dao, bằng súng, bằng bình xịt hơi cay, bằng gậy gộc. Có lần cậu em mới tiễn một thằng bạn cầm vàng ra khỏi phòng để mang lên Moscow, chưa đầy 2 – 3 phút sau đã nghe chuông. Mở cửa thấy thằng bạn mặt đầy máu lảo đảo bước vào kể mới vào thang máy trong ký túc xá đã bị hai thằng đầu đen đấm cho tối tăm mặt mũi rồi lục người lấy sạch đồ.

Sợ cướp và sợ công an ngang nhau vì công an cũng hay cướp và cướp một cách công khai hơn. Vì thế dân Cộng nghĩ ra trò khò vàng thành thỏi dài rồi nhét vào bánh mì, dồn thịt, trứng và nước mắm vào, công an mở ra thấy hôi quá phẩy tay bảo cất đi. Nhưng trò này sau cũng lộ, dân Cộng lại nghĩ ra trò khác.

Nói chung để làm được cục vàng và tập kết an toàn tại Đôm 5 Moscow thì những người Việt Nam cần cù, lam lũ như thằng em nó đã phải đổi bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa.

Thằng em buồn hiu “Đấy, anh biết không, số tiền anh đưa cho em thì mấy lần em bị “đập hộp” (tức là trộm) và một lần bị cướp nên có còn đâu. Đợt vàng này em phải vay tiền có lãi để làm đó. Mà làm thế này hại người lắm, em sợ sau này đẻ con ra không có lỗ đít ấy!”

Ngụm bia đắng nghét trong họng, nó vỗ vai thằng em: “Thôi, bỏ nghề này đi em, đừng làm gì nữa, anh đầu tư cho mày học nên người. Nghề sư phạm của mày về Việt Nam có mà ăn mày, chuyển qua học computer đi.”

Hôm sau hai anh em ra cửa hàng tha một desktop về. Cu cậu xăng xái bê máy tính từ taxi vào ký túc xá, vừa đi vừa lắc và ngoác miệng ra cười “Nhẹ thế này thì lấy đếch đâu ra vàng nhỉ!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét