Thời đại Biến đổi Xã hội (Kỳ 2)
- Peter F. Drucker
Sự tăng lên của Người lao động Tri thức
Sự tăng lên của giai cấp tiếp sau công nhân công nghiệp không phải là một cơ hội cho công nhân công nghiệp. Nó là một thách thức. Nhóm chi phối đang mới nổi lên là “những người lao động tri thức”. Chính từ này đã không được biết đến bốn mươi năm trước. (Tôi đã đặt ra nó trong cuốn sách Những Cột mốc của Ngày Mai - Landmarks of Tomorrow, xuất bản năm 1959). Vào cuối thế kỷ này những người lao động tri thức sẽ chiếm một phần ba hay hơn của lực lượng lao động ở Hoa Kỳ - lớn như tỷ lệ công nhân chế tác đã từng chiếm, trừ thời kỳ chiến tranh. Đa số họ sẽ được trả công chí ít cũng khá như, hay khá hơn công nhân chế tác đã từng được trả. Và các việc làm mới tạo ra những cơ hội lớn hơn nhiều.
Nhưng – và đây là một chữ nhưng lớn – tuyệt đại đa số việc làm mới đòi hỏi trình độ chuyên môn mà công nhân công nghiệp không có hay chỉ được trang bị tồi để kiếm. Chúng đòi hỏi rất nhiều giáo dục chính quy và khả năng để kiếm và áp dụng hiểu biết lí thuyết và giải tích. Chúng đòi hỏi một cách tiếp cận khác đối với công việc và một nếp nghĩ khác. Trước hết, chúng đòi hỏi một thói quen học tập liên tục. Như thế công nhân công nghiệp bị thải ra không thể đơn giản chuyển sang công việc tri thức hay dịch vụ theo cách mà nông dân và người ở bị thải ra đã chuyển sang việc làm công nghiệp. Ít nhất họ phải thay đổi thái độ, giá trị và niềm tin cơ bản của họ.
Trong các thập niên kết thúc của thế kỷ này lực lượng lao động công nghiệp đã co lại nhanh hơn và thêm nữa ở Hoa Kỳ so với bất cứ nước phát triển khác nào – trong khi sản xuất công nghiệp đã tăng lên nhanh hơn bất cứ nước phát triển nào trừ Nhật Bản.
Sự thay đổi đã làm trầm trọng vấn đề cổ nhất và khó xử lý của Mỹ: địa vị của những người da đen. Trong năm mươi năm kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai địa vị kinh tế của những người Mỹ gốc Phi đã được cải thiện nhanh hơn sự cải thiện của bất cứ nhóm dân cư khác nào trong lịch sử xã hội Mỹ - hay trong lịch sử xã hội của bất cứ nước nào. Ba phần năm những người da đen của Mỹ đã leo lên tầng lớn có thu nhập trung lưu; trước Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai con số đó mới là một phần hai mươi. Nhưng nửa nhóm đó đã leo lên tầng lớp thu nhập trung lưu và không phải lên tầng lớp có việc làm trung lưu. Từ Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai ngày càng nhiều người da đen đã chuyển thành công nhân cổ xanh trong ngành sản xuất hàng loạt được nghiệp đoàn hóa – tức là, những việc làm được trả lương tầng lớp trung lưu hay tầng lớp trung lưu lớp trên trong khi không đòi hỏi giáo dục cũng chẳng đòi hỏi kỹ năng. Tuy nhiên, đây chính xác là những việc làm biến mất nhanh nhất. Cái gây sửng sốt không phải là nhiều người da đen đến vậy đã không kiếm được một sự giáo dục mà là nhiều người đến vậy đã kiếm được. Điều duy lý về mặt kinh tế đối với một thanh niên da đen ở nước Mỹ hậu chiến tranh đã không phải là ở lại trường và học; mà là bỏ trường càng sớm càng tốt và kiếm một trong rất nhiều việc làm sản xuất-hàng loạt. Kết quả là, sự xuống dốc của công nhân công nghiệp đã làm tổn thương nặng người Mỹ da đen một cách không tương xứng – về mặt số lượng, nhưng về mặt chất lượng thậm chí còn nhiều hơn. Nó đã làm cùn cái đã là vai mẫu tiêu biểu có sức thuyết phục nhất trong cộng đồng da đen ở Mỹ: công nhân công nghiệp được trả lương khá với đảm bảo việc làm, bảo hiểm sức khỏe, và lương hưu được đảm bảo – nhưng vẫn không có kỹ năng cũng chẳng được giáo dục nhiều.
Nhưng, tất nhiên, những người da đen là một thiểu số của dân cư và lực lượng lao động ở Hoa Kỳ. Đối với tuyệt đại đa số - người da trắng, nhưng cả người Latino và Á châu nữa – sự xuống dốc của công nhân công nghiệp đã gây ra ít đổ vỡ một cách đáng kinh ngạc và chẳng có gì có thể được gọi là một sự chấn động. Ngay cả trong các cộng đồng một thời đã hoàn toàn lệ thuộc vào các nhà máy sản xuất hàng loạt, những nhà máy đã bị loại ra hay đã cắt giảm mạnh việc làm (các đô thị thép ở tây Pennsylvania và đông Ohio, chẳng hạn, hay các đô thị ôtô như Detroit và Flint, Michigan), tỷ lệ thất nghiệp đối với người trưởng thành không da đen trong vòng vài năm đã rớt xuống mức không mấy cao hơn tỷ lệ trung bình của Hoa Kỳ - và tỷ lệ đó có nghĩa là mức không cao hơn mấy mức “công ăn việc làm đầy đủ” của Hoa Kỳ. Ngay cả trong các cộng đồng này cũng đã không có sự quá khích nào của công nhân cổ xanh Mỹ.
Giải thích duy nhất là, đối với cộng đồng cổ xanh không da đen sự phát triển đã đến không như sự ngạc nhiên, dẫu nó có thể khó chịu, đau đớn và đe dọa đến thế nào đối với cá nhân những người lao động và gia đình họ. Về mặt tâm lý học – nhưng có lẽ về mặt giá trị hơn là về mặt xúc cảm – công nhân công nghiệp Mỹ hẳn đã được chuẩn bị để chấp nhận như sự dịch chuyển đúng và thích đáng tới những việc làm đòi hỏi giáo dục chính quy và trả công cho tri thức hơn là cho công việc chân tay, bất luận có kỹ năng hay không có kỹ năng.
Ở Hoa Kỳ sự dịch chuyển về cơ bản đã hoàn tất vào năm 1990 hay khoảng đó. Nhưng cho đến nay mới chỉ xảy ra ở Hoa Kỳ. Ở các nước thị trường-tự do đã phát triển khác, ở tây và bắc Âu và ở Nhật Bản, nó vừa mới bắt đầu trong các năm 1990. Tuy nhiên, kể từ nay nó chắc chắn diễn ra nhanh ở các nước này, có lẽ nhanh hơn nó đã xảy ra ban đầu ở Hoa Kỳ. Sự xuống dốc của công nhân công nghiệp trong các nước thị trường-tự do đã phát triển sẽ cũng có một tác động lớn ở bên ngoài thế giới đã phát triển. Các nước đang phát triển không còn có thể kỳ vọng đặt cơ sở cho sự phát triển của họ trên lợi thế so sánh của họ về lao động – tức là, trên lao động công nghiệp rẻ.
Người ta đã tin rộng rãi, đặc biệt là các quan chức công đoàn, rằng sự xuống dốc của công nhân công nghiệp cổ xanh ở các nước phát triển chủ yếu, nếu không phải hoàn toàn, đã do việc chuyển sản xuất “offshore” sang các nước có cung dư dả về lao động không có kỹ năng và lương thấp gây ra. Nhưng điều này không đúng.
Đã có cái gì đó để tin ba mươi năm trước. Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc quả thực (như được giải thích khá chi tiết trong cuốn sách 1993 của tôi Xã hội Hậu-Tư bản Chủ nghĩa - Post-Capitalist Society) đã nhận được lợi thế ban đầu của họ trên thị trường thế giới, hầu như trong một sớm một chiều, bằng cách kết hợp phát minh của Mỹ về huấn luyện cho năng suất đầy đủ với chi phí lương vẫn là chi phí lương của một nước tiền công nghiệp. Nhưng mẹo này đã chẳng hề hoạt động nữa từ 1970 hay 1975.
Trong các năm 1990 chỉ một tỷ lệ phần trăm không đáng kể các mặt hàng chế tác được nhập khẩu vào Hoa Kỳ là được sản xuất ở nước ngoài bởi vì chi phí lao động thấp. Trong khi tổng nhập khẩu của năm 1990 chiếm khoảng 12 phần trăm thu nhập thô cá nhân ở Mỹ, nhập khẩu từ các nước với chi phí lương thấp đáng kể chỉ chiếm ít hơn ba phần trăm – và chỉ nửa số đó là các sản phẩm chế tác. Vì thế hầu như chẳng có chút nào trong sự xuống dốc về việc làm chế tác Mỹ, từ khoảng 30 hay 35 phần trăm lực lượng lao động xuống 15 hay 18 phần trăm, có thể được cho là do chuyển việc làm sang các nước có lương thấp. Sự cạnh tranh chính đối với ngành chế tác Mỹ - thí dụ, ôtô, thép, và máy công cụ - đã đến từ các nước như Nhật Bản và Đức, nơi chi phí lương từ lâu đã bằng, nếu không phải cao hơn chi phí ở Hoa Kỳ. Lợi thế so sánh mà bây giờ được tính đến là về áp dụng tri thức – thí dụ, về quản lý chất lượng toàn bộ của Nhật, quy trình chế tác thon lẳn, uyển chuyển [lean: không có phế liệu], giao kịp thời, và tính chi phí dựa vào giá, hay về dịch vụ khách hàng mà các công ty kỹ thuật cỡ vừa của Đức hay Thụy Sĩ cung cấp. Điều này, tuy vậy, có nghĩa rằng các nước đang phát triển không còn có thể kỳ vọng đặt cơ sở cho sự phát triển của họ dựa vào lương thấp nữa. Họ cũng phải học để dựa vào việc áp dụng tri thức – đúng lúc khi hầu hết trong số họ (Trung Quốc, Ấn Độ, và nhiều nước Mỹ-Latin, nói chi đến Châu Phi đen) sẽ phải tìm việc làm cho hàng triệu thanh niên không được giáo dục và không có kỹ năng, những người ít có trình độ trừ việc làm công nghiệp cổ xanh của ngày hôm qua.
Nhưng đối với cả các nước phát triển nữa, sự chuyển dịch sang công việc dựa vào tri thức cũng gây ra những thách thức xã hội to lớn. Bất chấp nhà máy, xã hội công nghiệp đã vẫn cơ bản là một xã hội truyền thống trong các quan hệ sản xuất cơ bản của nó. Nhưng xã hội đang nổi lên, xã hội dựa vào tri thức và những người lao động tri thức, thì không. Nó là xã hội đầu tiên trong đó những người bình thường – và điều đó có nghĩa là hầu hết người dân – không kiếm được miếng cơm hàng ngày bằng mồ hôi trên lông mày họ. Đó là xã hội đầu tiên trong đó “công việc lương thiện” không có nghĩa là bàn tay chai sạn. Nó cũng là xã hội đầu tiên trong đó không phải mọi người làm cùng việc, như trường hợp khi tuyệt đại đa số đã là nông dân hay, đều sẽ trở thành những người đứng máy như có vẻ chắc thế mới bốn mươi hay ba mươi năm trước.
Điều này nhiều hơn một sự thay đổi xã hội rất nhiều. Đó là một sự thay đổi về thân phận con người. Nó có nghĩa gì – các giá trị, những cam kết, các vấn đề của xã hội mới là gì – chúng ta chưa biết. Nhưng chúng ta biết rằng nhiều thứ sẽ khác đi.
Sự Nổi lên của Xã hội Tri thức
Những người lao động tri thức sẽ không là đa số trong xã hội tri thức, nhưng trong nhiều nếu không phải hầu hết các xã hội phát triển họ sẽ là nhóm dân cư và lực lượng lao động lớn nhất duy nhất. Và ngay cả ở nơi các nhóm khác vượt họ về số lượng, những người lao động tri thức sẽ mang lại cho xã hội tri thức đang nổi lên đặc trưng của nó, sự lãnh đạo của nó, chân dung xã hội của nó. Họ có thể không là giai cấp cai trị của xã hội tri thức, nhưng họ là giai cấp lãnh đạo của nó rồi. Và trong các đặc trưng, địa vị xã hội, các giá trị, và những kỳ vọng của họ, một cách căn bản họ khác bất cứ nhóm nào trong lịch sử đã từng chiếm địa vị lãnh đạo.
Trước hết, những người lao động tri thức tiếp cận được đến việc làm và địa vị xã hội thông qua giáo dục chính quy. Rất nhiều công việc tri thức đòi hỏi kỹ năng chân tay rất cao và kéo theo công việc đáng kể bằng bàn tay của mình. Một thí dụ cực đoan là giải phẫu thần kinh. Năng lực thực hiện của nhà giải phẫu thần kinh dựa vào giáo dục chính quy và hiểu biết lí thuyết. Thiếu kỹ năng bằng tay khiến người ta không đủ tư cách làm một nhà phẫu thuật thần kinh. Nhưng riêng sự khéo tay, bất luận khéo đến đâu, sẽ chẳng bao giờ cho phép bất cứ ai trở thành một nhà phẫu thuật thần kinh. Sự giáo dục cần thiết cho phẫu thuật thần kinh và cho các loại công việc tri thức khác có thể kiếm được chỉ qua học chính quy ở trường. Không thể kiếm được qua học nghề.
Công việc tri thức biến đổi rất lớn về số lượng và loại tri thức chính quy cần đến. Nột số việc làm có những đòi hỏi khá thấp, và những việc làm khác đòi hỏi loại hiểu biết mà nhà phẫu thuật thần kinh có được. Nhưng ngay cả nếu bản thân kiến thức là khá thô sơ, chỉ có giáo dục chính quy mới có thể cung cấp.
Giáo dục sẽ trở thành trung tâm của xã hội tri thức, và trường học là định chế cốt yếu của nó. Mọi người phải có kiến thức gì? Cái gì là “chất lượng” trong học và dạy? Những điều này sẽ tất yếu trở thành các mối quan tâm chủ yếu của xã hội tri thức, và các vấn đề chính trị trung tâm. Quả thực, việc thu được và phân phối kiến thức chính quy có thể chiếm vị trí trong chính trị của xã hội tri thức mà việc thu được và phân phối tài sản và thu nhập đã chiếm trong hoạt động chính trị của chúng ta trong hai hay ba thế kỷ mà chúng ta đã gọi là Thời kỳ Chủ nghĩa Tư bản.
Rõ ràng, trong xã hội tri thức ngày càng nhiều kiến thức, và đặc biệt kiến thức tiên tiến, sẽ thu được sau tuổi đi học chính thức nhiều và, có lẽ, ngày càng thông qua quá trình giáo dục không tập trung vào trường học truyền thống. Nhưng đồng thời, thành tích của các trường học và các giá trị cơ bản của các trường học sẽ là mối quan tâm ngày càng tăng đối với toàn xã hội, hơn là được coi như vấn đề nghề nghiệp có thể phó mặc một cách an toàn cho các “nhà giáo dục”.
Chúng ta cũng có thể tiên đoán với sự tin cậy rằng chúng ta sẽ định nghĩa lại một người được giáo dục có nghĩa là gì. Về mặt truyền thống, và đặc biệt trong 300 năm qua (có lẽ từ 1700 hay khoảng đó, chí ít ở phương Tây, và từ khoảng thời gian đó cả ở Nhật Bản nữa), một người được giáo dục đã là ai đó có một khối kiến thức chính quy được quy định. Người Đức gọi kiến thức này là allgemeine Bildung-Học thức chung, và người Anh (và, đi theo họ, là người Mỹ thế kỷ mười chín) đã gọi nó là liberal arts-khoa học xã hội nhân văn. Một người có giáo dục ngày càng sẽ là ai đó người đã học được phải học như thế nào, và là người tiếp tục học, đặc biệt bằng giáo dục chính quy, suốt đời mình.
Có những mối nguy hiểm hiển nhiên đối với điều này. Thí dụ, xã hội dễ dàng thoái hóa vào việc nhấn mạnh đến các bằng cấp chính thức hơn là đến năng lực thực hiện. Nó có thể là nạn nhân của các quan lại nhà nho vô ích - một nguy cơ mà đại học Mỹ rất dễ mắc. Nặt khác, nó có thể đánh giá quá cao kiến thức “thực hành”, có thể dùng được ngay và đánh giá quá thấp tầm quan trọng của những cái cơ bản, và của sự sáng suốt nói chung.
Một xã hội, trong đó những người lao động tri thức áp đảo, bị đe dọa từ một xung đột giai cấp mới: giữa thiểu số lớn của những người lao động tri thức và đa số người dân, những người sẽ kiếm sống theo cách truyền thống, hoặc bằng công việc chân tay, bất luận có kỹ năng hay không, hoặc bằng làm việc dịch vụ, bất luận có kỹ năng hay không. Năng suất của công việc tri thức – vẫn vô cùng thấp – sẽ trở thành thách thức kinh tế của xã hội tri thức. Vị thế cạnh tranh so sánh của mỗi nước, của mỗi ngành, của mỗi định chế bên trong xã hội sẽ phụ thuộc vào nó. Năng suất của người lao động phi tri thức, dịch vụ sẽ trở thành thách thức xã hội của xã hội tri thức. Khả năng của xã hội tri thức để đem lại thu nhập tử tế, và với nó là phẩm giá và địa vị, cho những người lao động phi tri thức phụ thuộc vào nó.
Đã chẳng có xã hội nào trong lịch sử phải đối mặt với các thách thức này. Nhưng cũng mới ngang vậy là các cơ hội của xã hội tri thức. Trong xã hội tri thức, lần đầu tiên trong lịch sử, khả năng lãnh đạo sẽ được mở ra cho tất cả mọi người. Cũng vậy, khả năng thu được tri thức không còn phụ thuộc vào việc có được một sự giáo dục được quy định ở một độ tuổi cho trước. Học sẽ trở thành công cụ của cá nhân – sẵn có cho cá nhân đó ở bất cứ độ tuổi nào – phải chi bởi vì nhiều kỹ năng và tri thức đến vậy có thể thu được bằng phương tiện của các công nghệ học mới.
Một hệ lụy khác là, một cá nhân, một tổ chức, một ngành, một nước thu nhận và áp dụng tri thức khéo thế nào sẽ trở thành yếu tố cạnh tranh cốt yếu. Xã hội tri thức không thể tránh khỏi sẽ trở nên cạnh tranh hơn bất cứ xã hội nào, mà chúng ta đã từng biết, rất nhiều – vì lý do đơn giản là, với tri thức trở nên có thể tiếp cận được một cách phổ quát, sẽ không có lời bào chữa nào cho việc không có kết quả. Sẽ không có nước “nghèo” nào. Sẽ chỉ có các nước dốt nát. Và cũng đúng thế cho các công ty, các ngành, và các tổ chức thuộc mọi loại. Nó cũng sẽ đúng đối với các cá nhân nữa. Thực ra, các xã hội phát triển đã trở nên vô cùng cạnh tranh hơn rồi đối với các cá nhân so với các xã hội của đầu thế kỷ này, nói chi đến các xã hội trước đó.
Tôi đã đang nói về hiểu biết, tri thức, kiến thức (knowledge). Nhưng một thuật ngữ chính xác hơn là “những kiến thức – knowledges”, bởi vì kiến thức của xã hội tri thức sẽ khác cơ bản với cái đã được coi là kiến thức trong các xã hội trước đây – và, thực ra, khác cơ bản với cái vẫn được coi một cách rộng rãi là kiến thức. Kiến thức của allgemeine Bildung của người Đức hay của liberal arts của dân Anglo-Saxon-Mỹ đã ít liên quan đến công việc của đời một người. Nó đã tập trung vào cá nhân và vào sự phát triển cá nhân hơn là vào bất cứ ứng dụng nào – nếu, quả thực, nó đã không, giống liberal arts của thế kỷ mười chín, tự hào về không hề có bất cứ tính hữu dụng nào. Trong xã hội tri thức, phần lớn kiến thức chỉ tồn tại trong ứng dụng. Chẳng cái gì mà nhân viên kỹ thuật X-quang cần biết lại có thể áp dụng cho nghiên cứu thị trường, chẳng hạn, hay cho dạy lịch sử trung cổ. Lực lượng lao động chính trong xã hội tri thức vì thế bao gồm những người được chuyên môn hóa rất cao. Thực ra, là một sai lầm đi nói về những người “đa khoa, tổng quát-generalists”. Cái chúng ta sẽ ngày càng muốn nói với thuật ngữ đó là những người đã học được làm thế nào để thu được thêm những chuyên môn một cách nhanh chóng để chuyển từ một loại việc làm này sang một loại khác – thí dụ, từ nghiên cứu thị trường sang quản lý, hay từ làm y tá sang làm hành chính bệnh viện. Nhưng những “người tổng quát-generalists” theo nghĩa mà chúng ta vẫn quen để nói về họ sẽ được coi là những kẻ tài tử hơn là những người có giáo dục.
Cả điều này nữa cũng là mới. Về mặt lịch sử, những người lao động là những người tổng quát. Họ đã làm bất cứ cái gì cần phải làm - ở trang trại, trong hộ gia đình, ở xưởng thủ công. Điều này cũng đã đúng với công nhân công nghiệp. Nhưng những người lao động tri thức, bất luận tri thức của họ là thô sơ hay tiên tiến, bất luận có ít hay rất nhiều, theo định nghĩa sẽ phải là người được chuyên môn hóa. Tri thức được áp dụng là hữu hiệu chỉ khi nó được chuyên môn hóa. Thực ra, càng được chuyên môn hóa, nó càng hữu hiệu. Điều này đúng đối với các kỹ thuật viên bảo quản máy tính, máy x-quang, hay động cơ máy bay chiến đấu. Nhưng nó cũng áp dụng ngang thế cho công việc đòi hỏi kiến thức tiên tiến nhất, bất luận là nghiên cứu về di truyền học hay nghiên cứu về vật lý thiên văn hay đưa một vở opera mới ra trình diễn lần đầu.
Hơn nữa, chuyển từ tri thức đến những tri thức tạo ra những cơ hội to lớn cho cá nhân. Nó làm cho một nghề với tư cách là một người lao động tri thức là có thể. Nhưng nó cũng gây ra rất nhiều vấn đề và thách thức mới. Lần đầu tiên trong lịch sử nó đòi hỏi rằng những người với tri thức nhận trách nhiệm để làm cho những người không có cùng cơ sở tri thức hiểu được mình.
Những Tri thức Hoạt động Thế nào
Rằng tri thức trong một xã hội tri thức phải được chuyên môn hóa cao để là hữu ích kéo theo hai đòi hỏi mới: những người lao động tri thức làm việc trong các nhóm, và nếu những người lao động tri thức không là những người làm công (nhân viên), họ ít nhất phải được liên kết với một tổ chức.
Những ngày này người ta nói rất nhiều về các “nhóm” và “công việc nhóm- teamwork”. Đa số bắt đầu với một giả thiết sai – cụ thể là, trước đây chúng ta đã chưa từng bao giờ làm việc theo nhóm. Thực ra người ta đã luôn luôn làm việc trong các nhóm; rất ít người đã từng có thể làm việc một cách hữu hiệu một mình. Người nông dân đã có một bà vợ, và bà vợ nông dân đã phải có một người chồng. Hai người đã làm việc như một nhóm. Và cả hai đã làm việc như một nhóm với những người làm thuê của họ, các tá điền. Thợ thủ công cũng đã có một bà vợ, mà ông ta làm việc với như một nhóm – ông lo về công việc nghề thủ công, và bà lo về các khách hàng, những người học việc, và toàn bộ công việc kinh doanh. Và cả hai đã làm việc như một nhóm với các phó nhỏ và những người học việc. Ngày nay nhiều thảo luận giả thiết rằng chỉ có một loại nhóm. Thực ra có khá nhiều loại. Nhưng cho đến ngày nay sự nhấn mạnh đã là về cá nhân người lao động và không phải về nhóm. Với công việc tri thức ngày càng hữu hiệu khi nó ngày càng được chuyên môn hóa, các nhóm trở thành đơn vị làm việc hơn là bản thân cá nhân.
Nhóm mà bây giờ được nài nỉ - tôi gọi nó là nhóm “ban nhạc-jazz”- chỉ là một loại nhóm. Nó thực ra là loại nhóm khó nhất cả để tụ tập lẫn để khiến nó hoạt động có hiệu quả, và là loại đòi hỏi thời gian dài nhất để đạt năng lực thành tích. Chúng ta sẽ phải học để sử dụng các loại nhóm khác nhau cho các mục đích khác nhau. Chúng ta sẽ phải học để hiểu các nhóm – và đây là cái gì đó mà cho đến nay rất ít được chú ý. Sự hiểu về các nhóm, khả năng thành tích của các loại nhóm khác nhau, các mặt mạnh và các hạn chế của chúng, và sự đánh đổi giữa các loại nhóm khác nhau, như thế sẽ trở thành những mối quan tâm chủ yếu trong quản lý con người.
Quan trọng ngang thế là hệ lụy thứ hai của sự thực rằng những người lao động tri thức tất yếu là các chuyên gia: nhu cầu của họ để làm việc như các thành viên của một tổ chức. Chỉ tổ chức có thể tạo sự liên tục cơ bản mà những người lao động tri thức cần để là hữu hiệu. Chỉ tổ chức mới có thể biến tri thức được chuyên môn hóa của người lao động tri thức thành thành quả.
Tự thân, tri thức được chuyên môn hóa không mang lại thành quả. Nhà phẫu thuật là không hữu hiệu trừ khi có một chẩn đoán – việc, nhìn chung, không phải là nhiệm vụ của nhà phẫu thuật và thậm chí không nằm trong năng lực của nhà phẫu thuật. Với tư cách một người đơn độc trong nghiên cứu và viết lách, nhà sử học có thể rất hiệu quả. Nhưng để giáo dục sinh viên, rất nhiều nhà chuyên môn khác phải đóng góp – những người mà chuyên môn của họ có thể là văn học, hay toán học, hay các lĩnh vực khác của sử học. Và việc này đòi hỏi nhà chuyên môn phải tiếp cận được đến một tổ chức.
Sự tiếp cận này có thể với tư cách một nhà tư vấn, hay có thể như một nhà cung cấp các dịch vụ chuyên biệt. Nhưng với đa số người lao động tri thức sẽ với tư cách những người làm công, các nhân viên, làm toàn thời hay một phần thời gian, của một tổ chức, như một cơ quan nhà nước, một bệnh viện, một đại học, hay một nghiệp đoàn lao động. Trong xã hội tri thức không phải cá nhân là người đạt thành tích. Cá nhân là trung tâm chi phí hơn là một trung tâm thành tích. Chính tổ chức là cái thực hiện, là cái đạt thành tích.
Một Người làm công là gì?
Hầu hết những người lao động tri thức sẽ dùng hầu hết nếu không phải tất cả đời làm việc của mình với tư cách “người làm công, nhân viên”. Nhưng ý nghĩa của từ này sẽ khác cái nó đã là theo truyền thống – và không chỉ trong tiếng Anh mà cả trong tiếng Đức, Tây Ban Nha và Nhật nữa.
Từng cá nhân, những người lao động tri thức phụ thuộc vào việc làm. Họ nhận lương hay tiền công. Họ được thuê và có thể bị sa thải. Về mặt pháp lý mỗi người là một người làm công. Nhưng về mặt tập thể họ là các nhà tư bản; thông qua các quỹ hưu bổng và các khoản tiết kiệm của mình họ ngày càng sở hữu tư liệu sản xuất. Trong kinh tế học truyền thống – và chẳng hề chỉ trong kinh tế học Marxist – có sự phân biệt rõ ràng gữa “quỹ lương”, tất cả quỹ lương là để tiêu dùng, và “quỹ vốn”, hay phần của toàn bộ dòng thu nhập có thể được dùng cho đầu tư. Và hầu hết lí thuyết xã hội về xã hội công nghiệp, bằng cách này hay cách khác, đều dựa vào quan hệ giữa hai thứ đó, bất luận trong sự xung đột hay trong sự hợp tác và cân bằng cần thiết và có ích. Trong xã hội tri thức hai thứ hợp nhất lại. Quỹ hưu là “lương được trả sau”, và với tư cách đó nó là một quỹ lương. Nhưng nó cũng ngày càng là nguồn vốn chính của xã hội tri thức.
Có lẽ còn quan trọng hơn, trong xã hội tri thức những người làm công – tức là, những người lao động tri thức – sở hữu các công cụ lao động. Sự thấu hiểu to lớn của Marx đã là, công nhân nhà máy không và không thể sở hữu các công cụ sản xuất, và vì thế “bị xa lánh”.[1] Chẳng có cách nào, Marx đã chỉ ra, đối với công nhân để sở hữu máy hơi nước và để có khả năng mang nó với mình khi chuyển từ một việc làm sang việc làm khác. Nhà tư bản đã phải sở hữu máy hơi nước và kiểm soát nó. Đầu tư thật sự trong xã hội tri thức ngày càng không là vào máy móc và các công cụ mà là vào tri thức của người lao động tri thức. Không có tri thức đó thì máy móc là không hữu ích, dù có tiên tiến và tinh vi đến đâu.
Nhà nghiên cứu thị trường cần một máy tính. Nhưng đấy ngày càng là máy tính cá nhân của riêng nhà nghiên cứu, và nó đi cùng bất kể nơi đâu nhà nghiên cứu đi. “Thiết bị vốn” thật sự của nghiên cứu thị trường là tri thức về các thị trường, về số liệu thống kê, và về áp dụng nghiên cứu thị trường vào chiến lược kinh doanh, cái nằm giữa tai của nhà nghiên cứu và là tài sản riêng và không thể chuyển nhượng của anh hay chị ta. Nhà phẫu thuật cần phòng mổ của bệnh viện và tất cả tiết bị vốn đắt tiền của nó. Nhưng đầu tư vốn thực sự của nhà phẫu thuật là mười hai hay mười lăm năm đào tạo và tri thức được sinh ra, mà nhà phẫu thuật mang từ bệnh viện này sang bệnh viện tiếp theo. Không có tri thức đó các phòng mổ đắt tiền của bệnh viện chẳng khác gì đồ thải và phế liệu.
Điều này đúng bất luận người lao động tri thức có sẵn tri thức tiên tiến, như một nhà phẫu thuật, hay tri thức đơn giản và khá sơ đẳng, như một kế toán viên ít tuổi. Trong cả hai trường hợp chính đầu tư tri thức là cái xác định liệu một nhân viên có ích hay không, hơn là các công cụ, máy móc, và vốn do tổ chức cung cấp. Công nhân công nghiệp cần nhà tư bản vô cùng nhiều hơn nhà tư bản cần công nhân công nghiệp – cơ sở cho khẳng định của Marx rằng sẽ luôn luôn có một sự dư thừa công nhân công nghiệp, và một “đội quân dự bị công nghiệp”, cái chắc chắn làm cho lương không thể tăng trên mức tồn tại (có lẽ là sai lầm quá xá nhất của Marx). Trong xã hội tri thức giả thiết có khả năng nhất đối với các tổ chức – và chắc chắn là giả thiết mà chúng phải dựa vào để tiến hành công việc của mình – là chúng cần những người lao động tri thức nhiều hơn người lao động tri thức cần chúng rất nhiều.
Đã có tranh luận không dứt trong Thời Trung cổ về thứ bậc của tri thức, với triết học đòi là “nữ hoàng”. Chúng ta từ lâu đã từ bỏ sự tranh cãi vô ích đó. Không có tri thức cao hơn hay thấp hơn. Khi lời than phiền của khách hàng là một móng chân mọc quặp vào trong, thì tri thức của người chữa bệnh chân là có ý nghĩa, chứ không phải tri thức của nhà phẫu thuật não – dù là nhà phẫu thuật não được đào tạo nhiều năm hơn nhiều và đòi phí cao hơn nhiều. Và nếu một người điều hành được cử đến một nước ngoài, tri thức mà người đó cần, và gấp rút, là sự thông thạo tiếng nước ngoài – một việc mà mọi thổ dân của nước đó đã thông thạo ở tuổi lên ba, mà không có bất cứ đầu tư lớn nào. Tri thức của xã hội tri thức, chính xác bởi vì nó là tri thức chỉ khi được áp dụng vào hành động, nhận được thứ bậc và địa vị từ hoàn cảnh. Nói cách khác, cái là tri thức trong một tình huống, như thông thạo tiếng Hàn đối với một nhà điều hành Mỹ được cử đi Seoul, lại chỉ là thông tin, và là thông tin không mấy liên quan, khi cũng nhà điều hành ấy vài năm sau phải suy nghĩ kỹ chiến lược thị trường của công ty mình đối với Hàn Quốc. Cả điều này nữa cũng là mới. Những kiến thức đã luôn được coi như các ngôi sao cố định, ấy là nói vậy, mỗi ngôi chiếm vị trí riêng của nó trong vũ trụ tri thức. Trong xã hội tri thức những kiến thức là các công cụ, và với tư cách đó, đối với tầm quan trọng và địa vị của chúng, chúng phụ thuộc vào nhiệm vụ phải thực hiện.
Quản lý trong Xã hội Tri thức
Một kết luận thêm: Bởi vì xã hội tri thức tất yếu phải là một xã hội của các tổ chức, cơ quan trung tâm và đặc biệt của nó là ban quản lý. Khi xã hội của chúng ta bắt đầu nói về quản lý, thuật ngữ đã có nghĩa là “quản lý kinh doanh” – bởi vì doanh nghiệp quy mô lớn đã là cái đầu tiên của các tổ chức mới trở nên có thể dễ thấy. Nhưng chúng ta đã học được trong nửa thế kỷ vừa qua này rằng quản lý là cơ quan riêng biệt của tất cả các tổ chức. Tất cả chúng đòi hỏi sự quản lý, dù chúng có dùng thuật ngữ đó hay không. Tất cả các nhà quản lý làm cùng thứ, bất kể mục đích của tổ chức của họ là gì. Tất cả họ đều phải gom những người khác nhau – mỗi người có tri thức khác nhau – lại với nhau cho việc cùng thực hiện. Tất cả họ đều phải biến các mặt mạnh của con người thành có ích và biến những mặt yếu thành không liên quan. Tất cả họ đều phải suy nghĩ kỹ những kết quả nào là kết quả mong muốn trong tổ chức – và rồi phải xác định các mục tiêu. Tất cả họ đều có trách nhiệm suy nghĩ kỹ cái mà tôi gọi là lí thuyết kinh doanh – tức là, các giả thiết trên đó tổ chức đặt cơ sở cho thành tích và các hoạt động của mình, và các giả thiết mà tổ chức đã đưa ra trong quyết định không làm cái gì. Tất cả họ đều phải suy nghĩ thấu đáo các chiến lược – tức là, các phương tiện thông qua đó các mục tiêu của tổ chức trở thành thành tựu. Và tất cả họ đều phải xác định các giá trị của tổ chức, hệ thống thưởng và phạt của nó, tinh thần và văn hóa của nó. Trong tất cả các tổ chức các nhà quản lý cần cả kiến thức quản lý như công việc và kỷ luật lẫn kiến thức và sự hiểu biết về bản thân tổ chức – các mục đích của nó, các giá trị của nó, môi trường và các thị trường của nó, những năng lực cốt lõi của nó.
Quản lý với tư cách một sự thực hành là rất cổ. Nhà điều hành thành công nhất trong toàn bộ lịch sử chắc chắn đã là người Ai Cập đó, người 4.500 năm trước hay hơn đã đầu tiên nghĩ ra kim tự tháp, mà không có bất cứ tiền lệ nào, đã thiết kế nó, đã xây dựng nó, và đã làm vậy trong một thời gian ngắn đến kinh ngạc. Cái kim tự tháp đầu tiên ấy vẫn đứng vững. Nhưng với tư cách một môn quản lý, nó vừa mới năm mươi tuổi. Nó đầu tiên được hình dung lờ mờ vào khoảng thời gian của Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất. Nó đã không nổi lên cho đến Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, và rồi đã nổi lên chủ yếu ở Hoa Kỳ. Từ đó nó đã là hoạt động mới tăng nhanh nhất, và nghiên cứu nó là bộ môn mới tăng trưởng nhanh nhất. Không hoạt động nào trong lịch sử đã nổi lên nhanh như quản lý đã nổi lên trong năm mươi hay sáu mươi năm qua, và chắc chắn chẳng hoạt động nào lại đã có tầm, phạm vi toàn cầu như vậy trong một thời gian ngắn như vậy.
Quản lý vẫn được dạy ở hầu hết các trường kinh doanh như một bó các kỹ thuật, như lập ngân sách và các quan hệ cá nhân. Không thể phủ nhận, quản lý, giống bất cứ công việc nào khác, có các công cụ riêng và những kỹ thuật riêng của mình. Nhưng hệt như cốt lõi của y học không phải là phân tích nước tiểu (dẫu nó là quan trọng), cốt lõi của quản lý không phải là những kỹ thuật và thủ tục. Cốt lõi của quản lý là khiến những kiến thức trở thành hữu ích. Quản lý, nói cách khác, là một chức năng xã hội. Và trong thực hành của nó quản lý thực sự là một liberal art (nghệ thuật tự do).
Khu vực Xã hội
Các cộng đồng cổ - gia đình, làng xóm, giáo xứ, và v.v. – đã gần như biến mất trong xã hội tri thức. Chỗ của chúng chủ yếu do đơn vị mới của sự hội nhập xã hội, tổ chức, chiếm mất. Ở nơi cộng đồng đã là số mệnh, tổ chức là toàn thể hội viên tự nguyện. Ở nơi cộng đồng đòi hỏi toàn bộ con người, tổ chức là một phương tiện cho các mục đích của một cá nhân, là một công cụ. Trong 200 năm một cuộc tranh luận nóng bỏng đã nổi lên dữ dội, đặc biệt ở phương Tây: các cộng đồng có là “hữu cơ” hay chúng đơn giản là sự mở rộng của những con người mà chúng được tạo thành? Chẳng ai đòi hỏi rằng tổ chức mới là “hữu cơ”. Nó rõ ràng là một đồ tạo tác, một sự sáng tạo của con người, một công nghệ xã hội.
Nhưng, rồi ai làm những nhiệm vụ cộng đồng? Hai trăm năm trước bất cứ nhiệm vụ xã hội nào phải làm đã được một cộng đồng địa phương làm trong mọi xã hội. Rất ít nếu có nhiệm vụ nào trong các nhiệm vụ này được các cộng đồng cũ làm nữa. Chúng cũng chẳng có khả năng làm, vì rằng chúng không còn có sự kiểm soát các thành viên của chúng hay thậm chí một ảnh hưởng vững chắc lên họ nữa. Người ta không còn ở lại nơi họ sinh ra, cả về mặt địa lý hay về mặt địa vị và vị trí xã hội. Theo định nghĩa, một xã hội tri thức là một xã hội của tính di động. Và tất cả các chức năng xã hội của các cộng đồng cũ, bất luận được thực hiện tốt hay tồi (và quả thực hầu hết đã được thực hiện rất tồi), đều giả định trước rằng cá nhân và gia đình sẽ ở yên tại chỗ. Nhưng cốt lõi của xã hội tri thức là tính di động về mặt người ta sống ở đâu, di động về mặt người ta làm gì, di động về mặt những liên kết, gia nhập của người ta. Con người không còn cội rễ nữa. Con người không còn một hàng xóm nữa, người quy định nhà của họ giống cái gì, họ làm gì, và, quả thực, các vấn đề của họ được phép là gì. Xã hội tri thức là một xã hội trong đó rất nhiều người hơn trước đó có thể thành công. Nhưng, theo định nghĩa, vì thế cũng là một xã hội trong đó rất nhiều người hơn trước đó có thể thất bại, hay chí ít trở thành phụ. Và phải chi bởi vì việc áp dụng tri thức vào công việc đã khiến các xã hội phát triển giàu hơn rất nhiều so với bất cứ xã hội nào trước đó nào đã có thể thậm chí mơ ước đến; những thất bại, bất luận là những người nghèo hay nghiện rượu, phụ nữ bị ngược đãi hay tội phạm vị thành niên, được coi là thất bại của xã hội.
Vậy thì ai lo về các nhiệm vụ xã hội trong xã hội tri thức? Chúng ta không thể bỏ qua chúng. Nhưng cộng đồng truyền thống không có khả năng giải quyết chúng.
Hai câu trả lời đã nổi lên trong khoảng thế kỷ qua – một câu trả lời đa số và một ý kiến bất đồng. Cả hai đều tỏ ra là sai. Câu trả lời đa số quay lại hơn một trăm năm trước, quay lại các năm 1880, khi nước Đức của Bismarck đã đi những bước loạng choạng đầu tiên hướng tới nhà nước phúc lợi. Câu trả lời: chính phủ có thể, nên, và phải giải quyết các vấn đề của khu vực xã hội. Đây có lẽ vẫn là câu trả lời mà đa số người chấp nhận, đặc biệt ở các nước phương Tây đã phát triển – cho dù đa số người có lẽ không còn hoàn toàn tin vào nó. Nhưng nó đã bị phản đối hoàn toàn. Chính phủ hiện đại, đặc biệt từ Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, ở tất cả mọi nơi đã trở thành một bộ máy quan liêu phúc lợi khổng lồ. Và ngày nay phần lớn ngân sách ở mọi nước phát triển được dành cho các Quyền hưởng [Entitlements] cho các khoản chi đối với mọi loại dịch vụ xã hội. Thế mà ở mọi nước phát triển, xã hội đang trở nên ốm yếu hơn là khỏe mạnh hơn, và các vấn đề xã hội tăng lên nhiều lần. Chính phủ có một vai trò to lớn trong các nhiệm vụ xã hội – vai trò làm chính sách, đặt ra tiêu chuẩn, và, ở mức độ lớn vai trò của người trả lương. Nhưng khi cơ quan đi vận hành các dịch vụ xã hội, nó đã chứng tỏ hầu như hoàn toàn bất tài.
Trong cuốn Tương lai của Con người Công nghiệp - The Future of Industrial Man (1942) của mình, tôi đã trình bày một ý kiến bất đồng. Tôi đã lí lẽ khi đó rằng tổ chức mới – và năm mươi năm trước nó đã có nghĩa là doanh nghiệp kinh doanh lớn – sẽ phải trở thành cộng đồng trong đó cá nhân sẽ tìm thấy địa vị và chức năng, với cộng đồng nơi làm việc trở thành cộng đồng trong đó và qua đó các nhiệm vụ xã hội được tổ chức. Ở Nhật Bản (tuy hoàn toàn độc lập và chẳng hề mắc nợ gì tôi) người sử dụng lao động lớn – cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp – quả thực đã ngày càng cố gắng phục vụ như một cộng đồng đối với nhân viên của mình. Việc làm suốt đời chỉ là một xác nhận cho điều này. Nhà ở công ty, các sơ đồ đảm bảo sức khỏe công ty, các đợt nghỉ công ty, và v.v., tất cả đều nhấn mạnh với những người làm công Nhật Bản rằng người sử dụng lao động, và đặc biệt công ty lớn, là cộng đồng và là cái kế vị cho làng xóm xưa kia – thậm chí cho gia đình ngày nay.[2] Cái này, tuy nhiên, cũng đã chẳng có kết quả.
Có nhu cầu, đặc biệt ở phương Tây, để ngày càng đưa người làm công vào cai quản cộng đồng nơi làm việc. Cái bây giờ được gọi là sự trao quyền (empowerment) là rất giống những cái tôi đã nói đến năm mươi năm trước. Nhưng nó không tạo ra một cộng đồng. Nó cũng chẳng tạo ra cấu trúc qua đó các nhiệm vụ xã hội của xã hội tri thức có thể được giải quyết. Thực ra, hầu hết những nhiệm vụ này – bất luận là giáo dục hay chăm sóc sức khỏe; những bất ổn xã hội do suy đồi đạo đức và các tệ nạn của một xã hội phát triển và, đặc biệt, của một xã hội giàu có, như lạm dụng rượu và ma túy; hay các vấn đề về không có năng lực và vô trách nhiệm như các vấn đề của gới vô sản lưu manh (underclass) ở đô thị Mỹ - nằm ngoài định chế sử dụng lao động.
Câu trả lời đúng cho câu hỏi, Ai lo cho những thách thức xã hội của xã hội tri thức? không phải là chính phủ cũng chẳng phải là tổ chức sử dụng lao động. Câu trả lời là một khu vực xã hội tách biệt và mới.
Mới ít hơn năm mươi năm, tôi tin, kể từ khi chúng ta ở Hoa Kỳ bắt đầu nói về hai khu vực của một xã hội hiện đại – “khu vực công” (chính phủ) và “khu vực tư nhân” (kinh doanh). Trong hai mươi năm vừa qua Hoa Kỳ đã bắt đầu nói về một khu vực thứ ba, “khu vực phi lợi nhuận” – những tổ chức ngày càng lo lắng đến những thách thức xã hội của một xã hội hiện đại.
Tại Hoa Kỳ, với truyền thống của nó về các nhà thờ độc lập và cạnh tranh, một khu vực như vậy đã luôn luôn tồn tại. Ngay cả bây giờ các nhà thờ là phần đơn lẻ lớn nhất của khu vực xã hội ở Hoa Kỳ, nhận hầu như một nửa tiền cho các định chế từ thiện, và khoảng một phần ba thời gian tình nguyện của các cá nhân. Nhưng phần phi-nhà thờ của khu vực xã hội đã là một khu vực tăng trưởng ở Hoa Kỳ. Vào đầu các năm 1990 ở Hoa Kỳ khoảng một triệu tổ chức được đăng ký với tư cách các tổ chức phi lợi nhuận hay từ thiện làm công việc khu vực xã hội. Tuyệt đại đa số các tổ chức này, khoảng 70 phần trăm, được hình thành trong ba mươi năm vừa qua. Và là các dịch vụ cộng đồng liên quan đến đời sống trần gian này hơn là đến Vương quốc của Thượng đế. Khá nhiều tổ chức mới, tất nhiên, là tôn giáo trong định hướng của chúng, nhưng phần lớn các tổ chức này không phải là nhà thờ, giáo phái. Chúng là các “ô dù” tiến hành một nhiệm vụ cụ thể, như phục hồi chức năng của những người nghiện rượu và ma túy, cải tạo phạm nhân, hay giáo dục trường sơ cấp. Ngay cả bên trong mảng nhà thờ của khu vực xã hội, các tổ chức chứng tỏ có khả năng tăng trưởng là các tổ chức hoàn toàn mới. Chúng là các nhà thờ “pastoral” [mục sư], chú tâm vào những nhu cầu linh hồn của các cá nhân, đặc biệt của những người lao động tri thức có giáo dục, và rồi đưa năng lượng tinh thần của các thành viên của mình vào công việc về những thách thức xã hội và vấn đề xã hội của cộng đồng – đặc biệt, tất nhiên, của cộng đồng đô thị.
Chúng ta vẫn nói về các tổ chức này như các tổ chức “phi lợi nhuận”. Nhưng đây là một thuật ngữ pháp lý. Nó chẳng có nghĩa gì trừ việc theo luật Mỹ các tổ chức này không nộp thuế. Liệu chúng có được tổ chức như tổ chức phi lợi nhuận hay không, thực ra chẳng liên quan đến hoạt động và ứng xử của chúng. Từ 1960 hay 1970 nhiều bệnh viện Mỹ đã trở thành “vì lợi nhuận” và được tổ chức về pháp lý như các công ty kinh doanh. Chúng hoạt động chính xác theo cùng cách như các bệnh viện “phi lợi nhuận” truyền thống. Cái quan trọng không phải là cơ sở pháp lý, mà là các định chế khu vực xã hội có một loại mục đích cá biệt. Chính phủ đòi hỏi sự tuân thủ; nó lập ra các quy tắc và áp thực thi chúng. Doanh nghiệp kỳ vọng được thanh toán; nó cung cấp. Các định chế khu vực xã hội nhắm tới việc thay đổi con người. “Sản phẩm” của một trường là học sinh, người đã học được cái gì đó. “Sản phẩm” của một bệnh viện là bênh nhân được chữa trị. “Sản phẩm” của một nhà thờ là người đi nhà thờ mà cuộc sống của người đó được thay đổi. Nhiệm vụ của các tổ chức khu vực xã hội là để tạo ra sức khỏe và hạnh phúc con người.
Các tổ chức này của khu vực xã hội ngày càng phục vụ một mục đích thứ hai và quan trọng ngang thế. Chúng tạo ra tư cách công dân. Xã hội hiện đại và chính thể hiện đại đã trở nên lớn và phức tạp đến mức bổn phận công dân – tức là, sự tham gia có trách nhiệm – không còn là có thể nữa. Tất cả cái chúng ta có thể làm với tư cách công dân là, đi bỏ phiếu vài năm một lần và lúc nào cũng đóng thuế.
Với tư cách một người tình nguyện trong một định chế khu vực xã hội, cá nhân lại có thể tạo ra một sự khác biệt. Tại Hoa Kỳ, nơi có truyền thống tình nguyện từ lâu do tính độc lập cổ xưa của các nhà thờ, trong các năm 1990 hầu như một nửa số người trưởng thành làm việc chí ít ba – và thường là năm- giờ một tuần trong một tổ chức khu vực xã hội. Anh là nước khác duy nhất có cái gì đó giống truyền thống này, tuy nó tồn tại ở đây với quy mô nhỏ hơn nhiều (một phần vì nhà nước phúc lợi Anh bao trùm hơn nhiều, nhưng phần lớn hơn nhiều là vì nó đã có một nhà thờ được chính thức hóa – do nhà nước chi trả và được vận hành như một ngành dân chính). Bên ngoài các nước nói tiếng Anh không có mấy truyền thống tình nguyện. Thực ra, nhà nước hiện đại ở Châu Âu và Nhật Bản đã công khai thù địch với bất cứ thứ gì có màu sắc tình nguyện – nhất là ở Pháp và Nhật Bản. Nó là một chế độ cổ xưa và bị nghi ngờ là về cơ bản mang tính lật đổ.
Nhưng ngay cả ở những nước này các thứ cũng đang thay đổi, bởi vì xã hội tri thức cần khu vực xã hội, và khu vực xã hội cần những người tình nguyện. Nhưng những người lao động tri thức cũng cần một lĩnh vực trong đó họ có thể hành động như các công dân và tạo ra một cộng đồng. Nơi làm việc không mang lại cái đó cho họ. Chẳng gì đã bị phản đối, đã không được chấp nhận nhanh hơn là quan niệm được chấp nhận rộng rãi bốn mươi năm trước về “nhà tổ chức”. Thực ra, công việc tri thức càng thỏa mãn ta bao nhiêu, ta càng cần một lĩnh vực tách biệt của hoạt động cộng đồng.
Nhiều tổ chức khu vực xã hội sẽ trở thành các đối tác với chính phủ - như đúng trong rất nhiều vụ “tư nhân hóa”, nơi, thí dụ, một thành phố trả tiền cho việc quét dọn đường phố và một nhà thầu khoán bên ngoài làm công việc quét dọn. Trong nền giáo dục Mỹ trong hai mươi năm tới sẽ có ngày càng nhiều phiếu (voucher) do chính quyền chi trả khiến cho các bậc cha mẹ có khả năng đưa con em họ vào học ở các trường đa dạng khác nhau, một số là trường công được hỗ trợ bằng thuế, một số là trường tư và một phần lớn phụ thuộc vào thu nhập từ các phiếu voucher. Các tổ chức khu vực xã hội này, tuy là các đối tác với chính quyền, cũng cạnh tranh một cách rõ ràng với chính quyền. Quan hệ giữa hai bên vẫn còn phải vạch ra – và trên thực tế không có tiền lệ cho nó.
Cái gì tạo nên thành tích đối với các tổ chức khu vực xã hội, và đặc biệt đối với các tổ chức phi lợi nhuận và từ thiện, các tổ chức không có kỷ luật về kết quả tài chính, cũng còn phải được vạch ra tỉ mỉ. Chúng ta biết rằng các tổ chức khu vực xã hội cần sự quản lý. Nhưng chính xác sự quản lý có nghĩa là gì đối với tổ chức khu vực xã hội thì vừa mới là bước đầu để nghiên cứu. Về quản lý các tổ chức phi lợi nhuận trong rất nhiều phương diện chúng ta đang ở điểm như chúng ta đã ở năm mươi hay sáu mươi năm trước liên quan đến quản lý doanh nghiệp kinh doanh: công việc mới chỉ bắt đầu.
Nhưng một thứ đã rõ ràng rồi. Xã hội tri thức phải là một xã hội của ba khu vực: một khu vực công của chính phủ, một khu vực tư của kinh doanh, và một khu vực xã hội. Và tôi gợi ý rằng ngày càng trở nên rõ ràng là, thông qua khu vực xã hội một xã hội hiện đại, phát triển lại có thể tạo ra bổn phận công dân có trách nhiệm và có thành tựu, và lại có thể mang lại cho các cá nhân – đặc biệt cho những người lao động tri thức – một lĩnh vực trong đó họ có thể tạo ra một sự khác biệt và tái tạo lại cộng đồng.
[1] Những người dịch các tác phẩm Marxist kinh điển dịch là “tha hóa”.
[2] Nhà nước phúc lợi đẻ non, muốn lo cho dân từ cái kim sợi chỉ, từ miếng cơm manh áo, từ nhà trẻ đến nơi chôn cất, dẫu ý tưởng có cao đẹp đến đâu, cũng đã hoàn toàn thất bại. Ngay nhà nước phúc lợi đủ ngày đủ tháng của Tây và Bắc Âu cũng đã trở thành gánh nặng và phải được cải cách triệt để.
Nguồn: Peter F. Drucker, The Age of Social Transformation,The Atlantic Monthly, November 1994, Volume 274, No. 5; pages 53-80.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét