Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

(2) KIST: Viện nghiên cứu theo hợp đồng (Kỳ II)

Đọc bài này thấy khâm phục Tổng thống Park quá: Ông hết sức quan tâm đến việc nâng cao vị thế xã hội của Viện KIST. Trong suốt ba năm qua sau khi thành lập Viện KIST, mỗi tháng ông đến thăm viện hai lần để trò chuyện với các nhà nghiên cứu. Bất cứ khi nào Viện gặp phải sự chống đối của các Bộ trưởng, ông cũng đều bảo vệ quan điểm của Viện.
Ngô Bảo Châu và Viện Toán cao cấp chắc cũng thích được như vậy. Nhưng viện của Châu hoàn toàn nghiên cứu toán thuần túy, không biết có đáng được đối xử như Viện KIST ? Và tầm của Châu có so được với Choi Huyng – Sup ?

KIST: Viện nghiên cứu theo hợp đồng (Kỳ II)

Choi Huyng – Sup

TUYỂN CHỌN VÀ SỬ DỤNG NGHIÊN CỨU VIÊN


Tôi soạn thảo cuốn giới thiệu Viện KIST để tuyển dụng các nhà nghiên cứu sau khi tham khảo ý kiến của Viện Bartell và thăm tất cả các viện nghiên cứu và các trường đại học lớn ở châu Mỹ và châu Âu. Sau đó, hơn 500 đơn xin việc đổ tới, trong đó số người có bằng kỹ thuật công nghệ chỉ có 10, còn lại là số có bằng khoa học cơ bản (các sinh viên Hàn Quốc hầu hết bị ép phải đi vào các khoa học cơ bản để nhận được học bổng của Mỹ, nơi mà vật lý lý thuyết và vật lý nguyên tử đang là trào lưu chính vào thời kỳ đó). 
Tôi tới Mỹ để phỏng vấn 78 ứng cử viên được lựa chọn từ tất cả số người có đơn xin việc. Một hôm, một ứng viên, vốn là sinh viên cũ của tôi, phàn nàn: “Giáo sư, thầy biết em rất rõ, sao thầy không tin em?”. Tôi trả lời: “Khó có thể tin chỉ nghiên cứu những gì em thích thú. Cần cấp tốc tập trung vào những nghiên cứu có ích cho các hoạt động kinh doanh ngay cả khi chúng không thú vị đối với các nhà khoa học. Nếu em quyết định sai lầm do không hiểu biết hết được sứ mệnh của em và rồi đây sẽ bỏ cuộc thì điều đó sẽ gây nên những rắc rối nghiêm trọng. Tôi chỉ muốn chắc chắn rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào em cũng sẽ diễn đúng vai cần phải diễn của mình ở Hàn Quốc”. Bước đầu tôi lựa chọn 18 nghiên cứu viên, là những người đã có hơn 5 năm kinh nghiệm kể từ khi nhận bằng tiến sĩ.


Sau khi đọc tin này trên báo hằng ngày Dong-Ah, Tổng thống Park rất hài lòng gọi tôi đến văn phòng Tổng thống để biết chi tiết, và hỏi: “Trong số họ có ai là chuyên gia về lĩnh vực chế tác sắt?”. Tổng thống Park gạch dưới hai cái tên TS Kim chul – Woo và TS Kim Jae – Kwan, những người tham gia vào Viện KIST với tư cách là những nhà nghiên cứu về sắt. Điều này cho thấy ông hết sức quan tâm đến sự nghiệp phát triển công nghiệp sắt.


Về sau, tôi lựa chọn thêm 35 nhà nghiên cứu nữa và gửi tất cả họ tới Viện Bartell. Một nhà nghiên cứu, người đã từng làm việc tại Viện Bell, phản đối lệnh này: “Vì sao ông lại cố gửi tới Viện Bartell, một viện dưới tầm Viện Bell?”. Tôi thuyết phục anh ta: “Anh được gửi tới viện Bartell không phải để tăng kiến thức về lĩnh vực của mình mà để học cách kinh doanh. Trên tất cả, anh phải học cách làm thế nào xây dựng được những kế hoạch nghiên cứu có khả năng thu hút các nhà doanh nghiệp để nhận được đặt hàng nghiên cứu từ họ”. Vào thời điểm Viện KIST được thành lập, ở Hàn Quốc không có công nghệ nào đáng để gọi công nghệ theo đúng nghĩa của nó, và đối với các công ty, những cuốn chỉ dẫn kỹ thuật là nhu cầu cấp thiết hơn các nghiên cứu. Do vậy, chủ trương của Viện KIST là phải hài hoà nhu cầu của xã hội với sở thích của các nhà nghiên cứu.


Thời gian đó, các hoạt động sử dụng nhiều lao động, trong đó công nghiệp dệt trình độ sơ đẳng đang là nòng cốt của các ngành công nghiệp chiến lược. Cái mà các công ty dệt muốn có không phải là công nghệ về sản phẩm tổng mới, mà là kỹ thuật nhuộm hàng dệt. Sau khi thảo luận tôi chọn TS. Yoon Han – Shik tốt nghiệp khoa dệt trường Đại học Kỹ thuật thuộc Đại học Tổng hợp Seoul, đã từng làm việc cho một công ty chế tạo phẩm nhuộm chủ trì đề tài này. Việc tôi lựa chọn TS Yoon chứ không phải các nhà nghiên cứu khác đầy kiêu hãnh với những học vị nước ngoài chủ trì đề tài là vì tôi hiểu rất rõ con người này luôn cố gắng tột đỉnh trong nghiên cứu. Và quả thật việc đặt lòng tin vào ông ta đã hoàn toàn đúng. TS.Yoon đã xây dựng nên một phương pháp sản xuất “hàng dệt Aramid”, được biết đến như là sợi tổng hợp thế hệ thứ ba. Lý thuyết mới trong lĩnh vực hình thái học của cao phân tử mà tôi đề xuất đã được đăng trên tạp chí “The Nature”, và đã thu hút sự quan tâm của cả thế giới.


THÔNG QUA LUẬT ĐẶC BIỆT


Sau khi kết thúc việc lựa chọn tất cả các nhà nghiên cứu, chúng tôi lại gặp phải một vấn đề lớn khác. Những phần cơ bản của Luật đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Viện KIST đã bị thay đổi hoàn toàn trong quá trình thảo luận và phê chuẩn của Quốc hội. Ví dụ, có một điều khoản nói rằng kế hoạch hằng năm và các tài khoản của Viện KIST phải được Chính phủ phê duyệt và kiểm toán. Tôi viết báo cáo gửi lên Tổng thống Park, ông nổi cáu và ngay lập tức ra lệnh cho Phó Thủ tướng Chang Ki – Young sửa lại ngay luật này như đề xuất ban đầu. Khi dự thảo Luật sửa đổi được trình ra trong một phiên họp đặc biệt của Quốc hội vào tháng 3/1967, các đại biểu khăng khăng phản đối. khi được gọi tới để trình bày luận chứng của dự thảo luật sửa đổi tại Quốc hội, tôi nói: “Rất đáng tiếc và rất không may là các nhà khoa học thường hay gặp rắc rối vì những thủ tục hành chính hơn là vì các công việc nghiên cứu. Dự thảo Luật đặc biệt nhằm bảo đảm cho các nhà nghiên cứu tránh khỏi những rắc rối không cần thiết. Lẽ đương nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta khuyến khích các nhà nghiên cứu tiêu tiền theo kiểu hoang phí, ý tưởng ở đây là đảm bảo “một chế độ kỷ luật tự chủ cho chính các nhà nghiên cứu tự quản bắt nguồn từ nhu cầu của nghiên cứu - triển khai”. Và tôi nói thêm “nếu các vị nghĩ vậy, thì xin hãy tin tôi và thông qua dự thảo luật”. Sau nhiều tranh luận dài của các đại biểu có mặt, rốt cục, dự thảo phải được thông qua với số phiếu sít sao sau khi một đại biểu có ý kiến: “Không có đại biểu nào ở đây hiểu được khoa học và công nghệ một cách đầy đủ. Vậy thì hãy để mọi việc cho TS Choi, Viện trưởng của Viện KIST. Hãy đợi và xem kết quả ra sao”.


NHỮNG NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ


Việc thành lập và quản lý Viện KIST được triển khai thực tế theo những ý tưởng riêng của chúng tôi chứ không phải của Mỹ như quan niệm của một số người. Sự hỗ trợ của phía Mỹ chủ yếu bao gồm các nghiên cứu khả thi, mà thực ra chỉ mang tính hình thức. Ngay cả việc những kinh nghiệm chúng tôi học được từ Viện Bartell đã thành lập một viện nghiên cứu theo hợp đồng cũng không ảnh hưởng gì đến việc điều hành độc lập và tự chủ của chúng tôi.


Ví dụ, hợp đồng dịch vụ tư vấn với viện Bartell được thực hiện theo yêu cầu của chính chúng tôi chứ không phải theo đề xuất từ phía Mỹ. Việc lựa chọn các chuyên gia nước ngoài cũng do phía chúng tôi quyết định (thông thường, phía tài trợ quyết định việc lựa chọn các chuyên gia để gửi tới các nước đang phát triển nhận viện trợ. Và thường là những chuyên gia không đủ năng lực chuyên môn, những người tương đối rỗi rãi, thì được gửi tới các nước đang phát triển).


Viện KIST với tư cách là một viện nghiên cứu làm việc theo hợp đồng có một số đặc trưng độc đáo. Mỗi phòng của Viện KIST đều có thể độc lập lãnh đạo một hệ thống nghiên cứu và phải chịu trách nhiệm về tất cả các chi phí cần thiết để thực hiện các nghiên cứu, bao gồm cả chi tiêu cho cán bộ, tiền thuê các phòng thí nghiệm và thiết bị. Ban đầu, các nghiên cứu vội vàng chiếm thật nhiều diện tích phòng thí nghiệm và sử dụng nhiều thiết bị, nhưng khi đã nhận thức được hệ thống này, họ tự giác thi đua với nhau theo hướng quan tâm đến hiệu quả của chi phí.


Viện KIST là một dự án khổng lồ với tổng giá trị 20 triệu USD do hai nước cùng tài trợ với tỷ lệ ngang nhau (tài trợ của phía Mỹ) chủ yếu dùng để mua thiết bị và trả chi phí tư vấn cho Viện Bartell). Trong việc lựa chọn thiết bị tôi đã đề ra quy định mua từng bộ phận để lắp đặt thành một hệ thống thiết bị hoàn hảo chứ không mua toàn bộ thiết bị. Tôi cho rằng việc mua những thiết bị không cần thiết chỉ vì còn dư tiền sẽ chỉ làm hỏng bầu không khí nghiên cứu. Bằng cách này chúng tôi đã tiết kiệm được 1,35 triệu USD trong số 10 triệu. Vậy nên tôi quyết định đem trả số còn lại cho cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Mỹ (USAID). Dự án có uy tín này được thực hiện theo sáng kiến của cả hai Tổng thống, nên không thể để USAID có gì phải suy nghĩ, dù nhỏ. Ông Tổng giám đốc của USAID, quá ngạc nhiên khi nghe được đề xuất của tôi, đã bay sang Hàn Quốc để gặp tôi. Tôi quả quyết với ông ta rằng Viện KIST đã được trang bị những thiết bị cơ bản cần thiết và chúng tôi có thể xoay sở để thoả mãn những nhu cầu trong tương lai bằng cách giành lấy các hợp đồng nghiên cứu.


Về lĩnh vực quản lý, Viện KIST dựa trên nguyên tắc cấm ngặt hoạt động can thiệp trực tiếp của các cán bộ hành chính vào công tác nghiên cứu, hệ thống hành chính phải hỗ trợ mọi mặt cho nghiên cứu, các cán bộ hành chính không bao giờ được phép phê bình và cãi cọ với nghiên cứu viên. Những yêu cầu bất hợp lý của các nghiên cứu viên phải được báo cáo lên viện trưởng hoặc phó viện trưởng để khuyến khích các giải pháp hoà giải giữa các nhà nghiên cứu. Một số người có thể có quan điểm khác, riêng tôi hoàn toàn tin rằng sự trung thành triệt để đối với nguyên tắc này của các thành viên ban đầu của Viện KIST đã đóng góp rất lớn cho các hoạt động nghiên cứu đạt hiệu quả và hiệu ích cao.


SỰ HỖ TRỢ TOÀN DIỆN CỦA CHÍNH PHỦ


Tổng thống Park hết sức quan tâm đến việc nâng cao vị thế xã hội của Viện KIST. Trong suốt ba năm qua sau khi thành lập Viện KIST, mỗi tháng ông đến thăm viện hai lần để trò chuyện với các nhà nghiên cứu. Bất cứ khi nào chúng tôi gặp phải sự chống đối của các Bộ trưởng, ông cũng đều bảo vệ quan điểm của chúng tôi. Chính vì thế các quan chức Chính phủ phụ trách việc hỗ trợ Viện KIST đã thay đổi cách nghĩ và thái độ của họ đối với Viện KIST. Như TS Steven Dedijer khẳng định trong luận án của ông, nhan đề: “Sự kém phát triển của khoa học" rằng các nước đang phát triển không thể phát triển được khoa học và công nghệ nếu như người đứng đầu đất nước không nhận lấy vai trò lãnh đạo trên tuyến đầu”.


Tổng thống Park đề nghị tôi ghi nhớ lại hai điểm khi ông bổ nhiệm tôi làm Viện trưởng Viện KIST. Thứ nhất, tôi không phải lo lắng gì từ phía Ủy ban Kế hoạch Kinh tế để đảm bảo ngân sách của Viện KIST. Thứ hai, tôi không chấp nhận bất cứ yêu cầu cá nhân nào trong việc lựa chọn các nghiên cứu viên từ phía các quan chức và đại biểu Quốc hội. Vì thế có vô số những yêu cầu cá nhân liên tục trút lên bàn tôi ngay khi tôi được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện KIST, tôi từ chối tất cả các yêu cầu đó.


Tôi xin kể một tình tiết liên quan đến ngân sách của Viện KIST. Một hôm, ngay sau khi có thông báo về ngân sách năm tới để xây dựng toà nhà của Viện KIST, tôi nhận được điện thoại của ông Kim Hak –Ryul, Thứ trưởng của Ủy ban Kế hoạch Kinh tế đề nghị tôi thông cảm vì có tình huống không thể làm khác khiến ông phải chuyển 200 triệu Won trong số 1 tỷ Won mà chúng tôi yêu cầu sang cho một dự án khẩn cấp khác. Tôi trả lời: “Trong vấn đề ngân sách ông có toàn quyền. Vậy nên tôi hoàn toàn không có ý định can thiệp vào công việc của ông. Nhưng tôi chỉ muốn ông nhớ cho rằng khối lượng công việc sẽ bị cắt giảm một cách tương ứng”.


Khi Thứ trưởng của Ủy ban Kế hoạch Kinh tế trình bày và các thành viên nội các thảo luận về ngân sách năm tới, Tổng thống Park đột nhiên hỏi: “Ngân sách của Viện KIST là bao nhiêu?”. Thứ trưởng Ủy ban Kế hoạch Kinh tế trả lời: 800 triệu Won, thưa ngài. Tổng thống Park hỏi lại: “Thế ngân sách ban đầu mà Viện KIST yêu cầu là bao nhiêu?”, Thứ trưởng lắp bắp: “Với sự thông cảm của Viện trưởng Viện KIST, chúng tôi cắt giảm 200 triệu Won trong số 1 tỷ Won”. Tổng thống ra lệnh: “Hãy chuyển 1 tỷ Won như yêu cầu ban đầu”. Tổng thống Park đã giữ lời hứa của ông với tôi cho đến cùng. Từ sau lần đó, Ủy ban Kế hoạch Kinh tế không bao giờ cắt giảm ngân sách của Viện KIST.


Trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của Viện ngày càng được xã hội thừa nhận, đánh giá cao, trước hết là sự ủng hộ toàn diện của Tổng thống Park và sự cố gắng quên mình của các nhà nghiên cứu chủ chốt, những người tận tụy hết lòng cho sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của đất nước. Vì thế, người ta gọi “Viện, nơi ánh sáng không bao giờ tắt”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét