Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Bất bình đẳng kinh tế phá hủy xã hội như thế nào?

Bài giảng này của GS Richard Wilkinson quá hay, quá hoàn hảo. Song vì quá hoàn hảo nên có nhiều vấn đề bạn thích đọc cần kiểm tra lại, trước hết là những con số quá đẹp, dẫn tới đồ thị nào cũng có độ tin cậy rất cao và phù hợp với lập luận của GS. Tôi đã từng làm với những số liệu xuyên quốc gia loại này, thấy ít khi có những bộ số liệu quá đẹp như vậy. Tác giả lại thường chỉ nêu "tốt-xấu". "cao-thấp" (hai trục tung và hoành) mà không nêu giá trị cụ thể nên càng có cơ sở để nghi ngờ. Thêm nữa, đây là nghiên cứu đa quốc gia cho trường hợp các nước công nghiệp phát triển nên không thể máy móc nghĩ ở VN tình hình cũng như vậy.
Bất bình đẳng kinh tế 
phá hủy xã hội như thế nào?

 GS Richard Wilkinson
Tqvn2004 hiệu đính bản tiếng Việt trên TED
Các bạn đều biết về sự thật mà tôi sắp nói đây. Tôi nghĩ cái trực giác rằng bất bình đẳng sẽ gây nên chia rẽ và ăn mòn xã hội đã được nhiều người cảm nhận từ trước cuộc Cách Mạng Pháp. Cái mới là giờ đây chúng ta có thể nhìn vào những chứng cứ, chúng ta có thể so sánh những xã hội tương đối giống nhau, để nhìn thấy tác động của sự bất bình đẳng. Tôi sẽ dẫn các bạn đi qua những dữ liệu này và sau đó giải thích tại sao những mối liên hệ mà tôi sẽ trình bày thật sự tồn tại.

ted_001.png
Hình 01: Mối tương quan giữa tuổi thọ trung bình và thu nhập bình quân đầu người
Nhưng đầu tiên, hãy xem chúng ta đang nghèo khổ ra sao (máy chiếu chiếu hình một đám đông người Anh trông không hề nghèo khổ - tiếng cười từ khán giả). Tôi muốn bắt đầu bằng một nghịch lý. Hình 1 chỉ ra mối tương quan giữa tuổi thọ trung bình và thu nhập bình quân đầu người -- tức là một quốc gia giàu có như thế nào nếu xét trung bình. Và bạn thấy những nước ở bên phải, như Na Uy và Mỹ, giàu gấp đôi Israel, Hy Lạp, Bồ Đào Nha ở phía bên trái. Ấy vậy mà chẳng có sự khác biệt nào về tuổi thọ trung bình hết. Không có gợi ý nào về mối quan hệ ở đó cả. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào chính xã hội của chúng ta, có thể thấy đường dốc [hay mối liên hệ] đặc biệt rõ ràng khi so sánh sức khỏe giữa các tầng lớp xã hội. Đây, một lần nữa, là tuổi thọ trung bình.
ted_002.png
Hình 2: Tuổi thọ trung bình ở các khu vực dân cư khác nhau ở Anh Quốc và xứ Wales, sắp xếp theo mức độ giàu nghèo
Đây là những khu vực nhỏ của nước Anh và xứ Wales -- khu vực nghèo nhất ở bên phải, giàu nhất ở bên trái (Hình 2). Có rất nhiều khác biệt giữa những khu vực nghèo và những khu vực còn lại. Thậm chí những người chỉ ngay dưới mức giàu nhất cũng có sức khỏe kém hơn những người giàu nhất. Vậy thu nhập có ý nghĩa nào đó rất quan trọng BÊN TRONG xã hội của chúng ta, nhưng lại chẳng có mối liên quan gì GIỮA các xã hội. Giải thích cho nghịch lý này là, BÊN TRONG xã hội của chúng ta, chúng ta đang nhìn vào thu nhập hoặc vị trí, địa vị xã hội tương đối -- nơi mà chúng ta có mối quan hệ với nhau và có kích thước của khoảng cách giữa chúng ta. Và ngay khi bạn có ý nghĩ này, bạn sẽ lập tức đặt câu hỏi: điều gì xảy ra nếu chúng ta nới rộng sự khác biệt này, hoặc thu hẹp nó, làm cho sự khác biệt về thu nhập lớn hơn hoặc nhỏ đi?
ted_003.png
Hình 3: Chênh lệch giàu nghèo
Và đó là những gì tôi sẽ trình bày với bạn. Tôi không sử dụng dữ liệu nào mang tính giả thuyết cả. Tôi lấy dữ liệu từ Liên Hợp Quốc -- nó cũng giống với dữ liệu của Ngân hàng Thế giới có -- đo đạc sự khác biệt về thu nhập tại các nước dân chủ có thị trường đã phát triển. Đơn vị đo chúng tôi sử dụng, vì nó dễ hiểu và bạn có thể tải về, là mức độ mà nhóm 20% những người giàu nhất giàu hơn 20% những người nghèo nhất tại mỗi đất nước. Và bạn thấy trên hình 3 là những quốc gia thu nhập bình đẳng hơn sẽ nằm ở bên trái -- Nhật Bản, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển -- nhóm 20% giàu nhất giàu hơn khoảng ba phẩy năm đến bốn lần so với nhóm 20% nghèo nhất. Nhưng ở các quốc gia bất bình đẳng cao hơn -- Anh, Bồ Đào Nhà, Mỹ, Sing-ga-po -- sự khác biệt lớn gấp đôi. Trên đơn vị đo này, nước Anh đang có sự bất bình đẳng gấp đôi so với một số nền dân chủ khác.
ted_004.png
Hình 4: Mối tương quan giữa chênh lệch giàu nghèo và các vấn đề xã hội
ted_005.png
Hình 5: Không có mối liên hệ giữa thu nhập bình quân đầu người và chỉ số các vấn đề sức khỏe và xã hội
Bây giờ tôi sẽ trình bày với các bạn sự chênh lệch giàu nghèo lớn ảnh hưởng gì đến xã hội của chúng ta. Chúng tôi thu thập dữ liệu về các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng xã hội, những vấn đề mà thường thấy nhiều hơn ở các tầng lớp thấp của xã hội. Từ sự so sánh dữ liệu quốc tế về tuổi thọ trung bình, về điểm Toán và Văn của học sinh, về tỉ lệ trẻ tử vong, tỉ lệ giết người, tỉ lệ dân số ngồi tù, sinh sản vị thành niên, mức độ niềm tin, béo phì, triệu chứng tâm thần -- bao gồm cả nghiện ma túy và nghiện rượu -- và tính linh động của xã hội. Chúng tôi đặt tất cả vào cùng một chỉ số. Tất cả đều có trọng số bằng nhau. Vị trí của một quốc gia trên hình 4 phụ thuộc vào chỉ số các vấn đề sức khỏe và xã hội, cũng như mức độ chênh lệch giàu nghèo. Và trong hình này, các bạn có thể thấy chỉ số này có mối liên hệ trực tiếp tới thước đo chênh lệch giàu nghèo mà tôi giới thiệu tới các bạn ở hình 3, và thước đo này sẽ còn được nhắc đến nhiều lần ở dưới đây. Một quốc gia càng bất bình đẳng thì chỉ số các vấn đề sức khỏe và xã hội càng tệ hại. Hình 4 cho thấy có một sự tương quan chặt chẽ đến lạ thường. Nhưng nếu bạn nhìn vào chỉ số các vấn đề sức khỏe và xã hội so sánh với thu nhập bình quân trên đầu người (hình 5), hay tổng thu nhập quốc nội, thì sẽ chẳng thấy gì cả, mối tương quan bỗng biến mất.
ted_006.png
Hình 6: Trẻ em có cuộc sống tốt hơn ở các quốc gia bình đẳng
ted_007.png
Hình 7: Chỉ số chất lượng cuộc sống trẻ em của UNICEF không liên quan gì đến thu nhập bình quân đầu người
Chúng tôi đã có chút lo ngại rằng mọi người có thể nghĩ là chúng tôi đã cố tình chọn những vấn đề sao cho phù hợp với luận điểm của mình, và tự tạo ra các chứng cứ này, nên chúng tôi cũng áp dụng phân tích của mình vào một bài viết trên Tạp chí Y học Anh về chỉ số của UNICEF về chất lượng cuộc sống của trẻ em. Chỉ số này gồm 40 yếu tố khác nhau, được người khác tổng hợp. Nó bao gồm những thứ như đứa trẻ có nói chuyện với cha mẹ không, chúng có sách ở nhà không, tỷ lệ tiêm chủng như thế nào, có bị bắt nạt ở trường không. Mọi điều đều được đánh giá. Đây, chỉ số này được thể hiện trong hình 6, trong mối tương quan với thước đo mức độ bất bình đẳng. Trẻ em sống tồi tệ hơn ở các xã hội bất bình đẳng. Một mối tương quan đặc biệt đáng chú ý. Nhưng một lần nữa, nếu bạn quan sát chỉ số UNICEF và so sánh với thu nhập bình quân đầu người, thì lại chẳng có mối liên hệ nào cả.
ted_008.png
Tất cả dữ liệu mà bạn vừa được xem nãy giờ nói lên cùng một điều. Chất lượng cuộc sống trung bình của xã hội chúng ta không còn phụ thuộc vào thu nhập quốc dân và tăng trưởng kinh tế. Thu nhập quốc dân hay tăng trưởng là vấn đề rất quan trọng đối với những nước nghèo hơn, nhưng không phải ở những nước đã phát triển. Cái quan trọng là mức độ khác biệt giữa các tầng lớp trong xã hội, và chúng ta đứng ở vị trí nào so với những người khác. Tôi sẽ tiếp tục cho các bạn xem một chỉ số khác. Đó là niềm tin. Chỉ số này đơn giản chỉ là tỉ lệ dân số đồng ý rằng đa số mọi người xung quanh đều đáng tin. Nó đến từ cuộc khảo sát World Values Survey. Bạn thấy đó, ở những quốc gia bất bình đẳng, chỉ có khoảng 15% người được hỏi trả lời rằng họ tin cậy những người xung quanh. Trong khi ở các xã hội bình đẳng, con số này là 60 tới 65%. Và nếu bạn nhìn vào mức độ tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng hoặc vốn xã hội, tồn tại một mối quan hệ tương tự với sự bất bình đẳng.
ted_09.png
Tôi phải nói là, chúng tôi đã lặp lại so sánh này hai lần. Đầu tiên là với những đất nước phát triển và giàu có này, và sau đó như một thí nghiệm độc lập khác, chúng tôi làm lại trên 50 bang Hoa Kỳ -- hỏi chung một câu hỏi: liệu những bang mà bất bình đẳng hơn có những tiêu chí trên kém hơn hay không? Đây là tiêu chí "niềm tin" từ một cuộc khảo sát chung của chính quyền liên bang liên quan đến sự bất bình đẳng. [Chúng ta thấy] Sự phân bố tương tự theo thang đo niềm tin tương tự. Kết luận trước kia lại lặp lại. Nói một cách khác, chúng tôi nhận ra rằng chính cái liên quan đến niềm tin trên bình diện quốc tế thì cũng liên quan đến niềm tin trong 50 bang này trong cách thức kiểm tra riêng biệt. Chúng tôi không hề nói về một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
ted_010.png
Đây là bệnh tâm thần. WHO tổng hợp lại các con số từ cùng một kiểu phỏng vấn chẩn đoán trên những mẫu ngẫu nhiên trong đất nước, và các con số này cho phép chúng tôi so sánh tỉ lệ bệnh tâm thần tại mỗi quốc gia. Đây là tỉ lệ dân số với bất kỳ triệu chứng tâm thần nào trong năm trước. Và tỉ lệ này đi từ khoảng tám phần trăm lên tới gấp ba lần -- tức là có những xã hội mà tỷ lệ bệnh tâm thần cao gấp ba so với các xã hội khác. Và một lần nữa, con số này gắn liền với sự bất bình đẳng.
ted_011.png
ted_012.png
ted_013.png
Đây là về bạo lực. Các chấm đỏ là các bang của Hoa Kỳ, và các tam giác xanh là các tỉnh của Canada. Hãy nhìn vào mức độ khác biệt: Có nơi chỉ có 15 án giết người trên một triệu dân, nhưng có nơi khác lên đến 150 án giết người trên một triệu dân. Còn đây là tỉ lệ dân số ngồi tù. Sự khác nhau khoảng mười lần, đồ thị tăng theo hàm mũ. Nó đi từ khoảng 40 lên 400 người ngồi tù (trên 100.000 dân). Mối quan hệ đó không phải chủ yếu bởi vì có nơi có nhiều tội phạm hơn. Ở một số nơi thì tội phạm là một phần của nó rồi. Mà chủ yếu là vì có nhiều bản án trừng phạt hơn, khắt khe hơn. Và xã hội càng bất bình đẳng thì dường như càng duy trì án tử hình. Đây chúng ta có tỷ lệ học sinh trung học bỏ học. Lại một khác biệt khá lớn. Đó một sự thiệt hại rất khủng khiếp, nếu như bạn đang nói về sử dụng nhân tài trong nhân dân.
ted_014.png
Đây là mức độ linh động xã hội. Nó thật ra là thước đo sự linh động trong sự thay đổi tầng lớp dựa trên thu nhập. Về cơ bản, nó đặt câu hỏi: liệu những người cha giàu sẽ có những đứa con giàu và những người cha nghèo sẽ có những đứa con nghèo, hay không có mối liên hệ nào giữa họ cả? Và ở phía bất bình đẳng hơn, thu nhập của người cha quan trọng hơn -- tại Anh và Mỹ. Và ở các nước Scan-di-na-vi, thu nhập của người cha ít quan trọng hơn. Mức linh động xã hội ở đây lớn hơn. Như chúng ta hay nói -- và tôi biết có rất nhiều người Mỹ trong khán phòng này -- nếu người Mỹ muốn sống giấc mơ Mỹ, thì họ nên đến Đan Mạch.(Cười)
(Vỗ tay)
ted_015.png
Tôi vừa trình bày với bạn một vài điều in nghiêng trên đây. Tôi có thể nêu lên một số các vấn đề khác nữa. Tất cả những vấn đề này có xu hướng giống nhau hơn ở tầng lớp dưới của xã hội. Nhưng có vô vàn những vấn đề với sự phân cấp xã hội càng tệ hơn nhiều ở những xã hội bất bình đẳng -- không phải là chỉ tệ hơn một chút xíu, mà phổ biến là gấp đôi đến gấp mười lần. Hãy nghĩ về cái giá mà con người phải trả vì nó.Tôi muốn quay lại biểu đồ này mà tôi đã chiếu trước đây, tại đó chúng ta tổng hợp lại để đưa ra hai điểm. Một là, trong tất cả các đồ thị, chúng ta thấy là những đất nước có điểm kém trên mọi phương diện thì thường là những nước bất bình đẳng hơn. Và ngược lại những nước được điểm tốt thường là các nước Bắc Âu và Nhật Bản. Vì thế, cái mà chúng ta đang nhìn vào là sự rối loạn chức năng xã hội nói chung liên quan đến sự bất bình đẳng. Không phải chỉ một hay hai phương diện, mà là hầu hết mọi thứ.
Điểm thật sự quan trọng khác tôi muốn trình bày trên biểu đồ này là, nếu bạn nhìn xuống phía dưới, Thụy Điển và Nhật Bản, họ là những đất nước rất khác nhau trên nhiều phương diện. Vị thế của người phụ nữ, và mức gắn bó với gia đình như thế nào, nằm ở trên hai cực đối diện trong trường hợp của các nước phát triển. Nhưng một sự khác biệt nữa cũng thật sự quan trọng là làm thế nào mà họ đạt được mức công bằng đó. Người dân Thụy Điển có thu nhập khác nhau rất lớn, và chính quyền thu hẹp khoảng cách này bằng thuế, phúc lợi cơ bản, trợ cấp hào phóng, vân vân. Nhật Bản thì lại khác. Khoảng cách trong thu nhập trước thuế của người dân nhỏ hơn nhiều. Họ có thuế thấp hơn. Phúc lợi xã hội ít hơn. Và trong những phân tích của chúng tôi với các bang Hoa Kỳ, chúng tôi cũng tìm thấy sự tương phản như vậy. Một số bang làm rất tốt qua việc phân phối lại, một số bang làm cũng tốt vì họ có khoảng cách trong thu nhập trước thuế nhỏ hơn. Nên chúng tôi kết luận là vấn đề không phải là đạt được sự bình đẳng như thế nào, mà miễn là bạn làm sao đạt được bình đẳng xã hội.
Tôi không nói về sự bình đẳng hoàn hảo, tôi đang nói về những gì đang xảy ra ở các nền dân chủ phát triển giàu có. Một phần thực sự bất ngờ khác của bức tranh là không chỉ những người nghèo mới bị ảnh hưởng bởi sự bất bình đẳng. Có vẻ John Donne đã đúng khi nói "không ai sống ở trên một ốc đảo cả". Và trong một số nghiên cứu, chúng tôi có thể so sánh các tầng lớp khác nhau trong xã hội làm ăn ra sao ở một số quốc gia có trình độ phát triển tương đương nhau. Đây là một ví dụ. Tỷ lệ trẻ tử vong. Một số anh bạn Thụy Điển tốt bụng đã phân loại rất nhiều các con số trẻ tử vong theo chuẩn phân loại kinh tế - xã hội của nước Anh. Tức là phân loại theo nghề nghiệp của người cha, và bà mẹ độc thân đứng một cột riêng. Tầng lớp mà người ta gọi là "tầng lớp xã hội thấp" là những người bố lao động chân tay không có chuyên môn. Tiến tới các nghề lao động chân tay có chuyên môn ở tầng lớp giữa. Rồi lao động trí óc, lên mức cao hơn là các nghề nghiệp chuyên môn -- bác sĩ, luật sư, giám đốc các công ty lớn.
ted_016.png
Bạn thấy là ở Thụy Điển chỉ số này tốt hơn Anh trên tất cả các phân lớp xã hội. Khác nhau lớn nhất là ở đáy của xã hội. Nhưng ngay cả tầng lớp trên vẫn có lợi khi được sống trong một xã hội bình đẳng hơn. Chúng tôi đưa ra điều này dựa trên năm bộ dữ liệu khác nhau bao gồm kết quả giáo dục và sức khỏe trong nước Mỹ và trên toàn thế giới. Đó có vẻ là bức tranh chung -- sự bình đẳng làm nên khác biệt lớn nhất ở tầng lớp dưới của xã hội, nhưng cũng đem lại lợi ích cả ở tầng lớp trên.Tôi nên nói một chút về những gì đang diễn ra. Tôi nghĩ tôi đang nhìn vào và nói về ảnh hưởng tâm lý xã hội của sự bất bình đẳng. Nó liên quan nhiều đến cảm giác ưu việt và thấp kém, đến việc được đánh giá cao hoặc thấp, được tôn trọng và không tôn trọng. Và đương nhiên, từ đó dẫn đến cảm giác cạnh tranh thứ hạng xã hội, thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng trong xã hội chúng ta. Nó cũng dẫn tới sự bất an về thứ hạng xã hội. Chúng ta lo lắng nhiều hơn rằng người khác sẽ đánh giá chúng ta như thế nào, liệu họ có nghĩ chúng ta hấp dẫn, thông minh, giàu có hay đại loại như vậy không. Khi sự đánh giá của xã hội tăng lên, thì nỗi sợ hãi sự đánh giá đó càng tăng thêm.
Thú vị là, một số nghiên cứu song song trên lĩnh vực tâm lý xã hội: một số người đã xem xét 208 nghiên cứu khác nhau trong đó tình nguyện viên được mời vào một phòng thí nghiệm tâm lý để đo các thông số về hooc-môn stress, những phản ứng của họ khi làm làm các thao tác khó... Tổng kết lại, điều mà họ quan tâm theo dõi là kiểu stress nào sẽ làm tăng cao mức cortisol, hooc-môn stress trung ương. Và kết luận là những thao tác có thể dẫn đến sự đánh giá xã hội -- đe dọa đến lòng tự trọng hoặc vị thế xã hội, tại đó người khác có thể đánh giá khả năng của bạn một cách tiêu cực. Kiểu stress này có tác động rất đặc thù lên sinh lý cơ thể.
Chúng tôi cũng đã bị chỉ trích. Dĩ nhiên, sẽ có người không thích chủ đề này và cũng có người thấy nó thật bất ngờ. Tôi nên nói với bạn rằng có người chỉ trích chúng tôi đã cố tình lựa chọn các dữ liệu, nhưng chúng tôi chẳng bao giờ lựa chọn dữ liệu cả. Chúng tôi có một quy tắc tuyệt đối là nếu nguồn dữ liệu của chúng tôi cung cấp dữ liệu về một nước mà chúng tôi đang quan tâm, thì dữ liệu sẽ được đưa vào quá trình phân tích. Nguồn cung cấp dữ liệu này sẽ quyết đinh liệu dữ liệu có tin cậy không, không phải chúng tôi. Nếu không như vậy sẽ sinh ra thành kiến.
Vậy còn với các nước khác thì sao? [Chúng tôi] Có 200 nghiên cứu về sức khỏe trong quan hệ với thu nhập và sự bình đẳng trên những tạp chí khoa học có cơ chế bình duyệt (peer-review). Nghiên cứu của chúng tôi không phải chỉ giới hạn ở các nước được giới thiệu ở đây. Những đất nước giống nhau, cùng một mức độ bất bình đẳng, thì các vấn đề nối tiếp nhau. Tại sao chúng ta không kiểm soát các nhân tố khác? Chúng tôi vừa cho bạn thấy là thu nhập bình quân trên đầu người chẳng tác động gì nhiều. Một số nước sử dụng những cách thức phức tạp để cải thiện đói nghèo và giáo dục, và tương tự.
Thế nguyên nhân là gì? Những mối liên hệ trên bản thân chúng không chứng minh được nguyên nhân. Chúng tôi cũng dành một chút thời gian nghiên cứu. Và thật ra, mọi người đã biết khá rõ nguyên nhân của một số hậu quả rồi. Sự thay đổi lớn trong hiểu biết của chúng ta về các bệnh mãn tính trong các nước phát triển là stress kinh niên từ các nguyên nhân xã hội ảnh hưởng như thế nào đến hệ miễn dịch, và hệ tim mạch. Ví dụ, lý do mà bạo lực phổ biến hơn ở các xã hội bất bình đẳng là bởi vì nhiều người mong muốn được để ý như kẻ mạnh.
Để đối phó với điều này, thì chúng ta phải đối phó với vấn đề thuế, cả trước-thuế và sau-thuế. Chúng ta phải kiềm chế thu nhập và văn hóa hưởng thụ của những người giàu. Tôi nghĩ chúng ta phải khiến các ông chủ có trách nhiệm với nhân viên của mình theo một cách nào đó. Tôi nghĩ thông điệp đáng quý ở đây là chúng ta có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của con người bằng cách giảm cách biệt trong thu nhập giữa chúng ta. Và thật bất ngờ chúng ta có ngay giải pháp cho hạnh phúc của toàn xã hội, và nó thật tuyệt vời.
Cảm ơn.
(Vỗ tay)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét