Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Có tiền cũng không đi nhà hàng

Mình không có cảm tình với bà Lan (và rất ghét Phòng Công nghiệp và Thương mại VN nơi bà công tác trước đây) nhưng đọc bài trả lời phỏng vấn này của bà mình thích vì đó cũng là cách sống "cổ điển" của mình. Tiếc rằng cách sống này dường như không thích hợp với thời buổi hiện đại: Đàn ông gì mà thích đi chợ, tiết kiệm từng hạt gạo, giọt nước, kwh điện và nhất là tiết kiệm... tiền !!!

Chuyên gia Phạm Chi Lan:
Có tiền cũng không đi nhà hàng

- Dăm lần bảy lượt hẹn hò tôi mới thu xếp gặp được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Tôi cứ tưởng nghỉ hưu rồi thì bà thiếu gì thời gian, nhưng không phải. Thời gian với bà vẫn là một cuộc chạy đua không ngừng nghỉ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
 
Tôi không là tỷ phú thời gian
Gần như bất cứ lúc nào tôi gọi điện đến bà cũng đang bận. Bận họp, bận phỏng vấn, bận viết bài, bận nấu ăn, bận chăm cháu... Phải "nể cô lắm vì cứ gọi điện mãi" (theo lời bà nói) thì tôi mới hẹn gặp được bà trong căn nhà ấm áp cạnh Hồ Tây. Vẫn dáng người nhỏ nhắn thanh thoát, giọng nói êm đềm như gió thoảng, bà tiếp tôi trong một buổi sáng trời Hà Nội đầy sương.
 
Bà bảo: Lúc nào tôi cũng có nhiều việc quá. Giờ đã 70 tuổi về hưu cả chục năm rồi mà vẫn làm việc đến 12h, có hôm còn muộn hơn. Nếu chỉ quan tâm đến bản thân mình thì có lẽ tôi sẽ rất nhàn. Tôi sẽ dành thời gian đọc truyện, nghe nhạc, xem triển lãm tranh, thăm thú du lịch đây đó, chùa chiền... nhưng tôi thì không có quỹ thời gian cho những sở thích như vậy.

"Tôi vẫn nghiên cứu về thị trường, giá cả. Viết bài tham luận cho các hội thảo, hội nghị, giúp đỡ thông tin cho các doanh nghiệp nếu họ nhờ giúp. Ngoài ra, tôi có một gia đình, các con các cháu cần chăm sóc. Lúc nào tôi cũng thấy thiếu thời gian lắm. Lúc nào tôi cũng ước gì tôi có nhiều thời gian hơn.
 
Nhiều người cứ bảo trông tôi thong dong thế, chắc không bao giờ bận rộn. Nhưng họ nhầm. Cái sự tất bật của tôi lúc nào cũng âm thầm. Tôi làm rất nhiều việc nhưng tôi không bao giờ ca thán. Rồi người ta lại bảo người về hưu là tỷ phú thời gian, nhưng tôi thì không. Cái bề ngoài nhỏ bé mảnh dẻ nhỏ nhẹ của tôi không nói lên điều đó", bà chia sẻ.

Bà bảo, nghỉ hưu rồi nên bà có cái quyền từ chối. Lúc mới nghỉ hưu, nhiều doanh nghiệp mời bà về làm việc nhưng bà từ chối. Giờ cũng có nhiều người nhờ cậy này nọ nhưng bà từ chối. Đơn giản vì dù có thiếu thời gian với công việc thì cũng không được phép thiếu thời gian cho gia đình.

Hiểu về giá qua cô bán rau

Dù có bận đến mấy, sáng nào tôi cũng đi chợ. Một phần là để lo cơm nước trong gia đình, phần khác vì tôi coi đó là nơi để tôi hiểu biết về sự biến chuyển của cuộc sống. Biến động về giá cả, lạm phát, cung cầu, thị hiếu mua sắm... đều thể hiện hết chỉ ở một cái chợ cóc.
 
Có những thứ  không có nhu cầu mua nhưng tôi vẫn muốn xem xem giá cả đang biến động như thế nào. Nhìn vào đó là có thể thấy những vấn đề của lạm phát. Hay quan sát người khác mua để thấy sức mua của người dân ra sao. Qua đó có được chiêm nghiệm thực tế để nghiên cứu các vấn đề chung.

Những người bán rau thường để lại "thông tin" và cũng ấn tượng nhất với bà. Ví dụ như giá rau đang bình thường bỗng nhiên đắt hơn là các cô ấy than thở ngay: “Hôm nay rau nó lên đắt quá cô ạ. Giá hôm nay nó là như thế này chứ không phải là cháu bán đắt cho cô đâu. Mấy hôm nữa giá nó xuống thì cháu lại bán rẻ cô nhé".
 
Họ là những người lao động nắm rõ sự biến động giá cả. Qua cô bán rau tôi có thể hiểu thực trạng nền kinh tế đang như thế nào. Chợ là nơi hội tụ của nhiều cảnh đời, là nơi kiếm sống của nhiều gia đình và cũng thể hiện nấc thang giá nói chung của xã hội. Tôi luôn biết ơn những người bán hàng đã cho tôi những bài học sống động hàng ngày, để từ đó soi vào các tham luận, nghiên cứu về thị trường và đề xuất các giải pháp tháo gỡ kinh tế phù hợp.

Tôi hỏi, có bao giờ gặp cảnh bị bắt chẹt về giá? Bà bảo không nhiều. Chỉ thỉnh thoảng đi taxi thì bị ăn gian do quãng đường mình hay đi mà giá nó đắt hẳn lên. Còn người lao động ở chợ thì họ không làm thế.

Ghét nhất sự lãng phí

Chuyên môn phân tích kinh tế phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống riêng. Bà giáo dục cho con cháu thói quen chi tiêu tiết kiệm và ý thức quý trọng đồng tiền mình làm ra. Thức ăn trong nhà không bao giờ để thừa thãi. Khi nào gia đình cần tụ họp gì đó thì đi chợ mua đồ về tự nấu nướng lấy. Không phải là vì không có tiền, nhưng việc cả gia đình đi ăn nhà hàng là rất hiếm hoi.

"Tôi đã trải qua thời kỳ bao cấp khó khăn vất vả rồi nên hiểu rõ đồng tiền mình làm ra nó giá trị thế nào. Thời bây giờ giới trẻ kiếm tiền có vẻ dễ hơn nhưng cũng vẫn phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, bạc tóc rất nhanh. Tiêu tiền mình cũng phải cân nhắc.
 
Cái tôi thấy ghét nhất là sự lãng phí, kể cả trong sinh hoạt gia đình. Tôi giáo dục cho các cháu cả cách rửa tay như thế nào cho tiết kiệm nước. Tiền nước có thể không đáng bao nhiêu nhưng giọt  nước giờ trong điều kiện xã hội cũng có ý nghĩa. Mình có nước sạch để dùng thì mình cũng nghĩ đến người không có nước sạch để dùng", bà phân trần.

Trở lại với cơn "bão giá" đang là vấn đề thời sự nóng hổi, bà trầm tư: Tôi buồn và lo. Buồn không phải cho mình. Nhưng từ mình mà có thể suy ra đời sống của những người dân khác. Ví dụ như lương hưu của tôi mấy năm trước đủ để tôi sống khá thoải mái nhưng giờ thì khác. Nó trở nên chật hẹp hơn rất nhiều so với nhu cầu tiêu dùng.
 
Nhưng buồn chung cho người khác. Về các vùng nông thôn miền núi, tôi thấy đời sống của bà con còn khó khăn lắm. Mỗi lần trượt giá như thế này, dù ngồi ở Hà Nội, trong đầu tôi  lại ngay lập tức là hình ảnh những con người còn quá khó khăn. Mình còn thấy khó thì không hiểu họ khó đến đâu.

Nếu nhìn vào vài người thì bi quan lắm!

Tôi băn khoăn, phải chăng cái việc kìm chế lạm phát đó nó khó quá? Bà cho rằng đương nhiên đó là việc khó, nhưng không phải đến mức không thể khắc phục được. Nếu như lãnh đạo của mình làm một cách căn cơ hơn như các đề xuất được đưa ra thì có lẽ nó không đến nỗi như thế. "Tôi cho rằng là nếu như ở các nước khác thì sẽ phải có một loạt người phải từ chức, chịu trách nhiệm.

Chứ không có chuyện cứ tuyên bố tôi xin chịu trách nhiệm nhưng thực tế thì tôi không chịu trách nhiệm bất cứ cái gì. Chức vẫn đấy, lương vẫn đấy, bổng vẫn đấy, quyền lực vẫn đấy thì không thể nói tôi chịu trách nhiệm được. Ở các nước, chỉ cần có một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng là bộ trưởng từ chức luôn rồi, dù có phải lỗi của người ta hay không. Điều này có thể khẳng định văn hóa bản lĩnh, bản lĩnh chính trị của người ta cao hơn. Rõ ràng đạo đức công chức của người ta cũng tốt hơn nhiều. Nó thể hiện tự trọng, biết tôn trọng người khác. Đó cũng là một loại đạo đức", bà nhận định.

Bà bảo: "Trong cuộc sống, tôi không phải là người bi quan. Vì thực ra niềm tin của tôi dựa vào xã hội, nhìn vào đông đảo mọi người chứ không nhìn vào số ít. Chứ nhìn vào số ít thì nhiều khi bi quan thật. Một số ít có quyền hoặc có rất nhiều tiền. Hay nhìn vào cái đám cưới siêu sang vừa rồi thì đúng là bi quan quá. Thấy xã hội này quá tồi tệ. Nhưng số đông người họ vẫn miệt mài lao động cống hiến, bươn chải nuôi con cái... làm cho mình tin tưởng, lạc quan hơn".
 
Tôi không coi mình là người duy nhất thẳng thắn. Có rất nhiều người như tôi, nhưng đó vẫn cứ là số ít thôi. Khi đã nói thẳng thì đừng nghĩ đến mình. Nghĩ đến mình thì đã chẳng dám nói thẳng rồi. Bà cười thật lớn. Nói mà sợ ông này ông kia trù dập thì làm sao dám nói nữa.
Tô Hội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét